SƠN LA
TRONG CHIẾN DỊCH THƯỢNG LÀO 1953
Đặng Thị Hồng Liên - Điêu Thị Vân Anh
Chiến thắng Tây Bắc
của quân và dân Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của nhân dân
các bộ tộc Lào. Ngày 15/12/1952, Chủ tịch Mặt trận Neo Lào Ítxala Xuphanuvông gửi
điện chúc mừng quân và dân Việt Nam giành thắng lợi trong chiến dịch
Tây Bắc đã nhấn mạnh: “Tinh thần chiến đấu
anh dũng và chiến thắng của các bạn có một ảnh hưởng rất lớn đối với chúng tôi.
Trước thắng lợi và tinh thần đó, nhân dân và quân đội Lào càng thêm tin tưởng,
phấn khởi, quyết tâm và hăng hái trong nhiệm vụ chiến đấu của mình. Toàn thể
nhân dân Lào coi những thắng lợi Tây Bắc của các bạn là của bản thân mình nói
riêng, của toàn khối Việt - Miên - Lào nói chung” (1)
Ngày 2/2/1953, Tổng
Quân ủy Việt Nam thông qua phương hướng, đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phối hợp với quân và dân Lào mở chiến dịch tiến
công địch ở Sầm Nưa (Thượng Lào), nhằm
mục đích: “… Tiêu diệt một bộ phận sinh lực
địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ Kháng chiến Lào mở rộng và
xây dựng căn cứ địa chính của cách mạng Lào, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng
chiến của nhân dân Lào…”. Đối với Việt Nam, mở chiến dịch Thượng Lào sẽ “… Phân tán thêm lực lượng của địch, phá âm
mưu củng cố vùng Tây Bắc và bình định đồng bằng Bắc Bộ của chúng, tạo điều kiện
cho chiến tranh du kích ở đồng bằng và cho chiến dịch thu đông của ta. Ngoài ra
đây cũng là dịp để rèn luyện thêm cho chủ lực ta về chiến thuật và về chấp hành
chính sách quốc tế của Đảng” (2)
Lược đồ các mũi tiến công của ta trong
chiến dịch Thượng Lào, tháng 5-1953. Ảnh: baotanglichsu.vn
Trung ương Đảng,
Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt
trận Ítxala thống nhất quyết định để một số đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam
sang cùng với Quân giải phóng Pathét Lào mở chiến dịch Thượng Lào. Các đơn vị
chủ lực của ta sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong Chiến dịch Tây Bắc
tiếp tục hành quân từ Sơn La sang Lào. Trên hướng Sầm Nưa gồm có các Đại đoàn 308, 312,
một trung đoàn của Đại đoàn 316 kết hợp một số đơn vị hỏa lực
và lực lượng vũ trang Lào. Trên hướng Xiêng Khoảng, dọc và giáp các địa bàn
biên giới của ta như Điện Biên, Mộc Châu có Đại đoàn 304, Trung đoàn 148, Trung đoàn 174 và pháo cối phòng không cùng bộ đội địa phương các tỉnh Lai Châu, Sơn
La, Phú Thọ phối hợp.
Bộ Tư lệnh quân
tình nguyện chọn 60 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 234, là những người thông thạo
địa hình, giỏi tiếng Lào và có kinh nghiệm chiến đấu, phối hợp giúp đỡ quân báo
của Bộ Tổng Tư lệnh, thâm nhập điều tra các vị trí địch ở thị xã Sầm Nưa. Bộ Tư
lệnh quân Tình nguyện phối hợp với bạn, chỉ thị cho các địa phương, đơn vị đẩy
mạnh công tác vận động quần chúng xây dựng cơ sở, củng cố phát triển các lực lượng
vũ trang bạn, thúc đẩy chiến tranh du kích ở các vùng trọng điểm, nhằm phát huy cao
nhất mọi khả năng của địa phương, phục vụ tốt các yêu cầu của chiến dịch. Khu vực
tập trung làm công tác chuẩn bị là huyện Xiềng Khọ, giáp Tây Bắc Việt Nam và dọc
theo trục đường Xốp Hào - Sầm Nưa; tổ chức các đoàn công tác đặc biệt nắm tình
hình, chuẩn bị cơ sở ở 3 huyện Mường Xôi, Sầm Tớ, Húa Mường thuộc tỉnh Hủa
Phăn… những nơi quân tình nguyện có khả năng đảm nhiệm phối hợp với các đại
đoàn chủ lực của ta sang.
Ngày 8/4/1953,
quân ta chính thức tấn công địch theo 3 cánh, cánh chủ yếu là Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và một bộ phận Đại đoàn 316 từ Mộc Châu tiến đánh Sầm
Nưa - tập đoàn cứ điểm chủ yếu của chiến dịch. Quân tình nguyện thuộc Đoàn 80 ở
tỉnh Hủa Phăn có 2 đại đội tập trung, 4 đại đội độc lập và 4 trung đội vũ trang
tuyên truyền. Các lực lượng vũ trang của bạn Lào tham gia có khoảng 500 bộ đội
địa phương, trong đó có một đại đội tập trung của tỉnh. Ngoài ra còn có lực lượng
dân quân du kích hai huyện Xiềng Khọ và Mường Xon. Cùng với hướng chính là các
hướng thứ yếu ở Xiêng Khoảng, hướng phối hợp ở khu vực sông Nậm U thuộc tỉnh
Luông Pha Băng. Đối mặt với các lực lượng của ta ở cả 3 hướng, về phía địch có
4 tiểu đoàn quân chiếm đóng (5,6,7,8) và 1 đại đội Lê dương; quân cơ động có 3
tiểu đoàn, gồm tiểu đoàn dù 1 Lào (1e
BPL); tiểu đoàn 2 và 3, Trung đoàn bộ binh số 3 (2/3e
REI) và 1 Trung đội Lê dương.
Trước thế bị uy hiếp,
đêm 12/4/1953, địch buộc phải rút chạy khỏi Sầm Nưa. Liên quân Lào - Việt nhanh
chóng chuyển sang truy kích. Khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, bộ đội ta và
quân giải phóng Lào đã truy kích địch suốt 7 ngày, 7 đêm, vượt qua một chặng đường
dài 270 km ở một vùng núi hiểm trở tiêu diệt gần hết 3 tiểu đoàn địch; toàn bộ bộ máy ngụy quyền của
chúng ở Sầm Nưa bị tóm gọn. Hướng đường số 7, sau khi tiêu diệt đồn Noọng Hét,
ta tiến vào giải phóng bản Ban, Xiêng Khoảng. Ở hướng Nậm Hu, quân ta tiêu diệt
địch ở những vị trí quan trọng như Pak Seng, Mường Ngòi, Nậm Bạc, Mường Khoa,
giải phóng khu vực sông Nậm Hu. Ngày 3/5/1953, chiến dịch kết thúc. Qua gần một
tháng chiến đấu, liên quân Lào - Việt đã giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một
phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Sa Lỳ với trên 40.000 km2, 30 vạn
dân; diệt và bắt trên 4.000 tên địch (bằng 1/5 tổng quân số địch
hiện có ở Lào). Căn cứ kháng chiến của bạn Lào được mở rộng
và nối liền với vùng Tây Bắc của Việt Nam, uy hiếp trực tiếp tới địa bàn chiếm đóng của thực dân Pháp; đồng thời mở ra một hướng mới cho sự phối
hợp chiến trường giữa hai nước. Quân Pháp rút khỏi Sầm Nưa, cửa ngõ vào Thượng
Lào bị bỏ trống, mất bàn đạp để uy hiếp vùng tự do của ta ở Tây Bắc; bỏ một vị
trí quan trọng trên phòng tuyến phía Tây của chúng, do đó làm cho các
tập đoàn cứ điểm của địch ở Nà Sản bị cô lập hơn trước.
Trong chiến dịch
Thượng Lào, quân dân Sơn La cùng với các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu, Yên Bái, Phú
Thọ, Vĩnh Phúc) đã tập trung huy động
34.650 dân công phục vụ từ trung tuyến đến hỏa tuyến (bằng 1.732.000 ngày
công), 85 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa thồ làm công tác vận chuyển; đã
cung cấp 4.975 tấn gạo, 140 con trâu 2.200 con bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau
khô và 12 tấn đường cho chiến dịch.
(3)
Quân, dân Sơn La vừa chiến đấu vừa xây
dựng, lực lượng vũ trang càng đánh càng trưởng thành mau chóng. Đầu năm 1953
Sơn La mới có 2 đại đội chủ lực tỉnh, các huyện có từ 1 đến 2 trung đội, đến đầu
năm 1954 đã xây dựng được 1 tiểu đoàn độc lập, mỗi huyện có một đại đội. Đặc biệt,
ở Sơn La có nhiều cơ sở dân quân du kích phát triển mạnh, hoạt động tốt, đó là:
Long Hẹ, Co Tòng, Khu Mèo 99, Mường La, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu… Lực
lượng vũ trang tỉnh Sơn La đã có những đóng góp quan trọng cùng với bộ đội chủ lực và quân tình nguyện Việt
Nam làm nên chiến thắng Thượng Lào.
Trước thất bại to
lớn ở Thượng Lào và trước những thất bại liên tiếp trong các cuộc càn quét, lấn
chiếm và gây phỉ trên chiến trường Tây Bắc, thực dân Pháp càng bị dồn vào thế bị
động, lúng túng. Ngày 12/8/1953, Nava quyết định rút toàn bộ binh lực của Pháp
tại Nà Sản (gồm 6 tiểu đoàn cơ động)
về tập trung ở đồng bằng. Cuộc rút lui khỏi Nà Sản là một thất bại của thực dân
Pháp trong âm mưu chiếm giữ Tây Bắc và củng cố Thượng Lào, đồng thời lại là một
hành động nằm trong âm mưu mới của địch, trong kế hoạch quân sự của Na va.
Có thể nói, thắng
lợi của chiến dịch Thượng Lào là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu giữa
quân và dân hai nước Việt - Lào anh em, đặc biệt là nhân dân hai bên biên giới,
trong đó có Sơn La, Hủa Phăn. Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đã tạo nên một
cục diện mới cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào. Với thắng lợi của
chiến dịch này, quân và dân Lào có điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển
Sầm Nưa trở thành trung tâm căn cứ địa trung ương, hậu phương kháng chiến của cả
nước Lào, nối thông với nhiều vùng tự do của Việt Nam, tạo thành thế uy hiếp mới
đối với thực dân Pháp, đẩy chúng lún sâu vào thế bị động và phân tán binh lực.
Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào Ítxala từ đây có một hậu cứ vững chắc
trong nước để hoạt động. Quân đội Lào Ítxala có một hậu phương lớn để đứng
chân, xây dựng và phát triển lực lượng.
Trong chiến dịch
Thượng Lào, liên quân Việt - Lào đã sát cánh chiến đấu kiên cường, dũng cảm,
giành thắng lợi vang dội, tạo nên thế và lực mới cho cách mạng Lào. Trong chiến
dịch này, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc nói
chung, Sơn La nói riêng đã có những đóng góp to lớn, cùng với những đơn vị trực
tiếp chiến đấu làm tròn nghĩa vụ vẻ vang của một hậu phương trực tiếp chi viện
cho chiến trường.
Thắng lợi của tình
đoàn kết, chiến đấu trong chiến dịch Thượng Lào cũng chính là một trong những
tiền đề để quân và dân ta đánh thắng giặc Pháp trong Chiến dịch Đông -
Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lập
lại hòa bình ở Đông Dương.
Chú thích:
T.S Đặng Thị Hồng Liên, Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Đại học Tây Bắc.