Sơn La thực hiện nhiệm vụ quốc tế, chi viện cho cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975)
SƠN LA THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUỐC TẾ, CHI VIỆN CHO CÁCH MẠNG LÀO TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954 – 1975)
Cao Thị Quỳnh
Trường Chính trị tỉnh Sơn La
Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào bắt nguồn từ vị trí địa – chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập, tự chủ và nguyện vọng chính đáng thiết tha về hòa bình và phát triển. Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945) và Chính phủ Lào Ít-xa-la (ngày 12-10-1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước lên tầm liên minh chiến đấu. Xác định Đông Dương là một chiến trường, trong suốt quá trình chiến chống kẻ thù chung, từ năm 1945 đến năm 1975, Đảng ta luôn chủ trương nhất thiết phải liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa vì lợp ích của mỗi quốc gia, như lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”.
Trong mối quan hệ đặc biệt đó, với 250km đường biên giới Sơn La – Hủa Phăn và Luông Phabăng (Lào), Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc Sơn La luôn luôn chú trọng làm trọn nghĩa vụ quốc tế của mình, gắng sức củng cố và xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị, hết sức chi viện cho cách mạng và nhân dân bạn, đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Sơn La có 5 huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Sốp Cộp (Huyện mới thành lập theo Nghị định số 148/2003/NĐ-CP ngày 2 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ) có đường biên giới giáp ranh với 4 huyện của hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của Lào. Tuyến biên giới này là một hướng chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Sơn La xác định giúp đỡ cách mạng Lào không những là nghĩa vụ quốc tế mà còn là sự phối hợp cần thiết có tác dụng quan trọng đánh địch từ xa, đẩy địch ra xa biên giới, tạo hành lang bảo vệ sự ổn định của tỉnh. Chính vì vậy, mặc dù khả năng có hạn và lại phải tiến hành cuộc chiến đấu quyết liệt chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ từ năm 1965, nhưng Đảng bộ Sơn La đã lãnh đạo quân dân trong tỉnh quyết tâm đem hết sức mình để thi hành nhiệm vụ quốc tế, ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với nhân dân các dân tộc 2 tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng.
Hoạt động chi viện, giúp đỡ cách mạng Lào của quân dân Sơn La trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ có dấu ấn rõ nét từ khoảng những năm 60 của thế kỉ XX. Trong những năm 1963-1965, lực lượng vũ trang Sơn La đã giúp phía bạn bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, các căn cứ đầu não của Lào, tổ chức chiến đấu nhiều trận chống bọn phái hữu lấn chiếm để bảo vệ vùng giải phóng, đấu tranh chống gián điệp, biệt kích của Mỹ và lực lượng tay sai, phản động trong “Liên bang Thái” lưu vong, mượn đất Lào để phá hoại cách mạng hai nước. Các đội công tác cơ sở của lực lượng vũ trang Sơn La giúp bạn hoạt động ở các hướng quan trọng như Pa Thí, Cà Đưa, Kha Mun, Hua Mức, Nà Lầm… trên tinh thần đoàn kết, tôn trọng chủ quyền và từng bước bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ của bạn trưởng thành.
Năm 1966, quân đội phái hữu Lào dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ lấn chiếm những vùng do Pa-thét Lào kiểm soát ở Nậm Bạc, lập phòng tuyến án ngữ phía Bắc kinh đô Luông Pha Băng, uy hiếp vùng giải phóng Lào (trong đó có tỉnh Sầm Nưa – Hủa Phăn giáp tỉnh Sơn La). Ngày 1/2/1967, theo đề nghị của tỉnh ủy Sầm Nưa – Hủa Phăn, tỉnh Sơn La thành lập Ban Miền Tây – là cơ quan chuyên trách làm công tác giúp Lào. Đầu năm 1966, tiểu đoàn 428, 2 đại đội 405 và 406 của hai huyện Mộc Châu và Yên Châu đã được cử sang Hủa Phăn phối hợp với quân dân bạn đánh địch. Ban Miền Tây còn cử các đội công tác, trong đó có một trung đội công an vũ trang sang giúp bạn công tác trị an, xây dựng cơ sở cách mạng; cung cấp cho phía bạn hàng ngàn tấn giống lương thực, hàng hóa để ổn định đời sống và phát triển sản xuất ở vùng giải phóng, đẩy lùi khả năng chống phá và lấn chiếm của địch ở khu vực giáp ranh biên giới hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn.
Bước vào mùa mưa những năm 1969 – 1970, lợi dụng lúc quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng Pa-thét Lào gặp khó khăn về vận chuyển, tiếp tế do mưa lũ, dựa vào ưu thế của không quân, Mỹ và tay sai tiến hành dồn dân, bắt lính, phá hoại các kho tàng, cơ sở sản xuất của phía bạn Lào. Đồng thời cũng là để tạo địa bàn ngăn chặn cuộc tiến công mùa khô sắp tới của quân ta. Mỹ lập ra Bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp ngụy Sài Gòn – Lào – Thái Lan, viện trợ phát triển phỉ Vàng Pao thành một lực lượng đặc biệt đóng vai trò xung kích, tạo lá chắn và uy hiếp miền Bắc nước ta nhằm hạn chế chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Thực hiện âm mưu đó, chúng xây dựng các cụm phỉ ở căn cứ quân sự lớn: Pa Thí, Noong Khạng, Mường Son, Pa Hoóng. Các lực lượng này liên tiếp mở các cuộc tiến công lấn chiếm vùng Xiềng Khọ, Hứa Mường, Mường Hiềm, uy hiếp Sầm Nưa – căn cứ đầu não kháng chiến của Pa-thét Lào, tạo địa bàn để xâm nhập biên giới nước ta mà trực tiếp là Sơn La. Mặt khác, chúng xây dựng Cánh đồng Chum thành một tập đoàn cứ điểm, sào huyệt của phỉ Vàng Pao, do Mỹ chỉ huy, âm mưu chiếm đóng Mường Son, phát triển các cụm phỉ thành một hành lang liên hoàn chạy dọc sông Nậm Ét, tạo bàn đạp chống phá Việt Nam. Cuối tháng 1 năm 1966, theo đề nghị của bạn, thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Tư lệnh quân khu Tây Bắc và Tỉnh ủy Sơn La quyết định phối hợp với quân đội của Chính phủ kháng chiến Lào mở chiến dịch tiến công để giải phóng các căn cứ phỉ ở Pa Thí – Xiềng Khọ - Mường Son. Đầu tháng 2 năm 1966, sau khi hành quân vượt qua hàng trăm suối sâu, đèo cao, ta và bạn đã đến vị trí tập kết theo kế hoạch và bắt đầu tiến công địch. Qua 20 ngày chiến đấu (từ ngày 2-2 đến 22-2), ta hoàn toàn làm chủ các cứ điểm Pun Gan, Pa Kha, Pu Kong, giải phóng toàn bộ huyện Xiềng Khọ. Để đập tan cụm cứ điểm Pa Thí, Bộ Tổng Tư lệnh giao cho quân khu Tây Bắc mở chiến dịch mang mật danh SK bắt đầu từ ngày 19-4- 1966 với lực lượng chiến đấu gồm 3 thứ quân: bộ đội chủ lực của quân khu, bộ đội địa phương của Sơn La, bộ đội và dân quân của bạn Lào. Sau 10 ngày chiến đấu quyết liệt, đến ngày 29-4-1966, ta và bạn đã hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm Pa Thí, giải phóng Noong Khạng và 4 huyện: Xiềng Khọ, Hủa Mường, Mường Khăm, Mường Hiềm, mở thông đường số 6 đoạn Sầm Nưa đi bản Ban, đập tan các bàn đạp của địch dùng để lấn chiếm vùng căn cứ kháng chiến của Lào. Âm mưu xây dựng khu vực này thành căn cứ quân sự lớn ở Bắc Lào nhằm tiến hành chiến tranh xâm lược miền Bắc Việt Nam của Mỹ bị phá sản. Chiến thắng này đã khẳng định bước trưởng thành về khả năng chiến đấu hợp đồng ba thứ quân, khả năng tác chiến độc lập xa hậu phương của bộ đội địa phương tỉnh Sơn La cũng như thể hiện tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa quân dân hai tỉnh Sơn La – Hủa Phăn.
Sau chiến dịch, theo yêu cầu của bạn, bộ đội địa phương Sơn La tiếp tục chiến đấu giải phóng Mường Son. Mặc dù Noong Khạng đã được giải phóng nhưng bạn vẫn yêu cầu ta lưu lại một lực lượng để bảo vệ chính quyền. Đại đội 3 tiểu đoàn 428 ở lại làm nhiệm vụ, còn lại hành quân về Sốp Cộp (Sông Mã) chuẩn bị đánh Mường Son. Ngày 6-5-1966, quân ta đồng loạt nổ súng vào các cứ điểm Pa Lang, Keo Pau, Son Nưa, Pu Huột, giải phóng Nậm Loong, mở đường giải phóng Mường Son. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, đến ngày 16-7-1966, chiến sĩ tình nguyện Sơn La cùng các đơn vị bạn giải phóng hoàn toàn Mường Son và Pa Thí. Toàn bộ vùng ngoại biên đối diện Sơn La đã được giải phóng. Chính quyền cách mạng được thành lập và củng cố. Tình cảm của nhân dân Lào đối với các đơn vị tình nguyện Sơn La – Tây Bắc gắn bó mật thiết, tin yêu. Âm mưu xây dựng các căn cứ, điểm tiền tiêu để làm bàn đạp lấn chiếm Sầm Nưa – Phong Sa Lỳ - Luông Pha Băng của địch bị thất bại.
Để chuẩn bị lực lượng đáp ứng kịp thời cho các chiến dịch tiếp theo trên chiến trường Bắc Lào, tỉnh Sơn La đã đưa một số đơn vị dân quân tự vệ thuộc các huyện Mộc Châu – Yên Châu – Mai Sơn – Thuận Châu, thành lập 1 tiểu đoàn dân quân hỏa tuyến của Sơn La tham gia phục vụ tiền tuyến, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm trên 4 tuyến đường chính Pắc Nưa – Hát Xa, Thèn Khen, K3 – K5 – K7 – K9 Pắc Bắc đi Mường Bươn, Huổi Ve. Từ năm 1967, trong quá trình phục vụ chiến đấu trên chiến trường Bắc Lào, tiểu đoàn đã thực hiện vận chuyển với tổng số 10.483 ngày công; vận chuyển 277.549 kg hàng hóa, vũ khí đạn dược. Ngoài ra còn làm được 1.150 hầm hố, sửa chữa 7 km đường phục vụ vận chuyển, làm 87 lán trại, 6 kho tàng, nhiều mảng tre vận chuyển hàng qua sông, 127 công trình bếp, nước, vệ sinh. Những đóng góp trên đã tích cực góp phần chuẩn bị tốt cho chiến dịch Nậm Bạc.
Trước những thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ cùng chính quyền phản động Lào vạch kế hoạch xây dựng khu vực Nậm Bạc thành phòng tuyến kiên cố để che chở cho Luông Pha Băng, ngăn chặn lực lượng kháng chiến Lào kéo xuống Trung và Hạ Lào, tiếp tục lấn chiếm vùng giải phóng Bắc Lào, phục hồi và phá triển phỉ Vàng Pao, uy hiếp Tây Bắc Việt Nam. Trước tình hình đó, phía bạn Lào và ta quyết định phối hợp mở chiến dịch Nậm Bạc nhằm tiêu diệt lực lượng của địch ở đây, khôi phục, củng cố và mở rộng vùng giải phóng Thượng Lào, làm so sánh lực lượng thay đổi có lợi cho kháng chiến Lào, bảo vệ hậu phương Tây Bắc Việt Nam. Bộ Tổng Tư lệnh giao cho quân khu Tây Bắc tiến hành chiến dịch Nậm Bạc. Tiểu đoàn 428 và 2 đại đội địa phương Sơn La cùng đơn vị công an vũ trang, thanh niên xung phong Sơn La được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu trong chiến dịch. Lực lượng vũ trang Sơn La và Trung đoàn chủ lực 148 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, đánh chiếm 2 cụm cứ điểm Na Nhang và Huổi Ngát nằm sâu trong tuyến phòng ngự bảo vệ khu trung tâm. Sau gần 1 tháng bao vậy, tiếp cận địch, ngày 12-1-1968, chiến dịch mở màn. Lực lượng vũ trang Sơn La nổ súng tiến công vào hướng chủ yếu của chiến dịch. Bằng lối đánh tiến công vận động, ta đã nhanh chóng tiêu diệt 100 tên địch, làm chủ các cứ điểm Na Nhang và Huổi Ngát. Các đơn vị quân khu Tây Bắc phối hợp với đơn vị bạn đã xuất sắc lập công, tiêu diệt phần lớn quân địch ở Nậm Bạc, kết thúc thắng lợi chiến dịch. Chiến thắng Nậm Bạc đã làm thất bại âm mưu của địch biến vùng này thành tuyến phòng ngự quan trọng án ngữ phía đông bắc Luông Pha Băng, làm rung chuyển vào đảo lộn hệ thống phòng ngự của địch ở Bắc Lào. Phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch Nậm Bạc, các đơn vị bộ đội và công an Sơn La còn đánh chiếm căn cứ phỉ Vàng Pao ở Pa Thí và các cụm phỉ ở Cà Đưa, Kha Mun; diệt 47 tên địch (trong đó có 8 cố vấn Mỹ), bắn bị thương 50 tên, bắt 50 tên khác. Ngày 12-3-1968, Pa Thí hoàn toàn giải phóng.
Những chiến thắng quân sự đã tạo đà để lực lượng vũ trang Sơn La giúp bạn trong việc củng cố chính quyền cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng được hơn 300 cán bộ chính quyền các cấp, kết nạp thêm 200 du kích, dìu dắt thêm 600 du kích cùng chiến đấu, xây dựng được 3 đại đội quân địa phương cho bạn, tổ chức 8 trường dạy văn hóa, 12 đội văn nghệ thôn, bản.
Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quốc tế, điển hình có sự đóng góp của quân dân huyện Sông Mã – địa bàn giáp ranh trực tiếp với Lào. Huyện Sông Mã đã huy động lực lượng dân công hỏa tuyến theo yêu cầu của tỉnh, phục vụ chiến trường Lào cho các chiến dịch, mỗi đợt từ 4 đến 6 tháng. Tổng kết chiến dịch phục vụ chiến trường C năm 1971 – 1972, quân dân Sông Mã đã đóng góp 12.724 lượt người với 556.635 ngày công, vận chuyển 1.842 tấn hàng hóa, lương thực, đạn dược, đóng góp hơn 15.000 nông cụ sản xuất cho nhân dân Lào để sản xuất tự túc.
Được Trung ương giao nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho cách mạng các tỉnh Bắc Lào, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sơn La đã đưa các đơn vị bộ đội địa phương và một số dân quân du kích sang trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Bắc Lào. Vượt qua những khó khăn khi chiến đấu ở một chiến trường có nhiều khó khăn, phức tạp, xa hậu phương, vừa phải phối hợp cùng bạn chiến đấu, giải phóng đất đai vừa phải cùng bạn xây dựng cơ sở chính trị, phát triển sản xuất, văn hóa – xã hội và xây dựng lực lượng vũ trang, được sự đùm bọc của nhân dân các bộ tộc Lào, sự hiệp đồng chặt chẽ của lực lượng bộ đội Pa-thét Lào, các lực lượng vũ trang của tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 1965 đến năm 1973, Sơn La đã huy động được gần 70 vạn ngày công và 4.000 ngựa thồ chở hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng góp phần đáp ứng yêu cầu chiến đấu trên đất bạn. Trong 8 năm (1965 – 1972), 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu đã có 106 xã điều động từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội lực lượng dân quân tự vệ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Bắc Lào cùng với lực lượng chủ lực địa phương và quân khu. Việc đưa các đơn vị vũ trang địa phương của ta sang chiến đấu ở Bắc Lào có ý nghĩa tiến công, kiềm chế, phân tán lực lượng và đánh phối hợp với các chiến trường miền Nam. Qua rèn luyện thử thách, các đơn vị đã trưởng thành và ngày càng dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Với đường biên giới hơn 250 km với nước bạn Lào, Sơn La là cầu nối quan trọng giữa cách mạng hai nước, một điểm tựa của chiến trường Bắc Lào. Trong 21 năm, Sơn La đã liên tục, bền bỉ hết sức chi viện cho cách mạng Lào, sát cánh cùng bạn tiêu diệt và đẩy lùi địch, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ cách mạng, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng, phát triển sản xuất. Suốt chiều dài lịch sử của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Sơn La có quyền tự hào về những đóng góp của mình đã góp phần vun đắp thêm sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội./.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Sơn La (1994), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, tập II (1954 – 1975), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (2004), Sơn La lịch sử kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 – 1975), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
3. Báo cáo của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La tổng kết 10 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (14-6-1978).
4. Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện chính trị - hành chính khu vực I, Khoa Lịch sử Đảng (2011), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội.