NHỮNG
THÁNG NGÀY ĐÁNG NHỚ
(Tùy
bút)
Rạng sáng ngày 30/12/1978, trên hướng thứ yếu của chiến dịch,
các đơn vị của Sư đoàn 5 bộ binh áp sát các mục tiêu được phân công và đồng loạt
nổ súng, tiến công thị xã Kratie. Trung đoàn 174 cơ động theo trục lộ 13, đánh
chiếm Sở chỉ huy Quân khu Đông bắc của PolPot thu toàn bộ khí tài, trang bị chiến
tranh và bản đồ tác chiến địch đang sử dụng. 17 giờ ngày 30/12, ta hoàn toàn
làm chủ sân bay và giải phóng thị xã. Trước sức tiến công áp đảo của ta, ngoài
một số ít địch tháo chạy sang bờ tây sông Mê Công, số còn lại bỏ Kratie chạy
ngược lên phía bắc.
Ngày 31/12/1978, sau khi giải phóng tỉnh lỵ Kratie, Sư đoàn
5 cùng Sư đoàn 303 tiếp tục truy quét địch dọc bờ đông sông Mê Công, ngược lên thượng
nguồn, đánh chiếm thị trấn Sambour và Sandal, bắt tay với các đơn vị của Quân
Khu 5 từ Mondonkiri đánh xuống.
Cũng cần nói thêm rằng, trong Chiến dịch tiến công giải
phóng Campuchia, tỉnh Kratie là tỉnh đầu tiên được giải phóng, tạo khí thế để
các hướng khác đẩy nhanh tốc độ tiến công theo chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch.
Lần đầu tiên, khoác ba lô chạy theo đồng đội, tận mắt thấy
dòng Mekong mênh mang sóng nước, tôi thật sự ngợp. Khi đi học, chỉ biết những
dòng sông qua sách vở, biết sông Tiền, sông Hậu là hai nhánh lớn của Mê Công,
mang nặng phù sa, chảy vào lãnh thổ Việt Nam trước khi đổ ra biển, nhưng không
thể nghĩ được rằng Mê Công lớn đến thế này. Bên kia sông, những hàng dừa, những
khóm thốt nốt trở nên nhỏ xíu, những mái nhà nhấp nhô mờ ảo bên mép nước chỉ còn là những chấm
nhỏ li ti... Cả ngày 31/12, dưới cái nắng chang chang, cả
đơn vị dàn đội hình tiến công, vượt qua những phum sóc xác xơ vắng tanh vắng ngắt,
những cánh rừng rậm rạp ven sông. Chúng tôi vừa đi vừa khám phá những vùng đất
mới. Với tôi, tất cả đều rất lạ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được đặt chân lên
những doi cát ven sông ở một đất nước hoàn toàn xa lạ này.
Trước sức tiến công quyết liệt của ta, những toán địch nhỏ lẻ
lẩn quất trong rừng chỉ dám chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng rút chạy.
Thị trấn Sambour, thị trấn Sandal giáp ranh với tỉnh Stung Treng được hoàn
toàn giải phóng.
Chiều muộn hôm ấy, nhìn sang bờ tây, thấy hai chiếc thuyền
chở khoảng
chục tên lính Pốt đang cố cập bờ
để chạy trốn, tiểu đoàn trưởng Lê Huy Trạch lệnh cho DKZ.75 giá súng ngay bờ sông bắn sang.
Khẩu đội DKZ của K12 lấy thước tầm 4.000, nạp đạn, giật cò. Một tiếng nổ chói
tai, một tiếng rít khủng
khiếp vang lên và chỉ trong tích tắc, một cột nước bùng lên phía sau hai chiếc thuyền.
Sau khi nâng tầm lên 4.200m, với 3 quả
đạn liên tiếp, khẩu đội
DKZ75 đã bắn chìm cả hai chiếc thuyền, hầu hết bọn lính trên thuyền bị tiêu diệt,
một vài tên sống sót cố bò
ngược lên bờ và chạy sâu vào khoảng rừng phía
sau.
Những ngày này, trên hướng chính diện của chiến dịch, các đơn vị chủ lực của ta tiến công như vũ bão. Quân
đoàn 4 đang tập trung lực lượng, đập tan phòng tuyến Đan So, làm bàn đạp đánh
chiếm bến phà Neak Loeang, mở đường cho các đơn vị tiến vào giải phóng Phnom
Penh. Phối hợp với hướng chính, chiều 03/01/1979, Sư đoàn 5 nhận lệnh vượt sông
với nhiệm vụ là mũi vu hồi chiến dịch, cùng các đơn vị bạn tiến công, giải
phóng tỉnh Kampong Thom, đánh chiếm Seam Riep và Sisophon, Battamboong. Để thực
hiện nhiệm vụ này, Trinh sát Sư đoàn, được sự chi viện của hỏa lực pháo binh, tổ
chức vượt sông trước, giữ vững mục tiêu đầu cầu, tạo điều kiện cho lực lượng cơ
bản của Sư đoàn sang sông.
Suốt buổi chiều và tối 03/01/1979, từ phía sau hàng chục cây số,
các dàn pháo 155 ly, 130 ly, 105 ly của Quân khu và Sư đoàn dồn dập nã sang bờ
tây sông Me Công nhằm dọn đường cho bộ binh đổ bộ. Đạn pháo nổ rền như trống trận,
khói bụi mù mịt suốt dọc triền sông phía đối diện. Lần đầu tiên nghe và nhìn
pháo bắn tôi thực sự xúc động, cảm thấy sức mạnh của lực lượng ta trong chiến dịch
hết sức quan trọng này.
Do phương tiện vượt sông phải ưu tiên cho hướng bến phà Neak
Loeang nên trên hướng Sambour, chúng tôi phải vượt sông bằng những chiếc thuyền
loại nhỏ và mấy chiếc phà cũ kỹ. Suốt mấy ngày đêm liên tục, 12 chiếc thuyền lắp
máy cole như những chiếc lá tre, cứ lộn đi lộn lại trên mặt sông đưa bộ đội qua
sông. Một số thiết bị lớn như xe tăng, xe thiết giáp và pháo binh được vận chuyển
bằng hai chiếc phà nhỏ phía hạ lưu.
Khoảng 11 giờ đêm, chúng tôi nhận lệnh xuống thuyền. Dòng sông
mênh mang, con thuyền thì nhỏ mà trời đêm đen kịt, chỉ có một điểm mốc là hai đống
lửa lớn được đốt lên bên bờ đối diện...Con thuyền tròng trành rồi lướt nhẹ trên
mặt nước, tiếng máy nổ đều đều, sóng nước bắn tung hai bên mạn thuyền, hắt vào
mặt mát rượi. Trời tối om, chỉ có những vì sao nhấp nháy, phản chiếu thứ ánh sáng yếu ớt xuống mặt
nước, không đủ để chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Đành mặc cho số phận. Rồi cuối
cùng thuyền cũng cập bờ. Chúng tôi rời thuyền, hành quân chiếm lĩnh vị trí được
phân công.
***
Sang sông đã mấy ngày mà chẳng
thấy đánh đấm gì, chỉ thấy ruồi vàng và muỗi. Muỗi ở đây nhiều thật, chúng cứ
vo ve bay lượn như trực thăng thám thính, rồi đúng lúc mình không để ý là lao
xuống chích vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể, khiến mặt mũi, chân tay ai cũng
sưng vù. Giữa cái nóng như đổ lửa ở cánh rừng nhiệt đới này, lính ta bắt đầu thấy
ngán ngẩm vì chờ đợi.
Chiều 07/01/1979, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, được biết Phnom Penh
đã giải phóng, lính tráng sướng quá, ôm lấy nhau reo mừng. Những thằng lính phởn
chí ôm lấy nhau nhảy cẫng lên, rồi kéo nấc liên thanh lia lên trời cả loạt AK mừng
chiến thắng. Khẩu đội 12 ly 7 ở phía trước thấy vậy cũng nã cả dây đạn, cứ
“đùng, đùng” như trống trận, khiến cả khu rừng đang yên đang lành bỗng rộn lên
với những âm thanh bất tận. Những chú chim đang đậu trên những vòm cây hoảng hốt
bay vút lên không trung...
Chúng tôi đâu biết rằng, do
không thể kháng cự sức tiến công của ta, Polpot đã bỏ ngỏ thủ đô và các đô thị,
tránh giao tranh đến mức thấp nhất với bộ đội ta để hạn chế thương vong; phân
tán lực lượng, dựa vào rừng núi và khu vực biên giới để thực hiện chiến tranh
lâu dài. Chính vì vậy, những trận đánh vừa qua của đơn vị tôi, hầu như chưa có
trận nào giao chiến lớn. Ta tiến đến đâu, địch kháng cự yếu ớt rồi bỏ chạy đến đó.
Chúng đang đón đợi chúng tôi ở những cánh rừng phía tây.
Nguyễn
Vũ Điền