70 năm sau Chiến thắng Tây Bắc năm 1952, cao nguyên Nà Sản đang từng bước vươn lên thành vùng kinh tế sôi động ở huyện Mai Sơn. Mặc dù vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa khai thác hết, trong đó có cảng hàng không Nà Sản. Nhằm góp phần tăng thêm các giá trị của vùng cao nguyên Nà Sản, xin giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và quá trình khai thác, sử dụng sân bay Nà Sản, một trong những thế mạnh lớn của vùng đất trọng điểm về kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng này.
1. Quá trình xây dựng sân bay ở Sơn La (1921 – 1953)
Nhắc đến địa danh Nà Sản, phần lớn mọi người thường liên tưởng đến sân bay Nà Sản. Nhưng đây chưa phải là sân bay đầu tiên của tỉnh Sơn La. Ngay từ năm 1921 người Pháp đã cho xây dựng một bãi đáp cho loại máy bay hai tầng cánh cỡ nhỏ tại điểm đầu đường Hùng Vương ngày nay (nơi giáp ranh giữa phường Chiềng Sinh, TP Sơn La và xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn ngày nay, cách sân bay Nà Sản hiện tại chừng 4km)[1].
Sân bay ở Sơn La năm 1931 (Ảnh Thư viện Quốc gia Pháp)
Công sứ Sơn La lúc đó là Victor Nempont đã lệnh cho các châu đưa dân phu đến phát rừng, san đất làm sân bay trong suốt một năm trời rồi hẹn ngày máy bay xuống để dân chúng đến xem. Việc này ngoài mục đích chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, còn nhằm phô trương sức mạnh của người Pháp trong bối cảnh các cuộc khởi nghĩa của đồng bào Tây Bắc vẫn tiếp tục nhen nhóm. Sân bay này được Anciens-Aerodromes (Hiệp hội Bản đồ sân bay Pháp) thống kê trong bảng các sân bay ở Đông Dương trước năm 1940: “Sân bay Sơn La năm 1929 là một khu đất rộng có người chăm sóc. Năm 1936 là sân bay khẩn cấp với 1 nhà kho bằng rơm rạ; đôi khi có văn phòng với máy điện tín và trạm tiếp nhiên liệu ”. (Sơn La 1929: terrain avec gardien. 1936: terrain de secours; 1 batiment ou 1 paillote avec logement pour gardien; parfois bureau avec téléphone; 1 hangar paillote; 1 atelier de ravitaillement”[2].
Bản đồ thể hiện vị trí sân bay tại Sơn La năm 1940
Sân bay tại Sơn La được xây dựng khá sớm nhưng ít khi sử dụng cho mục đích dân sự. Trong các báo cáo về tình hình giao thông của Tòa công sứ Pháp thời kỳ này không hề nhắc đến đường hàng không, mặc dù theo bản đồ các sân bay ở Đông Dương (từ năm 1939 đến 1945) của cơ quan dịch vụ địa lý Đông Dương (Geographical Service of Indo-China), sân bay ở Sơn La có kích thước 450x300m, thuộc tuyến hàng không nội địa (Itinéraires locaux) Hà Nội - Phú Thọ - Sơn La - Điện Biên Phủ - Phongsaly[3].
Từ năm 1945-1947, khi quân Pháp quay trở lại xâm chiếm Sơn La, vai trò của sân bay này vẫn rất khiêm tốn, chưa có khả năng làm bãi đáp cho máy bay cỡ lớn. Trước yêu cầu mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương, người Pháp phải tính đến việc xây dựng sân bay quy mô lớn hơn tại Sơn La. Đến năm 1949, sân bay Nà Sản đã được hình thành trên vị trí hiện tại với quy mô khá lớn.
Toàn cảnh sân bay Nà Sản năm 1949
Đến năm 1952, do sự tiến công mạnh trên các hướng của ta trong Chiến dịch Tây Bắc, khu vực Nà Sản trở thành nơi tập trung quân lớn nhất của Pháp tại miền Bắc theo ý đồ của tướng Raoul Salan, xây dựng nơi đây thành “con nhím”, “con đê ngăn sóng” để chống lại các đợt tấn công của Việt Minh: “Nó không phải là một giải pháp tuyệt vọng, mà là kết quả của một phép tính táo bạo.Nà Sản được chọn vì nó có một sân bay có khả năng làm bãi đáp cho máy bay hai động cơ, bởi vì những ngọn núi nhìn ra thung lũng Nà Sản là những bức tường không thể vượt qua;vì nó chỉ cách Hà Nội năm mươi phút bay và bởi vì nó án ngữ ngã ba chiến lược trên tuyến đường tỉnh số 41 (RP-41) đến biên giới Lào[4].Nà Sản không chỉ là một lực lượng phòng thủ, mà có thể đồng thời trở thành một lực lượng tấn công”[5]. Trên thực tế, sân bay Nà Sản đã trở thành cảng tiếp vận hàng không hữu hiệu giúp quân Pháp cầm cự được trước các đợt tấn công của ta trong đợt 3 Chiến dịch Tây Bắc (30/11-10/12/1952). Đến tháng 8-1953, khi rút đi quân Pháp đã mang theo hoặc đặt mìn phá hủy hết những gì đã xây dựng ở Nà Sản.

Sân bay Nà Sản năm 1952-1953
2. Quá trình khai thác, sử dụng sân bay từ 1954 đến nay
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), Trung đoàn 148 trở về tiếp quản khu vực Nà Sản, vừa xây dựng doanh trại, phát triển kinh tế và tham gia cải tạo lại sân bay. Ngày 6-5-1959, nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Khu tự trị Thái – Mèo (ngày 7-5-1955), Bác Hồ và phái đoàn của Chính phủ đã đặt chân xuống sân bay Nà Sản trong niềm vui hân hoan của đồng bào Sơn La. Sự kiện này đánh dấu việc sân bay Nà Sản đã được khôi phục và đưa vào sử dụng.
Giai đoạn năm 1960 - 1980 sân bay Nà Sản được chuyển dần từ mục đích quân sự sang kết hợp với kinh tế nhằm phục vụ yêu cầu xây dựng kinh tế mới ở địa phương, đặc biệt là trong khâu vận chuyển máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thực hiện các chuyến bay thăm dò, khai thác tài nguyên, cứu hộ ở vùng Tây Bắc. Từ năm 1960, khi có chủ trương thành lập các nông trường và đón nhận nhân dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới, khu vực quanh sân bay Nà Sản còn trở thành nơi sản xuất chính của nông trường Tô Hiệu.
Đầu những năm 1970, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế miền núi của Trung ương và yêu cầu tự túc lương thực, thực phẩm, đáp ứng kịp thời hậu cần tại chỗ cho quốc phòng ở Tây Bắc, cải thiện đời sống nhân dân, Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La đã lập đề án xây dựng Nà Sản thành vùng kinh tế mới với nền sản xuất đại nông nghiệp xã hội chủ nghĩa. Theo quy hoạch, khu vực sân bay Nà Sản trở thành trung tâm của khu kinh tế mới bao gồm phạm vi đất đai của 8 xã thuộc huyện Mai Sơn và 3 xã thuộc huyện Mường La[6]. Đến ngày 26-1-1976, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 51-TTg, chính thức phê duyệt đề án vùng kinh tế mới Nà Sản. Chủ trương này cũng được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ IV (6-1976): “Sẽ hình thành hai trung tâm sản xuất chính là cao nguyên Nà Sản và Mộc Châu” … “Hình thành cơ cấu sản xuất hợp lý ở các vùng trọng điểm, trước mắt là vùng Nà Sản: Tập trung xây dựng cơ cấu nông – lâm – công nghiệp ở vùng Nà Sản, bao gồm trồng ngô, đậu tương, trẩu, chăn nuôi lợn, chế biến nông – lâm sản… nhanh chóng xây dựng Nà Sản thành vùng kinh tế hoàn chỉnh, làm điểm để xây dựng các vùng khác”[7].
Với đề án này, sân bay Nà Sản sẽ là cảng vận chuyển chính cho các sản phẩm nông - lâm ở địa phương, cũng như đưa các thiết bị, máy móc, hạ tầng kỹ thuật lên phục vụ phát triển vùng kinh tế mới, kết hợp đảm bảo an ninh – quốc phòng vững chắc. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng do còn nhiều hạn chế trong cơ chế quản lý, cũng như gặp khó khăn về các nguồn lực nên việc đầu tư xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Nà Sản chưa đạt được hiệu quả.
Sân bay Nà Sản là cảng hàng không nội địa quan trọng của Sơn La và vùng Tây Bắc, nhưng hoạt động gián đoạn, ngừng hoạt động từ những 1980, đến năm 1994 tái hoạt động đến năm 2004 tiếp tục đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp. Do thiếu kinh phí nên cho đến nay sân bay Nà Sản vẫn chưa hoạt động trở lại, một số hạng mục trong công trình hiện đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh Cảng hàng không Nà Sản giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xác định sân bay Nà Sản là sân bay dùng chung cho cả dân dụng vàquân sự. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 là sân bay nội địa cấp 4C theo quy địnhTổ chức Hàng không dân dụng quốc tế(ICAO). Công suất vận chuyển khách đạt 0,9 triệu hành khách/năm; tổng vị trí đỗ là 4 vị trí; loại máy bay khai thác là A320/321 và tương đương; đường cất hạ cánh đạt kích thước 2.600m x 45m, lề mỗi bên rộng 7,5m; nhà ga hành khách tại khu đất diện tích khoảng 6.750m2, công suất 450 hành khách/giờ cao điểm, tương đương 900.000 hành khách/năm[8]. Tuy nhiên, đến năm 2020, tại dự thảo Quy hoạch gửi xin ý kiến các địa phươngBộ Giao thông vận tải lại đề xuất đưa Cảng hàng không Nà Sản ra khỏi quy hoạch. Sau khi UBND tỉnh Sơn La có văn bản kiến nghị, Chính phủ đã cho rà soát lại và đưa Cảng hàng không Nà Sản trở lại quy hoạchhệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030.
3. Một số nhận xét
Nhìn chung, sân bay được xây dựng ở Sơn La khá sớm (từ năm 1922) nhưng ngành hàng không ở đây lại chưa phát triển. Bởi trải qua các cuộc chiến tranh liên tục, sân bay ở Sơn La đều phục vụ mục đích quân sự là chủ yếu. Mặt khác, do dân cư ở Sơn La các thời kỳ trước còn thưa thớt, kinh tế còn khó khăn nên nhu cầu vận chuyển đường hàng không chưa nhiều.
Hiện nay, trong chiến lược phát triển kinh tế, tỉnh Sơn La xác định hình thành 3 vùng kinh tế gắn với lợi thế, tiềm năng phát triển. Trong đó, vùng kinh tế dọc quốc lộ 6 được xác định là đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch. Củng cố, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với trình độ công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Huyện Mai Sơn cũng xác định cao nguyên Nà Sản - vùng kinh tế dọc quốc lộ 6 có vai trò vị trí trung tâm kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn huyện.
Với định hướng đó, việc cảng hàng không Nà Sản được cải tạo, nâng cấp, đi vào hoạt động, hứa hẹn Sơn La sẽ đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy việc hình thành các chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics[9], góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm của địa phương. Sân bay Nà Sản hoạt động không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hànhkhách, hàng hoá đang ngày càng tăng mà còn đóng vai trò rất quan trọng về quốc phòng an ninh, cứu trợ khẩn cấp…
Lãnh đạo tỉnh Sơn La đón Tổng Bí thư Đỗ Mườitại sân bay Nà Sản năm 1996
Trong thời gian tới, việc hoạch định, triển khai các chương trình, dự án ở Nà Sản cần có chiến lược, xuyên suốt, đồng bộ, nhất là về quy hoạch dân cư, dịch vụ, giao thông và du lịch. Đồng thời, phải kế thừa những giá trị lịch sử truyền thống của vùng đất này[10]. Được như vậy, cao nguyên Nà Sản sẽ xứng tầm là vùng kinh tế trọng điểm, đóng vai trò quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng của tỉnh Sơn la và khu vực Tây Bắc./.
Hà Ngọc Hòa