Hào hùng Khởi nghĩa Nam Kỳ
Nhân dân Nam Kỳ xứng đáng lá cờ đầu trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Từ khi có Đảng lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân Nam Kỳ càng sôi nổi và quyết liệt hơn.
Nam Kỳ là tên gọi được Hoàng đế Minh Mạng nhà Nguyễn đặt cho 6 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vào năm 1832. Tính đến năm 1944, dưới sự thống trị của thực dân Pháp, Nam Kỳ gồm 21 tỉnh gồm: Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Tân Bình, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời xóa bỏ việc phân chia Bắc-Trung-Nam Kỳ của Pháp, tuyên bố nước Việt Nam là một quốc gia thống nhất. Từ đó, cái tên Nam Bộ ra đời thay cho danh xưng Nam Kỳ.
Nhân dân Nam Kỳ xứng đáng lá cờ đầu trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Đó là khi Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm đã gây cho nhân dân Nam Kỳ một mối họa khủng khiếp. Sau khi chiếm được một phần đất Gia Định, 5 vạn quân Xiêm đã tìm mọi cách cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, giết hại dân chúng. Trong bức thư gởi cho giáo sĩ người Pháp J. Liot, Nguyễn Ánh đã viết rằng: “Bọn lính Xiêm chạy theo cái cuồng vọng của chúng: Cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái, vơ vét của cải, giết hại bất kỳ già trẻ”. Bởi vậy, cùng với nhân dân địa phương, nhà Tây Sơn đã tiêu diệt quân Xiêm, đuổi chúng về bên kia biên giới với chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785.
Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Nam Kỳ có Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, đã có Nguyễn Trung Trực với câu nói nổi tiếng “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”... Từ khi có Đảng lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân Nam Kỳ càng sôi nổi và quyết liệt hơn.
Cuối tháng 7/1929, đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Nam Kỳ vận động các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập vào tháng 6/1929 tại Hà Nội). Tiếp tục thực hiện chủ trương đi “Vô sản hóa”, đồng chí Ngô Gia Tự làm công nhân khuân vác ở bến cảng Sài Gòn. Đồng chí đã dầm mưa dãi nắng đẩy xe than, xi măng, bốc vác hàng hóa vất vả ở các bến tàu. Qua đó đồng chí đã tuyên truyền giáo dục cách mạng, tổ chức lãnh đạo công nhân đấu tranh. Do sự hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự, các tổ chức của Đông Dương Cộng sản Đảng phát triển mạnh ở nhiều nơi, từ Sài Gòn - Chợ Lớn đến Mỹ Tho, từ nhà máy đến các đồn điền ở Nam Kỳ đều có chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.
Đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư của Đảng giai đoạn 1936-1938. Ảnh tư liệu lịch sử.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng giai đoạn 1938-1940. Ảnh tư liệu lịch sử.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn,
phu nhân của đồng chí Lê Hồng Phong (Tổng Bí thư của Đảng giai đoạn 1935-1936). Ảnh tư liệu lịch sử.
Ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản liên đoàn cũng ra đời vào tháng 9/1929. Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), Đông Dương Cộng sản liên đoàn không kịp cử đại diện đi dự. Sau Hội nghị hợp nhất, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã yêu cầu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn được chấp nhận gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn và An Nam Cộng sản Đảng (thành lập vào tháng 8/1929) đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng Cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ đó, đúng như đáng giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mầu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mọc, xé tan màn đêm tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[1].
Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Ngô Gia Tự được cử là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào cách mạng ở Xứ ủy Nam Kỳ đã phát triển mạnh mẽ. Nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm 1930, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng, khoảng 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Chợ Lớn) đã biểu tình đến quận lỵ đòi giảm thuế, bỏ sưu. Bọn thực dân Pháp đàn áp dã man làm 9 người chết, 50 người khác bị thương. Nhưng đoàn biểu tình vẫn không lùi bước, buộc địch phải nhượng bộ, nhận bản yêu sách, giảm thuế, giảm sưu. Tại Sa Đéc và Long Xuyên, các cuộc biểu tình của nông dân quận Cao Lãnh và quận Chợ Mới đều giành được thắng lợi. Hai tên chủ quận Chợ Mới và Cao Lãnh buộc phải giải quyết yêu sách của quần chúng: hoãn thuế 2 tháng, thả những nông dân bị bắt vì thiếu thuế. Đặc biệt, cuộc biểu tình của công nhân và nông dân Gia Định đã lôi cuốn hàng nghìn người tham gia với một khí thế rất hùng dũng. Tuy nhiên. bọn thực dân đã đàn áp cuộc biểu tình một cách dã man: Hơn 10 người chết và bị thương, hàng chục người bị bắt.
Trong tháng 5/1930, theo thống kê, Nam Kỳ có 12 cuộc đấu tranh nổ ra. Trong lúc phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đang phát triển rầm rộ, đêm 31/5/1930, tại một cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè (Sài Gòn), đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám bắt. Trong nhà tù đế quốc, mặc dù bị tra tấn rã man, nhưng kẻ thù không thể khuất phục được ý chí sắt đá và lòng trung thành của đồng chí đối với Đảng và cách mạng. Đồng chí thường xuyên động viên anh em: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”[2]. Đầu năm 1935, trên đường vượt biển trở về đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí đã hy sinh.
Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Hà Nội vào Sài Gòn, để dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được triệu tập tại Hóc Môn, Gia Định, từ ngày 29 và 30/3/1938. Tại Hội nghị, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong lịch sử Đảng ta, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người giữ cương vị Tổng Bí thư ở độ tuổi trẻ nhất, khi đó đồng chí 26 tuổi. Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí còn là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện thông qua tác phẩm “Tự chỉ trích” được viết vào tháng 7/1939.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 6 diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn - Gia Ðịnh), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, cùng các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn đã ra Nghị quyết lịch sử, khẳng định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng dân tộc”[3].
Ngày 22/6/1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Ngày 23/9/1940, phát xít Nhật vượt qua biên giới Việt-Trung vào nước ta. Sau khi vào Đông Dương, Nhật liên tục ép Pháp nhượng bộ, ký kết các hiệp ước có lợi cho Nhật trên tất cả các mặt kinh tế, quân sự, văn hóa tư tư tưởng, trên cơ sở đó từng bước chi phối Đông Dương. Dân ta do đó lâm vào tình thế “một cổ đôi tròng” nên đời sống hết sức cơ cực. Tháng 10/1940 lại nổ ra chiến tranh giữa Pháp với Thái Lan.
Nhân dịp tinh thần phản chiến của nhân dân và binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp - nhất là số binh lính đang bị tập trung ở Sài Gòn để chuẩn bị sang chiến trường Pháp - Thái đang lên cao, ngày 21/11/1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã ra thông báo cho các cấp bộ đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940. Đồng chí Phan Ðăng Lưu không về kịp nên không thực hiện được lệnh hoãn khởi nghĩa của Trung ương Đảng.
Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23/11 đến ngày 31/12/1940, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Nhiều đồn bốt, công sở, đường giao thông... của địch bị phá. Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng... Trong bão táp cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được giương cao. Thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa. Rất nhiều đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo. Theo các báo cáo của chính quyền thuộc địa, tính cho đến hết ngày 31/1/1941, Pháp đã bắt 7.048 người[4]. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo, đi các trại tập trung Tà Lài, Bà Rá. Lực lượng nghĩa quân còn lại rút về Truông Mít (Thủ Dầu Một), Bình Hoà, Bình Thành trong vùng Đồng Tháp và rừng U Minh để củng cố lực lượng.
Ngày 18/1/1940, trước Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra 10 tháng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị bắt cùng với hai đồng chí của mình. Toà án binh Sài Gòn của bọn thực dân kết án tử hình đồng chí. Sáng sớm ngày 28-8-1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các nhà lãnh đạo của Đảng và Khởi nghĩa Nam Kỳ như đồng chí Hà Huy Tập (Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1936-1938), Phan Đăng Lưu (Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng), Võ Văn Tần (Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ), Nguyễn Thị Minh Khai (Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn), Nguyễn Hữu Tiến (Uỷ viên Xứ ủy Nam Kỳ phụ trách công tác Tuyên huấn),… hiên ngang bước ra pháp trường, nêu cao khí tiết của người cộng sản trước nòng súng của bọn thực dân.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ do chưa đủ điều kiện khách quan, chủ quan chín mùi nên tạm thời thất bại nhưng đã để lại truyền thống bất khuất, kiên cường của lòng yêu nước quả cảm vô song. Ngày 14/4/1948, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 163/SL tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ, nhằm tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đối với lịch sử cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Văn Toàn
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập 2, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 146.
[2] Chương trình sưu tầm tài liệu viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Ngô Gia Tự tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.190
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 536
[4] Báo cáo vào tháng 12/1940 và tháng 1/1941 của Thống đốc Nam kỳ. Tài liệu Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP.Hồ Chí Minh)