No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Cuộc tản cư của đồng bào Sơn La trong kháng chiến chống Pháp (1947 – 1953)
Lượt xem: 640

 


CUỘC TẢN CƯ CỦA ĐỒNG BÀO SƠN LA TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1947 – 1953)

 

Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), có hàng nghìn đồng bào Sơn La được tản cư về vùng tự do. Cuộc tản cư này là một phần trong kế hoạch trường kỳ kháng chiến của tỉnh Sơn La và cũng là một thắng lợi, một bài học kinh nghiệm lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài, góp phần phá tan kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh", âm mưu "dùng người Việt trị người Việt", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của thực dân Pháp.

anh tin bai

Đồng bào Lai Châu tản cư trước chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1953 (ảnh: tạp chí Life - Hoa kỳ)

Trước ngày toàn quốc kháng chiến, tản cư nhân dân được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ chính để chuyển đất nước sang thời chiến. Ngày 31-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 05/SL về việc thành lập Ủy ban Trung ương tản cư và di cư. Thực hiện chủ trương của Đảng, công tác tản cư nhân dân diễn ra tại hầu hết các tỉnh ở Bắc bộ, nhất là những thành phố, thị xã lớn, nơi chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mỗi tỉnh, huyện đều thành lập ủy ban tản cư, di cư để hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào. Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực, hàng chục vạn dân được ủy ban tản cư, di cư và chính quyền các địa phương hướng dẫn ra khỏi vùng chiến sự.

Từ cuối năm 1945, thực dân Pháp đã ráo riết tổ chức đánh chiếm lại các tỉnh Tây Bắc. Ở Sơn La, tỉnh đã triển khai nhiều mặt công tác chuẩn bị kháng chiến lâu dài, trong đó đặt ra nhiệm vụ phải tổ chức cho một bộ phận nhân dân đi tản cư, thực hiện "tiêu thổ kháng chiến" để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Ở hầu hết các huyện trong tỉnh đều thực hiện chủ trương tổ chức cho nhân dân tản cư, nhiều nhất là Mai Sơn, Phù Yên, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Thuận Châu. Cá biệt có những nơi đồng bào đi tản cư cả vùng như ở Mường Chanh (Mai Sơn), Bản Lầm (Thuận Châu)...

Ngày 03-01-1947, quân Pháp từ Chiềng Pấc chia làm 2 mũi, cùng lúc ồ ạt đánh chiếm Mường Chanh, Tỉnh lỵ Sơn La, Mường La và Mường Bú. Thực hiện chủ trương sơ tán, bồng bào các huyện Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn đều bỏ lại của cải, ruộng vườn, cùng nhau tản cư theo kháng chiến, tập trung về Hát Lót rồi vượt sông Đà sang Phù Yên. Phụ trách đưa đồng bào tản cư có các đồng chí Cầm Ngoan, Cầm Minh, Quàng Đôn, Tòng Xương, Bế Văn Điềm, Lò Văn San… Đi đến đâu, đoàn cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đồng bào địa phương. Đoàn tản cư dừng chân ở Phù Yên vào đúng dịp Tết Đinh Hợi 1947. Người cho gạo, người cho chăn đắp, cùng chung mâm ăn Tết trong tiếng súng mỗi lúc một gần. Sang đến Thu Cúc (Thanh Sơn, Phú Thọ) đồng bào Sơn La được chia làm 2 đoàn, một đoàn sang Tuyên Quang, một đoàn về Yên Bái.

Tháng 4-1947, địch đánh chiếm Yên Châu, các cơ quan của tỉnh tiếp tục rút xuống Mộc Châu. Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị đại biểu các dân tộc, gồm những người có uy tín trong nhân dân để thông báo về tình hình chiến sự, nhấn mạnh sự tất thắng của cách mạng và động viên nhân dân tin tưởng, ra sức ủng hộ cách mạng. Sau này Hội nghị đã đem lại những hiệu quả tích cực trong nhân dân, các đại biểu dự họp đều ra sức động viên nhân dân ủng hộ, giúp đỡ kháng chiến.

Tại Yên Bái, đồng bào tản cư Sơn La tập trung tại 3 trại lớn: trại Phiêng Quyên ở huyện Văn Chấn; Trại Yên Thế ở huyện Lục Yên (thuộc xã Yên Thắng, gồm toàn đồng bào Phù Yên và Mường La); trại Vĩnh Lạc (thuộc xã Vinh Quang, gồm hầu hết là đồng bào Mường Chanh) do các đồng chí Tòng Xương, Lò Văn Vương, Tòng Xam phụ trách. Riêng đồng bào Phù Yên tản cư ở Yên Bái có 256 người, đa số là nhân dân các xã Tường Phong, Mường Bang, Quang Huy, Tường Phù do ông Cầm Văn Mui, ông Nghẹ, Cường Trọng làm Ban quản trị trại.

             Tại Tuyên Quang, lớn nhất có trại Đức Long (nay là xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên). Trại có khoảng hơn 400 người, hầu hết đều là đồng bào Mường La, Mai Sơn. Ngoài ra ở Phú Thọ, đồng bào tản cư Sơn La còn rải rác ở đồn điền Ký Tho và trại Thanh Hương, huyện Hạ Hòa (trại dành cho trẻ em đang tuổi đi học)… Ước tính, đồng bào Sơn La tản cư ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang có khoảng trên 2.000 người, trong tổng số 120.000 nhân khẩu trong toàn tỉnh khi đó.

Những nơi có đồng bào Sơn La đến tản cư, nhân dân địa phương đều hết lòng cảm thông, giúp đỡ. Mỗi hộ đều nhận đỡ đầu cho một hộ đồng bào tản cư trong vòng một tháng đầu. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đất đai làm nhà ở, ruộng vườn, tạo công ăn việc làm... Hai bên đồng bào sống với nhau rất hòa thuận, thân thiện, đói no có nhau. Đồng bào tản cư Sơn La luôn được coi là một bộ phận dân cư ở địa phương, mọi quyền lợi và nghĩa vụ đều như nhau, được tham gia công tác, đi phục vụ chiến dịch, nhiều người còn được kết nạp Đảng tại xã. Nhiều thanh niên còn được đi làm công nhân xưởng sản xuất vũ khí, được đi học tại các trường sư phạm, trường nghề ở chiến khu Việt Bắc.

Các trại tản cư của đồng bào Sơn La đều là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, có tập quán trồng lúa, ở nhà sàn, gần giống với phong tục của người Thái, nên đồng bào thích nghi rất nhanh. Bên cạnh hoạt động sản xuất chủ yếu là trồng trọt, một số trại đã mở rộng chăn nuôi vịt, lợn và làm thêm các nghề thủ công như đan rổ, rá, dệt chiếu, làm đồ gốm. Đồng bào tản cư vừa được phân đất làm nhà ở, vừa được tự do khai thác tre, gỗ, khai phá đất hoang để trồng ngô, lúa. Một số nơi, đồng bào còn khai thác cây giang làm nguyên liệu bán cho nhà máy giấy Đáp Cầu, khai thác củi bán cho xưởng công binh... một số hộ đồng bào tản cư Mường Chanh đã mở xưởng gốm gia đình phục vụ nhân dân trong vùng, sản phẩm có chất lượng tốt, được nhân dân sở tại ưa chuộng, nhiều nơi biết đến, trở thành nghề truyền thống (như trường hợp ở xã Mai Sơn, huyện Lục Yên, Yên Bái). Các trại tản cư cùng nhau thi đua ổn định cuộc sống, thường tổ chức giao lưu văn nghệ, cắm trại, tập quân sự, tham gia phong trào tiểu học và Bình dân học vụ.... Với sự giúp đỡ của Ủy ban tản cư, chính quyền và nhân dân địa phương, đồng bào tản cư Sơn La đến nơi ở mới đã nhanh chóng ổn định cuộc sống, tích cực tham gia sản xuất, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Mặc dù tản cư cách Sơn La hàng trăm cây số, đường xá đi lại khó khăn, nhưng đồng bào tản cư Sơn La thường xuyên nhận được sự quan tâm của Tỉnh. Đầu tháng 5-1948, Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu X triệu tập một cuộc hội nghị ở trại tản cư Đức Long, Tuyên Quang để thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính liên tỉnh Sơn – Lai. Ủy ban gồm 5 Ủy viên, ông Sa Văn Minh làm Chủ tịch; Trần Quyết, Bí thư Tỉnh ủy làm Phó Chủ tịch; Nguyễn Bá Toản - Ủy viên quân sự. Ông Lò Văn San là Ủy viên phụ trách đồng bào tản cư Sơn La; ông Điêu Chính Thọ - Ủy viên phụ trách trại tản cư Lai Châu. Sau cuộc họp này, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh chuyển dần về Mộc Hạ, riêng ủy viên phụ trách tản cư vẫn ở lại để xây dựng phong trào.

Tháng 7-1949, đoàn Đại biểu Sơn La đi dự Đại hội Đảng bộ Liên khu X ở Phú Thọ do đồng chí Trần Quyết, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm trại tản cư Yên Thế (Lục Yên). Đoàn đã thông tin tình hình kháng chiến của tỉnh, về khu căn cứ kháng chiến, các khu tranh đấu vũ trang ở Sơn La tới đồng bào… Bà con rất phấn khởi, mong nhanh chóng được hồi cư. Một số anh chị em, cán bộ, đảng viên được kết nạp tại trại tản cư đều mong muốn được trở về Sơn La công tác. Tỉnh đã lựa chọn một số thanh niên, cán bộ có đủ năng lực, tinh thần đưa trở lại hoạt động gây dựng cơ sở sau lưng địch, phát động vũ trang tranh đấu, góp phần giải phóng Sơn La.

Ngoài những nỗ lực và thành công, cuộc tản cư của đồng bào Sơn La những năm 1947 – 1953 còn có không ít những tổn thất, hi sinh do những hạn chế chủ quan của ta như: một số hành động "quá tả" trong công tác tiêu thổ kháng chiến cũng như việc tản cư còn thiếu tính tự nguyện ở một bộ phận tầng lớp trên trong nhân dân… mà trong phạm vi bài viết chưa thể đề cập hết. Vượt lên tất cả những khó khăn và hạn chế đó, đến năm 1953, sau khi Sơn La được hoàn toàn giải phóng, đồng bào Sơn La đã được hồi cư. Cuộc tản cư của đồng bào Sơn La trong kháng chiến chống Pháp thực sự là một cuộc chiến đấu cam go và gian khổ. Trải qua bảy, tám năm chiến tranh, gia đình nào cũng có mất mát. Các cụ già hầu hết không được trở về, có cụ bỏ mình từ lúc ra đi. Có gia đình phải bỏ lại đến 7-8 người thân. Trở về quê hương trong nỗi nhớ thiết tha và lòng biết ơn sâu nặng đối với đồng bào địa phương đã cứu giúp mình vượt qua cơn hoạn nạn, đồng bào trở về bắt tay cùng nhân dân Sơn La xây dựng lại quê hương (Ngoài bộ phận tản cư đến Yên Bái, Tuyên Quang, còn có những bộ phận khác tản cư tự phát sang Lào, hoặc tản cư vào các khu tranh đấu, khu du kích chống địch).

Nhờ chủ động trong công tác tản cư mà nhân dân Sơn La đã kịp thời bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với tâm thế và sức mạnh mới, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Thành quả của công tác tản cư đã góp phần bảo toàn được nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ, hạn chế những tổn thất, mất mát, phá tan âm mưu "dùng người Việt đánh người Việt", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của thực dân Pháp. Hàng ngàn người dân Sơn La đã được chính quyền và đồng bào sở tại giúp đỡ cưu mang, tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định hậu phương kháng chiến, khơi dậy được truyền thống đoàn kết, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.

                                                                         Hà Ngọc Hòa           

Thông tin doanh nghiệp
  • Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế
  • Quan hệ giữa thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh Đại học
  • Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Sơn La có 02 sản phẩm vào Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • Triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức
  • Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội thảo kết quả nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Hội thảo tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Địa chất là khoáng sản
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội Luật gia tỉnh Sơn La tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La: Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, năm 2024
  • Hội thảo tư vấn “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Mời tham gia Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024
  • Bộ GD&ĐT lý giải tạm dừng công nhận Olympic Toán học sinh viên và học sinh
  • Liên hiệp Hội Việt Nam: Hội nghị Giao ban Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố năm 2024
  • Bí quyết giữ gìn sức khỏe
  • Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024
  • Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024
  • Vấn đề nhỏ về đất đai nhưng được nhiều người dân quan tâm
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải Vinfuture 2023
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 31
    • Hôm nay: 225
    • Trong tuần: 27 422
    • Tất cả: 14525593
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này