CÔNG
TÁC ĐẢM BẢO HẬU CẦN TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Nguyễn Vũ Điền-Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La
Trong chiến tranh, vấn đề đảm bảo hậu cần là một nhiệm vụ hết
sức quan trọng, góp phần tạo nên
sức mạnh chiến đấu và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của một trận đánh hoặc một chiến dịch.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn:
“Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận:
Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”;
“Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên
thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú”.
Cuối năm 1953, địch nhảy dù
xuống Điện Biên Phủ và nhanh chóng biến Điện Biên thành một tập đoàn cứ điểm
vững chắc, thành một “con nhím” giữa những cánh rừng trùng trùng điệp điệp ở Tây
Bắc Bắc Bộ. Chúng âm mưu kéo quân chủ lực ta vào cuộc chiến ở một nơi rất xa
hậu phương, thiếu đường sá, phương tiện vận chuyển lạc hậu, hòng khoét sâu vào
yếu điểm của ta để tiêu hao chủ lực của ta.
Về phía ta, nếu chọn Điện Biên phủ làm chiến trường tác chiến, ta phải chấp
nhận những khó khăn vô cùng to lớn mà quân đội ta phải vượt qua, đó là bằng mọi
cách, phải cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, vũ khí khí tài, đạn dược,
quân trang, quân dụng và cứu chữa thương bệnh binh, giải quyết công tác chính
sách cũng như di chuyển toàn bộ lực lượng tham gia tác chiến bằng vận chuyển bộ,
đến một địa bàn xa hậu phương hàng ngàn km trên những con đường độc đạo, phải
vượt qua núi cao, vực thẳm và sẽ luôn bị địch đánh phá một cách hết sức khốc liệt.
Đó là một thách thức không nhỏ, không dễ vượt qua đối với quân đội ta tại thời
điểm đó.
Ngày 6-12-1953, sau khi phân tích tình hình trong nước và quốc
tế, âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Việt Nam; đánh giá mức độ, khả
năng chuẩn bị cung cấp cho mặt trận và thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị và
Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ
Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội, Bí thư Tổng Quân ủy
đã được chỉ định trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.
Thấy rõ những khó khăn về công tác bảo đảm hậu cần khi tiến
hành chiến dịch, Trung ương đã cử Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp làm Chủ
tịch Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương. Đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách
các vấn đề về đường sá và cung cấp của chiến dịch.
Trước đó, trong quá trình chỉ đạo Chiến cuộc Đông Xuân 1953
-1954, khi quyết định chọn hướng Tây Bắc làm địa bàn chiến lược, xác đinh công
tác đảm bảo hậu cần chiến dịch luôn phải đi trước một bước, ngày 15-6-1953, Ban
Bí thư đã có Chỉ thị “Về việc lãnh đạo công tác làm cầu đường giao thông vận tải”
do Tổng Bí thư Trường Chinh ký. Chỉ thị nêu rõ: “Hiện nay nhu cầu kháng chiến
ngày càng nhiều, khối hàng phải vận chuyển tăng lên rất nhanh. Nhưng đường cầu,
phà hiện nay rất xấu: đường hẹp, lầy, dốc, nhiều quãng ngoặt quá hẹp, xe đi vừa
chậm vừa tốn dầu, hại máy, nhiều dốc cao không lên nổi, quãng ngoặt không quanh
được; phà, cầu thì yếu, mục gẫy… Địch tăng cường phá hoại... Do đó, cấp ủy
Liên khu Việt Bắc và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc
Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Liên khu 4 và tỉnh Thanh Hóa,
Liên khu 3 và tỉnh Hòa Bình, các cấp ủy phải tăng cường việc lãnh đạo công tác
đường cầu, điều động những cán bộ tích cực, có năng lực phụ trách các công tác ấy
để thực hiện cho kỳ được kế hoạch…”.
Thực hiện mệnh lệnh của
Bộ chỉ huy, các mặt công tác bảo đảm hậu cần gấp rút được triển khai. Ngay từ
cuối năm 1953, ta đã huy động hàng ngàn dân công và thanh niên xung phong cùng
lực lượng công binh ngày đêm mở rộng tuyến đường 13A từ Yên Bái lên Cò Nòi, mở
rộng tuyến đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ dài 89 km với hơn 100 cầu cống
được xây mới, bảo đảm cho xe vận tải cơ giới có thể vận chuyển liên tục. Ban chỉ
huy chiến dịch quyết định xây dựng hai tuyến cung cấp: Tuyến chiến dịch dài 350
km được chia thành 4 binh trạm, mỗi binh trạm gồm đầy đủ các lực lượng vận tải,
kho, quân y, vừa bảo đảm cho bộ đội hành quân, vừa tiếp chuyển vật chất lên
phía trước. Tuyến vận tải bộ kết hợp với đường sông từ Mường Luân vào Nà Sang bảo
đảm cho các đơn vị chiến đấu ở phía nam Điện Biên Phủ. Để giữ bí mật cho lựu
pháo 105mm xuất trận, lực lượng pháo binh và bộ binh còn mở đường kéo pháo bằng
sức người vào tận trận địa. Ngày 25/01/1954, mọi công việc chuẩn bị về hậu cần
cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, sau khi xem xét lại tình hình, Bộ Chỉ huy mặt trận
quyết định chuyển kế hoạch tác chiến và phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết
nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Công tác đảm bảo hậu cần lại phải thay đổi
kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu mới, một mặt phải đảm bảo cho Đại đoàn 308 tác
chiến tại Mường Khoa, tiến công địch tại phòng tuyến sông Nậm Hu, Mường Sài
(Thượng Lào) vừa phải đảm bảo nhu cầu hậu cần cho bộ đội tại Điện Biên Phủ. Thời
điểm này, tại mặt trận Điện Biên Phủ, quân số chiến đấu của ta lên đến 43.000
người cùng với dân công ở tuyến chiến dịch gồm hơn 30.000 người. Nhu cầu vật chất
tăng nhiều lần so với kế hoạch ban đầu. Công tác hậu cần chiến dịch được bố trí
thành ba tuyến chính: Tuyến Sơn La - Tuần Giáo do đồng chí Đinh Đức Thiện phụ
trách. Tuyến Tuần Giáo - Lai Châu do đồng chí Vũ Văn Đôn, phó Cục trưởng Cục Vận
tải phụ trách. Tuyến hậu cần hỏa tuyến trực tiếp bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu
ở phía trước do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Quân nhu trực tiếp
phụ trách. Trên tuyến này, lực lượng vận tải chủ yếu là dân công và xe đạp thồ,
có nhiệm vụ vận chuyển vật chất cho các đại đoàn bộ binh, trung đoàn pháo binh
và các kho trung chuyển. Hai bệnh viện mặt trận cũng được thành lập trên cơ sở
hai đội điều trị 1 và 4. Ngoài ra, ta còn tổ chức hai tuyến vận tải phục vụ các
đơn vị chiến đấu ở bắc và nam Điện Biên Phủ.
Sau hơn một tháng chuyển hướng chiến lược, ngày 13/3/1954,
quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn
tuyến hậu cần bước vào trận chiến đấu mới ngày càng cam go, ác liệt hơn. Khó
khăn lớn nhất của hậu cần chiến dịch là tuyến vận tải rất dài lại phải qua địa
hình rừng núi hiểm trở, nhiều sông suối, đường hẹp và xấu. Nắm được khó khăn
này của ta, địch tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường
ra mặt trận. Nhiều trọng điểm bị địch ném bom, bắn rốc két suốt ngày đêm như tại
đèo Lũng Lô, dốc Pha Đin, và đặc biệt là tại Ngã ba Cò Nòi - một điểm nút giao
thông hết sức quan trọng nối đường 13A với đường 41. Hàng trăm chiến sỹ thanh
niên xung phong, hàng ngàn dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tuyến
đường, đảm bảo giao thông ở những trọng điểm bị địch đánh phá.
Để giữ vững tuyến hậu cần ra mặt trận, Bộ Tổng Tư lệnh đã phải
điều động bốn tiểu đoàn công binh và hàng vạn thanh niên xung phong và dân công
ngày đêm bám đường khắc phục hậu quả đánh phá của địch đồng thời bố trí hai tiểu
đoàn pháo cao xạ 37 ly để bảo vệ tuyến đường.
Trong hồi ký của mình, tướng Nava - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông
Dương - phải cay đắng thú nhận: “Tất cả những nỗ lực của không quân để ngăn trở
việc sửa đường đều vô hiệu”.
Vượt qua những khó khăn gian khổ, trong suốt chiến dịch Điện
Biên Phủ, mặc những trận mưa như trút của miền Tây Bắc, các lực lượng đảm bảo
giao thông phục vụ chiến dịch đã thường xuyên bám đường, khắc phục sụt lở, lầy
lội, phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, đánh trả địch phá hoại,…giữ vững mạch máu
giao thông, góp phần vào thắng lợi quân sự tại mặt trận. Do khối lượng hàng hóa
phải đưa ra mặt trận rất lớn nên ta phải huy động toàn bộ lực lượng cơ giới của
quân đội (khoảng 16 đại đội với 534 xe vận tải các loại). Đồng thời tổ chức nhiều
tuyến vận tải bộ bằng dân công và phương tiện thô sơ gồm hơn hai vạn xe đạp thồ
cùng 11.600 chiếc bè mảng để đưa hàng hóa ra tiền tuyến.
Do chủ động kế hoạch và tổ chức tốt công tác hậu cần, trong
chiến dịch Điện Biên Phủ ta đã đảm bảo cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch,
trong đó lực lượng trực tiếp chiến đấu là 53.830 người, dân công phục vụ là
33.000 người. Khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn, trong
đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn
thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Tính chung, dân công chiến
dịch đã phục vụ lên đến 12 triệu ngày công.
Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả của
sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thắng
lợi đó là kết tinh tinh thần yêu nước nồng nàn của cả dân tộc ta trước vận mệnh
của đất nước; của tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song của các chiến sỹ ngoài mặt
trận. Đồng thời, thắng lợi đó cũng là thắng lợi rất quan trọng của công tác bảo
đảm hậu cần của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong điều kiện khó khăn của đất
nước trước một kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp
nhiều lần.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “…Trên mặt trận Điện Biên
Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan
trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương
thực không kém khó khăn về tình hình chiến đấu. Chính vì vấn đề cung cấp khó
khăn như vậy cho nên quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng, chúng ta có
thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh
giá được sức mạnh của cả một dân tộc. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi
khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”…
Chú thích: