Chọn hướng phù hợp - một nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc năm 1952
CHỌN HƯỚNG PHÙ HỢP - MỘT NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI CỦA CHIẾN DỊCH TÂY BẮC NĂM 1952
Trong chiến tranh, mục tiêu của các chiến dịch tiến công là tiêu diệt địch, giải phóng đất đai, giải phóng dân khỏi ách kìm kẹp của địch. Để thành công thì yếu tố lựa chọn, xác định hướng mở chiến dịch phù hợp đóng vai trò hết sức quan trọng. Chiến trường được lựa chọn phải đạt các yêu cầu căn bản như: phải là nơi địch yếu, ta có khả năng phát triển lợi thế vào chiều sâu phòng ngự của địch, tiến đánh tiêu diệt dứt điểm bên trong đồn bốt của chúng. Mặt khác, phải là nơi ta có thể triển khai lực lượng một cách thuận lợi. Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc 1952 điển hình cho việc chọn hướng mở đúng. Nhờ vậy mà quân dân ta đã phát huy thế mạnh, giành quyền chủ động, thực hiện thành công mục tiêu của chiến dịch, tạo nên bước chuyển biến quan trọng của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Sau thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ III (4-1952) đã tiến hành kiểm điểm mặt thành công và hạn chế của chiến dịch, nhất là phê phán nhận thức, tư tưởng “nôn nóng, muốn đánh lớn, thắng nhanh”; Hội nghị nhận định: Trong tương quan lực lượng thì địch còn mạnh hơn ta cả về trang bị kỹ thuật và quân số, ta nắm quyền chủ động nhưng chưa đủ ưu thế áp đảo, nên việc chọn chiến trường mở chiến dịch phải hoàn toàn phù hợp với thế và lực của ta (ở thời điểm này, lực lượng cơ động chiến lược của ta là 54 tiểu đoàn, địch có trên 55 tiểu đoàn. Riêng ở Bắc Bộ ta có 54 tiểu đoàn, địch có 32 ,tỷ lệ là 1,7-1). Vì thế ta phải chọn chỗ yếu, sơ hở của địch mà đánh trước, nhằm khoét sâu nhược điểm căn bản của địch, làm chúng suy yếu dần, còn ta trưởng thành từng bước, giành thắng lợi từng phần, tạo ra chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho ta, đi lên tiến hành những trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi quyết định trong chiến tranh.
Thực hiện Nghị quyết TW 3, khắc phục “nhược điểm: trình độ kỹ thuật, chiến thuật còn kém,...”, từ mùa hè năm 1952, các đơn vị trong toàn quân đã tiến hành chỉnh huấn chính trị, nâng cao tinh thần giác ngộ và quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng cho cán bộ và chiến sĩ. Công tác chấn chỉnh tổ chức, biên chế và trang bị cũng được tăng cường. Trình độ chỉ huy, chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu của bộ đội có nhiều tiến bộ mới. Lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng trưởng thành, làm nòng cốt để toàn dân đánh giặc. Đến cuối năm 1951, Quân đội ta đã xây dựng được 6 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công binh và pháo binh. Đó là cơ sở quan trọng để ta chủ động mở chiến dịch tiến công trong Thu đông 1952 nhằm tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược.
Thấy rõ chiến trường rừng núi là địa bàn có lợi cho hướng tiến công chiến lược, với phương châm tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh, tháng 9-1952, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch tiến công địch trên chiến trường Tây Bắc; bởi đây là nơi “địch yếu hơn hết ở Bắc Bộ, thành phần ngụy binh nhiều, bố trí tương đối phân tán, địa hình có phần thuận lợi cho ta” (1). Mục tiêu của chiến dịch là: “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược” (2).
Đến giữa năm 1952, lực lượng địch trên địa bàn Tây Bắc có 8 tiểu đoàn và 41 đại đội đóng phân tán trên 150 cứ điểm, trong đó chỉ có 40 cứ điểm có từ một đến 2 đại đội, công sự phần lớn chưa kiên cố với phạm vi chiếm đóng khá rộng. Đây là nơi địch yếu nhất, lực lượng lính Âu-Phi không nhiều, địa hình rừng núi khiến hoạt động máy bay và pháo binh địch bị hạn chế, việc tiếp tế cũng không dễ dàng do thiếu sân bay lớn, sương mù nhiều; bên cạnh đó sự tiếp tế bằng đường bộ thì càng khó khăn gấp bội đối với chúng. Đây cũng là nơi địch sơ hở, bởi chúng cho rằng ta không thể triển khai lực lượng lớn vì sẽ không giải quyết nổi vấn đề tiếp tế hậu cần, vì căn cứ địa Việt Bắc hay hậu phương liên khu 4 đều ở cách xa hàng trăm kilômét. Nhưng đó là một tính toán đầy chủ quan, không thấy hết được sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân, ý chí quyết tâm của một dân tộc đang nhất tề đứng lên kháng chiến vì độc lập tự do.
Để tiến tới quyết định mở hướng tiến công lên Tây Bắc, ngay từ tháng 2-1952, khi chiến dịch Hòa Bình sắp kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đã có ý định mở các chiến dịch tiến công tiêu diệt địch trên hướng núi rừng phía Tây Bắc nhằm “Tiêu diệt sinh lực địch, kể cả quân tăng viện từ đồng bằng lên, giải phóng một vùng rộng lớn ở Tây Bắc và Thượng Lào, tranh thủ nhân dân”(3). Trên cơ sở đó và qua nghiên cứu kỹ thực tế, Tổng quân ủy đã sớm quyết định chọn hướng mở chiến dịch Tây Bắc là chiến trường tiến công vào Thu Đông 1952. Bộ Tổng tư lệnh còn xác định, đây là chiến trường “phù hợp với thế và lực của ta,...quyết định bước phát triển của ta trong giai đoạn giữ vững và phát huy thế chủ động chiến lược” (4). Vậy là, từ thực tiễn trên các chiến trường, qua các chiến dịch cuối năm 1950 đến đầu năm 1952, nhất là chiến thắng của chiến dịch Hòa Bình là cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy xác định mở chiến dịch tiến công lên vùng Tây Bắc rộng lớn. Chọn Tây Bắc mở chiến dịch có thể nói là sự cân nhắc, lựa chọn đúng đắn và phù hợp với thế và lực quân sự của ta. Ta đưa chủ lực tấn công vào một chiến trường rừng núi có tầm quan trọng chiến lược, nơi địch phòng thủ yếu, khó phát huy sức mạnh về pháo binh, không quân, nhưng lại là nơi phù hợp với trình độ tác chiến và sở trường của bộ đội ta.
Với chiến trường Tây Bắc đã được lựa chọn, Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã triển khai công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chia địa bàn chiến dịch thành từng khu vực chủ yếu để tiến công. Trên khu vực tiến công chính, bộ đội ta dồn sức tập trung ưu thế áp đảo địch nhất là trong các trận đánh then chốt; đồng thời ta chia thời gian chiến dịch ra từng đợt, tập trung sức mạnh hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ của mỗi đợt để tiếp tục triển khai nhanh sức tấn công dồn dập vào các mục tiêu tiếp theo. Ở trong mỗi đợt, quân dân ta lại chọn thời điểm có lợi nhất nhằm phát huy thế và lực tổng hợp toàn dân để giành thắng lợi. Với nghệ thuật quân sự độc đáo, tạo sức mạnh bằng cách chia địch ra trong khoảng thời gian và không gian hiệp đồng phù hợp nên ta đã giành được những thắng lợi quan trọng trong từng đợt của chiến dịch đặt ra. Từ công tác chuẩn bị chiến trường rồi cho đến trận đánh mở màn tấn công dứt điểm, bất ngờ vào phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên (đợt 1); đánh tan hệ thống phòng ngự kiên cố của địch trên cao nguyên Mộc Châu, giải phóng Yên Châu (đợt 2); kết hợp triển khai các đơn vị đánh vu hồi chiến dịch từ Quỳnh Nhai, thọc sâu tấn công giải phóng Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Thuận Châu, rồi tiến tới giải phóng Sơn La và phần lớn vùng Tây Bắc rộng lớn; trừ khu vực Nà Sản- địch co cụm lại xây dựng thành tập đoàn cứ điểm. Quân ta chủ động mở đợt 3 chiến dịch đánh vào các cứ điểm Nà Sản, thấy không chắc thắng ta cũng chủ động kết thúc chiến dịch. Tiếp tục bao vây chặt Nà Sản, trước sức ép bao vây, tấn công của ta thì cứ điểm Nà Sản bị vô hiệu hóa, cô lập, buộc quân Pháp phải rút bỏ vào ngày 12-8-1953, tỉnh Sơn La được hoàn toàn giải phóng.
Việc xác định đúng chiến trường là cơ sở quan trọng cho ta chọn đúng hướng tiến công chủ yếu, đúng đối tượng tác chiến, vận dụng cách đánh phù hợp nên hiệu suất chiến đấu cao đúng kế hoạch đề ra, chỉ gần hai tháng tiến hành chiến dịch (bắt đầu ngày 14-10-1952 và kết thúc ngày 10-12-1952), quân và dân ta đã diệt và bắt sống trên 6.000 địch, loại khỏi vòng chiến đấu 4 tiểu đoàn và 28 đại đội địch; ta chiếm được 85 vị trí, thu 3.785 khẩu súng các loại, 90 máy vô tuyến điện, 1.450 dù và 6 máy bay, đập tan âm mưu “xứ Thái tự trị” giả hiệu của thực dân Pháp; giải phóng phần lớn địa bàn chiến lược quan trọng ở phía Tây Tổ quốc với gần 25 vạn dân; chiến thắng Tây Bắc đã phá tan thế uy hiếp của địch đối với căn cứ địa Việt Bắc, liên khu 3 và liên khu 4, tạo bàn đạp cho thế chủ động tiến công của ta; tiếp tục đẩy địch ngày một lún sâu vào thế bị động trên chiến trường chính. Vùng giải phóng Tây Bắc được nối liền với căn cứ địa Việt Bắc và với vùng Thượng Lào, tạo nên thế trận mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương.
Chiến thắng đó đã khẳng định sự tiến bộ về “Trình độ chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, trình độ chỉ đạo chỉ huy của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh Quân Đội nhân dân Việt Nam. Đây là kết quả việc nắm vững quy luật vận động của cách mạng và chiến tranh cách mạng ở nước ta; đồng thời là sự tiến bộ về nghệ thuật quân sự nói chung và nghệ thuật chiến dịch nói riêng” (5).
Có thể nói, việc lựa chọn chiến trường, hướng mở chiến dịch đúng đắn, khoa học và sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc trong Thu Đông 1952, là một đóng góp xuất sắc vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Lò Minh Hiến
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La
Chú thích: