No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ năm 1940-1954
Lượt xem: 9048

CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI VIỆT NAM TỪ NĂM 1940-1954

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đưa cách mạng nước ta bước sang một giai đoạn mới; hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Để hiểu rõ hơn tại sao Mỹ lại xâm lược Việt Nam, đẩy dân tộc Việt Nam vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài 30 năm, chúng ta cùng đến với bài viết: “Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ năm 1945-1954”.

 1- Phản đối chế độc thực dân Pháp, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam (1940-1945).

Năm 1939, Đức đánh chiếm Ba Lan mở đầu cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ở Châu Á, lợi dụng Pháp đang suy yếu và để cắt đứt nguồn viện trợ bên ngoài vào Trung Quốc qua đường cảng Hải Phòng và tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, năm 1940, Nhật Bản đánh chiếm Đông Dương, trước sức mạnh của Nhật, Pháp đã nhờ sự giúp đỡ của Mỹ nhưng bị Mỹ từ chối.

Tại Hội nghị Nguyên thủ quốc gia 3 nước Anh, Pháp và Mỹ diễn ra tại Casablanca (Maroc) vào đầu năm 1943, Pháp và Anh bày tỏ muốn duy trì chủ nghĩa thuộc địa, riêng Pháp hi vọng các nước Đồng Minh sẽ trả lại thuộc địa cho Pháp ngay sau khi các thuộc địa này được giải phóng. Trước yêu cầu của Pháp, Tổng thống Mỹ đã phê phán thái độ của Pháp là kém thông minh. Cũng tại Hội nghị Cairo (Ai Cập) diễn ra sau đó, Tổng thống Mỹ Roosevelt tuyên bố thẳng thừng là chủ nghĩa thực dân nên bị thủ tiêu càng sớm càng tốt. Ông khẳng định nhiều nhất Pháp chỉ có thể tạm thời được ủy trị các thuộc địa cũ của mình trước khi trao trả độc lập cho các thuộc địa này.

Tháng 1 năm 1944, Roosevelt viết cho Ngoại trưởng Hull là Mỹ nên ủng hộ việc đặt Đông Dương dưới sự ủy trị quốc tế. Ông viết: “Pháp đã có đất nước này trong gần một trăm năm và người dân ở nơi đây trở nên nghèo đói hơn khi mới bị Pháp chiếm. Nước Pháp đã vắt cạn kiệt đất nước này trong suốt một trăm năm. Người dân Đông Dương được quyền hưởng điều tốt đẹp hơn như vậy”  .

 Cũng trong 1944, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tốt đẹp, một máy bay do thám của Mỹ bị Nhật Bản bắn hạ trên bầu trời phía Bắc nước ta, Trung úy Willliam Saw đã nhảy dù xuống Cao Bằng và được lực lượng Việt Minh giúp đỡ thoát khỏi vòng vây của Nhật. Cuối năm 1944, Saw được Bác Hồ tìm cách đưa sang Trung Quốc giao cho tập đoàn không quân số 14 của Mỹ đang đóng quân ở đây. Trong thời gian ở Côn Minh, Người đã tận dụng mọi cơ hội thiết lập quan hệ ngoại giao với các sỹ quan của quân đội Mỹ, hai bên đã thảo luận và nhất trí trong việc phối hợp giữa mặt trận Việt Minh với lực lượng Đồng minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật ở Đông Dương.

Ngay sau khi mối quan hệ giữa lực lượng Việt Minh và quân đội Mỹ được xác lập, vào ngày 16 tháng 7 năm 1945, Thiếu tá Thomas cùng một số binh sỹ Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào (Tuyên Quang). Lực lượng của quân Mỹ ở đây vừa làm nhiệm vụ liên lạc với lực lượng Mỹ ở Côn Minh vừa huấn luyện kỹ thuật cho du kích Việt Minh, bên cạnh đó, Mỹ đã cung cấp một số vũ khí, trang thiết bị thông tin và thuốc men cho lực lượng Việt Minh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong không khí hân hoan mừng ngày độc lập của dân tộc Việt Nam, Thiếu tá Thomas cùng với nhóm của mình cũng theo lực lượng Việt Minh trở về Hà Nội và trở thành một trong những nhân chứng sống chứng kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh nhóm của Thomas, Mỹ cũng cử một phái đoàn do Thiếu tá Patti cầm đầu đến Hà Nội để nắm tình hình.

2- Ủng hộ Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, từ chỗ là Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít trong thế chiến thứ 2, quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô ngày càng căng thẳng. Hệ thống các nước chủ nghĩa xã hội trên thế giới được hình thành. Các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ.

 Trong khi đó ở trong nước, ngay sau khi mới giành được độc lập, nước ta đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Lấy danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, 20 vạn quân Tưởng tràn xuống chiếm đóng miền Bắc nước ta. Được sự hậu thuẫn của quân đội Anh, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn và mở rộng ra các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trên đất nước ta còn hơn 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Nạn đói Năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu đồng bào; 90% nhân dân ta mù chữ. Nước ta lại chưa được nước nào trên thế giới công nhận.

Đứng trước những khó khăn, để tranh thủ sự ủng hộ của các nước Đồng minh trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, công hàm cho những người đứng đầu chính phủ các nước lớn Mỹ, Anh, Trung Quốc, Liên Xô, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của nhà nước và tố cáo thực dân Pháp trở lại tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Riêng đối với Mỹ, từ tháng 9 năm 1945 đến 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tám lần gửi thông điệp, thư, điện và công hàm cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ; tố cáo Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, vi phạm các nguyên tắc trong Hiến chương Bắc Đại Tây Dương và Hiến chương Liên hợp quốc; đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam.

Nhưng đáp lại với những nổ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thái độ của Mỹ đã có sự thay đổi. Lo sợ trước các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ ở khắp các châu lục, đặc biệt là các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và một số nước ở Tây Âu có lập trường đi theo chủ nghĩa cộng sản sẽ ảnh hưởng đến quyền lực và vị thế của Mỹ trên toàn thế giới, vì vậy, từ chỗ chống chủ nghĩa thực dân, phát xít, ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, vì lôi kéo Pháp vào lực lượng chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Mỹ đã ủng hộ quyền lợi của Pháp ở Đông Dương. Trong một tài liệu mật của Lầu Năm Góc đăng trên New York Times khẳng định là trong một bức điện gửi sứ quán Pháp tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Marshall đã nói: “Mỹ công nhận hoàn toàn chủ quyền của Pháp đối với Đông Dương và không làm gì để có thể gây cảm giác Mỹ đang làm tổn thương vị trí của Pháp”   .

Cùng với việc ủng hộ Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, năm 1947, Tổng thống Mỹ Truman đã công khai nêu lên sứ mệnh của nước Mỹ là lãnh đạo thế giới “tự do” chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, giúp đỡ các dân tộc trên thế giới chống lại sự “đe dọa” của chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là chống lại sự bành trướng của Liên Xô.

Lúc này ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn trong cuộc phản công chiến dịch Thu-Đông năm 1947, bảo vệ vững chắc Khu căn cứ Việt Bắc, phá tan kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, buộc Pháp phải rơi vào thế bị động.

Đối với Mỹ, ngay trong năm 1948, trong một văn kiện tổng kết tình hình Việt Nam và chính sách của Mỹ đối với Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ (27/9/1948) nêu rõ mục tiêu lâu dài của Mỹ là: “Thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương, Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mĩ  .

Ngay sau đó, lợi dụng sự khó khăn của Pháp ở Đông Dương, năm 1949, Mĩ đã nhảy vào ép Pháp thành lập một chính phủ bù nhìn gọi là “Quốc gia Việt Nam”. Ngày 30 tháng 12 năm 1949, Tổng thống Truman đã phê chuẩn một văn kiện của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, trong đó nhấn mạnh:“cần thiết phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Dương”  . Đông Nam Á trở thành chiến trường quan trọng, trọng điểm trong chiến lược ngăn chặn của Mỹ ở châu Á.

3- Trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương (1950-1954)

Bước sang năm 1950, tình hình thế giới và khu vực ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Từ chỗ không được một quốc gia nào trên thế giới công nhận, ngày 18 tháng 1 năm 1950, Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 30 tháng 1 năm 1950, Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới cũng công nhận và thiết lập ngoại giao với Việt Nam.

Ngay sau khi các nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tháng 4 năm 1950, Tổng thống Mỹ Truman đã thông qua bản ghi nhớ quan trọng về Đông Dương dưới mã số là NSC 64. Đây là tài liệu rất ngắn tuyên bố Mỹ viện trợ cho Đông Dương là tối cần thiết vì sự hiện diện của Trung Quốc ở biên giới Đông Dương, và vì người Pháp không có khả năng địch lại với lực lượng của Hồ Chí Minh. Mật lệnh NSC 64 còn gắn việc viện trợ cho Đông Dương với nhiệm vụ chống Cộng sản ở Đông Nam Á vì thất bại của thế giới “tự do” ở đây sẽ làm nguy hại đến tương quan lực lượng của hai phe ở Đông Nam Á.

Tháng 8 năm 1950, Mỹ cử một phái đoàn nghiên cứu liên bộ Ngoại giao và Quốc phòng tiến hành thăm một loạt nước ở Viễn Đông trong đó có Việt Nam. Trưởng phái đoàn ông John. F.Melby, tuyên bố: “Đông Dương là hòn đá tảng trong việc phòng thủ ở Đông Nam Á. Một thất bại ở đây sẽ không thể không đẩy cán cân Đông Nam Á lục địa nghiêm về phía Cộng sản”  .

Tháng 12 năm 1950, Mỹ, Pháp và Quốc gia Việt Nam chính thức ký Hiệp định. Đây là hiệp định đầu tiên giữa Mỹ và Quốc gia Việt Nam, đánh dấu sự bắt đầu việc Mỹ chính thức dính líu vào Việt Nam. Cũng trong tháng 12 năm 1950, Mỹ, Pháp cùng Chính phủ “quốc gia” Việt, Miên, Lào đã kí bản “Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương”  . Mỹ cam kết sẽ viện trợ quân sự cho các nước trên để phòng thủ Đông Dương.

Tháng 9 năm 1951, Mỹ trực tiếp ký với Bảo Đại hiệp ước tay đôi, gọi là “Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt –Mỹ”, nhằm chuyển thẳng một phần viện trợ của Mỹ cho Chính phủ Bảo Đại và trực tiếp ràng buộc chính phủ đó vào Mỹ. Tháng 12 năm 1951, Mỹ lại ký với Bảo Đại một bản “Hiệp nghị an ninh chung”.

Từ sau khi các bàn Hiệp định viện trợ quân sự, kinh tế, an ninh được kí kết, viện trợ của Mỹ cho Pháp và Quốc gia Việt Nam liên tục tăng lên theo cấp số nhân. Từ 10 triệu đô la năm 1950 lên hơn 1 tỷ đô la vào năm 1954. Tổng viện trợ của Mỹ cho Pháp và Quốc gia Việt Nam từ 1950 đến 1954 là 3,5 đô la, chiếm đến 75% chiến phí của Pháp ở Đông Dương.

Bên cạnh viện trợ về tiền bạc, Mỹ còn viện trợ Pháp và Quốc gia Việt Nam về vũ khí và cử các phái đoàn quân sự, thành lập các phòng ban ở Việt Nam. Tháng  9 năm 1950, phái đoàn quân sự Mĩ-MAAG được thành lập ở Sài Gòn. Năm 1952, các phòng thông tin của Mĩ được đặt ở nhiều trung tâm trong vùng chiếm đóng. Các trung tâm và các trường huấn luyện của Mĩ bắt đầu chọn, đưa người từ Việt Nam sang học ở Mĩ. Tính đến tháng 1 năm 1954, riêng về vũ khí và phương tiện chiến tranh, Mỹ đã viện trợ cho Pháp ở Đông Dương gồm 360 máy bay, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 390 tàu chiến và tàu quân sự, 16.000 xe quân sự các loại, 175.000 súng trường và súng máy.

Đứng trước những khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lần lượt mở cách chiến dịch: Biên giới Thu-Đông năm 1950, chiến dịch Trần Hưng Đạo, chiến dịch Hoàng Hoa Thám,  chiến dịch Quang Trung, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc năm 1952, đẩy Pháp và can thiệp Mỹ vào tình thế ngày càng khó khăn.

Đặc biệt trong cuộc tiến công chiến lược đông-xuân 1953-1954, trước thất bại hoàn hoàn của cứ điểm Điện Biên Phủ, để cứu vãn tình thế, Chính phủ Mỹ đã gấp rút soạn thảo một kế hoạch mang tên Opération Vautour (cuộc hành binh Chim kền kền), theo đó Mỹ sẽ huy động 300 máy bay từ các tàu sân bay tập trung tại vịnh Bắc Bộ và 60 máy bay ném bom hạng nặng từ căn cứ không quân Clark Field của Mỹ đặt ở Philippin ném 450 tấn bom kết hợp với hỏa lực của 150 máy bay khu trục từ các tàu sân bay vào các tuyến giao thông tiếp tế của Việt Minh. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ trong quốc hội Mỹ không muốn nước Mỹ lại bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh khác. Cuối cùng,“sau nhiều lần do dự kéo dài, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã không dám vào cuộc”.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mĩ của dân tộc ta, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và rút quân về nước.

Riêng đối với Mĩ, viện cớ Mĩ không ký vào bản hiệp định nên không bị ràng buộc về mặt pháp lý và coi Hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ là một hiệp định đình chiến nên có thể hủy bỏ bất cử lúc nào, Mĩ đã nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Từ đây nhân dân ta tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống Mỹ cứu nước.

Như vậy, từ chỗ phản đối chủ nghĩa thực dân, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì lo sợ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản sẽ ảnh hưởng đến vị thế và quyền lực của Mỹ trên toàn thế giới, Mỹ đã ủng hộ Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, đồng thời can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và chính thức hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương sau Hiệp định Gio-ne-vơ, trực tiếp đưa quân vào xâm lược Việt Nam, đẩy dân tộc Việt Nam vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ kéo dài 30 năm.

Bùi Trung Kiên

Tài liệu tham khảo:

- Lưu Văn Lợi, Nguyễn Hồng Thạch, Pháp Tái Chiếm Đồng Dương, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2015.

- Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, 2005.

 

Thông tin doanh nghiệp
  • Đội quân nhà phật
  • Vươn mình trong hội nhập quốc tế
  • Sơn La tăng 5 bậc về chỉ số PAPI
  • Ứng dụng công nghệ cao - phát triển nông nghiệp bền vững
  • Sơn La có 6 tập thể và 3 cá nhân được vinh danh tại VITA AWARDS 2025
  • Tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024-2025
  • Hội thảo về quản lý, bảo vệ nguồn nước tại Sơn La: Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp bền vững
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La
  • Hội nghị bàn giao nhiệm vụ về Hội Khoa học Tổng hợp
  • Chuyển đổi số: Top 10 xu hướng của năm 2025
  • Nam và nữ - ai là “phái yếu”
  • Nghệ thuật lãnh đạo trong thời đại AI
  • Thư mời viết bài cộng tác
  • Công bố các quyết định về kết thúc hoạt động; thành lập, hợp nhất các cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La
  • Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La
  • Quái kiệt Lương Văn Phong: Cha đẻ DeepSeek khiến đế chế AI tỷ đô rúng động
  • Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 7, năm 2025
  • Bí ẩn của bệnh tật và sức khỏe
  • Bản tin Trí thức với Khoa học và Công nghệ số 55 - 2025
  • Rắn ở Việt Nam
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam
  • Chủ tịch của NVIDIA và 4 nhà khoa học thắng giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture
  • Công bố chi tiết 5 bộ, 4 Ủy ban dự kiến sáp nhập, kết thúc sau khi tinh gọn bộ máy
1 2 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 31
    • Hôm nay: 4987
    • Trong tuần: 37 910
    • Tất cả: 15392419
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này