CHIẾN DỊCH
THƯỢNG LÀO – 1953 VÀ SỰ KIỆN GIẢI PHÓNG HUYỆN MAI SƠN
Sau thắng lợi
của Chiến dịch Tây Bắc (từ 14/10 – 10/12/1952), một vùng giải phóng rộng lớn từ
hữu ngạn sông Thao đến sông Đà và dọc biên giới Việt - Lào từ Mộc Châu đến Điện
Biên Phủ được mở ra, tạo điều kiện cho quân dân Việt - Lào hoạt động mạnh mẽ và
rộng khắp. Để củng cố, mở rộng vùng mới giải phóng và giúp nước bạn Lào xây dựng
được chỗ đứng chân, thực hiện chủ trương “Tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh chỗ
yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch…” của Trung ương
Đảng, từ ngày 12-4 đến ngày 3-5-1953 liên quân Việt - Lào đã mở Chiến dịch Thượng Lào
và giành thắng lợi vang dội, phá vỡ thế bố trí lực lượng của thực dân Pháp ở Bắc
Đông Dương. Tỉnh Sơn La lúc này tuy cơ bản được giải phóng, nhưng quân
Pháp vẫn tiếp tục chiếm đóng Nà Sản, liên tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm
ra các nơi, cản trở công cuộc tái thiết, xây dựng lại quê hương của nhân dân
Sơn La. Bên cạnh những ý nghĩa to lớn về các mặt quân sự, chính trị, chiến dịch
Thượng Lào còn có những tác động gián tiếp đến tình hình Sơn La, buộc quân Pháp
phải rút khỏi Nà Sản, hoàn thành giải phóng huyện Mai Sơn.
Thượng Lào vốn
được quân Pháp coi là một sân sau an toàn của mình ở Đông Dương. Tuy nhiên, sau
thắng lợi của quân dân Việt Nam trong chiến dịch Tây Bắc, Tổng Chỉ huy quân viễn
chinh Pháp tại Đông Dương quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ
Chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ (Việt Nam), để sẵn sàng ứng cứu cho Thượng lào bằng
lực lượng cơ động của toàn Bắc Bộ khi bị tiến công. Chiến trường Thượng Lào được
Pháp chia làm khu Mê-Kông và khu Trấn Ninh (Cao nguyên Cánh đồng Chum). Khu
Mê-Kông có 2 phân khu Viêng Chăn và Luông Pha Băng. Khu Trấn Ninh có 2 phân khu
Sầm Nưa và Xiêng Khoảng. Với ý đồ chọn thị xã Sầm Nưa là khu vực phòng thủ chủ
yếu, rút kinh nghiệm từ Nà Sản (Việt Nam), Bộ Chỉ huy Pháp tập trung lực lượng,
phương tiện, xây dựng thêm nhiều công sự, điểm tựa kiên cố, nhằm biến Sầm Nưa
thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trên đất Lào. Ngoài 3 đại đội lính khố đỏ,
Pháp tăng cường cho Sầm Nưa 3 tiểu đoàn Lào và một số lính Pháp, bố trí thêm 10
vị trí phòng ngự tại những điểm cao xung quanh thị xã Sầm Nưa. Các cứ điểm được
xây dựng kiên cố, có hàng rào dây thép gai bao quanh và hệ thống giao thông
liên hoàn, các sân bay dã chiến đều được cải tạo, sửa chữa… Quân Pháp nuôi ý đồ
nối Sầm Nưa với Lai Châu và Nà Sản, kéo dài xuống tận Trấn Ninh, hình thành một
dải liên hoàn các cụm cứ điểm, một hành lang quân sự ngăn cách giữa Lào và Việt
Nam, khống chế cả vùng Thượng Lào lẫn vùng Tây Bắc Việt Nam, chia rẽ kháng chiến
Lào - Việt.
Trên cơ sở
nghiên cứu, đánh giá tình hình, Tổng Quân ủy nhận định, nếu tấn công vào Sầm
Nưa sẽ có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của ta,
vừa làm mất chỗ dựa phía sau Nà Sản và mở được căn cứ cho bạn đứng chân, tạo
nên một thế trận liên minh chiến đấu giữa hai nước Lào – Việt. Ngày 3-2-1953,
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định
phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào, nhằm tiêu diệt một bộ phận
sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai, giúp Lào
xây dựng lực lượng, mở rộng, củng cố hậu phương kháng chiến, phá thế bố trí
chung của Pháp ở miền Bắc Đông Dương, buộc
chúng phải phân tán lực lượng đối phó, đồng thời tạo điều kiện để bộ đội
tập luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm, chuẩn bị cho việc tiêu diệt tập đoàn cứ
điểm Nà Sản.
Để đánh lừa
địch, Bộ Tổng tham mưu đã xây dựng một kế hoạch nghi binh đánh vào Nà Sản từ ba
hướng: sông Đà vào, Sơn La xuống và từ Yên Châu lên. Mọi hoạt động chuẩn bị cho
chiến dịch Thượng Lào từ hậu phương lên đến Cò Nòi được ta triển khai rầm rộ,
khiến địch lầm tưởng ta chuẩn bị đánh Nà Sản. Trong khi đó các hoạt động trên
đoạn đường từ Cò Nòi sang Sầm Nưa đều hết sức giữ bí mật. Động thái này khiến
quân Pháp hết sức đề phòng, tăng cường củng cố Nà Sản, tạo điều kiện thuận lợi
cho bộ đội hành quân sang Thượng Lào.
Phối hợp thực
hiện kế hoạch nghi binh và chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch, Tỉnh ủy Sơn La đã
chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương tích cực làm tốt
công tác giáo dục, tuyên truyền vận động nhân đi dân công, đóng góp lương thực,
thực phẩm. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích
tích cực triển khai các hoạt động quấy rối, phục kích, chặn đánh các cuộc hành
quân của địch. Tỉnh đã thành lập hội đồng cung cấp để kịp thời bảo đảm, phục vụ
cho chiến dịch, huy động lực lượng xây dựng, bảo vệ và đảm bảo nhân lực cho 3 cụm
kho trên dọc tuyến Suối Vạt - Mộc Châu - Vạn Mai. Dù đời sống còn hết sức khó
khăn, nhưng quân và dân Sơn La đã góp phần cùng toàn Khu Tây Bắc huy động được
34.650 dân công, 850 thuyền nan, 2.000 xe đạp, 180 ngựa thồ phục vụ chiến dịch;
ủng hộ vật chất cho chiến dịch 4.975 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.340 con trâu bò,
52 tấn thịt lợn, 12 tấn đường, 108 tấn rau quả và thực phẩm.
Theo kế hoạch
tác chiến, Sầm Nưa được lựa chọn làm hướng chính của chiến dịch, hướng thứ yếu
là lưu vực sông Nậm Hu ở phía Bắc và Xiêng Khoảng ở phía Nam. Tham gia chiến dịch
ở hướng chính có các trung đoàn của Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và Trung đoàn 98
của Đại đoàn 316 cơ động theo Đường số 6 tiến sang Sầm Nưa. Phối hợp với Quân đội
nhân dân Việt Nam là các đơn vị Quân giải phóng Pa-thét Lào đang đóng quân trên
địa bàn tỉnh Sầm Nưa do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chỉ huy. Đồng chí Võ Nguyên
Giáp và Hoàng thân Xuphanuvông chỉ huy chung, hành quân cùng các đơn vị ở hướng
chủ yếu của chiến dịch. Phối thuộc với các đơn vị ở hướng chính còn có 7 đại đội
pháo binh, 2 tiểu đoàn súng phòng không 12,7mm, 1 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu
đoàn thông tin và 1 đại đội trinh sát của Bộ. Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316
là lực lượng dự bị đứng chân ở Mộc Châu (Sơn La) bảo vệ địa bàn và sẵn sàng
tham gia chiến đấu.
Ngày 12-4 chiến dịch Thượng Lào bắt đầu diễn ra. Đây là một chiến dịch vận động tiến công, liên tục truy kích quân địch rút chạy trên quãng đường dài 270 km. Sau 20
ngày chiến đấu, ngày 3-5-1953 chiến dịch giành thắng lợi vang dội. Bộ đội Việt - Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu 1/5 lực lượng địch ở Lào, giải phóng 4.000
km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa và một phần các tỉnh Xiêng Khoảng,
Phông Xa lỳ.
Thắng lợi của
chiến dịch Thượng Lào không những đẩy lực lượng cơ động của quân đội Pháp trên
chiến trường Bắc Đông Dương lún sâu vào thế bị động đối phó mà còn làm phá sản
kế hoạch giành lại quyền chủ động chiến lược của chúng; quyền chủ động chiến lược của ta được củng cố, không chỉ ở chiến trường
chính Bắc Bộ mà đã mở rộng ra phạm vi toàn miền Bắc Đông Dương. Lực lượng cơ động
của địch bị căng mỏng, phân tán, khiến hệ thống bố trí chung của thực
dân Pháp bị phá vỡ, phải co cụm lại đối phó bị động. Sầm Nưa được
giải phóng, Nà Sản bị cô lập đã làm suy yếu tuyến phòng thủ phía Tây, từ Lai
Châu đến Nà Sản (Việt Nam), Sầm Nưa đến Trấn Ninh (Lào) của địch. Nà Sản - vị
trí địch cho rằng có tác dụng chặn đường tiến công của quân ta về phía này đã bị
cô lập, âm mưu của địch dùng Nà Sản làm bàn đạp chiếm giữ lại Tây Bắc càng khó
khăn hơn trước. Không những thế, quân địch ở Lai Châu, Phông Xa Lỳ, Luông Pha
Băng, Trấn Ninh cũng bị cô lập và uy hiếp trực tiếp.
Sau 8 năm tiến
hành xâm lược Đông Dương, chi phí cho chiến tranh ngày càng cao làm cho nền
kinh tế tài chính Pháp kiệt quệ. Tình hình chính trị - xã hội bất ổn,
nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến
tranh Đông Dương, phải phụ thuộc nhiều hơn vào
Mỹ. Người Pháp bắt đầu nghi ngờ vào các “con nhím” (tức các cụm cứ điểm lớn được án ngữ bởi các tiểu đoàn chính quy như Nà Sản,
Sầm Nưa). Chính phủ Pháp buộc phải tính tới chuyện thay thế kế hoạch của tướng De Lattre. Ngày 7-5-1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Pháp cử tướng Henri
Navarre sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Ngày 21-5-1953, tướng Navare lên khảo sát chiến trường Tây Bắc. Tại Nà Sản, Navarre nhận thấy căn cứ này tuy nằm
trên trục đường 41, nhưng không có nhiều tác dụng trong việc ngăn cản Việt Minh tiến lên Điện Biên
Phủ, Lai Châu. Bởi sau chiến dịch Thượng Lào, ta đã khai
thông được đường thông qua Thượng Lào. Navarre đã tính đến chuyện phải thay thế Nà Sản bằng
một cứ điểm khác, một căn cứ dễ phòng ngự, dễ tiến công, từ đó có thể tung quân
đi khắp nơi, tỏa khắp Lai châu, Thượng Lào. Đó là lòng chảo
Điện Biên Phủ. Đồng thời, việc rút quân khỏi Nà Sản cho phép Navarre có thêm được
3 tiểu đoàn cơ động để đối phó với các cuộc tiến công của ta.
Cùng với những
tác động của chiến dịch Thượng Lào, việc quân Pháp rút khỏi Nà Sản còn do sức
ép từ tinh thần đoàn kết chiến đấu của lực lượng bộ đội địa phương Sơn La cùng
các đơn vị chủ lực. Được Trung đoàn 174 làm nòng cốt, các đại đội bộ đội địa
phương và dân quân du kích huyện Mai Sơn đã tích cực tổ chức nhiều trận phục
kích, chặn đánh quân địch từ Nà Sản ra các nơi. Tiêu biểu như trận chống càn ở
Mường Chanh, trận diệt đồn bản Pàn (Nậm Ty, Sông Mã), 3 trận chống càn ở
Chiềng Ban, 1 trận diệt phỉ ở Thuận Châu. Trong các trận này, ta đã tiêu
diệt được 28 tên địch, bắt sống 79 tên phỉ; thu được 1 trung liên, 25 súng trường,
10 lựu đạn (1). Trong trận
chống địch càn quét vào Chiềng Kheo ngày 22-4-1953, các đơn vị vũ trang huyện
Mai Sơn đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch; đồng chí
Thái Duy – Huyện đội trưởng và 2 đội viên đã anh dũng hi sinh. Sau trận này,
cán bộ, chiến sỹ của Huyện đội Mai Sơn sôi sục khí thế, noi theo tấm gương anh
dũng của đồng chí Thái Duy, tổ chức nhiều trận đánh khiến địch hoang mang,
không dám tổ chức càn quét bừa bãi.
Trải qua thực
tế chiến đấu, lực lượng bộ đội địa phương, du kích các xã, bản đều trưởng thành
nhanh chóng, hăng hái, gan dạ trong chiến đấu. Đội du kích xã Dong Dăm đã xông
pha trận địa để tải thương binh. Du kích Bon Chăn dù phải đào củ mài ăn thay
cơm nhưng vẫn tích cực hoạt động. Du kích Mường Chanh luôn bám sát địch chống
càn, đưa bộ đội đánh đồn bản Pàn (Sông Mã). Ngoài ra, du kích còn tích cực tổ
chức canh gác, phòng gian và dẫn giải mít-xe, do thám, giúp đỡ bộ đội vận chuyển
chiến lợi phẩm. Từ tháng 7 đến tháng 9-1953, dân quân du kích Mai Sơn đã phối hợp
với bộ đội đánh 5 trận, 45 người tham gia chiến đấu, bắt 20 tên mít-xe, do
thám; 128 đồng chí tham gia dẫn giải, canh gác tù binh, đóng góp hàng trăm ngày
công vận chuyển chiến lợi phẩm, làm nhiệm vụ canh giữ kho tàng trong nhiều
tháng (2) .
Trước sức ép tiến công của quân dân huyện Mai Sơn và
lực lượng vũ trang Sơn La, ngày 13-6-1953, Pháp bắt đầu rút một số đơn vị khỏi
Nà Sản để tăng cường cho Lai Châu và Lào. Đến ngày 9-7-1953 thì địch rút khỏi
Thuận Châu và ngày 10-7 thì rút nốt quân Tỉnh lỵ về Nà Sản. Lực lượng địch ở Nà
Sản chỉ còn lại 3 tiểu đoàn Thái (BT1, BT2, BT3) với 1.500 quân và 1 đại
đội pháo do 100 lính Âu Phi phụ trách và 50 lính quân y. Tổng số quân ở Nà Sản
có 1.650 tên do một quan tư Pháp trực tiếp chỉ huy (3) .
Sau trận Sầm
Nưa, tập đoàn cứ điểm Nà Sản bị cô lập, uy hiếp, có nguy cơ bị tiêu diệt, đồng
thời vị trí này cũng không còn đủ sức ngăn cản các mũi tiến quân của bộ đội ta
lên Tây Bắc, từ ngày 6/8-12/8/1953,
quân Pháp buộc phải rút hết quân khỏi đây, để thực hiện một bước phiêu
lưu quân sự mới theo ý tưởng của tướng lĩnh Pháp lúc đó: “Nà Sản không có
giá trị gì đối với việc che chở cho Thượng Lào. Việt Minh đang xây dựng một con
đường vòng qua phía bắc Nà Sản, rồi qua Tuần Giáo. Điện Biên Phủ và lưu vực
sông Nậm Hu tiến đến Luang Prabang… thay vì Nà sản… nên khóa con đường ấy lại ở
Điện Biên Phủ” (4) .
Ý đồ dùng Nà Sản “thành căn cứ để phản công đánh bật Việt Minh ra khỏi xứ
Thái” của Pháp hoàn toàn tan vỡ. Huyện Mai Sơn và tỉnh Sơn La hoàn toàn được
giải phóng.
#HSL
TG: Hà ngọc Hòa