No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Chiến dịch Tây Bắc 70 năm nhìn lại
Lượt xem: 758

CHIẾN DỊCH TÂY BẮC 70 NĂM NHÌN LẠI


Nguyễn Vũ Điền
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La

Cách đây 70 năm, ngày 10-12-1952, Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và phần lớn các tỉnh Tây Bắc được giải phóng. Đây là một thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự và chính trị, tiếp tục làm xoay chuyển cục diện chiến trường theo hướng hoàn toàn có lợi cho ta, tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta tiến lên, giành thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07-5-1954.



Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chỉ đạo chiến tranh chống xâm lược, đồng thời khẳng định sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật quân sự của quân đội ta. Thể hiện trên những nét lớn sau:

Thứ nhất, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định chính xác tình hình, xác định đúng địa bàn tác chiến, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau Chiến dịch Biên giới - Thu đông 1950, thế và lực của ta có nhiều thay đổi, có thể chuyển từ thế phòng ngự sang phản công và tiến công nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng và củng cố vùng tự do, xây dựng các căn cứ du kích vững mạnh sau lưng địch, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta trên chiến trường, đưa cuộc kháng chiến lên một bước mới.

Từ việc phân tích tình hình, đánh giá khách quan về tương quan lực lượng giữa ta và địch, bước vào mùa khô năm 1952, Tổng Quân ủy đề xuất với Trung ương Đảng, chọn Tây Bắc là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, đồng bằng sông Hồng là hướng phối hợp quan trọng. So với chiến trường khác, Tây Bắc là chiến trường địch yếu, sơ hở, nhưng lại là một địa bàn chiến lược rất quan trọng. Căn cứ đề xuất của Tổng Quân ủy, ngày 28-9-1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về mở chiến dịch Quang Trung (chiến dịch Tây Bắc). Mục đích của chiến dịch là: tiêu diệt sinh lực địch; tranh thủ nhân dân; Giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược.

Ngày 9-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị cán bộ chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, Người khẳng định: “Trung ương Đảng và Tổng quân uỷ đã cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến, và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi…”.

Đó là một quyết định sáng suốt và hết sức khôn khéo. Bởi trong hoàn cảnh so sánh lực lượng giữa ta và địch lúc đó, địch vẫn rất mạnh. Việc chọn chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch để tiến công, đồng thời tổ chức đánh địch ở các chiến trường khác, buộc địch phải phân tán lực lượng để chống đỡ, không thể ứng cứu cho chiến trường Tây Bắc là một nghệ thuật mang tính chiến lược, khiến địch không thể trở tay. Và thực tế diễn biến chiến trường trong Chiến dịch Tây Bắc đã chứng minh nhận định đó của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác.

Trong điều kiện tác chiến tại địa hình rừng núi, các lực lượng của ta đã phát huy tốt sở trường và khả năng vận dụng phương châm “đánh điểm, diệt viện”. Tại những nơi này, địch chủ quan và phòng thủ yếu. Khi bị tiến công, chúng không thể phát huy thế mạnh của pháo binh, không quân và cơ động ứng cứu cho nhau, do vậy rất dễ bị tiêu diệt.

Sau gần hai tháng tác chiến (từ 14-10 đến 10-12-1952), tất cả các mục tiêu của chiến dịch đã hoàn thành. Ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động của địch bị xoá sổ; nhiều tên thực dân và tay sai người địa phương có tội ác với nhân dân các dân tộc phải đền tội. Âm mưu củng cố “xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn. Sau chiến dịch, hơn 80% đất đai của Tây Bắc được giải phóng, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc, tiềm lực kháng chiến và hậu phương của cả nước thêm lớn mạnh; đường liên vận quốc tế từ Trung Quốc qua Lào Cai, từ Việt Nam sang Lào; các tuyến giao thông từ Tây Bắc sang Việt Bắc, xuống Liên khu III, Liên khu IV được nối thông, tạo điều kiện rất quan trọng để quân và dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi hơn nữa.

Thứ hai, quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng. Lực lượng và hình thái tác chiến được tổ chức phù hợp với trình độ bộ đội.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến, với lực lượng và vũ khí trang bị hết sức thô sơ và hạn chế, quân đội ta phải đối đầu với một kẻ địch mạnh, được trang bị rất hiện đại. Xuất phát từ tình hình trên, chiến lược mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đề ra trong tổ chức và tác chiến của quân đội ta trong giai đoạn này là “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Đó chính là sự chỉ đạo việc phân tán và tập trung lực lượng trong từng trận đánh, từng chiến dịch cụ thể. Đó cũng chính là sự kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy. Việc duy trì và triển khai “đại đội độc lập” rộng khắp các địa phương nhằm thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích, kéo căng lực lượng quân Pháp, buộc chúng phải dàn lực lượng ra chống đỡ. Còn “tiểu đoàn tập trung” là sử dụng lực lượng chủ lực cho các trận đánh lớn. Cách tổ chức và tác chiến này, khiến cho mọi nỗ lực tìm kiếm quân chủ lực Việt Minh của địch bị thất bại và chúng phải luôn trong tình trạng bị động.

Song song với chiến lược trên, ta hết sức chú trọng đến việc xây dựng lực lượng chủ lực. Trong thư gửi Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng (2-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, một trong những công việc trước mắt của quân đội ta lúc này là: “Tích cực xây dựng bộ đội chủ lực”. Đảng ta xác định: “Bộ đội chủ lực sẽ xây dựng thành từng trung đoàn mạnh, rồi tiến tới đại đoàn”. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để đưa cuộc kháng chiến đến giai đoạn tổng phản công, kết thúc chiến tranh.

Quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo đề nghị của Bộ Tổng tham mưu, ngày 28-8-1949, Đại đoàn bộ binh 308 ra đời tại thị trấn Đồn Đu, huyện Đồng Hỷ (nay là huyện Phú Lương), tỉnh Thái Nguyên. Đây là đại đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội ta mang danh hiệu “Đại đoàn Quân Tiên phong”. Tiếp đó, trong hai năm 1950-1951, các Đại đoàn chủ lực 304, 312, 320, 316 và Đại đoàn công - pháo 351 liên tiếp được thành lập. Việc ra đời các đại đoàn đánh dấu bước trưởng thành mới của quân đội ta trong quá trình xây dựng và phát triển, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Các đại đoàn chủ lực đã trở thành lực lượng nòng cốt, thực hiện các đòn đánh tiêu diệt lớn quân địch, giải phóng đất đai, làm chuyển biến cục diện chiến trường có lợi cho ta.

Chiến dịch Biên giới là chiến dịch đầu tiên lực lượng chủ lực ta tham chiến với quy mô cấp Đại đoàn. Tuy nhiên, trong chiến dịch này, ta mới sử dụng Đại đoàn 308. Tới chiến dịch Tây Bắc năm 1952, lực lượng tác chiến của ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Ba đại đoàn chủ lực, gồm Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và Đại đoàn 316 (thiếu) cùng các đơn vị binh chủng phối thuộc, với lực lượng lên đến trên 36.000 người, tham gia tác chiến trên một địa bàn rộng lớn, đẩy địch vào trạng thái luôn phải bị động đối phó. Điều đó khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh chống xâm lược.

Thứ ba, trận tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản không thành công là kinh nghiệm quý để quân đội ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Có thể nói, từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho đến chiến dịch Tây Bắc, quân đội ta chưa khi nào phải tác chiến trong điều kiện đối phương phòng ngự theo kiểu “tập đoàn cứ điểm”. Trong giai đoạn 3 của chiến dịch Tây Bắc, tại Nà Sản, bộ đội ta gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ một căn cứ cố thủ được coi là mạnh nhất Đông Dương thời đó. Lúc đầu Nà Sản chỉ là một cứ điểm phòng ngự và một sân bay dã chiến dài 1.100 mét. Lực lượng chốt giữ ở cứ điểm này chỉ có nhiệm vụ bảo vệ đường băng cho máy bay lên xuống để vận chuyển quân và tiếp tế cho lực lượng của chúng tại Tây Bắc. Nhưng ngay sau khi mất Nghĩa Lộ, Bộ chỉ huy quân sự Pháp cho tập trung lực lượng xây dựng Nà Sản thành nhiều cứ điểm liên kết với nhau, hình thành tập đoàn cứ điểm để ngăn cản sức tiến công của bộ đội ta.

Trong vòng một tháng, địch đã sử dụng máy bay vận tải, đưa lên Nà Sản 1.600 tấn thép gai, 5.000 quả mìn, sử dụng binh lính và dân phu cải tạo địa hình, phá trụi các quả đồi, đào hầm hố ẩn nấp, xây lô cốt, rào dây thép gai, bố trí các bãi mìn… biến Nà Sản thành một tập đoàn với 28 cứ điểm, hình thành hai vành đai trong khu vực phòng ngự: Vành đai phía trong bao quanh sở chỉ huy, trận địa pháo, sân bay, kho tàng và quân dự bị nối liền với nhau bằng hào giao thông và mạng hàng rào dây thép gai. Vành đai ngoài gồm bảy cứ điểm cấu trúc trên những đồi cách xa trung tâm, đề phòng sự thâm nhập của quân đội ta. Lực lượng địch tại Nà Sản cũng được tăng cường, gồm 10 tiểu đoàn bộ binh, 8 đại đội độc lập, một tiểu đoàn pháo binh. Tổng số binh lực lên đến 12.000 tên. Bộ chỉ huy Pháp tăng cường phương tiện bảo vệ sân bay, giữ vững đường tiếp tế sân bay Nà Sản - Hà Nội. Hàng ngày, quân địch củng cố công sự trận địa, tổ chức sục sạo, càn quét các bản xung quanh, nhằm phát hiện và phá thế tiến công của ta. Ban ngày địch dùng máy bay B26 oanh tạc xung quanh cứ điểm. Đêm đến chúng tổ chức các toán nhỏ phục kích ta ở đường số 6 và các đường mòn, chúng dùng pháo binh ở các cứ điểm bắn ra xung quanh. Khi bị ta tiến công chúng dựa vào hệ thống công sự trận địa, địa hình có lợi, dùng hoả lực ngăn chặn ta, gọi không quân đánh chặn đội hình tiến công của ta và điều lực lượng ở phía sau cơ động đánh vào bên sườn phía sau đội hình tiến công của ta. Nếu có nguy cơ bị tiêu diệt chúng chạy về sân bay cố thủ.

Về phía ta, lực lượng càng tiến sâu vào phía sau lưng địch, càng gặp nhiều khó khăn về tiếp tế và hậu cần, sau 2 đợt chiến đấu, quân số bị thương vong nhiều và sức chiến đấu giảm sút. Trong khi đó công tác trinh sát chưa được tổ chức tốt, không đầy đủ, thiếu chính xác, khách quan, nên cơ quan chỉ huy chiến dịch không nắm được tình hình.

Ngày 30-11-1952, Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định tập trung lực lượng mở đợt tiến công thứ 3 nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Nà Sản. Mở đầu, ta chủ trương tập trung lực lượng đột phá vào các điểm tựa ở vòng ngoài, từ đó khống chế pháo binh địch và sân bay, phát triển chiến đấu vào trong, tạo thời cơ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.Tuy nhiên, do không nắm chắc địch, sau hai ngày tiến công, đánh vào cứ điểm bản Hời, Pú Hồng (ngày 30/11 và 31/11/1952) và Nà Si, bản Vạy (ngày 01/12/1952), trước sự phản công quyết liệt của địch, lực lượng ta bị thương vong nhiều, không đạt được kết quả như quyết tâm chiến đấu đề ra, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chủ động kết thúc cuộc tiến công vào cứ điểm Nà Sản và cũng là kết thúc Chiến dịch Tây Bắc.

Cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952 tuy không thành công, nhưng đã để lại cho quân đội ta nhiều bài học kinh nghiệm trong tác chiến khi địch phòng ngự tại tập đoàn cứ điểm. Đó là cần có thời gian chuẩn bị chu đáo và huấn luyện bộ đội. Cần nghiên cứu về kiểu phòng ngự mới này; phải chọn đúng hướng mở cửa đột phá, tổ chức nhiều mũi xung kích trên nhiều hướng. Đánh chiếm xong phải làm ngay công sự, sẵn sàng đánh địch phản kích, bảo vệ từng vị trí đã chiếm lại được để làm bàn đạp tiến công các cứ điểm tiếp theo. Khi địch rút phải tổ chức chặn đánh, chặn cả đường tiếp tế lực lượng của địch…

Sau khi chiến dịch Tây Bắc kết thúc, các binh đoàn chủ lực rút khỏi Sơn La, lực lượng vũ trang Sơn La đẩy mạnh hoạt động, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhổ từng đồn bốt nhỏ lẻ, khiến cho Nà Sản ngày càng chơi vơi giữa núi rừng”, trở thành “vực thẳm giam chân”, là “miếng mồi hấp dẫn cho Việt Minh”. Để tránh cho tập đoàn cứ điểm này khỏi nguy cơ bị tiêu diệt, Henri Navarre - Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương - đã ra lệnh rút khỏi Nà Sản. Từ ngày 8 đến 13-8-1953, cầu hàng không Hà Nội - Nà Sản lại được thiết lập một lần nữa, đưa toàn bộ quân Pháp rút lui để bảo toàn lực lượng. Nà Sản trở thành nơi cuối cùng ở Sơn La được giải phóng.

Cuộc rút lui khỏi Nà Sản là một thất bại của địch trong âm mưu chiếm giữ Tây Bắc và củng cố Thượng Lào. Đó cũng là thắng lợi của quân và dân ta, khẳng định phong trào kháng chiến đã vững mạnh, đủ thế và lực để áp đảo kẻ thù. Thắng lợi đó là nguồn động viên để quân và dân Sơn La tích cực chuẩn bị bước vào thế trận mới, góp phần cùng cả nước đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những kinh nghiệm rút ra từ trận tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản đã được Đại tướng Tổng tư lệnh và quân đội ta thực hiện thành công trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954./.

Thông tin doanh nghiệp
  • Lễ công bố Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Mộc Châu
  • Hội thảo tư vấn Tham gia góp ý vào Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI
  • Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội
  • Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng Việt Nam
  • Đồng chí Khuất Duy Tiến với nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia
  • Một số hoạt động nổi bật của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La năm 2024
  • Liên hiệp Hội Sơn La tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
  • Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
  • Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025
  • 10 Kết quả nổi bật trên các lĩnh vực của tỉnh Sơn La năm 2024
  • Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
  • 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2024
  • Nữ giáo sư Việt được lấy tên đặt cho 1 tiểu hành tinh
  • Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị
  • Hội thảo Vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia
  • Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiên phong trong một số lĩnh vực trọng tâm
  • Những chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của chính phủ
  • “Xây dựng thành phố Sơn La từng bước trở thành cực tăng trưởng đô thị xanh của vùng Tây Bắc và Khu vực miền núi phía Bắc”
  • Họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La lần thứ nhất, năm 2024
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam
  • Chủ tịch của NVIDIA và 4 nhà khoa học thắng giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture
  • Công bố chi tiết 5 bộ, 4 Ủy ban dự kiến sáp nhập, kết thúc sau khi tinh gọn bộ máy
1 2 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 29
    • Hôm nay: 2375
    • Trong tuần: 31 046
    • Tất cả: 14918875
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này