Chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng
Chặng đường xây dựng,
chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng
Trải qua 64 năm (1959 –
2023) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn
được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu. Với chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt,
chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc
gia; những trang sử vẻ vang, chiến công oanh liệt của lực lượng đã được Đảng,
Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh trao Huy hiệu cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, Công an nhân dân vũ trang (nay là lực lượng Bộ đội Biên phòng) tại Đại hội mừng công ngày 21/12/1965. Ảnh: Tư liệu lịch
sử.
Ngày
19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết số
58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”. Đây là
nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới
tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể
hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang
chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa.
Thực
hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị
định 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là lực lượng Bộ
đội biên phòng). Nghị định nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang
làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an
biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công
tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt
dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.
Ngay
từ ngày đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, ngày 5/3/1959, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã đến động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Người căn
dặn Tướng Phan Trọng Tuệ (Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy lực
lượng Công an nhân dân vũ trang) rằng, phải bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ lực
lượng Công an nhân dân vũ trang có kiến thức toàn diện, không chỉ hiểu biết sâu
sắc về chính trị, quân sự, nghiệp vụ công an, mà còn phải am hiểu về pháp luật
trong nước và quốc tế, về ngoại giao, y tế và kinh tế.
Ngày
28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân
vũ trang. Người đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân vũ trang
rằng: “Chúng ta phải dựa vào dân. Nhất là công an biên phòng, ở những nơi đồng
bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ giáo
dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức
giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta. Đối với những đơn vị biên thuỳ hay ở các
đảo, việc ấy phải hết sức chú ý; phải giúp đỡ dân, ngày thường tìm mọi cách
giáo dục họ, giúp đỡ, tổ chức họ. Muốn làm như thế, phải nắm vững chính sách
đối với đồng bào thiểu số, điều đó rất cần thiết”. Người cũng căn dặn cán bộ,
chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân vũ trang phải: “Đoàn kết, cảnh giác/ Liêm
chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/
Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân”.
Bên
cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần đến dự Hội nghị chiến sĩ thi
đua của toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Tại Đại hội thi đua của lực
lượng Công an nhân dân vũ trang lần thứ nhất năm 1962, Người đã đến dự, động
viên Đại hội. Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang rằng: “Trước
hết, phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu,… phải
làm cho nhân dân cùng cảnh giác và giúp đỡ mình, đơn vị mình trong công việc… Thứ
hai, tổ chức và kế hoạch công tác phải tăng cường hơn nữa… Thứ ba, phải đoàn
kết, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân… Thứ tư, phải cố
gắng học tập chính trị, học tập nghiệp vụ, quân sự, học văn hóa và thời sự. Thứ
năm, phong trào thi đua phải bền bỉ liên tục”. Người cũng hứa sẽ tặng Công an
nhân dân vũ trang một lá cờ luân lưu để thưởng đơn vị nào thi đua khá nhất. Người
sẽ ký tên vào lá cờ này và đơn nào giành được cờ thì được thêu tên vào đây.
Tiếp đó, Người động viên cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang rằng: “Non
xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi
cao, sự nghiệp càng cao/ Biển sâu, chí khí ta so vào càng sâu/ Thi đua ta quyết
giật cờ đầu”.
Ngay
sau ngày thành lập, Công an nhân dân vũ trang đã chủ động triển khai nhiệm vụ
bảo vệ biên giới, bờ biển miền Bắc, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu
quan trọng trong nội địa của 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và Thủ đô Hà Nội. Ở
các địa bàn vùng sâu, vùng cao biên giới, thời tiết khắc nghiệt, giao thông khó
khăn, công tác đảm bảo còn nhiều thiếu thốn, cán bộ chiến sĩ đã phát huy tinh
thần chủ động, tự lực cánh sinh để xây dựng đồn trạm, vượt rừng tìm bà con về
lập bản, dựng nhà, tiến hành công tác vận động quần chúng, vận động nhân dân
định canh, định cư, xây dựng cơ sở chính trị... trên biên giới.
Công
an nhân dân vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền địa
phương tiến hành tiễu phỉ, trừ gian và phá tan âm mưu gây bạo loạn ở các địa
phương, kêu gọi hàng nghìn tên phỉ ra đầu thú trở về sinh sống với gia đình,
bóc gỡ hàng trăm tổ chức phản động đội lốt tôn giáo trên tuyến biển. Đồng thời
đập tan âm mưu dùng gián điệp, biệt kích phá hoại miền Bắc của kẻ thù, truy bắt
và tiêu diệt trên 100 toán gián điệp biệt kích với gần 2.000 tên, thu nhiều vũ
khí, điện đài. Trên giới tuyến quân sự tạm thời dọc 102 km từ Cửa Tùng đến Cù
Bai, 11 đồn Công an nhân dân vũ trang đóng giữ đã bảo vệ giới tuyến vẹn toàn,
nhiều lần làm thất bại âm mưu và hành động phá hoại của Mỹ - Ngụy, củng cố niềm
tin cho đồng bào bờ Nam Bến Hải.
Trong
khu vực nội địa, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang đã giải quyết, xử lý xuất
sắc nhiều tình huống nguy hiểm, quản lý và theo dõi, bắt giữ hơn 305.000 tên
gián điệp, chỉ điểm của địch cài cắm lại, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cơ
quan Trung ương, các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cán bộ, chiến
sĩ Công an nhân dân vũ trang đã góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống
phá hoại miền Bắc, dũng cảm dùng súng bộ binh trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ,
phối hợp với các lực lượng bắn rơi 225 chiếc, không ngại gian khổ trong bom đạn
cứu dân, cứu tài sản của Nhà nước, tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững
an ninh trật tự trên biển, nơi cửa sông, cửa lạch và các bến cảng...
Trên
chiến trường miền Nam, sự chiến đấu anh dũng của hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ Công
an nhân dân vũ trang miền Bắc chi viện đã tạo thêm sức mạnh cho quân dân miền
Nam. Các chiến sĩ an ninh vũ trang đã sát cánh với các lực lượng vũ trang khác
chiến đấu giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… nhanh chóng
tiếp quản các vùng giải phóng, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống xã
hội, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào cách mạng.
Sau
năm 1975, đất nước thống nhất, Công an nhân dân vũ trang nhanh chóng tổ chức
triển khai lực lượng trên cả nước, hình thành một hệ thống bảo vệ biên giới
thống nhất; phối hợp với Công an, Quân đội và nhân dân cả nước quyết tâm đấu
tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân tổ chức phản động FULRO,
chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ
thống chính trị cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía Nam.
Tập đoàn Pol
Pot sau khi lên nắm quyền ở Campuchia vào tháng 4/1975 đã đẩy đất nước này vào
thảm họa diệt chủng. Tập đoàn Pol Pot còn tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu,
xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân
Việt Nam. Ngày 3/5/1975, tập đoàn Pol Pot ở Campuchia đưa quân đánh chiếm đảo
Phú Quốc; ngày 10/5/1975 đánh chiếm đảo Thổ Chu; tiếp đó, từ cuối tháng 5/1975
trở đi, chúng liên tục sử dụng lực lượng vũ trang tiến công vào nhiều đồn, trạm
Công an nhân dân vũ trang, di dời cột mốc biên giới ở nhiều nơi vào sâu trong
lãnh thổ Việt Nam. Ngày 19/1/1977, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ban
hành Chỉ thị số 06/CT-BTL chỉ đạo các đơn vị quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh
thổ, an ninh biên giới quốc gia, với tinh thần “Bất kỳ một lực lượng vũ trang
nào đột nhập vào biên giới tấn công, tập kích vào các đồn, trạm, thôn, ấp,
làng, bản, ta đều phải kiên quyết đánh đuổi và tiêu diệt”. Đây là sự chỉ đạo
kịp thời, nhạy bén, đáp ứng tình hình diễn biến căng thẳng ở tuyến biên giới
Tây Nam.
Giữa
năm 1977, tập đoàn Pol Pot ở Campuchia tăng cường các hoạt động quân sự xâm
phạm biên giới nước ta, gây nên tình hình căng thẳng, phức tạp. Ngày 29/6/1977,
Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ban hành Chỉ thị số 68 điều chỉnh bố trí
các đồn, trạm; tăng cường lực lượng cơ động dọc tuyến biên giới Tây Nam và bảo
đảm trang bị cho các đơn vị; yêu cầu các đơn vị nêu cao tinh thần cảnh giác,
kiên quyết chiến đấu, bảo vệ dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; bám
trụ, cơ động linh hoạt tiêu diệt địch, giảm được thương vong tới mức thấp nhất.
Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã tăng từ 44 đồn lên 58 đồn; mỗi tỉnh từ
một đến bốn đại đội cơ động; tổ chức hai trung đoàn cơ động số 2 và số 4 trực
thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Bổ sung cho tuyến Tây Nam 614 cán
bộ; mở nhiều lớp tập huấn về chiến thuật, kỹ thuật cho cán bộ chỉ huy các cấp
và hạ sĩ quan, binh sĩ, nhất là đối với các đồn và đơn vị cơ động. Việc điều
chỉnh bố trí lực lượng, chuyển hướng tác chiến bước đầu phát huy được tác dụng
tích cực. Sức mạnh phòng thủ kết hợp cơ động chiến đấu của lực lượng Công an nhân
dân vũ trang được nâng cao.
Quán
triệt tư tưởng cách mạng tiến công và vận dụng sáng tạo tư tưởng, nguyên tắc
tác chiến với các hình thức chiến thuật phù hợp tổ chức, biên chế và trang bị
của lực lượng; căn cứ vào âm mưu, phương thức, thủ đoạn tác chiến của quân đội
tập đoàn Pol Pot, ngày 28/2/1978, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ra Chỉ
thị số 04/CT-BTL chỉ đạo tất cả đồn, trạm chuyển phương thức chiến đấu phù hợp
tình hình, từ chiến đấu phòng thủ bảo vệ đồn, trạm sang cơ động, linh hoạt,
chiến đấu bám trụ trong khu vực biên giới để ngăn chặn, tiêu diệt địch; với
phương thức hoạt động chủ yếu là chủ động tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt,
đánh địch bằng tất cả các biện pháp. Các đơn vị Công an nhân dân vũ trang đã
cùng các lực lượng quân đội nắm tình hình ngoại biên, phối hợp với lực lượng
khác đồng loạt mở các cuộc tiến công qua biên giới, đánh thẳng vào trung tâm
đầu não của tập đoàn Pol Pot, giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng.
Sau
chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, theo chủ trương
chung của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (và
sau đó là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cử bảy trung đoàn biên phòng sang giúp
bạn bảo vệ bộ máy lãnh đạo cách mạng Campuchia, bảo vệ các mục tiêu nội địa,
các tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, bảo vệ thành quả cách mạng của bạn và
chiến đấu trên các chiến trường ở Campuchia trong đội hình chiến đấu của quân
đội ta trên đất bạn.
Trong
cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đầu năm 1979, cùng với quân dân các tỉnh
biên giới phía Bắc, lực lượng Công an nhân dân vũ trang là những người đầu tiên
nổ súng đánh trả quân xâm lược và làm nên nhiều kỳ tích trong cuộc chiến đấu
bảo vệ non sông.
Sau
hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
trong tình hình mới, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết số 22-NQ/TW
chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang
Bộ Quốc phòng và đổi tên thành Bộ đội Biên phòng. Năm 1988, Bộ đội Biên phòng
chuyển sang trực thuộc Bộ Nội vụ cho đến năm 1995 thì chuyển về trực thuộc Bộ
Quốc phòng. Ngày 3/3 được lấy làm ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng và
tiếp đó ngày này cũng trở thành Ngày Biên phòng toàn dân từ năm 1989.
Quán
triệt sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nghị quyết số 11-NQ/TW
ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong
tình hình mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 về “Chiến lược bảo vệ
biên giới quốc gia”, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng
trình Quốc hội và Chính phủ ban hành những văn bản pháp luật hết sức quan trọng
như: Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Luật biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt
Nam và các văn bản qui định chi tiết… Như vậy, với sự quan tâm sâu sắc của
Đảng, Nhà nước và của toàn dân, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã có những cơ sở
chính trị, pháp lý cơ bản, quan trọng để tiến hành các hoạt động quản lý, bảo
vệ biên giới và thực thi nhiệm vụ, công tác Biên phòng trong tình hình mới.
Trong
64 năm qua (1959-2023), thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ,
chiến sĩ lực lượng Bộ đội biên phòng không ngừng trưởng thành, lập nhiều chiến
công, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc. Toàn
lực lượng Bộ đội Biên phòng đã 02 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ
trang nhân dân; 01 Huân chương Sao Vàng, 03 Huân chương Hồ Chí Minh, 02 Huân
chương Độc lập, 03 Huân chương Quân công, 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 02
Huân chương Lao động hạng Ba, 156 lượt tập thể, 67 cá nhân tuyên dương danh
hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng vạn tập thể và cá nhân được
trao tặng các phần thưởng cao quý khác...
Nguyễn Văn Toàn