Xây dựng mô hình “Bản du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Xây dựng mô hình “Bản du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La
TS. Nguyễn Minh Đức
Chuyên viên cao cấp, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Sơn La
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, du lịch xanh đã và đang trở thành một xu hướng phát triển, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng xã hội và chính quyền các cấp. Bài viết này đi sâu nghiên cứu về du lịch xanh và sản phẩm du lịch xanh; đề xuất các tiêu chí để xây dựng mô hình “Bản du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Nắng chiều cao nguyên Mộc Châu - Ảnh: vhttdl.sonla.gov.vn
Ở nước ta hiện nay, vấn đề phát triển nền kinh tế xanh và tạo ra sự tăng trưởng xanh đang là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu nhằm tạo ra khung lý thuyết giúp cho việc hoạch định chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, tiêu chí xanh cho mỗi ngành sản xuất và dịch vụ có sự khác biệt. Bên cạnh đó mỗi sản phẩm và dịch vụ cụ thể lại đòi hỏi phải có những tiêu chí cụ thể hơn để được công nhận đã đạt tới tiêu chuẩn xanh. Đối với lĩnh vực du lịch, cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh.
Sơn La là một tỉnh miền núi và biên giới phía Tây Bắc Việt Nam; có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng; có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Trong những năm qua, nhờ khai thác các tiềm năng và thế mạnh, Sơn La đã tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự phát triển vượt bậc về du lịch. Tuy nhiên, vấn đề phát triển du lịch Sơn La theo hướng du lịch xanh và xây dựng các “Mô hình bản du lịch xanh” tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La cần được nghiên cứu một cách khoa học và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
1. Nhận thức về du lịch xanh và sự khác biệt giữa du lịch xanh với các loại hình du lịch khác
“Du lịch” là một từ Hán - Việt. “Du” có nghĩa là đi chơi, thưởng ngoạn phong cảnh, văn hóa, ẩm thực, ... “Lịch” là lịch lãm, lịch sự, ứng xử có văn hóa, ... Khi nói đến du lịch, người ta thường hiểu đó là những hoạt động có liên quan đến những chuyến đi mang tính tập thể hoặc cá nhân của con người. Những chuyến đi này sẽ đi đến những địa điểm không nằm trong vùng khu vực họ cư trú và nhằm mục đích dã ngoại, ngắm cảnh, tham quan, nghỉ dưỡng, ... Hoạt động này thường được thiết lập trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong Tiếng Anh có các khái niệm như: Tourism là Du lịch; Tour là Chuyến du lịch; Travel là Đi du lịch; Domestic tourism: Du lịch trong nước; Travel abroad: Du lịch nước ngoài. Homestay: Loại hình du lịch lưu trú, ...
Du lịch là ngành có mối liên hệ mật thiết với nhiều nhóm ngành khác, đặc biệt là những nhóm ngành dịch vụ. Bởi có sự liên kết với nhau nên chúng sẽ luôn tác động ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Ngành du lịch hiện mang lại rất nhiều cơ hội về việc làm và mức thu nhập cao cho người lao động.
Luật Du lịch của nước ta (năm 2017), đã đưa ra khái niệm: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
Cần phân biệt khái niệm về các loại hình du lịch với các hình thức phát triển du lịch. Hiện nay ở nước ta đang phổ biến các hình thức phát triển du lịch như: phát triển du lịch sinh thái, phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch cộng đồng và phát triển du lịch xanh.
Du lịch xanh không phải là một loại hình du lịch mà nó là một hình thức phát triển du lịch của quốc gia hay một địa phương. Theo định nghĩa của tác giả Martin Oppermann (Bách khoa toàn thư về Du lịch): Du lịch xanh là một hình thức du lịch thay thế thường liên quan đến du lịch nông thôn, là một hình thái của du lịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hầu như không tạo ra tác động về sinh thái tại điểm đến du lịch". Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) định nghĩa: “Du lịch xanh bao gồm các hoạt động du lịch có thể được duy trì lâu dài hoặc được thực hiện bền vững trong xã hội, kinh tế, văn hóa và môi trường". Trong Báo cáo năm 2020 của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam có đưa ra khái niệm: Du lịch xanh là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sự khác biệt giữa du lịch xanh với các hình thức phát triển du lịch khác được thể hiện ở khía cạnh sau: Nếu Du lịch sinh thái là hình thức phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, Du lịch bền vững quan tâm việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với yêu cầu duy trì sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái, Du lịch cộng đồng quan tâm đến việc khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng thì Du lịch xanh chính là sự tổng hòa của cả ba hình thức phát triển du lịch nêu trên. Du lịch xanh vừa đem lại hiệu quả thiết thực, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; vừa phát huy được hết thế mạnh văn hóa bản địa và góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương. Điều này cho thấy Du lịch xanh là hình thức phát triển cao nhất, hiệu quả và toàn diện nhất so với các hình thức phát triển du lịch đã đề cập ở trên đây.
Hiện nay đã có một số công trình nghiên cứu mang tính độc lập nhưng chưa có mô hình thống nhất về “Làng du lịch xanh” hay “Bản du lịch xanh”. Ngày 31/01/2013, Tổng cục Du lịch chính thức công bố Bộ tiêu chí Nhãn du lịch xanh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam. Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch xanh áp dụng cho điểm tham quan du lịch gồm 174 tiêu chí, trong đó có 51 tiêu chí bắt buộc và 123 tiêu chí chấm điểm.
2. Tiêu chí xanh của điểm đến “Bản văn hóa du lịch”trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La
2.1. Khái quát về Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên cao nguyên Mộc Châu của tỉnh Sơn La. Cao nguyên Mộc Châu có diện tích tự nhiên là 2.061 km2, trải dài trên hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ; độ cao trung bình là 1.050m so với mặt nước biển; khí hậu ôn đới, được ví như Đà Lạt thứ hai ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cũng là nơi cư trú của 12 dân tộc anh em với Dân số trung bình năm 2020 là 180. 000 người (huyện Mộc Châu 116.800 người và huyện Vân Hồ 63.200 người - Niên giám Thống kê tỉnh Sơn La 2020), trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 33%; dân tộc Mông 18%; dân tộc kinh 36%; còn lại là các dân tộc Khơ Mú, Dao, Tày, Mường, … Có thể nói đồng bào dân tộc Thái và đồng bào dân tộc Mông là 02 dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc trưng có thể khai thác phục vụ khách du lịch và xây dựng các điểm đến “Bản văn hóa du lịch” của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu .
Đồng bào dân tộc Thái sống thành các bản và cụm bản với kiến trúc nhà sàn truyền thống; vừa là không gian sinh hoạt của người dân bản địa, vừa có thể khai thác để làm cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch (trên 70% các hộ gia đình tại bản Dọi, xã Tân Lập; bản Vặt, xã Mường Sang còn lưu giữ được kiến trúc nhà sàn Thái). Đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái có thể kể đến đó là: trang phục áo cóm, ẩm thực Thái, lễ hội Hết Chá, lễ hội Xên bản xên mường, lễ hội hoa ban, lễ hội mừng cơm mới, lễ hội cầu mưa; các trò chơi dân gian (ném còn), chữ viết Thái, các làn điệu múa hát cổ truyền (múa xòe, múa sạp), các tác phẩm thơ ca phản ánh cuộc sống lao động của người dân, về tình yêu đôi lứa trong đó nổi tiếng là tác phẩm Tiễn dặn người yêu, các nhạc cụ dân tộc (các loại pí, khèn bè; đàn tính, nhị, trống, chiêng, chũm chọe, quả nhạc), khung dệt vải, những chiếc cọn nước, cối giã gạo bằng sức nước bên những dòng suối, ...
Đồng bào dân tộc Mông cũng sống quây quần thành từng bản, cụm bản và thường gắn với những khu rừng nguyên sinh và nguồn nước. Những bản sắc văn hóa đặc trưng được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay như: lễ tu su; nghề làm giấy bản; các nhạc cụ khèn, sáo; nhảy tha kềnh, ném pao; phong tục giã bánh dày, phong tục xay bột ngô nấu mèn mén, món ăn thắng cố, món thịt lợn quay cả con ướp trong chum mỡ; chợ phiên và phong tục cướp vợ; kho tàng văn học dân gian của đồng bào Mông, ngày hội văn hóa các dân tộc Mông tại huyện Mộc Châu, … Tuy nhiên, những giá trị văn hóa đó chưa được đồng bào dân tộc Mông khai thác và phát triển một cách hiệu quả cho hoạt động du lịch.
2.2. Tiêu chí xanh của điểm đến “Bản văn hóa du lịch”trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Khi xây dựng “Mô hình phát triển bản du lịch xanh” của đồng bào dân tộc Thái và dân tộc Mông trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu thì phải là mô hình chuẩn đáp ứng cơ bản các tiêu chí của bản du lịch xanh với 06 tiêu chí sau: (i) Phải có không gian du lịch xanh; (ii) phải có các sản phẩm du lịch xanh; (iii) Thực hiện được các dịch vụ xanh phục vụ du khách; (iv) Tự vận hành được Mô hình quản lý Bản du lịch xanh; (v) Từng bước thực hành các giải pháp ứng dụng công nghệ xanh; (vi) Phải xây dựng và thực hành được các quy định về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
3. Một số giải pháp hỗ trợ xây dựng và vận hành “Mô hình mẫu bản du lịch xanh” của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
- Tổ chức Tập huấn về các nội dung trong bộ tiêu chí “Bản du lịch xanh” cho một bộ phận nhân dân tham gia hoạt động du lịch trong bản.
- Hướng dẫn xây dựng và hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và các sản phẩm du lịch xanh của bản.
- Hướng dẫn xây dựng và hỗ trợ hoạt động dịch vụ du lịch của bản.
- Hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa và hạ tầng du lịch của bản.
- Tập huấn, hướng dẫn các hoạt động văn hóa phục vụ du lịch.
- Hướng dẫn thành lập bộ phận tự quản lý du lịch của bản.
- Hướng dẫn xây dựng các văn bản quản lý, các hương ước, quy ước có liên quan của bản du lịch xanh.
- Hỗ trợ để xây dựng thương hiệu Bản du lịch xanh theo đặc trưng riêng của bản đồng bào dân tộc Thái và của bản đồng bào dân tộc Mông (chọn Logo, xây dựng biển quảng cáo và các tài liệu xúc tiến, quảng bá các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh của bản).
* * *
Tóm lại, phát triển du lịch xanh là hướng đi tất yếu của du lịch Việt Nam trong đó có Sơn La. Đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương. Để phát triển du lịch bền vững và hiệu quả, Sơn La phải đi đầu trong nhiệm vụ này thì mới có cơ hội bứt phá vươn lên. Phải huy động được sự vào cuộc của mọi tổ chức và cá nhân trong tỉnh, song song với quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề mới, cần có sự đầu tư nghiên cứu cả về mặt lý luận mang tính khoa học; đồng thời phải tập trung xây dựng được “các mô hình điểm về du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu để nhân rộng. Sơn La có nhiều cơ hội để phát triển du lịch nhanh và bền vững trước những yêu cầu mới hiện nay.