PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỊCH SỬ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở BẮC YÊN
Với điều kiện tự nhiên và xã hội phong phú, huyện Bắc Yên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, hiện đang được biết đến như một điểm tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá hấp dẫn ở Sơn La và Tây Bắc. Hiện nay huyện Bắc Yên có nhiều điểm thăm quan du lịch hấp dẫn như: Thiên đường mây Tà Xùa; tuyến tham quan mỏm lạc đà, mỏm cá heo, cây cô đơn xã Tà Xùa; Sống lưng khủng long, xã Háng Đồng, Hang Vợ chồng A Phủ, xã Hồng Ngài; bãi đá Khắc Cổ Khe Hổ, xã Hang Chú; đồi Chè cổ thụ bản Bẹ, xã Tà Xùa; hồ Sen Nả Pa trên núi, xã Hua Nhàn; hang động Chiềng Sinh, xã Phiêng Côn, hang Sư Dẫn, xã Chiềng Sại; ruộng bậc thang, xã Xím Vàng; đồi thông Pu Nhi và suối khoáng nóng Tân Ban, xã Phiêng Ban…

Ảnh: Hội thảo Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch xã Hang Chú, huyện Bắc Yên.
Để đưa ngành du lịch của huyện tiến nhanh và bền vững, cần nghiên cứu, kết hợp gắn với việc gìn giữ và quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Trong đó, có hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền 88, xung phong 99 và tinh thần kháng chiến chống thực dân Pháp của đồng bào Mông ở vùng cao huyện Bắc Yên.
Tháng 4 năm 1947, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Sơn La, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cho thành lập đội vũ trang tuyên truyền mang phiên hiệu 88 với 30 cán bộ, chiến sỹ, có nhiệm vụ hoạt động ở vùng Vạn Yên, Tường Phong, Tường Phù, Quang Huy, Phiêng Ban. Đội vừa xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, vừa chiến đấu tiêu hao địch, bảo vệ lực lượng, bảo vệ nhân dân. Đội vũ trang tuyên truyền 88 là đội đầu tiên hoạt động ở vùng sau lưng địch tỉnh Sơn La. Hoạt động của đội rất có hiệu quả. Và chính từ những kinh nghiệm ban đầu của đội 88, sau đó không lâu đội vũ trang tuyên truyền của khu, của tỉnh như Trung Dũng, Quyết Tiến, Chiến Thắng, Pắc Pắc… được thành lập. Đội 88 đã cùng cán bộ địa phương đi sâu xây dựng cơ sở chính trị vững chắc tại các vùng Phiêng Ban, Quang Huy, Vạn Yên. Đầu năm 1948, Đội 88 tiến đánh đồn Phiêng Ban, nhằm chặn quân tiếp viện địch tiếp ứng cho Tường-Gia Phù. Trong trận này gần 30 chiến sĩ Đội 88 bị hy sinh, trong đó có Đại đội trưởng Phạm Ngũ Lão.
Cuối tháng 5-1950, Huyện uỷ Phù Yên thành lập đội vũ trang tuyên truyền của huyện với mật danh là là “99” (Tức đội Pắc Pắc) do đồng chí Cầm Ngoan phụ trách. Nhiệm vụ của đội là tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhân dân, gây cơ sở kháng chiến ở vùng cao xã Tường-Gia Phù, đồng thời bằng mọi cách mở đường bắt liên lạc với huyện ủy Mường La. Đích đến của đội là vùng Pắc Lừm, Pắc Ngà, Chim Vàn, Hang Chú; xây dựng vùng này thành một khu căn cứ du kích vững mạnh, tạo thế liên hoàn với các khu căn cứ trong tỉnh. Trên đường đi, Đội đã tuyên truyền, vận động xây dựng được các cơ sở trung kiên, đầu mối giúp đỡ Đội hoạt động. Đặc biệt, Đội đã đến tuyên truyền, thuyết phục và giác ngộ được Thống lý Mùa Chống Lầu, là người có uy tín và giàu có nhất ở vùng cao Bắc Yên. Ông và gia đình đã nuôi giấu, giúp đỡ Đội đứng chân hoạt động một thời gian dài. Bằng uy tín của mình, ông Mùa Chống Lầu đã kêu gọi đồng bào Mông trong vùng đoàn kết, ủng hộ cán bộ Việt Minh, ủng hộ kháng chiến. Từ địa bàn Xím Vàng, Hang Chú, Đội vũ trang 99 đã phát triển cơ sở xuống vùng đồng bào Thái ở Pắc Ngà, Chim Vàn; đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động lên bản Nặm Lộng, Hang Chú giáp với các bản người Mông ở Chiềng Công, Chiềng Ân của huyện Mường La.
Nắm được thông tin về đội vũ trang 99 đang hoạt động ở vùng cao Bắc Yên, thực dân Pháp cho quân về đóng ở Hang Chú và xây dưng đồn La-hu-van, ra sức đàn áp nhân dân. Thống lý Mùa Chống Lầu cũng bị giặc Pháp nghi ngờ và bắt giam ở đồn La-hu-van, ông đã vận động gia đình và bà con tìm cách trốn ra ngoài bắt liên lạc với cán bộ. Khi trốn khỏi đồn, ông Mùa Chống Lầu đã khấn cầu Cột đá: “Vì cách mạng, vì kháng chiến, Cột đá thần hãy phù hộ cho ông bỏ trốn thành công”. Được biết, tục thờ cúng Cột đá thần trước đó được dòng họ Mùa ở Hang Chú duy trì qua nhiều đời, với ý nghĩa cầu cho quê hương yên bình, mùa màng bội thu, anh em, dòng họ đoàn kết bảo vệ quê hương. Lễ cúng Cột đá thần diễn ra vào tháng 5, ba năm một lần. Ngày nay lễ cúng đang bị mai một. Tuy nhiên dòng họ Mùa vẫn quản lý, bảo vệ cột đá nguyên vẹn.

Ảnh: Cột đá thờ của dòng họ Mùa tại xã Hang Chú, Bắc Yên
Sau khi trốn thoát, ông Mùa Chống Lầu đã tiếp tục hoạt động bí mật, vận động đồng bào Mông tích cực kháng chiến, bắt liên lạc với cán bộ Sơn La, đưa bộ đội về giải phóng quê hương.
Hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Yên có 03 di tích đã được công nhận, trong đó 02 di tích quốc gia là: điểm lưu niệm Di tích lịch sử Quốc gia Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn, Di tích khảo cổ Quốc gia Bãi đá khắc cổ Khe hổ xã Hang Chú và 01 di tích cấp tỉnh là Di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng 99. Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng du lịch của huyện Bắc Yên, trong thời gian tới cần nghiên cứu gắn với những hoạt động cụ thể của đội vũ trang tuyên truyền 88, Đội xung phong 99 và tinh thần cách mạng, ủng hộ kháng chiến của đồng bào vùng cao Bắc Yên. Đó là những giá trị lịch sử- văn hóa, nền tảng cốt lõi, nếu được khai thác tốt, sẽ góp phần đưa du lịch của huyện Bắc Yên trở thành điểm sáng trong phát kinh tế ở Sơn La./.
Thư An Nhiên