Những ấn tượng kinh tế của Mộc Châu qua nửa nhiệm kỳ Đại hội và quyết tâm tăng tốc để cán đích mục tiêu kinh tế của Huyện vào năm 2025
NHỮNG ẤN TƯỢNG KINH TẾ CỦA MỘC CHÂU QUA NỬA NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI VÀ QUYẾT TÂM TĂNG TỐC ĐỂ CÁN ĐÍCH MỤC TIÊU KINH TẾ CỦA HUYỆN VÀO NĂM 2025
Là một huyện với vai trò là nền kinh tế đầu tầu, là trọng điểm trong cung đường Quốc lộ 6. Vùng kinh tế động lực của tỉnh Sơn La. Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XXII (2020 – 2025) vừa qua Mộc Châu đã phấn đấu không ngừng, vượt qua thách thức, trong đó có đại dịch covid - 19, cũng như thời tiết bất lợi. Song với một quyết tâm, dám nghĩ dám làm, luôn đoàn kết đổi mới, với ý thức chủ động, sáng tạo để đưa kinh tế và xã hội Mộc Châu sớm cán đích những mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra đến năm 2025.
Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII. Huyện uỷ đã tiến hành đánh giá một cách ngiêm túc, khách quan, đúng kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua.
Trong lĩnh vực kinh tế xã hội và môi trường có 19 chỉ tiêu Đại hội đề ra đến năm 2025, đến nay đã có 7/19 chỉ tiêu vượt Nghị quyết Đại hội. Trong đó có (1) Diện tích trồng rừng tập trung; (2) Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia đóng bảo hiểm y tế; (3) Tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia; (4) Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; (5) Tỷ lệ người sử dụng mạng Internet; (6) Số hợp tác xã được thành lập mới; (7) Diện tích cây chè và sản lượng chè búp tươi, diện tích chuyển đổi cây ăn quả lâu năm trên đất dốc, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác. Còn các chỉ tiêu khác đến nay đã cán đích từ 48 đến 91,5%. Cũng trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Mộc Châu là huyện duy nhất của tỉnh, đã có 2 công trình và điểm đến được xếp hạng kỷ lục nhất thế giới. Một điều đáng khích lệ và đầy ấn tượng nữa là các hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 7,15%.
Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế của huyện, trong đó có bộ mặt kinh tế nông nghiệp nông thôn, kinh tế đô thị dịch vụ và du lịch đang đổi thay từng ngày. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện cả 19 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu là các nhiệm vụ trọng tâm, là mũi nhọn, dồn sức để phát triển.
Huyện xác định lấy việc chăm lo, huy động mọi lực lượng bao gồm cả sự hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương, của các doanh nghiệp, của toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ:
Một là, Xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực, tạo mội trường thu hút đầu tư, để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, xanh và bền vững.
Hai là, Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong đó cùng với việc không ngừng nâng cao tập huấn, bồi dưỡng cho người lao động, trước hết là người nông dân để thay đổi tư duy canh tác, thực hiện các quy trình công nghệ mới, các tiến bộ khoa học mới, kể cả công nghệ cơ giới, tin học, tự động hoá và chuyển mạnh sang hình thức sản xuất hữu cơ. Đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý kinh tế, quản lý đô thị, dịch vụ du lịch kỹ năng ngoại ngữ, cho cán bộ lãnh đạo quản lý của các cấp các ngành nhất là cấp xã và cấp huyện.
Ba là, Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực của huyện theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, phát huy tiềm năng, lợi thế, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hoá dân tộc, trải nghiệm, khám phá, canh nông …
Để thực hiện các khâu đột phá và các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra nhằm đưa tất cả các chỉ tiêu kinh tế xã hội cán đích vào năm 2025. Huyện đã coi trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là điều kiện quan trọng để thực hiện.
Trong phát triển kinh tế đi sâu vào 5 nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, trong kinh tế nông nghiệp chuyển mạnh mẽ vào phát triển sản xuất hàng hoá với chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường cả trong nước và xuất khẩu. Lấy nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế là mệnh lệnh trong sản xuất. Lấy uy tín của sản phẩm Mộc Châu làm thông điệp gửi tới các thị trường và người tiêu dùng. Đến nay giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp bình quân toàn huyện ước đạt 76,25 triệu đồng/ha/ năm, cao hơn bình quân của toàn tỉnh và đã vượt 8,43% so với chỉ tiêu Đại hội đề ra.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng được lan toả đến mọi vùng, đến nay huyện đã có 30 sản phẩm (OCOP) trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao.
Hình thành rõ các vùng sản xuất từng loại sản phẩm chủ yếu, phát triển vùng rau an toàn, sản phẩm có chất lượng cao, phát triển cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích trồng rau, hoa quả đạt 3.052 ha với sản lượng 48.198 tấn. Diện tích trồng cây công nghiệp và cây ăn quả trên đất dốc thay thế diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả đạt 10.491 ha. Sản lượng đạt 57.000 tấn.
Bò sữa tiếp tục phát triển tăng cả về quy mô và chất lượng, đến nay đã có 26.000 con bằng 96,6% chỉ tiêu của Đại hội, sản lượng sữa tươi đạt 74.800 tấn bằng 74,8% chỉ tiêu Đại hội đề ra đến năm 2025, đồng thời còn có 2 nhà máy chế biến sữa với 11 dây chuyền chế biến đạt công suất 250 tấn/ngày .
Thứ hai, Trong chương trình xây dựng nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo bền vững. Đến nay toàn huyện đã được công nhận 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 bản đạt chuẩn nông thôn mới, 2 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay toàn huyện đạt 11,23 tiêu chí/xã.
Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 7,15 %, về kết cấu hạ tầng kinh tế. Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội đã hoàn thành 67,98 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư là 91.768 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp là 63.300 triệu đồng, chiếm 68,97%. Hoàn thành xây dựng được 251,76 km đường điện chiếu sáng bản, ngõ xóm với hình thức nhân dân đầu tư, Nhà nước hỗ trợ chi trả tiền điện.
Thứ ba, Thương mại dịch vụ du lịch ngày càng phát triển, chủ động phối hợp với các tổ chức, tiến hành tập huấn các kỹ năng thương mại điện tử. Tham gia các gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử cho 70 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Tổ chức kết nối đưa 22 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử như: Sendo, ti ki, pootmaill, voso ... Tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện tại 25 hội chợ, triển lãm, sự kiện cả trong và ngoài nước. Hỗ trợ xuất khẩu 2.414 tấn chè, 13 tấn tơ tằm, gần 100 tấn mật ong, 100 tấn giống hạt rau sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan , Pakistan, Afghanistan, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ ... với tổng giá trị đạt 7,64 triệu USD.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong sản xuất được quan tâm đẩy mạnh, trong 3 năm qua đã có 555 đề tài, sáng kiến được công nhận, trong đó có 545 giải pháp đã được áp dụng triển khai trên địa bàn huyện, có 9 giải pháp được áp dụng trên địa bàn tỉnh, có 1 giải pháp được cấp quốc gia công nhận và đã được áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, sau hơn 2 năm tổ chức thực hiện các tiêu chí đã được công nhận là khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đến nay đã đạt 3/5 điều kiện và 16/20 tiêu chí, đang phấn đấu đạt 4 tiêu chí còn lại từ nay đến hết năm 2025. Hiện nay toàn huyện đã có 295 cơ sở lưu trú đang hoạt động, trong đó có 9 khách sạn từ 1- 3 sao, 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn resort, có 400 cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, có 10 khu điểm bản du lịch, 12 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành. Lượng khách du lịch ước đạt trên 3 triệu lượt người, tổng doanh thu ước đạt 3.200 tỷ đồng.
Thứ tư, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành thu chi ngân sách, thực hiện mạnh mẽ cải cách các thủ tục hành chính. Chăm lo khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 837,044 tỷ đồng bằng 45% chỉ triêu của Đảng bộ đến năm 2025. Đã bổ sung cho ngân hàng chính sách xã hội để vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho 16.308 lượt hộ cá nhân vay vốn với tổng số tiền trên 7.206 tỷ đồng. Theo Nghị định 25/2015/NĐ-CP của Chính phủ toàn huyện hiện nay có 415 doanh nghiệp, 138 hợp tác xã, ước khoảng có 6.100 hộ kinh doanh đã được cấp phép và đang hoạt động.
Về văn hoá xã hội: Giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, toàn huyện có 49 đơn vị trường học với 1.144 nhóm lớp và 34.491 học sinh. Có 6.237 học sinh tham gia đạt kết quả cao tại các hội thi, cuộc thi cấp tỉnh, có 351 học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,9%, có 251 giáo viên dậy giỏi cấp huyện, 63 giáo viên dậy giỏi cấp tỉnh, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 72,5 %, có 33/49 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Công tác y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân được quan tâm. Mạng lưới y tế được củng cố tăng cường, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế liên tục được đầu tư, nâng cấp, nhiều công nghệ mới được ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phòng và khám chữa bệnh. Đến nay tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,1 %, duy trì 15/15 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí. Triển khai mô hình bác sỹ gia đình tại thị trấn Mộc Châu và xã Nà Mường. Nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện lên Bệnh viện hạng II và là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học y Hà Nội.
Công tác chuyển đổi số, văn hoá, thể thao, thông tin truyền thông đạt khá nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay đã hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho các nhà văn hoá tổ, bản, tiểu khu với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng, đã có 82,2 % số gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá vượt 4,2 % chỉ tiêu Nghị quyết, có 76,2 % số bản, tiểu khu và 99 % cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Đề án chuyển đổi số, hạ tầng thông tin được nâng cấp, toàn huyện có 111.000 thuê bao điện thoại di động và cố định, 4.914 thuê bao internet, 99,3 % dân số được xem truyền hình, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 65% dân số. Đã triển khai thành lập và duy trì 15 tổ chuyển số cấp xã, 110 tổ cấp tổ đem lại kết quả tốt.
An sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội không ngừng được đảm bảo, các lễ hội văn hoá như: Cầu mưa, Hét chá, ngày hội văn hoá các dân tộc được duy trì và nâng cao chất lượng. Đặc biệt sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân và Festival trái cây, sản phẩm OCOP Việt Nam tại Sơn La năm 2022. Mộc Châu đã đạt được nhiều giải cao, hoạt động thể thao đạt 77 huy chương các loại.
Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội vừa qua đã để lại rất nhiều ấn tượng trong việc thực hiện các khâu đột phá và toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều có những bước tiến rất vượt bậc.
Từ những thành tích đã đạt được. Mộc Châu đặt ra quyết tâm chính trị cao nhất. Phấn đấu đưa huyện Mộc Châu cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, đưa huyện Mộc Châu trở thành Thị xã vào năm 2025. Hoàn thành tất cả tiêu chí của khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Hướng tới là một đô thị phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vào năm 2030.
Tiếp tục đẩy mạnh và tăng tốc thực hiện các khâu đột phá. Huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực, tạo môi trường thuậ lợi thu hút các nhà đầu tư, tạo mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Nâng cao chất lượng nguồn lực đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ, coi trọng đội ngũ cán bộ của toàn huyện, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý đô thị, năng lực quản lý kinh tế, quản lý du lịch, kỹ năng ngoại ngữ, phát triển nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ phát triển du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị gắn với xây dựngphát triển thương hiệu. Phát huy tiềm năng lợi thế gắn phát triển các sản phẩm du lịch, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch bao gồm các cơ sở lưu trú, các cơ sở ăn nghỉ, những nơi chiêm ngưỡng vui chơi giải trí, trải nghiệm và khám phá. Giữ vững danh hiệu “Điểm đến thiên nhiên khu vực châu Á và điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”.
Phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, các lĩnh vực. Tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên, môi trường, khoáng sản, bảo vệ và phát triển vốn rừng, bảo vệ cảnh quan sinh thái, xử lý tốt chất thải.
Phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững với phát huy bản sắc văn hoá đậm đà sắc mầu các dân tộc Mộc Châu trong tình hình mới.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, sáng tạo, xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng bộ máy tổ chức của các cơ quan nhà nước các cấp, với doanh nghiệp, với hệ thống các tổ chức chính trị xã hội. Tăng tốc dồn mọi nguồn lực cả vật chất và tinh thần để phấn đấu đưa tất cả các chỉ tiêu KTXH cán đích như Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ huyện đã đề ra, để Mộc Châu tiếp tục là huyện đầu tầu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Một Mộc Châu năng động, sáng tạo đổi mới, dám nghĩ, dám làm, luôn bứt phá đi lên, hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 19 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Đây là quyết tâm chính trị, là ý chí, là mệnh lệnh, là khát vọng của toàn Đảng bộ với truyền thống cách mạng Mộc Châu anh dũng kiên cường, đổi mới, năng động, sáng tạo, hội nhập để trở thành điểm sáng niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Mộc Châu./.
Trần Minh Dũng