Hiệu quả từ mô hình kinh tế tuần hoàn
trong sản xuất nông nghiệp
Kinh tế
tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo chu trình
khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh
học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại
làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản,
tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối
đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ,
phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.
Trong bối
cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, việc tận dụng chất thải để
làm phân hữu cơ, lấy phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi là cách sản
xuất rất có hiệu quả, vừa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, vừa bảo vệ được
môi trường. Đây là mô hình phát triển nông nghiệp bền vững đang được ngành nông
nghiệp tỉnh quan tâm và nhân rộng.
Anh Phạm Hân Hạnh bên sản phẩm nông nghiệp của mình
Anh Phạm Hân Hạnh, cán
bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, là một trong những
hộ áp dụng sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế
cao. Gia đình anh chỉ có 2 lao động chính, ngoài việc Nhà nước anh còn là một
nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hiện nay trong chuồng nuôi có 20 lợn nái và
duy trì 300 - 350 lợn thịt/lứa, trồng 02 ha cây ăn quả, trong đó 01 ha nhãn và
01 ha na. Toàn bộ chất thải chăn nuôi của gia đình được thu gom vào bể biogas
vừa khắc phục ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo chất đốt để phục vụ đun nấu, thắp
sáng hàng ngày, chạy máy phát điện, máy nghiền ngô, máy chế biến thức ăn chăn
nuôi. Nước thải từ bể Biogas là chất lỏng
là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt được gia đình anh tận dụng để tưới cho
02 ha cây ăn quả. Chất thải rắn (phân chuồng) để ủ phân hữu cơ với men vi sinh
Emunive được khoảng 50 tấn phân ủ hữu cơ/năm vừa bón cho vườn cây và bán
cho các hộ nông dân trong vùng có nhu cầu.
Mô hình tuần hoàn khép
kín của gia đình anh đã cho hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo thành chuỗi sản
xuất khép kín, vừa giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong gia
đình (tiền ga, điện thắp sáng, điện sản xuất, giảm tiền mua phân bón cho cây
trồng, năng suất, chất lượng, mẫu mã nông sản được cải thiện, môi trường chăn
nuôi được đảm bảo, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập từ chăn nuôi
lợn từ 500-600 triệu/năm, thu nhập từ cây nhãn 100 triệu/năm, từ cây na 1,1
tỷ/năm. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với xu thế phát triển của
nền nông nghiệp bền vững cần được nhân rộng để tăng thu nhập cho người dân.
Đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao như hiện nay.
Anh Phạm Hân Hạnh đạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La năm 2022
Song song với việc áp
dụng và chuyển khoa học kỹ thuật cho nông dân, anh Hạnh có rất nhiều thành tích
trong hoạt động nghiên cứu khoa học như Giải thưởng Lương Định Của, 3 lần đạt
giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La, 3 lần nhận bằng lao động sáng
tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn
La, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen và
tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2018./.
Vân Anh