DÒNG CHẢY THỂ CHẾ KINH TẾ NĂM 2020
Sáng ngày 12/01/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo thường niên năm 2020 về Dòng chảy pháp luật kinh doanh. Theo đó, thế chế kinh tế mang “dòng trong” là chủ đạo, có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển, bên cạnh đó vẫn còn “dòng đục”, kìm hãm không ít. Các văn bản QPPL đã được việc tiếp thu tích cực các kênh tham gia, nhưng cũng cũng còn khá nhiều vấn đề chưa được quan tâm tiếp thu đúng mức, dẫn đến thường xuyên phải điểu chỉnh, bổ sung...
Báo cào dài 92 trang với nhiều biểu bảng số liệu và biểu đồ dưới dạng pdf. BBT xin giới thiệu bản biên tập tóm tắt Báo cáo của VCCI để bạn đọc, các địa phương và các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ Tư vấn, phản biện xã hội tham khảo.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trình bày Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh.
I. KHÁI QUÁT BAN HÀNH VĂN BẢN QPPL
Trong năm 2020, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành giảm so với trung bình các năm trước đó. Theo Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trong năm 2020, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 546 VBQPPL. Trong số đó có 17 luật của Quốc hội, 158 nghị định của Chính phủ, 39 quyết định của Thủ tướng, 310 thông tư của các Bộ trưởng và một số văn bản khác. So với các năm trước thì số lượng luật, nghị định và quyết định của Thủ tướng không có thay đổi lớn, nhưng số thông tư giảm mạnh (năm 2019 có 467 thông tư, năm 2018 có 643 thông tư, năm 2017 có 556 thông tư).
Trong 17 bộ thường xuyên có văn bản liên quan đến doanh nghiệp được thống kê thì có 15 bộ có số thông tư giảm so với năm 2019, chỉ duy nhất hai bộ có số thông tư tăng là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phần lớn các thông tư này là để triển khai Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học được Quốc hội ban hành trong các năm trước đó. Còn đối với Bộ Thông tin và Truyền thông thì không chỉ ban hành nhiều văn bản ở cấp thông tư hơn, mà Bộ này còn tiến hành nhiều cuộc rà soát VBQPPL trong thuộc lĩnh vực quản lý để tiến tới sửa đổi trong thời gian tới.
Tính cho giai đoạn 5 năm, từ 2016 đến 2020, các cơ quan Trung ương đã ban hành tổng cộng 71 luật, 745 nghị định, 232 quyết định của Thủ tướng, và 2.422 thông tư và nhiều văn bản khác. Trong đó, số lượng luật và nghị định không có nhiều thay đổi so với giai đoạn 5 năm trước đó, nhưng số lượng quyết định của Thủ tướng đã giảm 129 văn bản và số lượng thông tư giảm 201 văn bản. Điều này phù hợp với chủ trương giảm số lượng văn bản hướng dẫn thi hành hoặc các văn bản ở cấp quyết định, thông tư. Công tác ban hành quy phạm pháp luật được tập trung tại Quốc hội và Chính phủ.
STT |
Văn bản |
2011-2015 |
2016-2020 |
1. |
Luật, Pháp lệnh Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hộ |
120 |
112 |
2. |
Nghị định của Chính phủ |
721 |
745 |
3. |
Quyết định của Thủ tướng |
361 |
232 |
4. |
Thông tư, Thông tư liên tịch |
2.733 |
2.532 |
II. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ CHỦ YẾU CỦA VCCI
Thể chế kinh tế năm 2020 nổi lên “dòng trong” là chủ đạo, nhưng“dòng đục” vẫn còn. Dòng trong tiếp tục tạo khuôn khổ pháp lý và kiến tạo, thúc đẩy kinh tế phát triển, ngược lại dòng đục kìm hãm.Hai vấn đề nổi lên trong năm 2020 được Báo cáo tập trung là các quy định về điều kiện gia nhập thị trường và khung khổ pháp lý cho kinh tế số.
1. Tư duy quản lý chuyển mình mạnh mẽ
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2020 được Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019 thì thủ tục khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, đứng thứ 6 ASEAN với 08 thủ tục, thực hiện trong 16 ngày.
Trước thực tế trên, Nghị định 122/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã xây dựng quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, thủ tục về hóa đơn, chứng từ, tích hợp ba quy trình: đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình việc sử dụng lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào quy trình thành lập doanh nghiệp.
Theo quy định mới này, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, kê khai 01 biểu mẫu, thực hiện tại 01 cơ quan và nhận 01 kết quả thống nhất, rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp (trong 03 ngày - đúng thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp), việc đề nghị mua hóa đơn vẫn thực hiện tại cơ quan thuế trong thời hạn 02 ngày.
“Như vậy, quy định tại Nghị định 122/2020/NĐ-CP đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh, góp phần tinh giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường”, nhóm nghiên cứu của VCCI nhận định.
Cùng với đó, Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài theo hướng bổ sung đối tượng được miễn lệ phí môn bài gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới thành lập. Nếu như trước đây, bất kỳ chủ thể kinh doanh nào gia nhập thị trường đều phải đóng lệ phí môn bài và đây là mức phí được đóng hàng năm, theo quy định của Nghị định 22/2020/NĐ- CP thì trong năm đầu tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ không phải đóng lệ phí môn bài. Việc miễn đóng lệ phí môn bài trong năm đầu kinh doanh sẽ tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường.
“Việc ban hành các nghị định trên đã thể hiện nỗ lực rất đáng ghi nhận của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cách tiếp cận này dự báo sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng hạng của Việt Nam về chỉ số gia nhập thị trường trong Doing Business của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới”, VCCI nhận định.
Nhận định tư duy quản lý về kinh doanh của các nhà soạn chính sách đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, báo cáo của VCCI cho rằng trong mấy năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thúc đẩy môi trường kinh doanh, đặc biệt liên quan đến cải cách thể chế.
Trong bốn năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều đợt rà soát về điều kiện kinh doanh (năm 2016 tổng rà soát ban hành hơn 50 nghị định về điều kiện kinh doanh; năm 2018, tổng rà soát với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất là 50% tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành; năm 2019 yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh vẫn được đặt ra ở các bộ) trong đó đã bãi bỏ, đơn giản hóa một số lượng lớn điều kiện kinh doanh bất hợp lý và chưa đảm bảo tính minh bạch.
Các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ khi ban hành, chính sách quản lý về kinh doanh cũng cởi mở và thông thoáng hơn, thể hiện đậm nét quan điểm về “quyền tự do kinh doanh" của doanh nghiệp, người dân.
Về cơ bản, các văn bản pháp luật về kinh doanh được soạn thảo và/hoặc ban hành trong năm nay đã thể hiện được đúng hướng về tinh thần cải cách, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra và theo đuổi trong suốt thời gian qua. Môi trường đầu tư kinh doanh vì thế cũng đã thuận lợi hơn.
“Nhưng điều này không có nghĩa là các chính sách hiện tại đã hoàn hảo. Trong năm 2020, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ"- áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết; chưa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp dân doanh hoạt động hay thủ tục hành chính còn chưa minh bạch”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Các quy định về khởi sự kinh doanh là điểm sáng của chính sách.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2020 của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, đứng thứ 6 ASEAN với 08 thủ tục, thực hiện trong 16 ngày.
2. Vẫn còn dư địa cải cách
Cùng với đó, có thể nhận thấy những bước tiến lớn và thành tựu đáng ghi nhận của các nhà hoạch định chính sách trong việc cải thiện các điều kiện gia nhập thị trường. Phần lớn các điều kiện kinh doanh được thiết kế chặt chẽ, cụ thể và kiểm soát được mục tiêu quản lý trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, một điểm “nuối tiếc” là chưa thể luật hóa được hộ kinh doanh. Đây là chủ thể kinh doanh quan trọng trong nền kinh tế, giải quyết gần 8000 lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, chiếm khoảng 30% GDP1 nhưng lại chưa được đánh giá đúng về vị trí, vai trò so với các chủ thể kinh doanh khác.Một số vướng mắc, bất cập về các điều kiện gia nhập thị trường (bao gồm các điều kiện kinh doanh; trình tự, thủ tục để gia nhập thị trường) vẫn còn tồn tại và cần được khắc phục trong thời gian tới.
Nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn có thể đưa ra một số ngành, nghề nữa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Báo cáo nhắc tới các ví dụ như tuy cùng cơ chế quản lý nhưng lại có ngành nghề lại được bỏ ra khỏi danh mục, có ngành nghề lại được giữ lại.
Chẳng hạn “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế” đã được đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, nhưng “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương”, “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” vẫm nằm trong danh mục.
Kinh doanh thực phẩm cùng cơ chế quản lý theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, vì vậy việc bỏ kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của ngành này nhưng giữ lại kinh doanh thực phẩm của ngành khác trong danh mục đưa đến sự thiếu nhất quán trong chính sách.
Cùng với đó, vẫn còn tồn tại các dạng điều kiện kinh doanh chưa phù hợp. Ví dụ, một số ngành nghề như cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; cung cấp thông tin tín dụng; hoạt động của nhà xuất bản; kinh doanh dịch vụ bưu chính yêu cầu về vốn pháp định trong các điều kiện kinh doanh dường như là chưa phù hợp.
Phải có “phương án kinh doanh” tại thời điểm xin cấp giấy phép kinh doanh là một trong những yêu cầu trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, ít ý nghĩa và chưa minh bạch. Bởi, “phương án kinh doanh” có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, chiến lược, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo nhắc tới Nghị định 88/2014/NĐ-CP, Nghị định 151/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải có “Phương án kinh doanh có nội dung: Dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động; Dự kiến nguồn dữ liệu sử dụng”.
Cùng với đó là các dạng điều kiện kinh doanh được thiết kế theo hướng định tính, sử dụng những cụm từ như “đủ”, “phù hợp”, “cần thiết”. Các dạng điều kiện này đưa đến nhiều cách diễn giải khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan cấp phép. Điều này tạo ra nguy cơ nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Một số điều kiện kinh doanh được thiết kế theo hướng can thiệp trực tiếp vào quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và ít ý nghĩa trong hoạt động quản lý nhà nước. Ví dụ yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng thuê kho/phương tiện vận tải với thời hạn tối thiểu từ năm (05) năm trở lên
Trong nhiều năm qua, Quốc hội ngày càng giảm việc ban hành luật khung, luật ống, luật phải chờ nghị định, thông tư thì mới thi hành được. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường lần này là một ví dụ cho thấy tình trạng luật khung, luật ống vẫn chưa được giải quyết triệt để. Rất nhiều điều khoản trong luật, mang tính chính sách lớn, vẫn chỉ được quy định rất chung chung và phải đợi các văn bản hướng dẫn.
Tư duy cũ vẫn thấp thoáng trong hoạt động hoạch định chính sách. Có biểu hiện gia tăng biện pháp quản lý nhà nước quá mức cần thiết, có tính chất can thiệp vào thị trường. Nhà nước vẫn “đóng” cho những cơ chế đáng ra nên “mở”.Hoạt động kiểm tra chưa được minh bạch hóa...Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vì dịch bệnh covid-19 kịp thời, nhưng chưa nhất quán.
3. Khung khổ pháp lý cho kinh tế số
Tốc độ phát triển của kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian qua luôn ở mức rất cao. Theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á E-conomy năm 2020 thì nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 14 tỷ đô la Mỹ và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ đô la Mỹ
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, một số vấn đề nảy sinh và cần có sự can thiệp của Nhà nước để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn và giảm các tác động tiêu cực đến xã hội. Vai trò của Nhà nước lúc này trong việc xây dựng và bảo đảm thực thi có hiệu quả các hành lang pháp lÝ cho kinh tế số là vô cùng quan trọng. Các quy định pháp luật hợp lý, khả thi và công bằng sẽ giúp tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển nhanh, bền vững và lành mạnh. Ngược lại, nếu các quy định được thiết kế một cách bất hợp lý, không khả thi hoặc không công bằng có thể sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam không bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN và thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trẻ và tài năng đang gia tăng hiện nay của Việt Nam cần có môi trường để thử nghiệm các Ý tưởng sáng tạo và phát triển sản phẩm tại thị trường trong nước, từ đó dần mở rộng ra thị trường khu vực và toàn cầu.
Có nhiều vấn đề đang đặt ra cần được giải quyết. Đó là
(1). Phát triển hạ tầng viễn thông dành cho internet tốc độ cao.
(2). Điều kiện kinh doanh và xin giấy phép cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng.
(3). Đầu tư và hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
(4). Công nhận các loại tài sản số
(5). Bảo hộ tài sản trí tuệ và phát triển kinh tế số
(6). Kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng.
(7). Bảo vệ dữ liệu người dùng.
(8). Thuế nhà thầu đối với dịch vụ xuyên biên giới.
III. THAM GIA CỦA VCCI VÀ PHẢN HỒI CỦA CƠ QUAN SOẠN THẢO
Trong năm 2020, VCI đã tam gia 73 VBQPPL. VCCI đã đưa ra 386 ý kiến góp ý, tương ứng với mỗi văn bản có hơn 05 đề xuất, kiến nghị. Tỷ lệ tiếp thu ý kiến góp ý của VCCI năm 2020 của các bộ, ngành là 54,92% (212/386 Ý kiến). Tỷ lệ không tiếp thu là 45,08%. Tỷ lệ tiếp thu tăng dần đều trong ba năm trở lại đây và đặc biệt, năm nay tỷ lệ này cao hơn hẳn so với hai năm trước (44,08% của năm 2019 và 42,51% của năm 2018). Tỷ lệ tiếp thu cao hơn là tỷ lệ không tiếp thu cho thấy, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe nhiều hơn, điều này cũng thể hiện tinh thần cầu thị của các nhà hoạch định chính sách.
Xét theo loại văn bản, tỷ lệ tiếp thu các góp ý trong các dự thảo văn bản ở cấp thông tư cao hơn so với ở cấp luật, nghị định nhưng chênh lệch cũng không đáng kể. Tỷ lệ tiếp thu/không tiếp tutheo loại văn bản: Luật, Nghị định 53,56/46,44. Thông tư55,26/44,74.
Số lượng các ý kiến liên quan đến tính hợp lý có tỷ lệ cao nhất, chiếm tỷ lệ 64% tổng số ý kiến, tiếp theo sau là các góp ý về tính minh bạch và tính thống nhất. Tương tự như các năm, trong các góp ý của VCCI, các kiến nghị liên quan đến tính hợp lý luôn chiếm số lượng lớn. Điều này cho thấy rằng, dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, tại thời điểm xây dựng các dự thảo VBQPPL về kinh doanh vẫn còn khá nhiều điểm chưa hợp lý, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tỷ lệ các góp ý liên quan đến tính minh bạch có xu hướng giảm, và đặc biệt đã giảm mạnh trong năm 2020 (từ mức 28,6% của năm 2018 và 27,2% của năm 2019 xuống 20,9%). Điều này cho thấy, các quy định trong các VBQPPL khi soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo đã thiết kế theo hướng ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn.
Xét theo cơ quan chủ trì soạn thảo, tương tự các năm trước, các góp ý của VCCI cho Bộ Tài chính vẫn có số lượng lớn nhất, do số lượng văn bản liên quan đến doanh nghiệp Bộ này soạn thảo mỗi năm cũng rất nhiều, đặc biệt với các văn bản giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Tiếp đến là các góp ý cho các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải liên quan đến các dự thảo văn bản quy định chi tiết luật.
Nhìn chung tỷ lệ tiếp thu các góp ý phân theo tiêu chí khá cao và đồng đều. Cả 3 tiêu chí đều có tỷ lệ góp ý được tiếp thu cao hơn tỷ lệ góp ý không được tiếp thu. Tiêu chí tinh hợp lý 53,44/46,56. Tiêu chí tính minh bạch 53,09/46,91. Tính thống nhất 63,79/36,21.
Trong 3 tiêu chí, tỷ lệ tiếp thu góp ý về tính thống nhất là cao nhất (lên mức 63,79%). Số lượng tiếp thu các góp ý về tính thống nhất cũng cao hơn nhiều so với số lượng không tiếp thu (cao gần gấp đôi: 63,79% so với 36,21%).
Điều đặc biệt trong năm nay là một số bộ có tỷ lệ tiếp thu lên mức 100%, gồm có Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, tỷ lệ tiếp thu với các ý kiến của VCCI cũng rất cao ở một số cơ quan soạn thảo khác, chẳng hạn Bộ Công thương (70%), Bộ Xây dựng (73%).
Tuy vậy, tương đối nhiều các ý kiến liên quan đến tính minh bạch lại chưa được thể hiện trong các văn bản khi ban hành, khi có đến 46,91% ý kiến không được tiếp thu. Đây là điều đáng tiếc khi các ý kiến thuộc tiêu chí này thường nhằm làm rõ lại các quy định, thủ tục, trình tự, thời hạn, nhằm tránh nguy cơ nhũng nhiễu từ phía cơ quan thực thi do có “điểm mờ” trong quy định. Những góp ý về tính hợp lý được tiếp thu được các cơ quan soạn thảo tiếp thu tương đối nhiều, với tỷ lệ trên 50%. Đây là các đề xuất thường nhận được ít đồng tình từ cơ quan soạn thảo nhất, do những khác biệt trong quan điểm tiếp cận. Với 50% góp ý được tiếp thu, có thể thấy những ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp là có cơ sở với những lập luận thuyết phục, và cũng thể hiện tinh thần cầu thị trong quá trình soạn thảo từ phía các cơ quan chủ trì soạn thảo.
Các vấn đề đề xuất thường không được cơ quan soạn thảo tiếp thu là: Loại bỏ các thủ tục gây phiền phức, khó khăn cho doanh nghiệp; Thực hiện liên thông thực hiện thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước; Loại bỏ các quy định can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý./.
Biên tập: Phan Đức Ngữ
Nguồn: Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020, VCCI, Intrenet.