ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐÀN TRÂU Ở NƯỚC TA
Là một quốc gia sản xuất nông nghiệp, con trâu có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, muốn đàn trâu, bò phát triển ngày càng đông đúc, một mặt chúng ta cần tổng kết những kinh nghiệm lâu đời của nhân dân để cải tiến kỹ thuật chăn nuôi, mặt khác phải đẩy mạnh các mặt công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học để phục vụ phát triển đàn trâu, nhằm làm ra ngày càng nhiều sữa, thịt, sức kéo và phân bón cho sản xuất và đời sống xã hội.
Theo các nhà khoa học, các giống trâu ở nước ta chưa được đầu tư nghiên cứu sâu rộng, hiện chúng ta chỉ có giống trâu nuôi phổ biến có tên khoa học là Buffalusindicus, nhưng khác nhau về ngoại hình, trọng lượng, các chỉ tiêu và năng suất… nguyên nhân là do đàn trâu ở 3 miền có điều kiện khác nhau về môi trường sinh trưởng, kỹ thuật chăn nuôi cũng khác nhau. Vì vậy công tác điều tra cơ bản về đàn trâu cần được tiến hành đại trà nhằm xác định lại các nhóm giống trâu hiện có ở nước ta, đồng thời nghiên cứu thêm về tiềm năng của từng giống trâu, về sức kéo, năng suất thịt, sữa. Tìm hiểu và đúc rút kinh nghiệm của người nông dân về cách chọn trâu cày, trâu nái, trâu vắt sữa. Từ đó, sẽ có cơ sở để chọn giống, lai tạo thành những giống trâu chuyên cày kéo, cho thịt, lấy sữa.

Con trâu nhà ở nước ta có trọng lượng bình quân khoảng 400 kg/con. Các loại trâu tầm vóc nhỏ của nước ta thích hợp với việc cày kéo trong sản xuất nông nghiệp, loại trâu này rất nhanh chóng thành thục và mắn đẻ, tính nết trâu bản địa rất hiền lành, dễ điều khiển và huấn luyện. ngược lại giống trâu lai có trọng lượng bình quân 600 kg/con trở lên đủ khả năng làm những công việc nặng nhọc. Nhược điểm của những giống trâu có tầm vóc to lớn này là chậm thành thục và đẻ thưa. Nếu cho giao phối giữa 2 nhóm trâu này để tạo thành trâu tầm vóc trung bình, sẽ có năng suất sinh sản khá, bảo đảm được những yêu cầu về thịt, sữa và sức kéo. Tuy nhiên muốn tạo thành một giống trâu cho thịt, sữa và giá trị dinh dưỡng cao hơn sữa bò thì phải có kỹ thuật lai tạo với các giống trâu sữa cao sản trên thế giới, đặc biệt với các giống trâu sữa Ấn Độ, đặc biệt là giống trâu Murrah sẽ tạo ra giống trâu lai chuyên cho sữa có triển vọng thích nghi với điều kiện khí hậu Việt Nam.
Muốn cải tiến giống trâu tăng năng suất sinh sản cày kéo, cho thịt ngon, nhất là sữa, phải nghiên cứu xây dựng những cơ sở chế biến thức ăn, và có những đồng cỏ tốt. Vì chất lượng và sản phẩm từ thịt và sữa trâu phụ thuộc trước hết vào chất lượng thức ăn của đàn trâu. Nông dân ta ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng hiện nay rất khó kiếm du cỏ tốt cho đàn trâu nuôi. Ở nhiều địa phương người nông dân có kinh nghiệm trồng những loại cỏ ở nước ta như cỏ bấc, loại cỏ này ngon và nếu thâm canh thì chỉ cần 200 m2 đất ruộng cỏ thể đủ nuôi một cặp trâu vừa kéo cày tốt vừa sinh sản đều đặn. Đặc biệt cần khảo sát và phát triển những kinh nghiệm trồng các loại cây cỏ dinh dưỡng cao, kể cả các loại bèo như bèo cái, bèo hoa dâu lâu nay vẫn coi như chỉ là thức ăn cho đàn lợn. Những nguồn thức ăn thường dùng cho bò như khô dầu, những phương pháp dự trữ thức ăn như phơi khô ủ xanh, kiềm hóa rơm, cũng có thể tận dụng vào việc nuôi trâu. Giải quyết đủ nguồn thức ăn cho đàn trâu nuôi bằng cách trồng cỏ sẽ khắc phục được tình trạng đàn trâu thiếu cỏ quanh năm nên gầy yếu. Ở các vùng núi người nông dân thường thả rông trâu bò tự kiếm ăn. Tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia khu vực Asean, người dân vừa trồng rừng vừa tạo thảm cỏ dưới tán rừng và tận dụng nhiều loại lá cây có độ dinh dưỡng cao để nuôi trâu bò.
Hiện nay, nhân tố hạn chế nhất sự phát triển nhanh đàn trâu ở nước ta là năng suất sinh sản thấp. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của đàn trâu chỉ khoảng 2% . Thời gian chửa của trâu dài (11tháng – so với bò là 9 tháng). Triệu chứng động dục của trâu cái thường kín đáo, khó phát hiện, cho nên nếu không theo dõi kỹ, để lỡ một kỳ động dục thì có thể 2-3 năm trâu mới đẻ một lứa. Thậm chí nếu quá lâu không không chửa đẻ, con trâu cái sẽ bị “nân”, “sổi” (mất khả năng sinh sản). Trâu cái ở miền núi nước ta thường bị bệnh giun đũa, giun sán (đồng bào miền núi gọi là “bệnh ỉa phân trắng”) và chết với tỷ lệ cao. Vì vậy, qui trình kỹ thuật nuôi trâu ở miền núi cần phải thực hiện là: hạn chế thả rông để theo dõi sát những kỳ động dục của trâu cái; có đủ trâu đực giống tốt để phối giống kịp thời; tránh cho trâu sinh đẻ ngoài rừng vì sẽ làm cho trâu con (nghé) chết rét, chết vì thú dữ và các tai nạn nguy hiểm khác; Cần dự trữ thức ăn cho đàn trâu trong vụ Đông – Xuân, tạo điều kiện tốt cho trâu cái sinh sản; chăm sóc và cho trâu con (nghé) ăn dặm thêm ngoài bữa ăn chính; phòng trị bệnh giun đũa và các bệnh khác như ghẻ, rận cho cả đàn trâu.
Những tiến bộ khoa học, kỹ thuật chăn nuôi đàn bò hiện nay có thể vận dụng để chăn nuôi trâu nhà nhằm tăng năng suất sinh sản và cải tạo giống như: dùng dụng cụ kích dục để kích thích trâu cái động dục, áp dụng các phương pháp thụ tinh nhân tạo hiện đại cho trâu nái như thụ tinh bằng tinh trùng lỏng và tinh trùng đông của trâu đực giống, dùng thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao cho trâu nghé hoặc dùng sữa nhân tạo để nuôi những trâu nghé thiếu sữa mẹ. Trâu bị chết trong vụ đông ở đồng bằng phần lớn là những con trâu mới đưa từ miền ngược về xuôi, chưa quen với điều kiện thức ăn và chế độ làm việc trên đồng ruộng. Những con trâu này thường nhiễm những bệnh mạn tính như sán lá gan, tiêm mao trùng. Trong đìêu kiện nuôi dưỡng đầy đủ và làm việc vừa phải con trâu vẫn đủ sức đề kháng tốt. Qui trình nuôi trâu phát triển tốt ở vùng đồng bằng phải bao gồm những công đoạn như: trồng cỏ, dự trữ đủ thức ăn cho trâu vào mùa đông, xây dựng chuồng trại ấm áp khô ráo để chống rét và những biện pháp tích cực khác trong phòng trị bệnh, nhất là bệnh mao trùng cho đàn trâu.
Bệnh lý học của đàn trâu ở các vùng nhiệt đới đã được các nhà khoa học xác định tương đối rõ như: Trâu thường sinh hoạt và làm việc ở các vùng lầy lội, ruộng nước, thức ăn của con trâu thường là những loại cây cỏ ở vùng ẩm ướt hoặc phài thường xuyên nhai loại rơm khô, cứng,.. tạo điều kiện phát sinh bệnh tật. Loài trâu có một nhược điểm là không có đủ tuyến mồ hôi để chống nóng như loài bò, loài ngựa, vì vậy dễ phát sinh bệnh hơn các loài có đủ tuyến bài tiết mồ hôi. Ngoài ra loài trâu thường mắc các bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, sán lá gan, giun đũa, chướng bụng đầy hơi … phổ biến và tăng nặng hơn loài bò.
Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu về bệnh lý học của đàn trâu vùng nhiệt đới và các phương pháp phòng trị bệnh, chúng ta phải áp dụng đầy đủ những tiến bộ kỹ thuật về thú y cho con trâu, về các mặt tiêm phòng bệnh truyền nhiễm, thuốc phòng bệnh ký sinh trùng, vệ sinh chăm sóc, nuôi dưỡng đề phòng các bệnh do khí hậu thời tiết bất thường, đặc biệt là chết do rét. Đàn trâu ở các vùng núi Tây Bắc bị chết rét trong những năm gần đây là một minh chứng cho cách nuôi trâu còn đơn giản của người nông dân nước ta nói chúng và người miền núi nói riêng ...
NTT