No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
“Thổi hồn” cho các khu, điểm du lịch trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Lượt xem: 61
anh tin bai

Đỉnh Pha Luông , Mộc Châu

“Thổi hồn” cho các khu, điểm du lịch trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc “thổi hồn” (hay sưu tầm và biên dựng các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch) cho các sản phẩm du lịch để tạo thêm tính hấp dẫn đối với du khách và nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh du lịch đã và đang trở thành một xu hướng phát triển, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng xã hội và chính quyền các cấp. Bài viết này đi sâu nghiên cứu về tầm quan trọng và cách thức sưu tầm, biên dựng các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch đối với khu, điểm và sản phẩm du lịch; đề xuất cách thức và yêu cầu sưu tầm, biên dựng các câu chuyện, lời dẫn đối với các khu, điểm và sản phẩm du lịch trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu của tỉnh Sơn La.

Trong những năm qua, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng đã được khẳng định. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động trên tất cả các địa phương: từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng, vùng ven biển, hải đảo đến các vùng núi, cao nguyên. Sự phát triển du lịch góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thêm hàng triệu việc làm cho các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Sơn La là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cả về tự nhiên và văn hoá, trong đó Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu được ví như “Đà Lạt thứ hai” ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế của Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.

Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu tuy có nhiều sản phẩm du lịch cả về tự nhiên và văn hoá; nhưng lượng du khách đến tham quan nghỉ dưỡng chưa nhiều, thời gian lưu trú rất ngắn, các sản phẩm du lịch còn thiếu tính hấp dẫn, chưa tạo ra được điểm nhấn và sự khác biệt so với các sản phẩm du lịch tương tự ở các địa phương lân cận, ... Một trong những nguyên nhân là do các sản phẩm du lịch trong Khu du lịch Mộc Châu chưa có các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch để tạo ra sự hiếu kỳ, hấp dẫn và “ hút hồn” du khách. Việc sưu tầm và biên dựng các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch hay nói cách khác là việc “thổi hồn” cho các sản phẩm du lịch đang là một yêu cầu bức thiết đang đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà đầu và kinh doanh du lịch trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.

I. Tầm quan trọng của việc sưu tầm, biên dựng các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch

Ngày nay, cùng với tốc độ phát triển nhanh của lĩnh vực du lịch, xu hướng tâm lý khách du lịch cũng có những thay đổi rõ rệt, tác động đáng kể tới nhu cầu cụ thể cho chuyến đi du lịch của mình. Du khách không chỉ thực hiện chuyến tham quan, trải nghiệm điểm đến du lịch một cách thụ động mà còn chủ động đóng vai trò là chủ thể sáng tạo trong các hoạt động du lịch. Điều này có nghĩa là khách du lịch luôn mong muốn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động mang tính sáng tạo, nhằm sinh động hóa thêm những trải nghiệm của mình tại nơi họ tới tham quan. Thông qua quá trình tương tác này, vô hình chung họ cũng đã góp phần đáng kể vào làm giàu thêm bản sắc của sản phẩm du lịch tại điểm đến.

Như chúng ta đã biết, khi phát triển bất cứ loại hình sản phẩm du lịch nào, để có thể giới thiệu, bán và được khách hàng chấp nhận mua, cần phải tuân thủ theo một quy trình nhất định. Đó là công tác nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu các phân khúc khách hàng, tâm lý khách hàng; phân tích đối thủ cạnh tranh, điểm yếu, điểm mạnh, cơ hội, thách thức; định vị phân khúc thị trường, xây dựng sản phẩm; truyền thông, bán sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Theo đó, sản phẩm phải luôn được đặt ở vị trí trọng tâm và các yếu tố bổ trợ trong chu trình khép kín trên phải gắn kết chặt chẽ với nhau và cùng hướng về mục tiêu sản phẩm. Có như vậy, mới có thể xây dựng được sản phẩm du lịch đảm bảo chất lượng, độc đáo, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của từng phân khúc khách hàng trong từng giai đoạn, tạo nên sự phất triển du lịch bền vững.

Khi du khách tham gia khám phá và trải nghiệm những sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể như nghệ thuật dân gian, ca nhạc, hội họa; các liên hoan, lễ hội, làng nghề, ẩm thực, bảo tàng, lối sống, phong tục tập quán, ... họ có thể dễ dàng hòa mình vào hoạt động sáng tạo và xây dựng sản phẩm. Quá trình này tác động trực tiếp vào hầu hết các giác quan cảm nhận của du khách và tạo cho họ những cảm xúc sâu sắc và ấn tượng lâu dài hơn về giá trị văn hóa, tinh thần của sản phẩm điểm đến. Như vậy, cùng với những đòi hỏi thiết yếu về việc đảm bảo chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, việc tạo thêm cảm xúc cho họ thông qua những câu chuyện, lời dẫn trong quá trình trải nghiệm sản phẩm du lịch là vô cùng cần thiết, góp phần quan trọng vào việc giữ chân du khách, khuyến khích họ quay trở lại điểm đến cũng như thu hút thêm nguồn du khách mới.

Quá trình vận động của sản phẩm du lịch khác cũng không nằm ngoài nguyên lý trên. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất phát từ đặc điểm, bản chất cốt lõi; mỗi sản phẩm du lịch luôn đòi hỏi phải có sự lồng ghép thêm những yếu tố sáng tạo, để từ đó hình thành được sản phẩm với hàm lượng sáng tạo cao, góp phần tạo nét khác biệt, độc đáo, hấp dẫn du khách.

II. Cách thức sưu tầm, biên dựng các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch

Trên thực tế có nhiều phương pháp và cách thức khác nhau để thúc đẩy việc gắn tính sáng tạo với hoạt động xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, có 04 phương cách thức chủ yếu, mang lại hiệu ứng quảng bá cao, có thể tạo cho du khách nhiều ấn tượng và cảm nhận sâu sắc hơn đối với loại hình sản phẩm này là: Tái hiện, mô phỏng, hư cấu và tạo dựng để tạo ra các câu chuyện, lời dẫn cho các sản phẩm du lịch.

- Tái hiện là việc thể hiện lại hiện thực một cách chân thật, thông qua các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Hiện thực ở đây có thể là các sự kiện lịch sử, các hoạt động văn hóa của con người.

- Mô phỏng: là một hình thức bắt chước hoạt động của một quá trình hoặc hệ thống, thể hiện hoạt động của nó theo thời gian. Mô phỏng là hoạt động bắt chước lại một quá trình hay hệ thống thực tiễn sau đó xâu dựng hoặc diễn tả lại để người khác có thể hiểu được ý định truyền đạt. Quá trình này không yêu cầu sự chính xác tuyệt đối nhưng phải tuân thủ nguyen tắc giữ nguyên được nội dung ban đầu chứ không thể thay đổi khác hoàn toàn so với phiên bản lúc đầu.

- Hư cấu (Hư: hư vô, cái không có thật, ảo ảnh, không tồn tại, … Cấu: cấu trúc, cấu tạo, tạo nên cái gì đó, …). Theo nghĩa đen thì ”Hư cấu” là tạo ra từ sự  tưởng tượng, không có thật, không tồn tại, … Đây là một từ dùng để diễn đạt một sự vật, hiện tượng mà con người ta chưa được thấy, nghe hay biết bao giờ. Nhưng nó lại mang một yếu tố lạ và hấp dẫn, thích thú cho người nghe hay người xem. Ngoài ra , “Hư cấu” còn là một hình thức sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ để làm tác phẩm của mình thêm sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn nhiều người theo dõi. Ví dụ: trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam thì hầu hết các câu truyện đều có yếu tố hư cấu như: Tấm Cám, Cây khế, Sọ dừa, Cây tre trăm đốt, …

-  Biên dựng hay tạo dựng trong du lịch văn hóa là việc tạo nên, dựng nên các nhân vật, sự kiện, câu chuyện từ các cứ liệu, tư liệu đã có hoặc sưu tầm nhằm mục đích nâng cao giá trị và đáp ứng nhu cầu và sự hiếu kỳ của du khách.

Mặc dù các hình thức trên có tên gọi khác nhau, nhưng chúng đều có chung bản chất là cùng hướng tới mục tiêu nhằm tạo thêm nhiều điểm nhấn cho các sản phẩm du lịch thông qua các hình tượng, mô hình, câu chuyện, truyền thuyết, cứ liệu lịch sử có thực hoặc có sự hư cấu thêm một cách hợp lý.

Theo những phương cách trên đây (Tái hiện, Mô phỏng; Hư cấu và Biên dựng); các sản phẩm du lịch văn hóa khi được tái hiện, truyền đạt hoặc tường thuật lại thì những giá trị đích thực của chúng được nhân lên gấp bội. Một số trường hợp khi được nhân cách hóa sẽ kích thích sự hứng khởi của du khách, khiến họ thích thú và say mê hơn khi tham gia trực tiếp vào quá trình trải nghiệm các sản phẩm du lịch. Các phương thức trên thường được ứng dụng đồng bộ  trong việc xây dựng và quảng bá các điểm đến như: Các khu du lịch tâm linh; Các làng nghề truyền thống; Các bảo tàng văn hóa, lịch sử, ẩm thực; Các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng mới được đầu tư xây dựng, ...

Thực tế cho thấy một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, Singapore, Thái Lan, Malaysia, ... rất thành công trong việc phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với hoạt động sáng tạo; gắn với đó là sự quan tâm đầu tư về tài chính cũng như công nghệ hiện đại.

Ở nước ta trong thời gian gần đây đã có một số khu du lịch rất thành công trong việc sưu tầm, biên dựng các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch như: Khu du lịch Chùa Tam Chúc Hà Nam; Khu du lịch Tam cốc - Bích động Ninh Bình; Khu du lịch Chùa Bái Đính Ninh bình; Khu du lịch Hồ núi Cốc Thái Nguyên; Khu du lịch Suối khoáng nóng Thần tài Đà nẵng; Khu du lịch Núi Bà Đen Tây Ninh; Các khu du lịch thuộc quần thể du lịch Đà Lạt, ...

anh tin bai

Điểm du lịch mới nổi - Cầu kính Bạch Long, Mộc Châu

 

III. Một số vấn đề đặt ra trong việc sưu tầm, biên dựng các câu chuyện, lời dẫn đối với các sản phẩm du lịch Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu

1. Tiềm năng phát triển của Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu

Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, nằm trên cao nguyên đá vôi vùng Tây Bắc với độ cao trung bình 1.050 m so với mặt nước biển; cách Thủ đô Hà Nội khoảng 180 km về hướng Tây Bắc với tổng diện tích tự nhiên 2.061,5 km2, trải dài trên 2 huyện: (1) huyện Mộc Châu có diện tích tự nhiên là 108.166 ha, với 02 thị trấn và 13 xã; (2) huyện Vân Hồ có diện tích tự nhiên là 97.984 ha, với 14 xã (và thường được gọi với tên chung là Mộc Châu).

Mộc Châu được ví như “Đà Lạt thứ hai” ở khu vực phía Bắc Việt Nam; từ lâu đã trở thành điểm đến nổi bật với những đặc trưng độc đáo về tài nguyên du lịch cả tự nhiên và văn hoá. Mộc Châu vừa là cửa ngõ của du lịch tỉnh Sơn La vừa là cầu nối du lịch giữa thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 6 (AH 13).

Mộc Châu có điều kiện khí hậu lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sinh thái, nông nghiệp: Mộc Châu nằm ở độ cao trung bình hơn 1.000m cùng với lượng mưa tương đối lớn (hơn 1.500 mm/năm), nằm giữa sông Đà (phía Đông Bắc) và sông Mã (phía Tây Nam) như hai hệ thống điều hòa không khí tự nhiên, làm cho nhiệt độ của Mộc Châu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 18 - 20oC. Với điều kiện thiên nhiên ưu ái, Mộc Châu là nơi có điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, ... với các điểm du lịch nổi bật như: đỉnh núi Pha Luông, Đồi chè trái tim 86, đồng cỏ Windows, Cầu kính Bạch Long, Làng chè 69 Mộc Châu, du lịch sinh thái chè Olong Mộc Sương, Trang trại bò sữa Mộc Châu; các khu nghỉ dưỡng như: Thảo Nguyên Resort, Vân Hồ Ecolodge, Mộc Châu Arena Village, Moc Chau Hobbiton, khu du lịch Foenix Mộc, ...

Mộc Châu có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng: Mộc Châu là vùng thảo nguyên rộng lớn, kỳ vĩ và xinh đẹp với cánh đồng cỏ rộng  trên 1.600 ha, bên cạnh là những đỉnh núi cao, hang động, suối, thác nước, ... với các điểm du lịch nổi tiếng như Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi), Ngũ động bản Ôn, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, Thác Dải Yếm, Thác Nàng Tiên, Thác Tạt Nàng, ... tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình hấp dẫn khách du lịch. Mộc Châu còn thơ mộng với hoa nở bốn mùa: Mùa xuân rực rỡ những sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa đào; Mùa hè nổi bật với sắc xanh của cây cỏ, cánh đồng lúa, những đồi chè trải dài ngút mắt, … ; Mùa thu về với những cánh đồng hoa cải vàng, cải trắng trải rộng đến tận chân trời, những vạt dã quỳ, hướng dương vàng rực, ... ; Mùa đông khoe sắc vàng của hoa dã quỳ, sắc đỏ của hoa trạng nguyên … và những điểm du lịch có thể kể đến như: Vườn hoa bốn mùa Happy Land Mộc Châu, Thung lũng mận Nà Ka, Thung lũng hoa mơ Mộc Châu, những đồng hoa cải dọc các tuyến đường Mộc Châu, Vân Hồ, ...

Mộc Châu có nhiều sản vật phong phú từ thiên nhiên: Với điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành ở Mộc Châu đã tạo ra nhiều loại sản vật có giá trị đã mang thương hiệu như: Sữa Mộc Châu; Chè Shan tuyết Mộc Châu; Mận hậu Mộc Châu; Bơ Mộc Châu; Hồng giòn Mộc Châu, Cải mèo Mộc Châu; Hoa Đào Mộc Châu; Cá hồi Mộc Châu; Thịt bê chao Mộc Châu, … Ngoài ra còn có các sản vật từ rừng núi như thuốc nam, mật ong, măng rừng, rau rừng … tọa cho du khách sự thưởng ngoạn không gian và và ẩm thực khó quên.

Mộc Châu có tài nguyên văn hóa đặc sắc, độc đáo, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử hào hùng: Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, Mộc Châu còn thu hút khách du lịch bởi có nguồn tài nguyên văn hóa các dân tộc thiểu số độc đáo như Thái, Mường, Mông, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú, ... Mỗi dân tộc có một nền văn hóa mang những đặc trưng độc đáo riêng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống tạo ra những nét hấp dẫn khách du lịch. Mộc Châu còn có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử gắn với những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như: Di tích điểm Lưu niệm trung đoàn 52 Tây Tiến, Đồn Mộc Lỵ, Bia lưu niệm Đoàn 82 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu, di tích Đền Hang Miếng, ...

Mộc Châu còn là điểm nghỉ dưỡng cuối tuần cho khách du lịch ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng phía bắc bởi ngooài khí hậu mát mẻ, không gian thoáng mát nhiều cây xanh; Mộc Châu chỉ cách thủ đô Hà Nội với khoảng 180 Km; đi từ Hà Nội lên Mộc Châu chỉ mất khoảng 03 - 04 tiếng. Tức là “Mộc Châu đủ gần để đến thăm và đủ xa để nghỉ lại”.

Trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu (gồm 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ) cũng đã được đánh giá là một trong những khu du lịch Quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch “Qua miền Tây Bắc” theo Quốc lộ 6. Trên cơ sở định hướng của Chiến lược du lịch Quốc gia, ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; ngày 25/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 128/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đến năm 2030”. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Sơn La xúc tiến mời gọi đầu tư, khơi dậy và phát huy thế mạnh về du lịch tại 02 huyện Mộc Châu và Vân Hồ.

2. Các sản phẩm du lịch trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu cần biên dựng mới hoặc bổ sung các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa để thu hút khách du lịch

2.1. Về xây dựng thương hiệu và Slogan cho du lịch Mộc Châu

- Việc xây dựng thương hiệu cho Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu cần sớm được tiến hành (hiện nay Sơn La đang xây dựng thương hiệu cho Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La bằng nguồn vốn trong Chương trình 68 của Chính phủ hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương).

- Về  xây dựng Slogan cho du lịch Mộc Châu và từng khu, điểm hoặc sản phẩm du lịch cũng cần sớm được quan tâm:

Như trên đã nêu: slogan hay khẩu hiệu là một câu văn ngắn chứa đựng thông điệp mô tả tính chất sản phẩm/dịch vụ, hoặc truyền tải những giá trị mà thương hiệu đó mang đến cho khách hàng. Câu slogan thường mang ý nghĩa cổ vũ, động viên khách hàng, hay cũng có thể là diễn tả lời hứa, hướng phát triển của doanh nghiệp. Slogan trong quảng bá du lịch giúp mọi người dễ dàng nhận diện được thương hiệu của các khu, điểm du lịch. Slogan có thể được tồn tại dưới nhiều sắc thái nhẹ nhàng, hùng hồn, mạnh mẽ, ... Và đôi khi, slogan còn giúp cho người nghe tưởng tượng chính mình đang được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm du lịch.

Ví dụ: “Mộc Châu - Thiên đường du lịch xanh: Đồng cỏ xanh; đồi chè xanh; Rừng cây xanh xanh; Dòng suối trong xanh và đôi mắt em xanh” hay “Mộc Châu - Miền đất an lành và linh thiêng, nơi có Ngũ hành tương sinh; Ngũ động tương linh; vạn nhân tương đáo”.

2.2. Các khu, điểm du lịch tâm linh cần biên dựng mới hoặc bổ sung các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch

(1). Khu Ngũ động bản Ôn: Kim tiên động; Mộc Linh động; Thủy dưỡng tâm động; Hỏa phúc thiên động và Thổ nhân kiệt động.

(2). Động Sơn Mộc Hương - (hang Dơi): gắn liền với nơi đồn trú của các danh tướng thời Lê Nhân Tông trong cuộc hành tiến lên Tây Bắc dẹp phản loạn.

(3).  Chùa Chiền Viện hay chùa Vặt Hồng (Lịch sử hình thành và giá trị tâm linh; cuộc hành trình đi tìm những pho tượng cổ chùa Vặt Hồng).

(4). Chùa Phượng Hoàng tại Khu du lịch Rừng thông Bản Áng - Phoenix Mộc Châu Resort.

(5). Đền Bà chúa Thác Bờ ở xã Quang Minh (Đền Hang Miếng - Vân Hồ).

anh tin bai


2.3. Các khu, điểm du lịch văn hoá lịch sử cần biên dựng mới hoặc bổ sung các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch

(1). Nơi đóng quân của Danh tướng người Thái là Xa Khả Sâm và 1.000 nghĩa quân áo đỏ giúp Lê Lợi trong 10 năm kháng chiếnn chống quân Minh.

(2). Cuộc hành trình của Vua Lê  Thái Tông (con trai Lê Lợi - Vua Lê Thái tổ) và các danh tướng lên Tây Bắc dẹp loạn với nhiều huyền thoại; trong đó có Sự tích bà Chúa Mường Đinh Thị Bé giúp vua Lê Thái Tông vận chuyển binh lính và lương thảo lên Tây Bắc dẹp phản loạn qua Sông Đà (Từ Chợ Bờ Hòa Bình đến Hang Miếng xã Quang Minh - Vân Hồ).

(3). Các huyền thoại về Trung đoàn Tây Tiến:  Bến đợi tình yêu - Nơi chia tay của  các chàng trai Tây Tiến với các cô gái Bản; Bài thơ “Tây tiến” (Mùa xuân năm 1947) và tác phẩm  hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” của Quang Dũng (sáng tác năm 1952).

(4). Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và công nhân Nông Trường Mộc Châu.

2.4. Du lịch văn hoá cộng đồng cần biên dựng mới hoặc bổ sung các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch

- Văn hóa, tập tục, các món ăn của đồng bào dân tộc Thái; Mông; Dao, ...

- Các Lễ hội tại Mộc Châu và Vân Hồ.

* Dự án “Nghiên cứu và xây dựng mô hình đỉển hình về phát triển du lịch xanh tại khu du lịch Quốc gia Mộc Châu” với nội dung chính là xây dựng các tiêu chí để xây dựng “Bản du lịch xanh của đồng bào dân tộc Thái ở bản Vặt, xã Mường Sang” và “Bản du lịch xanh của đồng bào dân tộc Mông ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ”.

2.5. Các câu chuyện, lời dẫn cho các khu, điểm du lịch sinh thái:

(1) Các khu, điểm du lịch sinh thái đã có trong Quy hoạch:

1- Khu vui chơi, nghỉ dưỡng (Trung tâm Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu);

2- Bách viên hoa (vườn có 100 loài hoa) ;

3- Đồi Lưu danh;

4- Hồ vong tình;

5- Thác Dải Yếm, ...

(2) Các khu, điểm du lịch văn hóa và sinh thái khác:

1- Khu Resort Thảo nguyên; Đồi chè trái tim Mộc Châu; Khu du lịch bò sữa Mộc Châu;

2 - Các vườn Hoa Đào, Hoa Mận và Thung lũng mận Nà Ka.

3 - Thác Nàng tiên (Chiềng Khoa); Đỉnh Pha Luông; ; Bản Pa Phách Mộc Châu; Khu Cầu kính Bạch Long; Khu Rừng thông Bản Áng, ...

4 - Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha (với diện tích 27.000 ha, gồm hệ động vật và thực vật phong phú đa dạng, quý hiếm như: Sóc bay, Voọc xám, Vượn đen, Khỉ mặt đỏ, Báo gấm, ...). Du khách tới đây có thể thăm quan rừng nguyên sinh, tham gia chương trình du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học, ...

* * *

Tóm lại, văn hóa và sáng tạo là hai yếu tố luôn đồng hành và có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng góp phần hình thành nên sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách; đây cũng đang là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa - lịch sử cũng đã được khẳng định rõ trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030. Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu tuy có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cả về tự nhiên và văn hoá; nhưng để có thể xây dựng được sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của du khách trong nước và quốc tế, rất cần có sự quán triệt nhận thức chung về chất lượng các sản phẩm du lịch theo hướng đưa các ý tưởng sáng tạo vào quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch; đồng thời, cần ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí cho công tác biên dựng các câu chuyện, lời dẫn để tạo thêm tính hấp dẫn, khác biệt của các sản phẩm du lịch.

Phát huy thế mạnh hiện có và tiến hành những bước đi đúng hướng, có chọn lọc, gắn với trào lưu phát triển chung, chắc chắn ngành du lịch Sơn La nói chung và Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu nói riêng sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, sáng tạo và hấp dẫn; thu hút ngày càng nhiều lượng du khách tới thăm và trải nghiệm “Thiên đường du lịch xanh” ./.

TS. Nguyễn Minh Đức - Chuyên viên cao cấp,

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Sơn La

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2014), Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

2. Chính phủ (2017), Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”.

3. Đảng cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

4. Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I và II), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

5. Tỉnh ủy Sơn La (2021), Kết luận số 90-KL/TU ngày 15/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thông qua Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

6. Nguyễn Tuyên (2015), “Du lịch Việt Nam phát triển theo hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 114, năm 2015.

Ảnh ST: T.T.Đạt

Thông tin doanh nghiệp
  • 4 mô hình xây dựng đơn vị đổi mới sáng tạo ở khu vực nhà nước
  • Loài nhái cây mới được mô tả ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên
  • Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ: Thúc đẩy tăng trưởng khởi nghiệp trong khu vực
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”
  • Hội nghị biểu dương Điển hình tiên tiến phong trào nuôi ong mật tỉnh Sơn La giai đoạn 2019-2023
  • Nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài Đánh giá tác động của các chính sách về phát triển cây ăn quả tỉnh Sơn La
  • RYNAN - Hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp 4.0
  • Ứng dụng thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho một số doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Triển khai cơ chế thử nghiệm cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá cho nền kinh tế”
  • Đổi mới hoạt động của Cụm thi đua số 3 góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
  • Tài liệu Hội thảo Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023 của Cụm thi đua số 3
  • Tài liệu Hội thảo PBKT Ứng dụng TMĐT trogn DN&HTX cây ăn quả
  • Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 6, năm 2023
  • Hội thảo tư vấn Báo cáo kết quả thực hiện đề tài tư vấn, phản biện Đánh giá về tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La từ năm 2017 đến nay
  • Những người thầy giáo của của Bác Hồ
  • Tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”
  • Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023
  • ​Bác Hồ kêu gọi toàn dân rèn luyện sức khỏe
  • Đêm hội Phù Hoa
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 2
    • Hôm nay: 487
    • Trong tuần: 12 518
    • Tất cả: 13686897
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này