“Chính sách phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La: Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra”
“Chính sách phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La: Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra”
Chính sách phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La:
Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra
TS. Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch
Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La
Tỉnh Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam; cách thủ đô Hà Nội 320 km về phía Tây Bắc. Toàn tỉnh có 1.405.500 ha diện tích đất tự nhiên; trong đó diện tích đất nông nghiệp là 190.070 ha, chiếm 13,52%; diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 331.120 ha, chiếm 23,55%. Ðịa hình tỉnh Sơn La chia cắt sâu và mạnh, vùng núi chiếm trên 85% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có 2 cao nguyên tương đối bằng phẳng: cao nguyên Mộc Châu với độ cao trung bình là 1.050 m và cao nguyên Nà Sản với độ cao trung bình 600 - 700 m so với mặt biển.
Mặc dù có điều kiện về thổ nhưỡng và khí hậu, nhưng những năm trước đây Sơn La nhiều diện tích cây trồng mang lại hiệu quả không cao, trong đó có cây ngô. Năm 2015, có thời điểm diện tích ngô lên tới 200.000 ha, giá bán chỉ 2.000 đồng/kg. Giá thấp, nông dân không quan tâm chăm sóc, nên năng suất ngày càng giảm. Đặc biệt, qua nhiều năm canh tác, các triền đồi trở nên bạc màu, cùng với biến động của thị trường, cây ngô trở nên rủi ro.
Đồi xoài của một hộ dân ở xã Hát Lót, huyện mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Những năm trước đây, vào mùa trồng ngô, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La nghi ngút khói từ những vạt nương, triền đồi, người dân phát, đốt nương, làm đất chuẩn bị gieo ngô, xuống hom sắn. Những vạt nương cháy xám, tro cuốn theo chiều gió, bụi đỏ mắt, rừng thu hẹp dần, đồi trọc lốc. Giai đoạn 2005 - 2010, Sơn La là vựa ngô lớn nhất, nhì cả nước, có khi lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha đã làm nức lòng nông dân. Giai đoạn 2011 - 2016; khi giá ngô thành phẩm giảm, hầu hết các hộ nông dân lao đao, tái nghèo, đói vẫn hoàn đói. Thậm chí có nhà phải bán nương gán nợ, đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình.
Để đáp ứng yêu cầu phải chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn ; trong giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã ban hành một số văn bản chính sách phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Có thể điểm ra một số văn bản như: Nghị Quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2021; Nghị quyết 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị Quyết số 80/NQ-HĐND ngày 04/4/2018 về Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các chính sách phát triển cây ăn quả; giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã chuyển đổi được 55.248 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả, trong đó chuyển đổi được 32.574 ha đất trồng lúa nương, ngô, sắn sang trồng cây ăn quả. Theo số liệu của Cục Thống kê Sơn La, đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có trên 80.000 ha cây ăn quả gồm xoài, nhãn, chuối, chanh leo, cây ăn quả có múi và một số loại cây ăn quả khác. Tổng sản lượng cây ăn quả năm 2020 là 336.330 tấn, tăng 185,1% so với năm 2016.
Chủ trương phát triển cây ăn quả đã góp phần tích cực làm tăng giá trị sản lượng diện tích cây ăn quả của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời giảm diện tích cây lương thực như cây ngô nương, lúa nương, theo đánh giá cho thấy hiệu quả kinh tế của cây ăn quả trên mang lại cao hơn rất nhiều so với cây trồng lương thực bị thay thế, làm thay đổi tập quán sản xuất và phương thức canh tác của người dân, góp phần quảng bá thương hiệu của tỉnh Sơn La đến các địa phương và các quốc gia khác, thúc đẩy phát triển nông thôn mới... đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, chính sách phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La vẫn còn những hạn chế, chưa thật sự khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo đuợc chỗ đứng vững chắc cũng như lợi thế canh tranh trên của sản phẩm quả của tỉnh trên thị trường. Cụ thể như:
Một là: Vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng nông sản chưa đồng đều. Chính sách chưa đề cập và giải quyết được vấn đề này.
Hai là: Mức hỗ trợ của chính sách cho khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế, còn thấp và chưa sát thực tế, chưa thực sự khuyến khích nông dân trong các hoạt động này.
Ba là: Nội dung chính sách mới chỉ quan tâm đến hỗ trợ khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả tươi các loại. Chưa quan tâm đến hỗ trợ việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kĩ thuật cho việc sản xuất; nhất là khâu cải tạo các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây ăn quả.
Bốn là: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách ở cơ sở còn hạn chế dẫn đến nhiều hộ nông dân chưa tiếp cận được chính sách, chậm chuyển đổi sang cây trồng mới và một số nơi vẫn duy trì sản xuất theo lối cũ.
Năm là: Công tác kiểm tra kiểm soát chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một số tổ chức và cá nhân lợi dụng để làm sai, làm khống diện tích (Nhất là quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh).
Sáu là: Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế dẫn đến có thời điểm chưa đáp ứng nguồn kinh phí để thực hiện chính sách.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, dẫn tới chính sách phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La chưa thật sự phát huy hết hiệu quả. Để khắc phục những mặt hạn chế, trong thời gian tới tỉnh Sơn La cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Cần sớm triển khai đề án “Nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách về phát triển cây ăn quả tỉnh Sơn La; đề xuất giải pháp cho các giai đoạn tiếp theo” nhằm nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện chính sách phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La; từ đó chỉ ra những kết quả đạt được, những mặt hạn chế tồn tại một cách khách quan, khoa học để có sự bổ sung, điều chỉnh một số nội dung hỗ trợ cho phù hợp với yêu cầu mới trong giai đoạn 2023 - 2030.
Thứ hai, Cần có cơ chế hỗ trợ để củng cố, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã kiểu mới và thành viên HTX trồng cây ăn quả để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung sản xuất theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn chung VietGap, nông nghiệp hữu cơ… nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Thứ ba, Tăng mức hỗ trợ cho công tác khuyến nông, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm cây ăn quả nhằm phổ biến kỹ thuật, nâng cao hiệu suất sử dụng lao động, đa dạng đầu ra cho sản phẩm đặc biệt cần tập trung vào chế biến sau thu hoạch để nâng cao thu nhập cho các hợp tác xã và người dân trồng cây ăn quả.
Thứ tư, Bổ sung việc hỗ trợ việc quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vùng nguyên liệu phục vụ liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc. Bảo đảm tính minh bạch, ngăn ngừa sự giả mạo nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm cây ăn quả xuất khẩu của tỉnh.
Thứ năm, Tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng trồng cây ăn quả tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hái, vận chuyển, bảo đảm năng suất, chất lượng và thời gian, tiến độ thu hái phục vụ chế biến, thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Thứ Sáu, Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát để chấn chỉnh và xử lý các vi phạm; đồng thời sửa đổi bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ Bảy, Hàng năm ngân sách tỉnh cần bố trí một nguồn kinh phí ổn định để thực hiện các nội dung của chính sách; để vừa đảm bảo tính khả thi của chính sách, vừa tạo niềm tin của các doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn.
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sơn La năm 2020.
3. Niên giám Thống kê tỉnh Sơn La (từ năm 2008 đến năm 2020).
4. Báo cáo số 1424/SNN-KHTC ngày 05/5/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La.
5. Báo cáo số 498/BC-SKHCN ngày 29/10/2021 của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La.