Sự cần thiết phải đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể
Sự cần thiết phải đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể
SỰ CẦN THIẾT PHẢI ĐĂNG KÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CHO CÁC SẢN PHẨM NÔNG SẢN CỦA TỈNH SƠN LA ĐÃ ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN, NHÃN HIỆU TẬP THỂ
TS. Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch
Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Sơn La
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm không chỉ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp mà đây còn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế. Ngày nay, khi mà nhiều nước đã chuyển sang nền kinh tế tri thức thì hàm lượng trí tuệ ngày càng lớn lên, trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ. Một Container máy điện thoại di động có giá trị lớn hơn 10 Container xe máy, và càng lớn hơn giá trị của 100 Container cà phê. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ càng được người ta chú trọng bảo vệ.
Cùng với cơ chế bảo hộ theo pháp luật đối với các tài sản vật chất thì cơ chế bảo hộ theo pháp luật đối với các tài sản trí tuệ đã mang lại quyền sở hữu đối với các thành quả sáng tạo hoặc đổi mới của mỗi tổ chức, cá nhân; đồng thời hạn chế việc sao chép, bắt chước thậm chí ăn cắp của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về Sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của mỗi quốc gia trong tiến trình đẩy mạnh hợp tác thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nông sản là mặt hàng chủ lực của nhiều địa phương. Trong xu thế hội nhập, để góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam thì một trong những nội dung cần quan tâm là xây dựng, đăng ký, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản đặc sản mang địa danh; bởi việc đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ra nước ngoài thường chỉ được thực hiện đối với các sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý.
Chứng nhận Chỉ dẫn địa lí cho Cà phê Sơn La - năm 2017 - Ảnh: Tuấn Đạt
Với khuôn khổ của nội dung tham luận; Chúng tôi xin cung cấp một số thông tin liên quan về quyền SHTT, thương hiệu sản phẩm và đề xuất định hướng đăng ký Chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản đã đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của tỉnh Sơn La trong những năm tới.
I. Cơ sở lý luận và những ưu thế của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý so với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận
1. Khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ và việc đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm nông sản mang địa danh dùng chung cho cộng đồng
1.1. Khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sáng tạo và thúc đẩy hoạt động thương mại của con người. Tuy nhiên, không phải tổ chức, cá nhân, hay doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ về sở hữu trí tuệ, nhất là các quy định của pháp luật, đồng thời sử dụng nó như một công cụ để tăng sức cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội.
Khoản 1, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam quy định: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Tùy thuộc vào tài sản trí tuệ hiện có của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; luật pháp có những công cụ pháp lý khác nhau để bảo vệ tài sản đó:
- Các sản phẩm và quy trình sáng tạo được bảo hộ theo sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.
- Các kiểu dáng sáng tạo, gồm cả kiểu dáng dệt may và thủ công mỹ nghệ, được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp.
- Thương hiệu hàng hóa được bảo hộ theo nhãn hiệu.
- Mạch bán dẫn được bảo hộ theo thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn.
- Hàng hóa có chất lượng hay danh tiếng gắn liền với xuất xứ địa lý được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý.
- Thông tin bí mật có giá trị thương mại được bảo hộ bí mật thương mại.
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật và văn học, kể cả phần mềm máy tính và sưu tập dữ liệu, được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.
1.2. Khái niệm, vai trò và vấn đề bảo vệ thương hiệu:
1.2.1. Khái niệm về thương hiệu:
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; thuật ngữ “thương hiệu” đã ra đời gắn liền với sản phẩm và dịch vụ. Thương hiệu là thuật ngữ mới được xuất hiện những năm gần đây ở nước ta nhưng đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của các doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý Nhà nước. Cho đến nay đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này:
- Theo David Ogilvy - Tác giả cuốn On Advertising, thương hiệu là “tổng tài sản phi vật thể của sản phẩm gồm: tên, bao bì, giá cả, lịch sử phát triển, danh tiếng của sản phẩm, và cách nó được quảng cáo”.
- Theo Jay Baer (công ty Convince & Convert), đồng tác giả cuốn “The Now Revolution” với Amber Naslund đưa ra khái niệm:“Xây dựng thương hiệu là nghệ thuật của việc sắp xếp những gì bạn muốn mọi người nghĩ về công ty của bạn với những gì mọi người thường nghĩ về công ty của bạn và ngược lại”.
- Phillip Kotler - tác giả của cuốn Marketing Management lại cho rằng:“Một thương hiệu là một tên, thuật ngữ, dấu hiệu, biểu tượng, hoặc thiết kế hoặc một sự kết hợp của tất cả nhứng thứ đó, nhằm xác định các hàng hóa và dịch vụ của một người bán hoặc nhóm người bán và để phân biệt với những đối thủ cạnh tranh”.
- Sergio Zyman - Tác giả của cuốn “The End of Advertising As We know it” lại định nghĩa thương hiệu ở một khía cạnh khác:“Một thương hiệu thực chất là là sự tín nhiệm của khách hàng với các sản phẩm hoặc công ty”.
Khái niệm thương hiệu của các học giả có thể là khác nhau nhưng đều cho thấy rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu (mà đại diện là thiết kế bộ nhận diện thương hiệu) như một lợi thế cạnh tranh hữu hiệu nhất, duy trì được quyền lực thời hiện tại và tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của một sản phẩm hay một doanh nghiệp.
Theo định nghĩa của Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ: “Thương hiệu là một cái tên, một từ ngữ, một dấu hiệu, một biểu tượng, một hình vẽ hay tổng thể các yếu tố kể trên nhằm xác định một sản phẩm hay một dịch vụ của một (hay một nhóm) sản phẩm hay dịch vụ của một (một nhóm) người bán và phân biệt các sản phẩm (dịch vụ) đó với các đối thủ cạnh tranh”.
Hiện nay, thuật ngữ thương hiệu đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên đang tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau xoay quanh thuật ngữ này. Trong văn bản pháp luật của Việt Nam chưa có thuật ngữ thương hiệu mà chỉ có các thuật ngữ về nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, ...
Như vậy, ta có thể hiểu thương hiệu một cách tương đối như sau:
“Thương hiệu, trước hết là một thuật ngữ dùng nhiều trong marketing; là hình tượng về một cơ sở sản xuất, kinh doanh (gọi tắt là doanh nghiệp) hoặc là hình tượng về một loại hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ; là tập hợp các dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác; hoặc là niềm tin, là sự tín nhiệm của khách hàng đối với một loại sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó”.
Nói đến thương hiệu không chỉ nhìn nhận và xem xét trên góc độ pháp lý của thuật ngữ này mà quan trọng hơn, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam cần nhìn nhận nó dưới góc độ quản trị doanh nghiệp và marketing. Như vậy, thương hiệu là một thuật ngữ với nội hàm rộng. Trước hết, nó là hình tượng về hàng hóa (sản phẩm) hoặc doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu chỉ là hình tượng với cái tên, biểu trưng thôi thì chưa đủ; đằng sau nó cần phải là chất lượng hàng hóa, dịch vụ, là cách ứng xử của doanh nghiệp với khách hàng, những hiệu quả tiện ích đích thực cho người tiêu dùng do hàng hóa và dịch vụ mà nó mang lại, ... thì thương hiệu đó mới đi sâu vào tâm trí khách hàng.
1.2.2. Vai trò của thương hiệu:
+ Mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho doanh nghiệp. Khi một thương hiệu đã được khách hàng chấp nhập, nó sẽ mang lại cho chủ sở hữu những lợi ích đích thực dễ nhận thấy: (i) Tăng doanh số bán hàng. (ii) Thắt chặt sự trung thành của khách hàng. (iii) Tăng lợi nhuận và tăng thu nhập cho doanh nghiệp. (iv) Mở rộng và duy trì thị trường. (v) Tăng cường thu hút lao động và việc làm. (vi) Tăng sản lượng và doanh số hàng hóa. (vii) Tăng giá trị sản phẩm do người tiêu dùng phải trả tiền mua uy tín của sản phẩm. (viii) Tăng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm,
+ Khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng và sâu rộng hơn. Khi một thương hiệu đã được khách hàng chấp nhập, ngay cả khi đó là một chủng loại hàng hóa mới; sẽ tạo ra cơ hội thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường. Hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng có thể bán giá cao hơn so với các hàng hóa tương tự nhưng mang thương hiệu xa lạ. Ngoài ra một thương hiệu mạnh sẽ giúp bán được nhiều hàng hơn (nhờ tác dụng tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm của chính những người tiêu dùng cho nhau).
+ Khả năng thu hút đầu tư: Thương hiệu mạnh không chỉ tạo ra những lợi thế nhất định cho doanh nghiệp trong quá trình bán hàng và cung cấp dịch vụ, mà còn tạo điều kiện và như là một sự đảm bảo thu hút đầu tư và gia tăng các quan hệ bán hàng. Khi đã mang thương hiệu mạnh, các nhà đầu tư sẽ không còn e ngại khi đầu tư vào doanh nghiệp và cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp.
+ Là tài sản vô hình và có giá trị của doanh nghiệp: thương hiệu chính là tài sản của doanh nghiệp. Nó là tổng hợp của rất nhiều yếu tố, những thành quả mà doanh nghiệp tạo dựng được trong suốt quá trình hoạt động của mình. Chính sự nổi tiếng của thương hiệu như là một đảm bảo cho lợi nhuận tiềm năng của doanh nghiệp. (Ví dụ khi biết Tập đoàn Elida mua lại thương hiệu P/S với giá 5 triệu USD, trong khi giá trị tài sản cố định và lưu động của công ty ước chỉ trên dưới 1 triệu USD, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mới nhận thấy giá trị của thương hiệu và giá trị này thật khó ước tính).
1.2.3. Vấn đề bảo vệ thương hiệu
Xây dựng thương hiệu luôn đi liền với bảo vệ thương hiệu. Để bảo vệ thương hiệu trước hết doanh nghiệp cần xác định các nguy cơ bị chiếm dụng, địa bàn có thể bị chiếm dụng, … và khả năng bảo vệ của pháp luật, để có thể đưa ra các phương án hành động cụ thể. Đăng ký bảo hộ thương hiệu là việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm để bảo vệ thương hiệu.
Hiện nay, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam không đề cập đến thuật ngữ thương hiệu. Luật Sở hữu trí tuệ không bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu; vì vậy, khi nói đến đăng ký bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm hàng hóa cần phải được hiểu là đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan đến thương hiệu như nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý hoặc kiểu dáng công nghiệp, … Nếu những yếu tố này góp phần tạo nên thương hiệu. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà lựa chọn hình thức đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật. Để đăng ký thành công thương hiệu, ngay từ khi thiết kế thương hiệu, các doanh nghiệp nên tranh thủ ý kiến của các chuyên gia tư vấn, của các Luật sư để không xảy ra tình trạng trùng lắp hoặc tranh chấp.
1.3. Việc đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm nông sản mang địa danh dùng chung cho cộng đồng
- Thương hiệu của một sản phẩm được hiểu theo nghĩa chung nhất là niềm tin, là sự kỳ vọng của khách hàng vào chất lượng của sản phẩm. Thương hiệu của các sản phẩm nông sản thường được đăng ký bảo hộ theo nhãn hiệu (Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu thông thường) hoặc chỉ dẫn địa lý.
- Sản phẩm nông sản mang địa danh là việc đăng ký bảo hộ thương hiệu của một sản phẩm nông sản gắn với một địa danh cụ thể khi được sự cho phép của cơ quan Nhà nước. Ví dụ: nếp Mường Và Sốp Cộp, Chè Tà Xùa Bắc Yên, nhãn Sông Mã, Cà phê Sơn La, ...
- Trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ giai đoạn I (2016 - 2020) và giai đoạn II (2022 - 2030); Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) chỉ hỗ trợ và quản lý thương hiệu đối với các sản phẩm nông sản mang địa danh dùng chung cho cộng đồng và được đăng ký dưới hình thức chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm nông sản mang địa danh dùng riêng cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp (ví dụ: Sữa Mộc Châu, Đường Sơn La, Cao su Sơn La, ...) do các doanh nghiệp tự đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu thông thường (nhưng trước khi đăng ký cũng phải được sự cho phép mang địa danh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).
2. Những ưu thế của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý
2.1. Phân biệt sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý với sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý
Tiêu chí |
Nhãn hiệu (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) |
Chỉ dẫn địa lý |
Khái niệm |
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. |
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. |
Đối tượng |
Nhãn hiệu dùng cho các hàng hóa, dịch vụ. |
Chỉ dẫn địa lý dùng cho hàng hóa (các sản phẩm có nguồn gốc địa lý,…) |
Chức năng |
Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với chủ thế khác. |
Chỉ dẫn địa lý chỉ dẫn sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, vùng lãnh thổ hay một quốc gia cụ thể. |
Về điều kiện bảo hộ |
Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu gồm: – Dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh… – Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ khác. Nhãn hiệu được bảo hộ khỏi việc chiếm đoạt trái phép theo đơn yêu cầu của chủ sở hữu đã đăng ký của nhãn hiệu đó. |
Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm: – Sản phẩm có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý. – Sản phẩm có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý quyết định. |
2.2. Những ưu thế của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý so với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận
2.2.1. Bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể (NHTT)
(i) Ưu điểm:
- Công việc chuẩn bị các điều kiện để đăng ký NHTT không phức tạp, tốn kém và phụ thuộc nhiều vào các đơn vị chuyên môn như hình thức đăng ký chỉ dẫn địa lý. Chúng ta có thể dựa vào các tổ chức đã sẵn có (Hiệp hội, Hội nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, …) để tiến hành đăng ký NHTT mà không cần thiết phải thành lập mới.
- Việc quản lý chủ yếu là do chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước không phải tham gia nhiều vào công tác quản lý sau khi được đăng ký.
(ii) Hạn chế:
- Chất lượng và các yêu cầu khác đối với sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể do tập thể thống nhất và áp dụng. Vì vậy, trong nhiều trường hợp có thể các sản phẩm không đúng như chất lượng đặc thù sẵn có của nó.
- Lượng người sử dụng bị hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng đăng ký và sử dụng. Tất nhiên, số lượng người sử dụng cũng sẽ được mở rộng thêm so với ban đầu đăng ký nhưng cũng không thể rộng rãi như người sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý.
2.2.2. Bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận (NHCN)
(i) Ưu điểm:
- Công việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện không phức tạp, tốn kém và không phụ thuộc nhiều vào các đơn vị chuyên môn như hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
- Có thể quản lý được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua việc kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu và công tác kiểm tra các đặc tính của sản phẩm mang nhãn hiệu đã đăng ký.
(ii) Hạn chế:
- Chất lượng và các yêu cầu khác đối với sản phẩm mang nhãn hiệu do một tập thể thống nhất và áp dụng, có thể không thể hiện đúng chất lượng đặc thù của sản phẩm. Việc xác nhận các đặc tính và chất lượng của sản phẩm chỉ dựa trên kết quả đánh giá xác suất các đặc tính và chất lượng sản phẩm.
- Việc kiểm soát, chứng nhận đặc tính của sản phẩm không được tổ chức thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất cho đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó có thể xuất hiện tình huống cấp phép sử dụng nhãn hiệu một cách tùy tiện; dẫn đến tình trạng sản phẩm không được bảo đảm đúng chất lượng thật của nó.
Lễ hội Cà phê Sơn La - năm 2017 - Ảnh: Tuấn Đạt
2.2.3. Bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý (CDĐL)
(i) Ưu điểm:
- Do quyền Sở hữu thuộc về Nhà nước, vì vậy sẽ bảo đảm việc trao quyền sử dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có đủ điều kiện và có nhu cầu sử dụng CDĐL trong khu vực mang chỉ dẫn địa lý. Nhà nước trực tiềp quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mang CDĐL, do đó uy tín của sản phẩm trên thị trường sẽ luôn được đảm bảo.
- Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý địa phương với hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực của địa phương mang CDĐL.
- Thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài (Khi ký các Hiệp định tương mại song phương và đa phương, giữa các quốc gia thường có điều khoản công nhận lẫn nhau về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và được các bên bảo hộ theo pháp luật của nước sở tại như sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước, điều dó rất thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu).
(ii) Hạn chế:
- Thời gian chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đòi hỏi dài hơn so với NHTT và NHCN.
- Cần có sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan quản lý và chuyên môn, cũng như sự hợp tác tích cực, tự giác của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
* Tóm lại: Đối với các sản phẩm nông sản chỉ tiêu thụ trong nước thì đăng ký bảo hộ quyền SHTT dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận là phù hợp và đỡ tốn kém hơn. Đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu hoặc hướng vào xuất khẩu của các địa phương thì việc lựa chọn đăng ký bảo hộ quyền SHTT dưới hình thức CDĐL là tối ưu nhất; nó đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và ổn định của thương hiệu sản phấm trên thị trường trong nước và cả khi đăng ký bảo hộ ra nước ngoài.
II. Kết quả xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2021
1. Ưu thế phát triển nông sản đặc sản của tỉnh Sơn La
Sơn La là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam. Sơn La có diện tích tự nhiên là 14.174 km2, chiếm 4,27% tổng diện tích cả nước và đứng thứ 5 về diện tích trong số 64 tỉnh, thành phố. Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm tới 73% diện tích đất tự nhiên. Đất đai màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Rừng Sơn La có nhiều nguồn gen động thực vật quí hiếm và các khu rừng đặc dụng có giá trị nghiên cứu khoa học, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp nói chung và phát triển nghề nuôi ong nói riêng. Cùng với Hòa Bình, Điện Biên và Lai Châu; Sơn La còn được coi là mái nhà xanh của đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh thế mạnh về rừng và đất rừng, Sơn La còn có cao nguyên Mộc Châu (độ cao trên 1.050 m) với khí hậu ôn đới và cao nguyên Nà Sản (độ cao trên 1.050 m) với khí hậu cận nhiệt đới, đất đai màu mỡ cho phép phát triển nhiều loại rau, hoa, cây công nghiệp, cây ăn quả và các sản phẩm nông sản đặc sản cả ôn đới và nhiệt đới trong các mùa vụ khác nhau.
2. Kết quả xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2021
Điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho Sơn La tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông - lâm sản hàng hoá có lợi thế với quy mô lớn mà ít nơi có được. Từ năm 2016, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành “Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; trong đó có gần 50% sản phẩm là các cây ăn quả của Tỉnh.
Theo báo cáo số 498/BC-KHCN ngày 21/10/2021 của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, tính đến hết tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 24 sản phẩm nông sản chủ lực mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu; trong đó có 03 chỉ dẫn địa lý (Chè Shan tuyết Mộc Châu, Quả xoài tròn Yên Châu và Cà phê Sơn La), 18 nhãn hiệu chứng nhận (chè Olong Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; nhãn Sông Mã; cam Phù Yên; Na Mai Sơn; chuối Yên Châu; Bơ Mộc Châu; chè Phổng Lái Thuận Châu; nếp Mường Và Sốp Cộp; Chanh leo Sơn La; táo Sơn tra Sơn La; Mận Sơn La; Rau an toàn Sơn La; Xoài Sơn La; Nhãn Sơn La; Bơ Sơn La, cá Tầm Sơn La, cá Sông Đà Sơn La), 03 nhãn hiệu tập thể (Chè Tà Xùa Bắc Yên; Mật ong Sơn La; Khoai sọ Thuận Châu); trong đó có 02 sản phẩm được bảo hộ tại tại thị trường Châu Âu theo cam kết tại hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu là sản phẩm chè Shan Tuyết Mộc Châu và sản phẩm xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường Châu Âu.
Hầu hết các sản phẩm được đăng ký thương hiệu của tỉnh Sơn La đã xây dựng chuỗi giá trị và có mặt trong hệ thống các cửa hàng phân phối và siêu thị trong nước. Có trên 10 sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong 24 sản phẩm nông sản mang địa danh dùng chung cho cộng đồng của tỉnh Sơn La, mới có 03 mang chỉ dẫn địa lý (chiếm tỷ lệ 12,5%); còn lại là nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Vấn đề đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Sơn La dưới hình thức chỉ dẫn địa lý đang được đặt ra và cần phải tiến hành sớm trong thời gian tới.
III. Sự cần thiết phải đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của Sơn La đã đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể
1. Tham khảo các sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của các địa phương giai đoạn 2022 - 2025
Thực hiện quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; ngày 27/7/2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định số 1984/QĐ-BKHCN phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặt hàng thuộc Chương trình phát triến tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022; trong đó có 08 sản phẩm mang CDĐL được hỗ trợ để đăng ký ra nước ngoài và 21 sản phẩm được hỗ trợ đăng ký bảo hộ CDĐL.
2. Sự cần thiết phải đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của Sơn La đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể
1- Xuất phát từ lợi thế của các sản phẩm xuất khẩu được đăng ký bảo hộ CDDL so với các các sản phẩm xuất khẩu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể (đã trình bày ở phần trên).
2- Các sản phẩm nông sản của Sơn La đều mang dấu hiệu đặc trưng khác biệt so với nhiều vùng trong cả nước:
- Về thổ nhưỡng: đều được trồng trên các cao nguyênvới độ phì cao hoặc là các vùng đất dọc theo sông suối, bên trên là các dãy núi cao với các thảm thực vật rất phong phú.
- Về Khí hậu:
+ Có cả khí hậu ôn đới, cận ôn đới (các cao nguyên, các xã vùng cao ở Bắc Yên, Thuận Châu và Mường La); nhiệt đới gió mùa (các vùng dọc sông Đà, Sông Mã) và nhiệt đới oi bức ít gió mùa (như Yên Châu).
+ Không có bão như các tỉnh Đồng bằng và Miền trung; đồng thời nhiệt độ có sự chênh lệch ngày đêm; vì vậy các sản phẩm nông sản thường mang nhiều dưỡng chất có ích hơn.
+ Có mùa đông giá lạnh: cây cối được ngủ đông nên chất lượng sản phẩm thường ngon hơn sản phẩm cùng loại của các tỉnh phía Nam; đồng thời ít các loại sâu bệnh hơn.
+ Về địa hình: địa hình phân cắt, tạo độ thoáng cho cây cỏ. Ven các cao nguyên đều có hệ thống sông, suối khá dày; đồng thời có lòng hồ thủy điện Hòa Bình và lòng hồ thủy điện Sơn La tạo ra độ ẩm không khí trong mùa đông cho cây cối mà rất ít nơi có được.
3- Trong 21 sản phẩm nông sản đã đăng ký bảo hộ của Sơn La (18 nhãn hiệu chứng nhận và 03 nhãn hiệu tập thể) thì đều là các sản phẩm đang được xuất khẩu hoặc hướng vào xuất khẩu. Hiện nay 100% các sản phầm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đều đạt tiêu chuẩn OCOP.
4- Nếu so sánh với điều kiện để đăng ký bảo hộ CDĐL của 21 sản phẩm đã được hỗ trợ đăng ký CDĐL theo quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ: trên 50% các sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của tỉnh đến nay đã có đủ điều kiện để đăng ký CDĐL; Nếu so sánh với điều kiện để đăng ký bảo hộ CDĐL của 21 sản phẩm đã được hỗ trợ đăng ký CDĐL theo quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
5- Để thực hiện được Kế hoạch Xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030 (Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh Sơn La) cần phải đăng ký bảo hộ ra nước ngoài dưới hình thức sản phẩm mang CDĐL mới đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.
6- “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” theo quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ là điều kiện thuận lợi để tỉnh Sơn La đề nghị hỗ trợ đăng ký CDĐL cho một sản phẩm nông sản xuất khẩu của tỉnh đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
3. Đề xuất đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể
* Nhìn nhận từ góc độ phát triển thương hiệu một cách hiệu quả và bền vững cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La đã đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ; ngoài 03 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ dưới hình thức CDĐL, theo chúng tôi, các sản phẩm sau đây cần chuyển từ Nhãn hiệu tập thể và Nhãn hiệu chứng nhận sang đăng ký chỉ dẫn địa lý trong giai đoạn 2023 - 2030. Cụ thể như sau (theo thứ tự ưu tiên):
(1) Mật ong Sơn La: Theo Báo cáo số: 144/BC-HNN ngày 10/12/2021 của Hội Ngành nghề Nông nghiệp - Nông thôn tỉnh Sơn La: toàn tỉnh hiện có khoảng 66. 400 đàn ong mật với 1.450 hộ nuôi ong. Sản lượng Mật ong năm 2021 là từ 2.200 tấn (giống ong ngoại đã được thuần chủng trên 40 năm cho sản lượng là 2.100 tấn; giống ong nội cho sản lượng là 100 tấn). . Có 04 nguồn hoa chính cho trên 90% sản lượng ”Mật ong Sơn La” là Hoa nhãn, Hoa cà phê, Hoa cỏ Lào và Hoa rừng. So sánh với ”Mật ong hoa cà phê của tỉnh Gia Lai” thì ”Mật ong Sơn La” đủ điều kiện đăng ký CDĐL.
(2) Nhãn Sông Mã: Diện tích 7.430 ha; Sản lượng nhãn năm 2021 khoảng 60. 000 tấn. So sánh với ”Vải chín sớm Tân Yên” của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang thì ”Nhãn Sông Mã” đủ điều kiện đăng ký CDĐL.
(3) Xoài Sơn La: Diện tích 19.312 ha; Sản lượng năm 2021 là 108. 680 tấn. So sánh với Xoài An Giang và Xoài Cao Lãnh (của tỉnh Đồng Tháp) thì “Xoài Sơn La” đủ điều kiện đăng ký CDĐL.
(4) Nhãn Sơn La: Diện tích 19.847 ha; Sản lượng năm 2021 là 64.445 tấn. So sánh với Nhãn chín muộn của TP. Hà Nội thì “Nhãn Sơn La” đủ điều kiện đăng ký CDĐL.
(5) Táo sơn tra Sơn La: Diện tích 14.992 ha; Sản lượng năm 2021 là 436.956 tấn. So sánh với Mắc Mật của tỉnh Lạng Sơn thì Táo sơn tra Sơn La đủ điều kiện đăng ký CDĐL.
(6) Chè Phổng Lái Thuận Châu: Diện tích 1.431 ha; Sản lượng năm 2021 khoảng 1.500 tấn chè búp khô 436.956 tấn. So sánh với CDĐLChè shan tuyết Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên thì Chè shan tuyết Phổng Lái Thuận đủ điều kiện đăng ký CDĐL.
(7) Mận Sơn La: Diện tích 11.423 ha; Sản lượng năm 2021 khoảng 81.204 tấn. So sánh với các sản phẩm đăng ký CDĐL theo quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ thì “Mận Sơn La” đủ điều kiện đăng ký CDĐL.
(8) Chanh leo Sơn La: Diện tích 982 ha; Sản lượng năm 2021 khoảng 8.890 tấn. So sánh với các sản phẩm đăng ký CDĐL theo quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ thì “Chanh leo Sơn La” đủ điều kiện đăng ký CDĐL.
4. Một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm triển khai phương án đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La đến năm 2030
Một là, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ tập trung quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh đã đăng ký thương hiệu. Từng bước phối hợp đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản đã đăng ký NHCN và NHTT của địa phương mình.
Hai là, Sở Khoa học và Công nghệ cần bám sát Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Chính phủ để đăng ký bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm nông sản của tỉnh; phấn có từ 03 - 04 sản phẩm của tỉnh Sơn La được Trung ương hỗ trợ đăng ký và phát triển chỉ dẫn địa lý.
Ba là, Trong quá trình triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030: cần lựa chọn các đơn vị Tư vấn có uy tín và có đủ kinh nghiệm, năng lực để hỗ trợ việc chuyển đổi các sản phẩm đã đăng lý NHCN và NHTTsang đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm dưới hình thức CDĐL (khoảng từ 05 - 06 sản phẩm bằng ngân sách tỉnh).
Bốn là, Đẩy mạnh việc ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình để tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm mang CDĐL một cách nhanh nhất, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của các sản phẩm trên thị trường.
Năm là, Tiếp tục triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản và tiêu thụ; đảm bảo tạo ra các sản phấm mang CDĐL có chất lượng và ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường với chi phí sản xuất thấp, tạo ra uy tín và tính cạnh tranh cao của từng sản phẩm.
Sáu là, Hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực mang CDĐL ra nước ngoài. Tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác kết nối xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh. Tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu; hình thành và phát triến chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản một cách bền vững./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số: 697/BC-CTK ngày 27/12/2021 của Cục Thống kê Sơn La về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021.
2. Báo cáo số 1424/SNN-KHTC ngày 05/5/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT và Báo cáo số 498/BC-SKHCN ngày 29/10/2021 của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La.
3. Lê Đăng Lăng (2010), “Quản trị thương hiệu”, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM.
4. Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung ngày 14/6/2019 (Luật số 42/2019/QH14).
5. Niên giám Thống kê tỉnh Sơn La (từ năm 2008 đến năm 2020).
6. Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
7. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập II), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà nội - 2021.
8. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sơn La năm 2020.