Những sự cố hy hữu trong khoa học công nghệ
1. Phương pháp dùng điện não đồ để xác định người nghiện ma túy
Ảnh minh họa.
|
Năm 2006, với sự chuyển giao máy móc thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật của Bệnh viện Châm cứu Trung ương (BVCCTW), tỉnh Sơn La đã sử dụng rộng rãi phương pháp điện não đồ (ĐNĐ) để phát hiện người sử dụng ma túy. Người nào bị tố giác (dù chỉ một tố giác ẩn danh), nếu thừa nhận có sử dụng hay nghiện ma túy là được đưa đi cai nghiện.
|
ĐNĐ đồ là đồ thị hình sin do máy chuyên dụng hay máy tính ghi được khi dòng điện được truyền từ cực dương sang cực âm qua bộ não. Người bình thường thì ĐNĐ đều, ổn định, còn người sử dụng ma túy thì biên độ và tần số không đều, không ổn định, người nghiện thì biên độ và tần số thất thường. Đến nay, trong y học mới sử dụng ĐNĐ để hỗ trợkỷ thuật chụp sọ não để chẩn đoán các bệnh lý về não hay chấn thương não. Còn sử dụng ĐNĐ để phát hiện người nghiện ma túy thì cả Việt Nam và thế giới mới có BVCCTW và tỉnh Sơn La áp dụng lần đầu tiên. Việc áp dụng dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước nào và đã được Bộ Y tế cho phép chưa thì không ai biết. Trong khoảng nửa đầu năm 2006, tỉnh Sơn La có gần 4 ngàn người bị tố giác và được kiểm tra bằng ĐNĐ và đều được kết luận cơ bản giống nhau “ ĐNĐ có ảnh hưởng của sử dụng ma túy”. Theo báo cáo của tỉnh, khoảng 70% là nhất trí với kết luận của phương pháp ĐNĐ và tự nguyện đi cai nghiện. Nhiều trường hợp (chủ yếu là độ tuổi học sinh) tuy có nghi ngờ, phản ứng, nhưng ngại đôi co tranh chấp với chính quyền, nên cũng đồngý cho con đi cai xong sớm, về sớm để để còn tiếp tục đi học. Có nơi người dân không đồng tính với kết luận của ĐNĐ thì chưa buộc phải đi cai nghiện. Nhưng có nơi thái quá, người dân phản ứng rất gay gắt nhưng chính quyền không nghe. Một số người chủ động đi kiểm tra lại ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y 108, phòng khám tư nhân có uy tín ở Hà Nội, đều có kết quả âm tính với ma túy, nhưng chính quyền vẫn không chấp nhận. Cá biệt có thầy giáo phải tự sát vì mất danh dự trước học sinh và nhà trường mà không thanh minh được khi hầu hết đều cho là kết luận của ĐNĐ thì không thể sai...Bị dồn vào chân tường, có một số người đã gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Bộ Y tế và các cơ quan báo chí Trung ương. Báo chí nóng dần với nhiều bài viết về ĐNĐ ở Sơn La, có báo cho rằng sử dụng ĐNĐ để phát hiện người nghiện ma túy là trái pháp luật. Các chuyên gia, nhà khoa học có uy tínlên tiếngkhẳng định, không thể dùng ĐNĐ để chẩn đoán người nghiện ma túy. Nhưng lúc đó, Bộ KH&CN, Bộ Y tế vẫn chưa chính thức có chính kiến. Sự việc chỉ vỡ lỡ khi chiều ngày 22/8/2006, một phóng viên Báo Lao động đóng vai người có sử dụng ma túy, tự mình đi ĐNĐ ngay tại BVCCTW, nơi chuyển giao kỹ thuật thực hiện tại tỉnh Sơn La, nơi có đội ngũ chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm làm kỹ thuật ĐNĐ cũng như đọc kết quả ĐNĐ.Phóng viên thật không ngờ, anh cũng bị bác sĩ ĐNĐ kết luận ghi vào bệnh án: "ĐNĐ kém ổn định và điều hoà.Hiện tại ĐNĐ còn sóng kích thích. Cho vào điều trị tại khoa Cai nghiện". Như vậy, những ai bị tố giác có sử dụng ma túy hoặc tự mình đi ĐNĐ thi đều được được kết luận tương tự nhau là “có ảnh hưởng của việc sử dụng ma túy”. Suy ra, tỷ lệ tố giác đúng càng cao thì người ta cũng công nhận kết quả ĐNĐ càng cao, chứ không hẳn là ĐNĐ chính xác. Đến ngày 05 tháng 09 năm 2006, Bộ Y tế chính thức có Công văn Số: 6562/BYT-TTRA gửi BVCCTW và Sở Y tế Sơn La. Công văn ghi, đại ý:Bộ chỉ cho phép dùng phương pháp Điện châm để hỗ trợ cai nghiện ma túy. Phương pháp ĐNĐ chỉ là một trong những tiêu chí giúp theo dõi trong quá trình điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy. Bộ chưa cho phép dùng ĐNĐ để phát hiện người nghiện ma túy. Yêu cầu Sở Y tế tỉnh Sơn La dừng ngay việc áp dụng phương pháp ĐNĐ để phát hiện người nghiện ma túy và thực hiện theo đúng các văn bản hiện hành của Bộ Y tế về xét nghiệm và điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy. BVCCTW nếu muốn đưa phương pháp ĐNĐ là một trong những phương pháp hỗ trợ để xác định người nghiện ma túy cần phải báo cáo để Bộ Y tế xem xét.
Trả lời trên truyền hình VTV1, Ông Lầu Sáy Chứ, lúc đó là Giám đốc Sở Y tế Sơn La, cho biết, anh em Sơn La không hiểu nhiều lắm về phương pháp mới, chỉ biết áp dụng theo hướng dẫn của BVCCTW. Giáo sư Nguyễn Tài Thu, thay mặt Bệnh viện giải thích, Bệnh viện không hướng dẫn chỉ dùng một phương pháp ĐNĐ để kết luận có nghiện ma túy hay không, mà phải kết hợp nhiều phương pháp khác. Lãnh đạo BVCCTW cũng cho biết thêm khi trả lời phỏng vấn của báo chí rằng, sử dụng phương pháp ĐNĐ để hỗ trợ theo dõi cai nghiện ma túy, chủ yếu là điện châm, đã được BVCCTW nghiên cứu đề tài khoa học, kết quả đã được chuyển giao, hướng dẫn cho nhiều địa phương trong cả nước, nhưng chỉ có tỉnh Sơn La là sử dụng để xác định người nghiện ma túy. Cùng với việc dừng ngay phương pháp ĐNĐ trong xét nghiệm ma túy, Bộ yêu cầu địa phương phải phục hồi danh dự, nhân phẩm và mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống cho những người bị kết luận sai.
2. Phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên
Ruộng lúa cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tạixã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: PĐN
Phương pháp hiệu ứng hàng biên (PPHB) còn gọi là hàng hẹp-hàng rộng, hay công nghệ hàng biên, là phương pháp phát huy tác dụng, hiệu quả tối đa của ánh sáng đối với quá trình phát triển của cây lúa nước. PPHB cấy thưa 13-18khóm/m2, chỉ bằng 25-30% phương pháp truyền thống (PPTT) và bằng 40-50% so với SRI (phương pháp sinh thái, thâm canh tổng hợp của quốc tế được áp dụng tại VN).
Đặc trưng và khác biệt của PPHB là cấy 02 hàng dày-01 hàng thưa. (Hàng dày: hàng cách hàng 17-22 cm; khóm cách khóm 20-25 cm; hàng thưa: hàng cách hàng 40-45cm). Cấy mạ non, 1-3 dảnh/khóm tùy giống, cấy nông, cấy so le (không đối xứng). Công thức khoảng cách cấy được tính toán sẵn cho từng giống. Với lúa lai cấy 8-16 khóm/ m2, lúa thuần 18-20 khóm/ m2. Sử dụng tiết kiệm, hợp lý phân bón, nước, thuốc bảo vệ thực vật. Phân bón NPK9 không dùng để bón lót, mà chỉ dùng để bón thúc, bón vào giữa 02 hàng hẹp trước lúc lúa khép tán nên tiết kiệm hơn SRI. Sâu bệnh còn ít hơn SRI. Số bông /khóm và số hạt/bông, trọng lượng hạt cao hơn SRI, đặc biệt cao vượt trội so với PPTT. Bình quân giảm chi phí 30-40%, tăng năng suất trên dưới 20% so với PPTT, cá biệt tăng 30-40%. So với SRI, năng suất PPHB tăng 10-15% và chi phí giảm 15-20%.
PPHB được (Cục SHTT thuộc Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2015, được trao giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (2016), được giới thiệu tại Hội chợ KHCN Việt Nam (2016), được Hội chợ KHCN Hàn quốc tặng Huy chương đồng (2016), Hội chợ KHCNThái Lan tặng Huy chương vàng (2017), được từ điển Bách khoa toàn thư mở tiếng Việt viki.pedia.org.vn giới thiệu là phương pháp mới trong lịch sử gieo trồng lúa trên thế giới. Tác giả là hai vợ chồng kỹ sư nông học Chu Văn Tiệpvà Trịnh Thị Thanh (Hội sinh học thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội). Bằng các thí nghiệm khoa học, PPHB đã phát hiện được mối tương quan toán học giữa một số đặc tính sinh học của giống lúa: chiều cao cây, dạng hình tán lá, khả năng đẻ nhánh của mỗi giống, loại đất… và đã tính toán được khoảng cách hợp lý, tối ưu để phát huy được hiệu ứng hàng biên, khả năng đẻ nhánh tối ưu cho từng giống lúa trong sản xuất. PPHB có hai phát minh khoa học, đó là ứng dụng công nghệ mới vào phương pháp gieo cấy hoàn toàn mới trong lịch sử thế giới về công nghiệp cấy lúa.Cụ thể là đã tìm ra quy luật xuất hiện hiệu ứng hàng biên tối ưu. Tại mức tối ưu, số hạt bình quân của bông lúa tăng 25 – 35 % so với bình quân hạt/bông của lúa không áp dụng hiệu ứng đó. Ngoài ra phát hiện đề cập tới quy luật đẻ bông tối ưu/khóm. Khi đó số bông/khóm tăng 2-3 lần và số bông/m2 bằng hoặc cao hơn số bông/m2 cấy theo các phương pháp gieo cấy dày hiện nay, kể cả SRI. Nhờ áp dụng hai quy luật mới phát minh trên, lúa cấy theo phương pháp mới luôn tăng năng suất tăng cao đột biến, chi phí lại giảm sâu. Qua đó, giá trị thặng dư đạt cao hơn hẳn các phương pháp khác, kể cả SRI. Đồng thời công nghệ mới này cũng thân thiện nhất với môi trường, sinh thái. PPHB không đối trọng, phủ nhận các phương pháp cấy lúa tiến tiến khác, mà khuyến cáo nông dân tuân thủ những tiến bộ kỹ thuật đang được hướng dẫn, thực hiện quy trình quản lý cây trồng tổng hợp ICM, tránh các nguy cơ cỏ dại, ốc bươu vàng...
Nhưng PPHB đến nay vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp. Ngoài hệ thống cấp bằng và bảo hộ sáng chế hay giải pháp hữu ích (SC/GPHI) theo hệ thống của Bộ KH&CN, các bộ chuyên ngành cũng có văn bản quy phạm pháp luật công nhận tiến bộ kỹ thuật (TBKT) theo ngành.PPHB do cá nhân đầu tư nghiên cứu, công trình bảo đảm quy trình, thủ tục cấp bằng và bảo hộ sáng chế, nhưng không bảo đảm quy trình, thủ tục công nhận tiến bộ kỹ thuật của Bộ NN&PTNN. Bộ chỉ khuyến cáo và hướng dẫn, khuyến khích phương pháp SRI, mà chưa quan tâm nhiều đến PPHB.
Mặc dù vậy, đến nay đã có gần 30 tỉnh áp dụng PPHB với khoảng 500.000 ha. Không phải do Bộ NN&PTNT chỉ đạo qua hệ thống các sở trong ngành, mà chủ yếu là do PPHB đơn giản, hiệu quả cộng với sự nhiệt tình của tác giả và các cộng sự lăn lộn hướng dẫn, chuyển giao hoàn toàn miễn phí, báo chí tích cực truyền thông, nông dân các địa phươngtự học tập lẫn nhau. Hầu hết các tỉnh vùng TD&MNPB, trong đó có Sơn La cũng đã áp dụng với mức độ khác nhau. Nếu Bộ NN&PTNT và các sởchính thức có sự chỉ đạo thì khả năng PPHB còn lan tỏa nhanh với quy mô lớn hơn nữa.
Theo Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, PPHB không thuộc đối tượng cấm hay hạn chế chuyển giao ứng dụng, ngược lại là đối tượng được khuyến khích. Để khắc phục mâu thuẫn giữa hệ thống Bộ KH&CN và các bộ chuyên ngành, trong đợt tham gia Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi mới đây (tháng 11/2021), có ý kiến đề nghị đưa vào Luật SHTT quy định theo hướng: các sáng chế được cấp bằng Bảo hộ dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế hay Bằng Giải pháp hữu ích thì được các bộ chuyên ngành đặc cách công nhận tiến bộ kỹ thuật để triển khai áp dụng trong ngành. Mặt khác, PPHB chỉ là phương pháp mới về cấy lúa, chứ không phải là giống mới hay loại phân bón mới, thuốc bảo vệ thực vật mới. Nó thuộc đối tượng cần được hệthống ngành quản lý nhà nước khuyến cáo mang tính chất tư vấn công bằng, khách quan với các phương pháp khác,khuyến khích các cơ sở và nông dânchủ động lựa chọn, không áp đặt.
3. Sản xuất kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á (VA)
Xuất xứ của việc sản xuất kít thử nghiệm RT-PCR đối với Covid-19 của VA là Đề tài KH&CN đặc biệt cấp nhà nước. Đề tài được đầu tư gần 19 tỷ đồng để nghiên cứu và chế tạo bộ kít xét nghiệm. Đơn vị được giao nghiên cứu là Học viện Quân y. Đây là đơn vị có có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu chế tạo sinh phẩm. Tiến độ thực hiện Đề tài như sau: Bắt đầu triển khai từ tháng 02-2020. Thời hạn nghiệm thu được điều chỉnh, gia hạn đến tháng 10/2021 (nhưng đến nay chưa được nghiệm thu). Đã nghiệm thu giai đoạn I, ngày 03/3/ 2020. Bộ kít đã được nghiên cứu, chế tạo thành công và được Hội đồng khoa học KH&CN nhà nước nghiệm thu đạt tiêu chuẩn. Ngày 4/3 (sau 24 giờ Hội đồng khoa học nghiệm thu), theo hồ sơ và đề nghị của Bộ KH&CN, Bộ Y tế đã cấp phép cho VA sản xuất và lưu hành tạm thời bộ kít trong 6 tháng. Ngày 04/12/2020, Bộ Y tế cấp phép cho VA sản xuất và lưu hành 5 năm. Bộ cũng dẫn giá của Công ty để các địa phương, các bệnh viên tham khảo. VA đã cung ứng gần 10 triệu kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Tháng 3 năm 2021, công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao độnghạng Ba vềthành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạovà ứng dụng kit xét nghiệm covid-19. Ngày 29/10/2021, Học viện Quân y báo cáo tự đánh giá kết quả nghiên cứu. Ngày 27/12/2021, Học viện Quân y tiến hành nghiệm thu nội bộ. Nghiệm thu cấp nhà nước tiếp tục lùi thời gian. Đến nay (31/12/2021), Giám đốc Công ty Việt Á, các giám đốc CDC Hải Dưởng, NghệAn, Bình Dương với 9 cán bộ liên quan và 3 cán bộ cấp vụ của Bộ KH&CN, Bộ Y tếđã bị khởi tố đểđiều tra về hành vi sai phạm trong đấu thầu, nâng khống giá kít xét nghiệm và đưa nhận hối lộ...Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng...Vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi và chỉ đạo của Ban.
Về mặt khoa học cũng có một số vấn đề mà các chuyên gia,báo chí và dư luận xã hội đặt vấn đề cần được làm rõ. Sáng kiến đề xuất và sự nỗ lực nghiên cứu cấp tốc và đưa vào ứng dụng cấp tốc bộ kit xét nghiệm để kịp thời phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid-19, thì các cơ quan chức năng và xã hội đều ghi nhận, đánh giá cao. Do yêu cầu khẩn cấp, quy trình nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm và đưa vào sản xuất công nghiệp có thể rút gọn, đơn giản hóa, nhưng những khâu cơ bản, quan trọng nhất cần được bảo đảm. Kit xét nghiệmcó vai trò chỉ dẫn cho đường hướng ứng phó với dịch bệnh, giống như rada dẫn đường cho máy bay. Có nghĩa, chất lượng kít phải được bảo đảm độ tin cậy cao.
Bộ kit mẫu do Học viên Quân y nghiên cứu chế tạo. Bộ kít xét nghiệm PCR do Học việnQuân y (HVQY) nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm được Hội đồng KH&CN cấp quốc gia nghiệm thu vào ngày 03/3/2020. Ở thời điểm cuối tháng 2/2020, cả nước mới có 16 ca nhiễm covid-19, trong đó 3 ca nhập cảnh và 13 ca nội địa người Việt Nam. Số lượng bệnh phẩmnhư vậy là ít so với yêu cầu chọn mẫu đại diện để thử nghiệm nhiều lần, đối sánh với nhiều bộ kit khác nhau. (Theo quy định của Bộ Y tế Mỹ, tối thiểu cần có 60 mẫu bệnh phẩm). Theo Bộ Y tế Mỹ và WTO, bộ kit tốt phải bảo đảm độ nhạy và đặc hữu ≥ 95%. Theo báo cáo tự đánh giá của Học viện Quân y ngày 29/10/2021, thì kít xét nghiệm đạt yêu cầu (trong 3 mức Không đạt yêu cầu, Đạt yêu cầu và Xuất sắc). Thế thì độ nhạy và đặc hữu của kít cụ thể là bao nhiêu và sinh phẩm bao gồm nghiều chất, thì chất nào tự nghiên cứu được, chất nào mua hay nhập khẩu, cần được làm rõ thêm...
Bộ kít của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (VA)
Kít của VA là sản phẩm chuyển giao từ Đề tài KH&CN quốc gia do HVQY chủ trì nghiên cứu. Bộ kitcủa HVQY được Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (VVSDTTW) giámđịnh, chứng nhận để phục vụ cho HĐKH&CN quốc gia nghiệm thu. Nhưng đây là bộ kit mẫu được nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm trong môi trường phòng thí nghiệm chuẩn. Cònbộ kit của VA ở giai đoạn thử nghiệm trong môi trường sản xuất công nghiệp và giai đoạn mở trọng môi trường công nghiệp và thương mại phải được coq quan cấp phép tổ chức giám định độc lập.
Tất cả thiết bị máy móc trong phòng sản xuấtcủa Việt Á tại tỉnh Bình Dương đều rất sơ sài(Nguồn internet)
Việc này chưa thấy có thông tin. Với công nghệ của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước chuyển giao miễn phí, thì việc hạch toán giá thành của kítđã được tínhnhư thế nào cũng cần được làm rõ.
Mặt khác, VA có người tham gia đề tài, nhưng trong danh sách các đơn vị ứng dụng lại không có VA. Đơn vị sản xuấtsinh phẩm (ở đây là kít xét nghiệm covid-19) theo quy định phải là đơn vị đạt tiêu chuẩn GMP và Tiêu chuẩn ISO 13485.
Hồ sơ VA gửi WTO để xem xét công nhận kít xét nghiệm Covid -19 lấy địa chỉ tại Thành Phố Hồ Chí Minh (chỉ là văn phòng thuê nhà của dân, không hoạt động); còn trong hồ sơ Bộ Y tếcấp phép cho VA lấy địa chỉ tại tỉnh Bình Dương, cơ sở sản xuất chỉ là khoàng 10m2 nhà cấp 4, không bảo đảm môi trường vệ sinh; không bảo đảm các loại máy móc, thiết bị chuyên dụng (như máy tách chiết thế hệ cũ, năm 1990, máy lạnh thông thường, nước tinh khiết thông thường...); đội ngũ nhân viên kỹ thuật 10 người, chưa được đào tạo chuyên môn phù hợp... Nhưng VA lại là đơn vị được Đề tài đặc biệt cấp nhà nước chuyển giao độc quyền miễn phí,sản xuất với công suất 10.000-30.000 bộ kít/ngày. Như vậy, VA tự sản xuất là chủ yếu hay chỉ đi mua các chất sinh phẩm về đóng gói thành kit theo quy trình của HVQY đã nghiên cứu, chuyển giao? Thực tế kít xét nghiệm của VA chỉ đạt độ nhạy và đặc hiệu 90%, đây là mức thấp so với tiêu chuẩn đối với kit xét nghiệm. Chính vì VA không bảo đảm tiêu chuẩn GMP, ISO 13485, độ nhạy và độ đặc hiệu dưới chuẩn của WTO, thông tin theo dõi, đối sánh với các bộ kit khác không đầy đủ, nên không được WTO chấp thuận. Từ tháng 4/2020, Bộ KH&CN thông báo kit của VA đã được WTO chấp thuận, Vương quốc Anh chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu, một số đối tác đang đàm phán đặt mua với số lượng lớn...Gần đây, báo chí và các chuyên gia đã tra cứu, phát hiện thông tin này làsai sự thật. Đến ngày 20-12-2021, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam Tổng giám đốcVA là Phan Quốc Việt, thông tin trên đã bị gỡ bỏ khỏi website của Bộ KH &CN. Cuối tháng 12/2021, Bộ KH&CN đã chính thức đính chính là do nhầm lẫn./.
Phan Đức Ngữ
(Nguồn báo chí chính thống và internet)