Hội thảo khoa học “Sơn La với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và công tác phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp”
Hội thảo khoa học “Sơn La với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và công tác phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp”
Trong hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 25/4/2024, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sơn La với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và công tác phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp”. Dự Hội thảo có Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Nguyễn Duy Lương – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch, Đoàn TNCSHCM tỉnh Sơn La, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Hội LHPNVN tỉnh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, Hiệp hội Du lịch, Hội Cựu Thanh niên xung phong; Thường trực Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy các huyện, thành: Thành phố, Mai Sơn, Phù Yên, Bắc Yên, Thuận Châu; Ban Chấp hành và hội viên các chi hội Hội Khoa học lịch sử tỉnh; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học…
Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng; ý chí, tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường của Quân đội nhân dân Việt Nam; sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam; vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Sơn La đối với chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; tạo sự thống nhất về nhận thức, góp phần đấu tranh với những luận điệu sai trái, phản khoa học của các thế lực thù địch, phản động, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc ta đã giành được. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp phát huy giá trị di tích lịch sử của tỉnh Sơn La gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 24 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo ban, ngành, đơn vị cùng nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh... Các tham luận đã phản ánh khá đầy đủ và toàn diện, phân tích, luận giải sâu sắc về nhiều khía cạnh trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, cũng như những đóng góp của quân và dân Sơn La vào chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đó đánh giá thực trạng, đề xuất những giải pháp trong vấn đề phát huy giá trị một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Sơn La có vị trí hết sức quan trọng, là hậu phương trực tiếp của mặt trận. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã cùng cả nước thi đua đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho mặt trận Điện Biên Phủ”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Kết thúc chiến dịch, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La và nhiều đơn vị, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Khu Tây Bắc trao tặng những phần thưởng cao quý. Những địa danh của Sơn La nằm trên tuyến hậu cần huyết mạch lên chiến trường Điện Biên Phủ, như: Đèo Lũng Lô, Rừng Bản Nhọt (hay Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyện Phù Yên); Bến phà Tạ Khoa, Đèo Chẹn (huyện Bắc Yên); Ngã ba Cò Nòi, Nà Sản (huyện Mai Sơn); Đèo Phạ Đin (huyện Thuận Châu)… đã đi vào lịch sử, nhiều địa danh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt và anh dũng, ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Tỉnh Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hậu phương trực tiếp của chiến dịch quyết chiến chiến lược, góp phần làm niên chiến thắng "Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Riêng về lương thực, thực phẩm, tỉnh Sơn La đã đóng góp 3.607 tấn gạo (vượt chỉ tiêu 52 tấn), thịt các loại trên 144 tấn (vượt chỉ tiêu 84 tấn), mỡ gần 3 tấn (vượt 2,5 tấn); rau các loại 140 tấn. Riêng huyện Thuận Châu, huyện tiếp giáp với mặt trận Điện Biên Phủ, đồng bào đã huy động được 950 tấn gạo, 61 tấn thịt, 37 tấn rau các loại. Từ khi được giao nhiệm vụ là nơi trung chuyển, nhân dân các dân tộc Sơn La phấn khởi tham gia 21.687 lượt dân công và 2.434.000 ngày công đóng góp cho chiến dịch, vừa làm đường, đảm bảo vận chuyển. Về phương tiện vận chuyển có 83 thuyền, 872 ngựa thồ; cùng với dân công các tỉnh vận chuyển đạt 4.450.000 tấn hàng hóa ra mặt trận. Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Nhà nước đã tặng, truy tặng nhiều phần thưởng cao quý, có 20 tập thể, 6 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hội thảo đã góp phần làm rõ thêm một số vấn đề, sự kiện lịch sử như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Sơn La trong việc huy động nhân, tài, vật lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Vai trò công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc Sơn La tham gia đóng góp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; Làm rõ thêm những chiến công, đóng góp to lớn của quân và nhân dân các dân tộc Sơn La với chiến thắng Điện Biên Phủ; Hành trình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường lên mặt trận Điện Biên Phủ (những điểm Đại tướng dừng chân ở Sơn La); Vị trí, vai trò của tập đoàn cứ điểm Nà Sản đối với chiến thắng Điện Biên Phủ; Xác minh, làm rõ tuyến hậu cần qua sông Mã đến Điện Biên Phủ; Quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn tỉnh Sơn La (tập trung vào các địa danh lịch sử như Đèo Lũng Lô, Bến phà Tạ Khoa, Đèo Chẹn, Ngã ba Cò Nòi, Đèo Pha Đin…);
Qua Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu để xây dựng báo cáo, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về thực trạng và giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh.
Hải Thành