12/09/2016
Hội thảo khoa học chuyên đề “Khu căn cứ du kích Tú Nang - Mường Lựm, huyện Yên Châu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947-1954)”
Lượt xem: 3005
HỘI THẢO KHOA HỌC
CHUYÊN ĐỀ “KHU DU KÍCH TÚ NANG – MƯỜNG LỰM,
HUYỆN YÊN CHÂU TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1947-1954)”
Ngày 24.8.2016, nhân kỷ niệm 71 năm (24.8.1945-24.8.2016) ngày Yên Châu giành chính quyền cách mạng thắng lợi, tại Nhà văn hóa xã Tú Nang, huyện Yên Châu, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La phối hợp với xã Tú Nang tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Khu căn cứ du kích Tú Nang - Mường Lựm, huyện Yên Châu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947-1954)”. Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Yên Châu, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La, Bảo tàng tỉnh, lãnh đạo các xã Mường Lựm – Tú Nang qua các thời kỳ và nhân chứng lịch sử trên địa bàn 2 xã.

Hội thảo khoa học nhằm khẳng định vai trò, vị trí, giá trị lịch sử của Khu căn cứ du kích Tú Nang - Mường Lựm trong phong trào kháng chiến của huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, khơi dậy niềm tự hào và ghi nhận những đóng góp, sự hy sinh của quân và dân Mường Lựm – Tú Nang trong cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Những ý kiến tham luận của các đại biểu và nhân chứng lịch sử tại buổi hội thảo đã làm sáng tỏ những sự kiện, địa danh, nhân vật lịch sử và vai trò của khu căn cứ du kích Tú Nang - Mường Lựm đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân các dân tộc Sơn La.
Với nhiệm vụ xây dựng phong trào kháng chiến huyện Yên Châu và hỗ trợ cho khu căn cứ Mộc Hạ, Khu căn cứ du kích Tú Nang - Mường Lựm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Cán sự huyện Yên Châu đã từng bước xây dựng cơ sở kháng chiến, hình thành thế bao vây, uy hiếp quân địch dọc đường số 6. Đội du kích Tú Nang và Đội du kích Mường Lựm phối hợp với bộ đội địa phương và quân chủ lực anh dũng chiến đấu, tiêu hao nhiều sinh lực địch, tạo điều kiện cho phong trào kháng chiến từ khu căn cứ Mộc Hạ phát triển rộng khắp toàn tỉnh, xây dựng nên các khu căn cứ du kích chiến đấu bảo vệ nhân dân, cùng đồng bào các dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện; tạo cơ sở vững chắc cho bộ đội tiến vào giải phóng Tây Bắc năm 1952 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Hội Khoa học Lịch sử sẽ chỉnh sửa, bổ sung những sự kiện và nhân vật vào chuyên đề, góp phần hoàn thành đề tài “Các khu du kích của tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)”. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh nghiên cứu xây dựng hồ sơ di tích Cây Đa Mường Lựm – Nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Yên Châu thành di tích lịch sử cấp tỉnh để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ./.
Vương Ngọc Oanh
Hội khoa học lịch sử tỉnh