Hội thảo Đẩy mạnh xóa nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, sớm đưa Sốp Cộp ra khỏi huyện nghèo
HỘI KHOA HỌC KINH TẾ TỔ CHỨC HỘI THẢO
“Đẩy mạnh xóa nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới,
sớm đưa Sốp Cộp ra khỏi huyện nghèo”
Ngày 10 tháng 11 năm 2016, Hội Khoa học Kinh tế tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp tổ chức Hội Thảo khoa học “Đẩy mạnh xóa nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, sớm đưa Sốp Cộp ra khỏi huyện nghèo”.
Tham dự Hội thảo gồm các đồng chí là thành viên Hội Khoa học kinh tế tỉnh, các đồng chí trong tập thể Thường trực, Ban Thường vụ huyện ủy Sốp Cộp; lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, Bí thư các xã trong huyện.
Đồng chí Trần Minh Dũng - Ủy viên Hội đồng Trung ương, Chủ tịch Hội Kinh tế tỉnh và đồng chí Nguyễn Ngọc Tú – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cốp chủ trì điều hành Hội thảo; Đồng chí Đinh Thị Tuân - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy Sốp Cộp đến dự và phát biểu chào mừng Hội thảo.
Tại Hội thảo sau Báo cáo đề dẫn của đồng chí Trần Minh Dũng – Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế, đồng chí Nguyễn Ngọc Tú – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã có báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đi sâu phân tích đánh giá thực trạng tình hình hộ nghèo của huyện theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 và các giải pháp đã triển khai thực hiện để xóa nghèo trong thời gian qua.
Tại Hội thảo có 17 bài tham luận của các đồng chí trong Hội Khoa học kinh tế và các phòng, ban của huyện cung như các xã trong huyện. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh có bài tham luận tại Hội thảo trên cơ sở phân tích thực trạng hộ nghèo của huyện theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TT, ngày 19.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 là những hộ đáp ứng 01 trong 2 tiêu chí: 1- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; 2- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (Giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin – Theo bảng dưới đây)
Bảng Xác định nghèo đa chiều ở Việt Nam
Chiều nghèo |
Chỉ số đo lường |
Mức độ thiếu hụt |
Cơ sở pháp lý |
1) Giáo dục |
1.1. Trình độ giáo dục của người lớn |
Hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên đủ 15 tuổi không tốt nghiệp trung học cơ sở và hiện không đi học |
Hiến pháp 2013 NQ 15/NQ-TW Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết số 41/2000/QH (bổ sung bởi Nghị định số 88/2001/NĐ-CP) |
1.2. Tình trạng đi học của trẻ em |
Hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em trong độ tuổi đi học (5 - 14 tuổi) hiện không đi học |
Hiến pháp 2013. Luật Giáo dục 2005. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. NQ 15/NQ-TW Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. |
2) Y tế |
2.1. Tiếp cận các dịch vụ y tế |
Hộ gia đình có người bị ốm đau nhưng không đi khám chữa bệnh (ốm đau được xác định là bị bệnh/ chấn thương nặng đến mức phải nằm một chỗ và phải có người chăm sóc tại giường hoặc nghỉ việc/học không tham gia được các hoạt động bình thường) |
Hiến pháp 2013. Luật Khám chữa bệnh 2011. |
2.2. Bảo hiểm y tế |
Hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên từ 6 tuổi trở lên hiện tại không có bảo hiểm y tế |
Hiến pháp 2013. Luật bảo hiểm y tế 2014. NQ 15/NQ-TW Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. |
3) Nhà ở |
3.1. Chất lượng nhà ở |
Hộ gia đình đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ (Nhà ở chia thành 4 cấp độ: nhà kiên cố, bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ) |
Luật Nhà ở 2014. NQ 15/NQ-TW Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. |
3.2. Diện tích nhà ở bình quân đầu người |
Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8m2 |
Luật Nhà ở 2014. Quyết định 2127/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 |
4) Điều kiện sống |
4.1. Nguồn nước sinh hoạt |
Hộ gia đình không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh |
NQ 15/NQ-TW Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. |
4.2. Hố xí/nhà vệ sinh |
Hộ gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh |
NQ 15/NQ-TW Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. |
5) Tiếp cận thông tin |
5.1. Sử dụng dịch vụ viễn thông |
Hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng thuê bao điện thoại và internet |
Luật Viễn thông 2009. NQ 15/NQ-TW Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. |
5.2. Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin |
Hộ gia đình không có tài sản nào trong số các tài sản: Tivi, đài, máy vi tính; và không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã/thôn |
Luật Thông tin Truyền thông 2015. NQ 15/NQ-TW Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. |
Huyện Sốp Cộp có 8 đơn vị hành chính cấp xã với 126 bản, 3 cụm dân cư, trong đó có 07 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và 01 xã vùng 2. Huyện có 9860 hộ với 45.917 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện tính theo chuẩn nghèo đa chiều đến đầu năm 2016 có 4984 hộ nghèo chiểm tỷ lệ 50,55% và 1020 hộ cận nghèo chiểm tỷ lệ 10,34%, tổng cộng hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện là 6004 hộ chiếm tỷ lệ 60,89%.
Nhìn vào một số tiêu chí như: toàn huyện mới có có 5/8 xã được xây dựng Trụ sở làm việc kiên cố; 4/8 trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 8/8 xã có nhà văn hóa nhưng chưa đạt chuẩn; 50 bản chưa có nhà văn hóa; 91,95% số hộ là lao động nông nghiệp; 79,66% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 77,66% số hộ sử dụng nước khe suối trong sinh hoạt, ăn uống; đặc biệt đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở còn rất nhiều bất cập vẫn còn cán bộ trình độ giáo dục phổ thông là tiểu học, trung học cơ sở; trình độ chuyên môn là sơ cấp, thậm chí chưa qua đào tạo.
Về nguyên nhân nghèo đói huyện cũng đã chỉ ra như: Là một huyện vùng cao biên giới, giao thông cách trở khó khăn; Trình độ dân trí còn thấp, chỗ ở thì phân tán, một bộ phận nhân dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại; kết cấu hạ tầng rất khó khăn (điện đường, trường, trạm, chợ...); điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trên đất dốc, điều kiện sống hạn chế.
Để đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay huyện cần quan tâm.
Một là, Huyện tiếp tục nghiên cứu, rà soát và tham mưu để lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu như được phân bổ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới theo Quyết định Số: 800/QĐ-TTg ngày 04.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, UBND tỉnh Sơn La có Quyết định số 17-QĐ/UBND ngày 06.01.2014, Giao nhiệm vụ, quyền hạn các sở, ban, ngành tham mưu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; theo Quyết định mới nhất đó là Quyết định số Số:1722/QĐ-TTg ngày 02.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tại Quyết định này có tới 5 dự án và trong các dự án có các tiểu dự án liên quan trực tiếp đến đối tượng của huyện được thụ hưởng, như:
- Dự án 1: Chương trình 30a (Tiểu dự án 1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; Tiểu dự án 4: Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài);
- Dự án 2: Chương trình 135 (Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Tiểu dự án 3: Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn);
- Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin;
- Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Tại Nghị quyết số 10-NQ/ĐH ban hành ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Đại hội lần thứ XIV, Đảng bộ tỉnh đã xác định phấn đấu đến năm 2020: tiêu chí thứ (3) Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên, trong đó các huyện nghèo giảm 4 - 5% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020); đến năm 2020 không còn hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng; tiêu chí thứ (13) Phấn đấu có 50% số xã đạt 10 tiêu chí cơ bản trở lên về nông thôn mới (quy hoạch, giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, bưu điện, việc làm, thu nhập, an ninh trật tự và hệ thống tổ chức chính trị...); trong đó có 23 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã thuộc nhóm khó khăn dưới 5 tiêu chí.
Đây chính là cơ sở pháp lý để huyện triển khai, tổ chức thực hiện việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã xã, bản đặc biệt khó khăn.
Hai là, ngành giáo dục toàn tỉnh nói chung, huyện Sốp Cộp nói riêng quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo từ bậc mầm non trở lên để nâng cao trình độ dân trí cho người dân, nâng cao nhận thức mọi vấn đề cho người dân (theo chuẩn nghèo đa chiều nếu người dân không cho con em đi học và bản thân người lớn trong độ tuổi trên 15 mà không tốt nghiệp trung học cơ sở mà hiện tại không đi học; không xây dựng hố xí hợp vệ sinh, không sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; luôn có tư tưởng trông chờ ỷ lại... tất cả những điều đó xếp vào thiếu hụt sự hưởng thụ và là nguyên nhân của nghèo đói), để khác phục những điều này liên quan trực tiếp đến sự hiểu biết, nhận thức và trách nhiệm của người dân. Cho nên quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là “chiếc chìa khóa” để cho người dân tự mở khóa kho tàng kiến thức cũng như những tiềm năng của mình để tham gia vào các vấn đề xã hội cũng như phát triển sản xuất kinh doanh tự mình thoát nghèo trên mảnh đất của mình, quê hương mình.
Ba là, Quan tâm tăng cường đầu tư xây dựng giao thông nông thôn về tận xã, bản. Bởi giao thông là huyết mạch quan trọng trong nền kinh tế, giao thông nông thôn lại càng có ý nghĩa cho sự phát triển đối với các vùng nghèo, khi sản xuất và chăn nuôi của người dân đã vô cùng khó khăn do điều kiện tự nhiên và điều kiện địa lý không thuận lợi nhưng lại càng khó khăn hơn khi sản phẩm làm ra không được tiêu thụ dễ dàng do cách trở giao thông, bị tư thương ép giá...
Đảng bộ tỉnh cũng đã có nghị quyết về phát triển đường giao thông nông thôn, cụ thể tại chỉ tiêu thứ (14) trong Nghị quyết số 10-NQ/ĐH phấn đấu đến năm 2020: 100% xã có đường ôtô đến trung tâm đi được 4 mùa; tập trung phát triển đường giao thông đến bản (cơ bản bê tông hoá đường nội bộ bản các điểm có dân cư bố trí tập trung) vàtỉnh Sơn La cũng đã có nhiều chính sách làm đường giao thông nông thôn “nhân dân làm, Nhà nước hộ trợ”, tuy nhiên đối với huyện nghèo, miền núi, biên giới như Sốp Cộp rất khó khăn vậy nên đề xuất Hội Khoa học kinh tế tham mưu trực tiếp với UBND tỉnh quan tâm hơn đối với Sốp Cộp về kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư làm đường giao thông nông thôn.
Bốn là,quan tâm chính sách hỗ trợ vay vốn và đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Để người nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình, người dân cần được hỗ trợ về chính sách vay vốn với một lãi suất ưu đãi, hợp lý đề nghị Ngân hàng chính sách quan tâm; Khi đã có vốn thì cần được cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ như công nghệ sinh học (giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu năng suất cao, chất lượng đảm bảo) đồng thời cần có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho người dân thực hiện (Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có trách nhiệm)
Năm là, quan tâm đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở đảm bảo trình độ, chất lượng có như vậy mới đủ điều kiện để nắm bắt, phân tích tình hình, triển khai tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến rà soát, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, đồng thời cán bộ chính là tấm gương để người dân học tập, noi theo. Cán bộ mà trình độ tiểu học bản thân mình đã mắc 01 sự thiếu hụt của chuẩn nghèo rồi...
Sáu là, khi đã xây dựng được điển hình về xóa đói, giảm nghèo, huyện tổ chức nhân rộng mô hình giảm nghèo để nêu gương mọi hộ dân học tập, noi theo góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và góp phần giảm nghèo bền vững.
Đó là một số giải pháp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đề xuất tại Hội thảo./.
Nguyễn Thị Kim Thanh