HỘI KHOA HỌC KINH TẾ TỈNH VỚI HOẠT ĐỘNG
TƯ VẤN PHẢN BIỆN VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Hội Khoa học Kinh tế tỉnh thành lập ngày 25/4/1991 với mục đích: Tập hợp đội ngũ cán bộ, trí thức trong lĩnh vực kinh tế, các doanh nhân những người quan tâm, có tâm huyết với lĩnh vực kinh tế để tổ chức, hỗ trợ nghiên cứu khoa học về kinh tế - xã hội nhằm tổng kết thực tiễn để có các luận cứ khoa học góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế của địa phương ở tầm vĩ mô cũng như vi mô; thực hiện nghiên cứu, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các dự án kinh tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội trong tỉnh, đặc biệt là trong thời kỳ nền kinh tế đang chuyển sang nền kinh tế tri thức với công nghệ ngày càng cao.
Khi mới thành lập Hội chỉ có 37 Hội viên, là chi hội thuộc Hội Khoa học kinh tế trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, đến nay, sau 25 năm thành lập, Hội đã có gần 500 hội viên, trong đó có 92% Hội viên là Đảng viên, 55% là cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng trở lên, có nhiều đồng chí là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, Thành phố qua các thời kỳ; 97% hội viên đã tốt nghiệp Đại học, 2% có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ.
Qua các kỳ Đại hội, các đồng chí lãnh đạo Hội luôn tìm tòi học hỏi, chủ động phối kết hợp với các ngành, các huyện, các hiệp hội, các bộ để phát triển Hội ngày càng vững mạnh trên nhiều lĩnh vực, trong đó nghiên cứu khoa học và tư vấn, phản biện được Hội quan tâm đầu tư trí tuệ cao. Trong nghiên cứu khoa học hội đã hoàn thành 40 đề tài khoa học trong đó có 4 đề tài cấp tỉnh. Đặc biệt là các đề tài: Nội dung bước đi công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, những dự báo tác động về kinh tế xã hội khi nhà nước xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La được Hội đồng khoa học cấp tỉnh xếp vào loại khá; tổ chức thành công 70 cuộc hội thảo khoa học, tất cả các cuộc hội thảo đều tập trung phục vụ những nhiệm vụ cơ bản về kinh tế - xã hội, điển hình có các cuộc hội thảo tư vấn như: Giải pháp đưa Sơn La khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; nội dung và giải pháp xây dựng trung tâm cụm xã; những ảnh hưởng về kinh tế - xã hội khi xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La; Sơn La trước thềm đất nước gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO ); du lịch Sơn La tiềm năng và giải pháp; sản xuất trên đất dốc gắn với bảo về tài nguyên môi trường; giải pháp thực hiện nghị quyết tam nông của Ban Chấp hành Trung ương và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế xã hội vùng lòng hồ Thuỷ điện Sơn La; xây dựng và phát triển hợp tác xã khi luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực v.v...
Đối với công tác tư vấn, phản biện xã hội: Làm tốt công tác tư vấn phản biện có tác dụng tiếp tục nâng cao tư duy, kỹ năng sáng tạo cho mỗi hội viên, làm giầu thêm tri thức và là quy luật tồn tại phát triển của Hội, là công cụ, diễn đàn để toàn hội đóng góp một cách thiết thực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với những đóng góp của Hội về công tác tư vấn phản biện, Hội luôn được tỉnh mời tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện của các kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ, bao gồm cả tổng kết nhiệm kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của 5 năm nhiệm kỳ tiếp theo. Riêng năm 2016 hội còn được đề nghị tham gia vào dự thảo văn kiện của Đại hội lần thứ XII của TW Đảng. Tính từ năm 1992 đến nay hội đã tổ chức thành công hàng chục cuộc tư vấn, đóng góp nhiều ý kiến với tỉnh và với Trung ương. Ngoài việc đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ các nhiệm kỳ. Hội còn đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo Bộ luật của nhà nước. Như Luật người cao tuổi, Luật thuế nhà đất, Luật sửa đổi hiến pháp năm 2012, Luật doanh nghiệp. Nhiều ý kiến của hội đã được VTV1 Đài truyền hình Việt Nam đưa tin.
Hội còn được tỉnh và các ngành đề nghị tham gia vào các dự thảo đề án, nghị quyết, Chương trình kinh tế lớn như: Đề án tái cơ cấu kinh tế, Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc đặt tại Thành phố Sơn La; Đề án quy hoạch tổng thể Thành phố Sơn la, Dự án tổng thể phát triển KTXH huyện Sông Mã đến năm 2020, Dự án quy hoạch cánh đồng lớn cho một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, Dự án phát triển chăn nuôi. Do những đóng góp rất thiết thực của hội, nên còn được nhiều Huyện uỷ như: Huyện uỷ Yên châu, Huyện uỷ Mộc Châu, Huyện uỷ Mường la, Thành phố Sơn La mời tham gia đóng góp vào văn kiện dự thảo đại hội Huyện Đảng bộ. Mặt trận tổ quốc Việt nam tỉnh mời Hội làm chủ nhiệm hội đồng tư vấn phản biện giám sát của mặt trận tỉnh. nhiều ý kiến của hội khi giử đến Tỉnh uỷ và UBND tỉnh được đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ hoan nghênh và giải quyết một cách kịp thời. tại buổi làm việc với tập thể thường trực Hội Khoa học Kinh tế, đồng chí Trương Quang Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã kết luận: Trong thời gian qua, hoạt động của Hội KHKT đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và có những đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển KTXH của địa phương, thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham gia phản biện các đề tài khoa học, cung cấp các luận chứng khoa học phục vụ việc nghiên cứu ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển KTXH của tỉnh. tập trung nghiên cứu và tổ chức các hội thảo khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường. Đồng thời giao cho hội chủ động lựa chọn địa bàn, tư vấn với các ngành, các địa phương về các mô hình, các nội dung thiết thực, để cung cấp luận chứng khoa học phục vụ việc nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển KTXH của tỉnh


Một số hình ảnh hoạt động của Hội đồng tư vấn tại huyện Mộc Châu
Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao cho. Sau một thời gian chuẩn bị. Hội đã đề nghị và được : Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đồng ý cho Hội được thành lập Hội đồng tư vấn phản biện giám định xã hội với 43 đồng chí, trong đó có 17 đồng chí nguyên là Ủỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Chủ tịch phó chủ tịch HĐN D tỉnh, UBND tỉnh, giám đốc một số sở, ban, ngành tham gia làm thành viên. Kể từ đó công tác tư vấn, phản biện của Hội được nâng cao một nấc thang mới, có sức lan toả rộng trên nhiều lĩnh vực KTXH của tỉnh. những hoạt động tư vấn phản biện của hội được giáo sư Trần phương Chủ tịch Hội KHKTVN đánh giá rất cao và các địa phương khác đến học cách làm của Hội Khoa học Kinh tế Sơn La
Trong công tác nghiên cứu khoa học, để hoàn thành các đề tài khoa học và đưa hoạt động khoa học của toàn hội vào phục vụ nhiệm vụ phát triển KTXH của tỉnh. Hàng năm hội đã tổ chức cho các đồng chí trong Ban Chấp hành, lãnh đạo các chi hội học tập nghị quyết của Ban Chấp hành tỉnh uỷ, HĐND tỉnh hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ các nhiệm kỳ nhằm giúp cho các hội nắm vững và tìm hiểu sâu những nhiệm vụ KTXH chủ yếu của mỗi nhiệm kỳ Đại hội, và trong từng năm để đưa hoạt động khoa học của Hội vào…. phục vụ. Tổ chức cho thường trực hội và hội đồng tư vấn đi nghiên cứu khảo sát các mô hình kinh tế - xã hội của các huyện, khảo sát và tận nơi nghe việc thực hiện 2 chương trình lớn là xoá nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở hầu khắp các huyện, làm việc và nghe các huyện báo cáo về tình hình KTXH của các huyện hàng năm, làm việc với các ngành kinh tế tổng hợp như: Sở Kế hoạch và đầu tư, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở Công thương, Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội, Liên minh HTX .v.v… để nắng nghe những ý kiến chuyên sâu của từng ngành và tạo ra sự phối hợp giữa hội với từng ngành, hoàn thành tốt việc tỉnh giao cho tổng kết 5 năm thực hiện chương trình vùng kinh tế động lực đường quốc lộ 6.
Đảng giá về hoạt động của Hội Giáo sư tiến sỹ khoa học Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã khẳng định: “ Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Sơn La đã đóng góp lao động, trí tuệ làm tốt công tác tư vấn, giám định và phản biện xã hội. Hội Khoa học Kinh tế Sơn La hết sức nổi bật trong các hội địa phương và Chủ tịch Trung ương Hội đã quyết định tặng tấm Bằng khen đầu tiên của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Sơn La.”
Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành Hội Khoa học kinh tế tỉnh Sơn La luôn không ngừng được củng cố, xây dựng và phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Vị thế của hội ngày càng có sức lan toả, được tỉnh, các huyện, các ngành luôn trân trọng đón nhận và đánh giá cao; được Trung ương Hội đánh giá là một điểm sáng trong các tỉnh miền núi phía Bắc và luôn được xếp vào tốp đứng đầu toàn quốc./.
Bài và ảnh: Minh Minh