Hội cựu giáo chức tỉnh Sơn La đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức Hội các cấp
HỘI CỰU GIÁO CHỨC TỈNH SƠN LA
ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HỘI CÁC CẤP
Bùi Nguyên Lượng
Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Sơn La
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 loại giặc cần phải diệt, đó là: Giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Có lẽ chỉ có thiên tài Hồ Chí Minh mới nhìn thấy cái đói, cái dốt cũng là những thứ giặc, giống như giặc ngoại xâm, đều có nguy cơ làm chúng ta mất nước; và Người kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung sức đứng lên diệt giặc đói, giặc dốt cùng với đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cả 3 loại giặc đó, đều đã bị nhân dân ta tiêu diệt. Các chiến sĩ diệt 3 loại giặc đó đều đã có tổ chức hội của mình: Chiến sỹ diệt giặc đói có Hội Nông dân; chiến sỹ diệt giặc ngoại xâm hoàn thành nhiệm vụ trở về có Hội Cựu chiến binh; chiến sỹ diệt giặc dốt có Hội Cựu giáo chức.
Cả nước có khoảng trên 600.000 cựu giáo chức. Ngày 3/7/2004, Hội Cựu giáo chức Việt Nam được thành lập; đó chính là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân và xã hội đối với nền giáo dục nước nhà, đối với các thế hệ nhà giáo Việt Nam, người chiến sỹ diệt giặc dốt trên mặt trận văn hóa giáo dục. Việc thành lập Hội Cựu giáo chức, cũng là sự ghi nhận và tri ân nhà giáo, người khai sáng con người, đem ánh sáng văn hóa đến cho nhân dân các dân tộc trên mọi miền đất nước. Có thể nói xã hội phát triển được, tiến bộ lên được trước hết là nhờ vào tri thức, mà muốn có tri thức thì phải học, muốn học phải có thầy dạy. Khi mà người thầy giáo được kính trọng, khi mà xã hội tôn vinh nhà giáo thì ắt là xã hội phát triển. Ông cha ta đã đúc kết mang tính quy luật về sự hưng thịnh của một quốc gia "phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng".
Đối với Sơn La, theo thống kê bước đầu của các huyện, thành phố, toàn tỉnh có khoảng trên 2500 cựu giáo chức, số này sẽ càng tăng lên hàng năm. Hội Cựu giáo chức tỉnh Sơn La được thành lập ngày 11/11/2013, là tỉnh thứ 58 trong cả nước thành lập hội.
Cho đến nay toàn tỉnh đã có 4 huyện tổ chức Đại hội thành lập hội: Thuận Châu (ngày 6/6/2014), Quỳnh Nhai (ngày 10-11/6/2014), Sốp Cộp (ngày 23-24/7/2014), Yên Châu (ngày 11/8/2014). Các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mai Sơn, Mường La và thành phố Sơn La đã hoàn thành hồ sơ gửi sở Nội vụ để trình Ban Tổ chức tỉnh ủy và UBND tỉnh cho phép thành lập hội. Hội Cựu giáo chức cấp huyện, thành phố sau khi được thành lập đã khẩn trương triển khai việc xây dựng tổ chức hội cơ sở, các chi hội theo tổ, bản, cụm dân cư và đi vào hoạt động. Hội Cựu giáo chức tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2014 toàn tỉnh có 8 huyện, thành phố thành lập hội; năm 2015 toàn bộ 12 huyện, thành phố đều có tổ chức hội và hoàn thành việc xây dựng tổ chức hội cơ sở tổ, bản, cụm dân cư.
Trước khi tỉnh Sơn La thành lập Hội Cựu giáo chức, thì một số địa bàn trong tỉnh đã có Câu lạc bộ các nhà giáo hưu trí, được xây dựng như một tổ chức hội (Thuận Châu, Bắc Yên, Yên Châu). Các câu lạc bộ đã thành lập các chi hội và các chi hội đã tổ chức hoạt động có hiệu quả rất tốt, được các cựu giáo chức đồng tỉnh ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Vì thế, khi chuyển sang thành lập Hội theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính Phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì có nhiều thuận lợi.
Việc thành lập Hội Cựu giáo chức được cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; được các ngành, các đoàn thể ủng hộ đã tạo cho Hội những điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình vận động thành lập Hội, tổ chức đại hội và tổ chức hoạt động.
Mục tiêu của Hội là để tiếp tục tôn vinh nhà giáo, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhà giáo về hưu; nhưng điều có ý nghĩa lớn lao hơn, đó là phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, tiếp tục góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phương châm hành động của Hội Cựu giáo chức có thể được gói gọn trong 8 chữ: “Đạo lý - Nghĩa tình - Tôn vinh nghề dạy học”.
Có thể nói, trải qua các thời kỳ cách mạng,các thế hệ nhà giáo luôn trung thành với lí tưởng của Đảng và luôn giữ vững phẩm chất nhà giáo, luôn là tấm gương sáng ngời về đạo đức, nhân cách cho học sinh noi theo. Các cựu giáo chức hôm nay, chính là ngọn đuốc soi đường, đưa các thế hệ học sinh Sơn La đến những chân trời mới của tri thức nhân loại. Biết bao thế hệ học sinh của mảnh đất quê hương Sơn La đã trưởng thành và có mặt trên mọi miền đất nước, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựngvà bảo vệ mảnh đất Sơn La thân yêu, và làm bừng sáng lên giá trị nhân văn cao cả của sự nghiệp trồng người.
Ở địa bàn cơ sở, trong các khu dân cư thì cựu giáo chức là một lực lượng trí thức khá đông đảo, được đào tạo giáo dục chuẩn mực, có kinh nghiệm công tác quần chúng. Nếu sử dụng đội ngũ này vào các hoạt động xã hội, hoạt động đoàn thể quần chúng thì rất tốt. Trên thực tế đã có nhiều cựu giáo chức tham gia các hoạt động ở cơ sở, làm Bí thư chi bộ, trưởng bản và các đoàn thể, tổ chức hội ở bản, tổ dân phố. Và họ đã làm tốt, có uy tín, được quần chúng tin yêu. Đó cũng là hoàn thành nhiệm vụ của hội viên Hội Cựu giáo chức.
Hội Cựu giáo chức sẽ là nơi để tập hợp, tổ chức, vận động phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo; là sân sau của các nhà giáo đương chức; là nơi tập hợp sức mạnh của các hội viên trong công tác giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài; tạo môi trường thuận lợi để các giáo chức hưu trí toàn tỉnh được tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ của mình, thực hiện nghĩa vụ của những công dân gương mẫu, sống vui, sống khỏe và tiếp tục đóng góp tham gia vào các hoạt động của cộng đồng.