No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức và nguyên tắc sử dụng cán bộ trí thức
Lượt xem: 1021

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức và nguyên tắc sử dụng cán bộ trí thức




Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất đã về cõi vĩnh hằng, nhưng Người đã để lại cho đất nước ta, dân tộc ta và nhân dân ta một kho tàng di sản vô giá, đó là cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người mà ngày nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực noi gương, học tập và làm theo. Trong kho tàng di sản đó, tư tưởng của Người về trí thức và cách sử dụng đội cán bộ, ngũ trí thức là một mẫu mực về sự tôn trọng, nó thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả của Người.




Chủ tịch HồChí Minh nói chuyện với các trí thức năm 1964. (GS Trần Hữu Tước ngồi bên trái Bác Hồ).Ảnhhttp://baotanglichsu.vn/



Sinh thời Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đội ngũ trí thức, luôn đề cao, trân trọng đội ngũ trí thức. Người nhận định: trí thức Việt Nam là tầng lớp có học thức, kiến thức, hiểu biết và tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức dân tộc cao và Trí thức Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong lực lượng cách mạng. Người khẳng định: “Không có những trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Bởi vì để hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, ngoài việc quân sự, ắt phải phát triển kinh tế, cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp. Cần phát triển giao thông vận tải cho nên cần có những kỹ sư thông thạo việc đắp đường, bắc cầu. Cần giữ gìn sức khỏe của nhân dân, cho nên cần có thầy thuốc. Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành, cho nên cần có thầy giáo… Vì lẽ đó, trí thức có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(1).

Người còn khẳng định, trí thức Việt Nam không những là một bộ phận trong lực lượng cách mạng mà “trí thức còn là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế...”(2).Trong bài trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài vào tháng 7-1947, Người nói: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc. Hiện nay hầu hết nhân viên trong Chính phủ trung ương là người trí thức”. Đồng thời Người nhấn mạnh: “Những người trí thức tham gia cách mạng rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(3)... “...Tóm lại, cách mạngrất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức... Vì sao Đảng và Chính phủ ta lại trọng trí thức? Vì Đảng và Chính phủ muốn xây dựng nước dân chủ nhân dân, như phát triển văn hóa, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân, xây dựng kỹ nghệ”(4).

Nhận thức rõ vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp kiến quốc, ngay sau khi đất nước giành độc lập, ngày 14-11-1945, trong bài viết “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “kiến quốc cần có nhân tài” và Người kêu gọi “Chúng ta cần nhất bây giờ là: Kiến thiết ngoại giao; kiến thiết kinh tế; kiến thiết quân sự; kiến thiết giáo dục. Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”. Sau này Người còn nhiều lần chỉ rõ vai trò của nhân tài, trí thức trong công cuộc kiến thiết đất nước. Trong bài “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc, số 411 ra ngày 20-11-1946, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Người còn bày tỏ quan điểm: “Đảng và Chính phủ rất mong muốn, rất cố gắng mà đoàn kết với tầng lớp trí thức, đoàn kết lâu dài trong kháng chiến, trong kiến quốc, thực hành xã hội chủ nghĩa. Đảng và Chính phủ thành tâm giúp trí thức tiến bộ mãi lên trên bước đường vẻ vang đó, đồng thời đào tạo trí thức ở trong công nông ra. Không phải dùng cách “đưa áo nâu lên, áo trắng xuống” hay “vắt cam vứt xác”. Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến, kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần... Cái đó anh em trí thức cần phải rõ. Không phải là đoàn kết nhất thời. Trên đây là thái độ, mục đích của Đảng đối với anh chị em trí thức”.(5)

Người luôn đặt niềm tin vững chắc vào đội ngũ trí thức nước nhà, coi trọng, tin tưởng và sử dụng đội ngũ nhân tài, trí thức nước nhà. Theo Người: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt vào làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”(6). Người còn căn dặn: “Rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”.Lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ trí thức nước nhà chính là chất keo gắn kết để đội ngũ trí thức yên tâm, tự nguyện đóng góp, cống hiến tài năng và sức lực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Với cách nhìn nhận sáng suốt, tình cảm chân thành và sức cảm hóa của mình, Người đã quy tụ được những nhân sĩ, trí thức của chế độ cũ phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, điển hình là các ông: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Phan Anh, Vũ Đình Tụng, Phạm Bá Trực, Vũ Đình Hòe,... Đồng thời với tư tưởng và đạo đức trong sáng, Người kêu gọi, động viên và khuyến khích những nhân tài, trí thức, những nhà khoa học, Việt kiều yêu nước tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã theo Người tham gia cách mạng như: Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Lương Định Của, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa...

Có thể nói, trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đội ngũ trí thức nước ta đã cùng nhân dân ta chịu đựng khó khăn, gian khổ, hy sinh, có những đóng góp xứng đáng và khẳng định vị trí của mình trong lịch sử dân tộc. Trong giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhất là giai đoạn công nghiệp 4.0, Chính phủ điện tử, kinh tế số vai trò của đội ngũ trí thức càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vì thế chúng ta cần quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội ngũ trí thức, nhằm phát huy vai trò và năng lực của đội ngũ này để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn lực nội sinh, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ điều đó, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa Xđã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”(7). Sau 10 năm thực hiện Đảng ta đã tiến hành tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ngày 30 tháng 5 năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ban hành Kết luận số 52-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong Kết luận nêu rõ: “Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, đã đạt được kết quả quan trọng. Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc” (8). Đồng thời Trung ương Đảng cũng yêu cầu:

Thứ nhất cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu chịu trách nhiệm thúc đẩy xây dựng, trọng dụng đội ngũ trí thức trong địa bàn, lĩnh vực được giao.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức. Phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm của trí thức đối với xã hội. Tận dụng tiềm năng, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh hình thành hạ tầng tri thức hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo và truyền bá tri thức. Đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt các chức danh khoa học và các danh hiệu tôn vinh trí thức. Tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức. Khuyến khích thúc đẩy, tạo điều kiện hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ trong khu vực doanh nghiệp; gắn đào tạo đại học và sau đại học với nghiên cứu phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, Nhà nước ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Tăng cường huy động và đa dạng hoá các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, kiện toàn, tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các liên hiệp hội, hội trí thức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sinh hoạt tư tưởng, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ, sinh viên. Xây dựng quy định về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá và văn nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức của các hội trí thức.

Thứ năm, xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 - 2030. Có chính sách khuyến khích cán bộ khoa học, trí thức học tập, làm việc tại các tổ chức quốc tế, cơ sở nghiên cứu khoa học, trường đại học, doanh nghiệp ở nước ngoài. Triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài.

Quán triệt tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã và đang quan tâm có những cơ chế, chính sách để xây dựng, phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức nước nhà, tuy nhiên, bên cạnh đó thì bản thân đội ngũ trí thức cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong rèn luyện, phấn đấu, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, năng động, nhạy bén; không ngừng tăng cường đoàn kết, hợp tác, phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa nhưng tư tưởng của Người về nhân tài, trí thức vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta. Quan điểm của Người về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài chính là bài học vô giá để Đảng ta có những chủ trương, chính sách đúng, trúng và hiệu quả trong công tác cán bộ hiện nay.

Nguyễn Thị Kim Thanh


Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 71-72

(2), (3) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 156, 235

(4), Hồ Chí Minh:Sđd, t.7, tr. 32-33.

(5) Hồ Chí Minh:Sđd, t.7, tr. 36, 39

(6) Hồ Chí Minh:Sđd, t. 4, tr. 39

(7) Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”,

(8) Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về xây dụng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.




Thông tin doanh nghiệp
  • Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế
  • Quan hệ giữa thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh Đại học
  • Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Sơn La có 02 sản phẩm vào Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • Triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức
  • Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội thảo kết quả nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Hội thảo tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Địa chất là khoáng sản
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội Luật gia tỉnh Sơn La tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La: Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, năm 2024
  • Hội thảo tư vấn “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Mời tham gia Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024
  • Bộ GD&ĐT lý giải tạm dừng công nhận Olympic Toán học sinh viên và học sinh
  • Liên hiệp Hội Việt Nam: Hội nghị Giao ban Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố năm 2024
  • Bí quyết giữ gìn sức khỏe
  • Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024
  • Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024
  • Vấn đề nhỏ về đất đai nhưng được nhiều người dân quan tâm
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải Vinfuture 2023
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 25
    • Hôm nay: 385
    • Trong tuần: 27 582
    • Tất cả: 14525753
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này