TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TRÍ THỨC
Trong bài "Nguyễn Trãi - khí phách và tinh hoa của dân tộc", Giáo sư Vũ Khiêu viết: "Trí thức là người biết rộng hơn và nhìn xa hơn những người không phải là trí thức" (1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đại trí thức, một danh nhân văn hóa thế giới, một thiên tài của nhân loại thế kỷ 20. Vấn đề trí thức luôn là vấn đề được Người hết sức quan tâm với những quan điểm thiết thức, cụ thể.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức là một bộ phận quan trọng trong kho tàng Tư tưởng Hồ Chí Minh vô giá.
1- Trong bài nói chuyện tại Lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 21-7-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân...Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc)...Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối...Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, Đảng và Chính phủ ta rất quý trọng người trí thức của nhân dân, vì nhân dân" (2)
Trong bài nói chuyện trong buổi khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh: "...Vì muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ cần các kỹ sư,v.v...Tóm lại, cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức...Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân" (3).
Trong Sách lược vắn tắt của Đảng (1930), Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh sau này, đã viết: "Phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức...để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp";trong Chương trình vắn tắt của Đảng (1930), Người viết: "Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức ...về phía giai cấp vô sản" (4).
2- Được đào tạo dưới chế độ cũ và xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau, nhưng trí thức Việt Nam nói chung đều bị đế quốc và phong kiến áp bức... "Vì vậy, trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng.
Vì cũng có đầu óc dân tộc và vì có học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, nhất là lịch sử cách mạng Pháp, nên dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng...Cũng vì vậy, lúc đã hiểu biết, trí thức ta dễ theo cách mạng, và vì vậy, Đảng cách mạng phải dìu dắt, giúp đỡ trí thức của ta dựa vào phe cách mạng, phe công nông" (5).
Sự thật đúng như vậy. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, rõ ràng có sự đóng góp xứng đáng của giới trí thức. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một bộ phận lớn trí thức đã chịu khó chịu khổ đi với kháng chiến, phục vụ cho kháng chiến. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, vai trò của trí thức càng lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:"Tri thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi" (6).
3- Khi nói đến con đường hình thành và phát triển đội ngũ trí thức mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài "Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc", đã viết: "Đào tạo trí thức mới, cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa". (7)
Người còn giải thích: "Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa" nghĩa là "Công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông" (8).
Ngày nay, kinh tế tri thức chiếm vị trí ngày càng lớn trong quá trình phát triển đất nước, thì quan điểm "Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa" càng có ý nghĩa nhằm tiến tới xây dựng khối liên minh chặt chẽ giữa công nhân, nông dân và trí thức, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho công nghiệp hóa, hiiện đại hóa đất nước.
4- Điểm nổi bật trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức và nhân tài là tấm lòng thiết tha, thật sự cầu hiền. Chỉ trong vòng một năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hai bài đăng trên báo Cứu quốc: "Nhân tài và kiến quốc" (14-11-1945) và "Tìm người tài đức" (20-11-1946). Đó là Chiếu cầu hiền của cách mạng, với những lời lẽ chân thành, lay động con tim của đông đảo trí thức lúc bấy giờ.
Trong bài "Tìm người tài đức", Người viết: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức...Nay muốn...trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết" (9).
Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo, phát hiện, cảm hóa, trọng dụng nhiều nhà trí thức, nhân tài như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Tố...; những nhà khoa học nổi tiếng như: GS Trần Đại Nghĩa, GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Ngữ, GS Trần Hữu Tước, GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Xiển, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, GS Nguyễn Văn Huyên, TS Lương Định Của, GS Hoàng Minh Giám, GS Ngụy Như KonTum, BS Phạm Ngọc Thạch, KTS Huỳnh Tấn Phát...; những nhà chính trị, quân sự tài ba như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...
5- Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đề cập đến vấn đề sử dụng cán bộ, đã viết: "Phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc". (10)
Trí thức là người lao động khoa học chuyên môn cao. Khi bố trí công tác cho họ, cần chú ý đúng chuyên ngành đào tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đòi hỏi tài phải đi đôi với đức. Người trí thức cách mạng có tài nhưng không có đức thì cũng không làm được việc gì.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Thời nào cũng vậy.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức luôn soi đường cho chúng ta làm tốt hơn nữa công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng trí thức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng cho công nghiệp hóa, hiệnđại hóa đẩt nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hộidân chủ,công bằng, văn minh.
Nguyễn Xuyến
(1) Báo Nhân Dân, số 18544, ngày 19-5-2006.
(2) Hô Chí Minh Toàn tâp - NXBCTQG - H- 1996 - T 8 - tr 214-216.
(3) (5)(6) Sdd - T 7 - tr 32-33-34-36.
(4) Văn kiện Đảng Toàn tâp - NXBCTQG - H - 1998 - Tr 2.
(7) (8) Hồ Chí Minh Toàn tập -NXBCTQG - H - 1996 - T 6 - tr 203=204.
(9) Sdd - T 4 - tr 451.