No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Tích cực học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng là người “đầy tớ”, “công bộc” của nhân dân
Lượt xem: 480




Góp phần bảo vệ, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới



TÍCH CỰC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH ĐỂ XỨNG ĐÁNG LÀ NGƯỜI “ĐẦY TỚ”, “CÔNG BỘC” CỦA NHÂN DÂN


TS. Nguyễn Thanh Sơn

Trưởng Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Sơn La


Ngày 22/10/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TWvề “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nhấn mạnh việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được của công tác tư tưởng nhiệm kỳ vừa qua thì Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra những hạn chế đó là: “Công tác tư tưởng có nơi, có lúc chưa thực sự được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, tính thuyết phục chưa cao… Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao…”[2, tr. 90-91].

Sau khi chỉ rõ việc nhận diện các thế lực thù địch, Nghị quyết số 35-NQ/TW đã chỉ ra những nội dung mà các thế lực thù địch đang chống phá chúng ta, trong đó có phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận những giá trị to lớn trong tư tưởng của Người. Vì vậy, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, để việc học tập và làm theo Bác trở thành thói quen, nếp sống và phương pháp làm việc của các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như của cán bộ, đảng viên và mọi người dân Việt Nam.

Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục. Để việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực thì một trong những việc cần phải làm là tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới [1, tr. 2]. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam chúng ta, trong đó có cán bộ, đảng viên để xứng đáng là người “đầy tớ”, “công bộc” trung thành được nhân dân tin yêu.

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, quản lý vừa là người đầy tớ, là công bộc trung thành của nhân dân. Đây là một tư tưởng rất độc đáo của Người và là một sự cụ thể hóa tư tưởng của các nhà Kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin về đạo đức cách mạng, về tiêu chuẩn của một người cán bộ, đảng viên. Do đó, chúng ta cần phải nghiên cứu theo quan điểm Duy vật biện chứng thì mới có thể hiểu sâu sắc, đúng đắn được tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khái niệm "dân" hay "nhân dân" ở đây là nhân dân lao động. Người đặt cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với nhân dân lao động, ở đó nhân dân lao động là người chủ và làm chủ đất nước còn cán bộ, đảng viên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải là đầy tớ, là công bộc phục vụ nhân dân. Thực chất đây cũng chính là yêu cầu về đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

Khái niệm "đầy tớ", "công bộc" đã có từ thời Phong kiến, hai khái niệm này đều có cùng bản chất. Theo từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) thì khái niệm "đầy tớ" hay "công bộc" là: "người đi ở trong xã hội cũ, trong quan hệ với chủ". Bác dùng từ cũ để cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ hiểu nhưng theo nội dung mới. Đây là một sự "Việt hóa" tư tưởng về người cán bộ, người cộng sản của các nhà Kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Xét theo lô gíc hình thức thì tư tưởng này có vẻ mâu thuẫn. Vì đã là người lãnh đạo, quản lý thì làm sao có thể lại là đầy tớ, là công bộc của nhân dân. Trong xã hội Phong kiến trước đây, đầy tớ, công bộc hay nô bộc là người hầu hạ và chịu sự quản lý của người chủ, người chủ bảo làm gì thì làm việc đó mà không được làm khác, ông chủ như là phụ mẫu (cha, mẹ) của dân. Như vậy xét dưới góc độ quản lý, trong xã hội cũ trước đây, thì người quản lý chính là ông chủ còn đầy tớ, công bộc là người bị quản lý. Đây là hai cực (hai chiều) đối lập nhau, là ranh giới để phân biệt đẳng cấp (giai cấp) trong xã hội Phong kiến trước đây, không thể có người lãnh đạo, quản lý lại là đầy tớ và ngược lại, không thể có người đầy tớ lại là người lãnh đạo, quản lý, càng không thể có ông chủ lại là người bị quản lý hay người bị quản lý lại là ông chủ.

Như vậy, vì sao trong xã hội mới hiện nay ở nước ta, người cán bộ, đảng viên lại có thể vừa là người lãnh đạo, quản lý lại vừa là người đầy tớ, là công bộc của nhân dân?

Chúng ta hãy nghiên cứu tư tưởng này của chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc độ quản lý, thể hiện trên hai mối quan hệ, hai chiều khác nhau của quản lý.

Xét theo mối quan hệ thứ nhất (chiều thứ nhất) giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân thì người cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, người quản lý còn nhân dân là người chịu sự lãnh đạo, quản lý, tức là cán bộ, đảng viên là chủ thể của lãnh đạo quản lý còn nhân dân lao động là đối tượng của lãnh đạo quản lý. Người cán bộ, đảng viên lãnh đạo quản lý bằng việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật nhằm phát triển tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội theo định hướng XHCN để phục vụ nhân dân, còn người dân phải tuân theo những đường lối, chính sách, pháp luật đó. Tuy nhiên, cách quản lý trong xã hội mới hiện nay của chúng ta khác về chất so với xã hội Phong kiến cũ trước đây. Nếu như trong xã hội Phong kiến cũ trước đây, vua, quan đề ra chính sách quản lý như thế nào thì người dân phải tuân theo như thế nếu không sẽ bị xử phạt. Trong xã hội mới hiện nay thì khác hẳn. Cán bộ, đảng viên là người đề ra đường lối, chính sách, pháp luật để quản lý xã hội và ngay từ lúc còn dự thảo có thể đã xin ý kiến của nhân dân, nếu khi ban hành rồi mà đường lối, chính sách, pháp luật đó vẫn không đúng thì nhân dân có thể phản hồi và nhà lãnh đạo, quản lý phải điều chỉnh. Như vậy, cán bộ, đảng viên là người đề ra và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển xã hội với mục đích cuối cùng là vì dân và như vậy, cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, quản lý đồng thời cũng chính là người phục vụ nhân dân.

Xét theo mối quan hệ thứ hai (chiều thứ hai) giữa nhân dân lao động với cán bộ, đảng viên thì nhân dân lao động là người chủ còn cán bộ, đảng viên là đầy tớ, là công bộc, tức là nhân dân lao động là chủ thể của quyền lực còn cán bộ, đảng viên lại là người làm cho nhân dân trở thành chủ thể thực sự của quyền lực. Nhân dân lao động là chủ thể của quyền lực bao gồm: quyền lực kinh tế, quyền lực chính trị (mà cơ bản là quyền lực nhà nước), quyền lực văn hóa, quyền lực khoa học kỹ thuật... Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm làm cho quyền lực của nhân dân được thể hiện trong thực tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà cơ bản trên lĩnh vực kinh tế và chính trị, thông qua việc đề ra đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển xã hội. Để lãnh đạo, quản lý được xã hội thì cán bộ, đảng viên phải có quyền lực nhất định (theo cương vị đảm nhận). Quyền lực này do nhân dân “ủy quyền” mà tạo thành nên người dân có quyền giám sát các hoạt động của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đường lối, chính sách, pháp luật của người cán bộ, đảng viên chính là phương tiện, là công cụ để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì để dân đói, dân dốt là Chính phủ có lỗi, nếu Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ của mình thì nhân dân có quyền đuổi Chính phủ. Ở phương diện này, người cán bộ, đảng viên cũng vẫn là người phục vụ nhân dân.

Như vậy, nếu xuất phát từ nghĩa "phục vụ" thì ta có thể thấy lãnh đạo, quản lý cũng chính là đầy tớ. Hai vai trò là lãnh đạo, quản lý hay đầy tớ của người cán bộ, đảng viên đều nhằm mục tiêu là phục vụ nhân dân, làm cho nhân dân phát huy vai trò làm chủ của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Như vậy, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai tư cách, hai vai trò là người lãnh đạo, quản lý và là người đầy tớ, công bộc của người cán bộ, đảng viên có quan hệ biện chứng với nhau, đan xen vào nhau, hòa quện với nhau. Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, quản lý thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách nhằm phục vụ nhân dân lao động, vì vậy cũng chính là đầy tớ của nhân dân lao động. Ngược lại, cán bộ, đảng viên là đầy tớ phục vụ nhân dân dưới góc độ quản lý, làm cho đời sống nhân dân lao động ngày càng được nâng cao về mọi mặt (không phải là đầy tớ theo nghĩa chỉ phục vụ công việc gia đình hay phục vụ cá nhân ông chủ như trong xã hội cũ trước đây). Đó chính là điểm độc đáo trong tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cách mạng không phải để làm quan cách mạng, không phải gắn lên trán chữ cộng sản mà được người dân tin yêu, mà làm cách mạng là để đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, tức là làm đầy tớ, công bộc và phải trung thành với nhân dân, để nhân dân "chọn mặt gửi vàng".

Tư tưởng về người cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, quản lý vừa là người đầy tớ, là công bộc trung thành đối với nhân dân lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay còn nguyên giá trị. Nó có tác dụng rất to lớn trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của chúng ta hiện nay, đặc biệt khi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng làm cho đảng ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Điều này đã được Lênin cảnh báo: khi người cộng sản đã giành được quyền lãnh đạo, nếu không tu dưỡng tốt sẽ có nguy cơ xa rời quần chúng, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng. Ngay sau khi giành chính quyền được hơn 1 năm, trong cuốn "Đời sống mới" (viết tháng 3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân"[3, tr. 104]. Bởi vì "Trong điều kiện hòa bình xây dựng, khi Đảng nắm giữ vai trò lãnh đạo xã hội, luôn có những điều kiện, hoàn cảnh có tính hai mặt, vừa bảo đảm cho vai trò chính trị của Đảng, vừa có thể nảy sinh những động cơ vụ lợi, không trong sáng"[5, tr. 29]. Từ thực tiễn xây dựng đất nước sau 35 năm đổi mới, với cả những thành công và hạn chế, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã chỉ ra: "Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” [2, tr. 93].

Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xứng đáng là người đầy tớ, là công bộc của nhân dân lao động, góp phần bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, trên cơ sở lấy “xây” để “chống”, theo tôi, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nên tránh một số vấn đề trong việc rèn đức, luyện tài, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, chỉ đề cao tài mà không cần đức, tức là không cần cống hiến cho tập thể, cho cộng đồng. Đòi hỏi ở tập thể và cộng đồng nhiều hơn đòi hỏi chính mình hoặc chưa làm đã đòi hỏi phải được nhiều hơn người khác mặc dù sự cống hiến của mình không bằng người khác. Anh ta có thể có tài, rất giỏi “lách” những quy định hiện hành, “hợp lý hóa” một cách “suôn sẻ” để trục lợi cho mình, tức là tài đó chỉ để phục vụ cho cá nhân và gia đình anh ta, không phải vì tập thể. Nếu leo được lên những vị trí cao thì anh ta sẽ tạo ra “lợi ích nhóm” hay “cánh hẩu” và sẽ “phá nát” tập thể. Những người như vậy là “vô dụng”.

- Thứ hai, chỉ đề cao đức vì coi đức là gốc mà không chịu học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ. Ngay cách hiểu đó đã không đúng với đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đạo đức cách mạng bao gồm cả tài và đức mà không thể đề cao cái này và hạ thấp cái kia. Những người như vậy là không có đạo đức cách mạng, cộng thêm sự nhiệt tình sẽ bằng “đại phá hoại” (Lênin). Người đó có thể không làm hại ai cả, không lấy đi của tập thể cái gì nhưng cũng không đem lại cho tập thể cái gì, tức là tập thể không thể phát triển được. Những cán bộ, đảng viên như vậy, thiết nghĩ Đảng và Nhà nước ta sẽ không cần đến, vì anh ta chẳng khác gì ông “Bụt” ở trong chùa. Chúng ta không thể chỉ có “Mo cau, quả cà” đi lên CNXH được mà phải phấn đấu bằng con đường chính đáng để ăn ngon, mặc đẹp, học giỏi, học cao thì mới xây dựng được CNXH, đặc biệt với một nước đi lên CNXH có xuất phát điểm thấp như Việt Nam.

- Thứ ba, tỏ ra mình là người có đạo đức cách mạng - tức là tỏ ra có năng lực trình độ và sẵn sàng cống hiến vì tập thể, vì cộng đồng để được bầu hoặc bổ nhiệm (bằng chương trình hành động “rất kêu” để tranh cử hoặc bằng nhiều cách vận động hành lang để được bổ nhiệm). Khi được bầu hoặc bổ nhiệm thì người đó vừa không làm được gì cho tập thể vì không có năng lực, trình độ thực tế, vừa trực tiếp hay gián tiếp “rút ruột” của tập thể biến thành của riêng mình vì không có đạo đức thực sự. Đây là những kẻ cơ hội, chỉ có hại cho tập thể. Trong ba kiểu người như đã nêu thì đây là kiểu người “nguy hiểm” nhất vì nó sẽ dẫn tới nguy cơ tham ô, tham nhũng tràn lan “đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Những cán bộ, đảng viên ở các trường hợp nêu trên thì đều là những người không có đạo đức cách mạng, đều vô dụng. Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên gắn liền với năng lực, trình độ và sự sẵn sàng cống hiến vì tập thể, vì cộng đồng. Có như vậy người cán bộ, đảng viên mới có thể đi tiên phong trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, xứng đáng là người đầy tớ, là công bộc trung thành của nhân dân lao động, để nhân dân “chọn mặt gửi vàng" mà không lo bị “mất vàng.

Tránh được các vấn đề nêu trên trong việc rèn đức, luyện tài của người cán bộ, đảng viên sẽ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đưa các quy định của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không chệch hướng XHCN, đất nước sẽ không bị phát triển tụt hậu và các thế lực thù địch, với “Chiến lược diễn biến hoà bình” tinh vi và xảo quyệt nhằm chống phá Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng có thể cứ “diễn” mà chúng ta không bị “biến”.

Nguồn tài liệu:


1. Bộ Chính trị (khóa XIII): Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG ST, HN, 2021, T1.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 1995, tập 5.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 1995, tập 8.

5. Tạ Ngọc Tấn: "Những bài học về xây dựng Đảng nhìn nhận dưới ánh sáng của cách mạng Tháng Mười Nga và sự tan rã của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu", Tạp chí Cộng sản, số 780/10/2007.


Thông tin doanh nghiệp
  • Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế
  • Quan hệ giữa thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh Đại học
  • Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Sơn La có 02 sản phẩm vào Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • Triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức
  • Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội thảo kết quả nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Hội thảo tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Địa chất là khoáng sản
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội Luật gia tỉnh Sơn La tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La: Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, năm 2024
  • Hội thảo tư vấn “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Mời tham gia Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024
  • Bộ GD&ĐT lý giải tạm dừng công nhận Olympic Toán học sinh viên và học sinh
  • Liên hiệp Hội Việt Nam: Hội nghị Giao ban Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố năm 2024
  • Bí quyết giữ gìn sức khỏe
  • Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024
  • Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024
  • Vấn đề nhỏ về đất đai nhưng được nhiều người dân quan tâm
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải Vinfuture 2023
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 13
    • Hôm nay: 463
    • Trong tuần: 27 660
    • Tất cả: 14525831
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này