Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh - "Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam" (19-5-1890 – 19-5-2020)
PHẢI HỌC TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ CỦA HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Tấn Tuấn
Dân chủ là dân làm chủ
Bác Hồ có cách giáo dục cán bộ rất tài tình. Không lý luận dài dòng, chỉ mấy lời giản dị, cụ thể mà sâu sắc, thấm thía. Một lần, Bác Hồ đến thăm trường cán bộ miền Nam. Bác cháu rất vui vẻ:
Trong câu chuyện, Bác hỏi: - Bác đố các chú: Ai to nhất nước Việt Nam?
- Thưa Bác: Bác ạ, Bác ạ! Tất cả đều đồng thanh trả lời.
Bác bảo: “Các chú ngồi xuống, các chú phong kiến quá. Bác đọc cho các chú nghe nhé: Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ai là chủ đây, các chú? À, dân chủ, vậy là dân làm chủ, còn Bác cháu ta chỉ là công bộc của nhân dân mà thôi”.
Còn dân thì nước vẫn còn
Ngay sau khi nước ta vừa dành được Độc lập, quân đội Tưởng ồ ạt khéo vào miền Bắc, kéo theo bọn Quốc dân Đảng và Cách mạng Đồng minh, âm mưu lật đổ Chính phủ ta để lập ra một chính quyền tay sai, phục vụ cho chúng. Nhân dân ta rất xôn xao, cán bộ đều căm phẫn. Lúc này chính sách của Đảng ta và Bác Hồ là: Phải tỏ thái độ hợp tác, hữu nghị với họ vì họ nhân danh Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, do đó không được để mắc mưu của chúng, không để xảy ra xung đột ... Sợ dân các nơi có quân Tưởng đóng, không kìm được nóng nảy, dễ gây ra xung đột, Bác đã triệu tập Chủ tịch các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn Tây, Bắc Giang, Lạng Sơn v.v... về Hà Nội để gặp Bác. Bác nói: “Chính phủ cho gọi các chú về có một số việc. Hình như quân Tưởng đóng ở các tỉnh đã gây ra cho các chú nhiều chuyện rắc rối lắm phải không?
Được lời như cởi tấm lòng các đại biểu thi nhau kể tội bọn Tàu Tưởng. Bác giơ tay ra hiệu im lặng ý nói: Bác hiểu hết cả rồi. Và Bác nhẹ nhàng giảng giải: “Bác nói để các chú hiểu: Họ nhân danh Đồng minh và tước vũ khí quân đội Nhật, mình không tỏ thái độ hợp tác, họ sẽ vin cớ ấy để gây khó dễ cho mình”. các đại biểu hỏi Bác:
- Thưa Bác, mình muốn hợp tác hữu nghị, nhưng họ lại không muốn, muốn cứơp đất của ta thì làm thế nào ạ?
Bác giải thích vắn tắt: “Mình hữu nghị vì họ có 500 triệu dân mà mình chỉ có 20 triệu dân, họ có 4 triệu quan mà quân đội ta thì mới đang xây dựng. Hữu nghị là như thế các chú hiểu không?
Mọi người vẫn im lặng, Bác nói tiếp: “Các chú mất đất là mất bao nhiêu? Thế các chú có thấy dân ta hợp tác với họ, tin tưởng vào họ không? Nếu dân không đúng về phía chúng, không tin tưởng gì chúng thì chúng ta không mất gì cả! Như mất đất mà không mất nước. Các chú phải nắm vững đường lối của Đảng và Chính phủ, phải tuân theo chỉ thị của Trung ương. Chú nào làm sai phải chịu kỷ luật”. Bác lại hỏi: “Có chú nào ý kiến gì nữa không?”
Tất cả đều nhất trí, không ai có ý kiến gì nữa vì qua cách giải thích ngắn gọn và rất sâu sắc của Bác, tất cả mọi người đều thông suốt, đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của thường vụ Trung ương Đảng, của Bác Hồ
Ngày 2/9/1945 lịch sử. Ba Đình nắng rất đẹp. Dòng người đổ về Quảng trường: Giài phóng quân từ chiến khu về, tự vệ mới thành lập, các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Công dân, Nông dân, Thiếu nhi, các tầng lớp nhân dân của thủ đô Hà Nội, xếp hàng ngũ chỉnh tề quanh lễ đài. Niềm vui bất tận dâng lên tràn ngập lòng người khi được nghe Bác Hồ long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào trong nước và cả thế giới khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là những hình ảnh đẹp nhất trong ngày thành lập nước...
Lễ độc lập kết thúc, Bác Hồ về trên 1 chiếc xe màu đen, cửa kính hơi thấp. Một phóng viên đón đường, ghé máy ảnh sát vào cửa kính định chụp ảnh Bác. Bác Hồ xua tay không cho chụp và nói: “Chú quay máy ra ngoài kia mà chụp nhân dân!”.
Cây gậy chữ “Nhân”
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Các vị nhân sĩ, trí thức trong Quốc hội và Chính phủ phần lớn vì yêu mến và tin tưởng vào Bác Hồ kính yêu mà đi theo kháng chiến, chưa phải ngay một lúc nhận ra được vai trò và sức mạnh của nhân dân. Có người biếu Bác một cây gậy đẹp và quý làm bằng xương rắn ghép lại, mỗi đốt đều có hình chữ “nhân”. Trong một buổi họp liên tịch giữa Hội đồng Chính phủ với Ban Thường vụ Quốc hội, Bác Hồ đã đem cây gậy quý ấy tặng lại cụ Bùi Bằng Đoàn và nói một câu vừa giản dị, vừa ý nghĩa: “Khi đở tay, có cây gậy này, Cụ sẽ luôn luôn nghĩ đến nhân dân”.
Nhận cây gậy từ tay Bác trao, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng như các vị nhân sĩ các mặt hôm đó đều cảm kích thấm thía trước ân tình và lời nhắc nhở của Bác Hồ. Cụ Bùi Bằng Đoàn hứa dù tuổi cao, sức yếu, nhưng có cây gậy này trong tay, cụ sẽ vượt qua mọi bước đường kháng chiến gian nan, nguyện một lòng một dạ đi với nhân dân đến thắng lợi cuối cùng.