KỶ NIỆM 130 NĂM DANH NHÂN HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 – 19-5-2020)
ĐỂ CÁN BỘ NHÀ NƯỚC TỐT hơn
NGUYỄN TẤN TUẤN
Người ta nói “Phê bình” không phải là “cô gái đẹp”, chẳng ai muốn yêu nó cả. Nó là liều thuốc chữa bệnh mà mọi người cần phải biết cách uống. Đã là thuốc thì không thể lạm dụng, mà phải biết cách sử dụng cho đúng liều lượng, đúng người, đúng bệnh. Đã từ lâu “phê bình” là qui tắc hoạt động của bộ máy Đảng và chính quyền các cấp. Vũ khí phê bình có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn mọi tư tưởng, hành vi có hại đến sự tiến bộ của con người nói chung và các tổ chức nói riêng.
Phê bình thường được phân chia thành các loại hình khác nhau. Phê bình của cấp trên, phê bình của cấp dưới và phê bình lẫn nhau trong tổ chức, đơn vị. Điều đáng nói chính là mức độ, liều lượng và phương pháp thực hiện các công đoạn của phê bình. Một vị cấp trên thường xuyên phê bình nhân viên của mình về những sai sót vụn vặt, chấp trách từng hành động, lời nói của cấp dưới thì ít có tác dụng tích cực, mà trái lại sẽ làm nản chí cấp dưới, làm cho họ mất tin tưởng vào khả năng, trí tuệ và công sức của mình đối với chức năng nhiệm vụ được giao.
Khi phê bình, người lãnh đạo thông minh, có kinh nghiệm thực tiễn thường tìm hiểu tâm lý của từng đối tượng thuộc cấp, như yếu tố về tuổi tác, giới tính, tính cách của người bị phê bình ... đây là những điểm cần lưu ý khi sử dụng vũ khí phê và tự phê. Ví như phụ nữ thường nhạy cảm hơn nam giới; thanh niên dễ xúc cảm nhưng rất mau quên, họ dễ tha thứ hơn người già, trí thức cần sự tôn trọng ...
Việc phê bình cấp dưới lên cấp trên trong thực tiễn đã gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Đã có một thời trong nhân dân ta thường có những câu nói đại loại như : “Đấu tranh thì tránh đâu”. Đã có không ít những công chức, viên chức phê bình thẳng thắn, thể hiện ý thức xây dựng đơn vị, cơ quan nhưng rốt cuộc lại bị trù dập công khai hoặc ngấm ngầm, làm cho những người này “chết từ từ” trong đau khổ, lo lắng.
Nhìn chung, sự đàn áp phê bình hoặc coi thường công tác phê bình đều không làm cho công việc tốt đẹp, khả quan hơn. Bên cạnh đó mọi sự phản ứng chống chế phê bình chỉ làm cho uy tín người lãnh đạo, người được cấp dưới phê bình ngày càng suy giảm. Thực tế cho thấy, nếu người lãnh đạo biết lắng nghe lời phê bình, góp ý của cấp dưới thì bản thân người phê bình sẽ cảm nhận rằng mình là người chủ thực sự, đồng thời càng tôn trọng người lãnh đạo của mình hơn.
Tự phê bình là bước phát triển cao của tính tự giác, khả năng tự đánh giá hành vi của bản thân. Tuy nhiên, trong thực tiễn vấn đề “phê bình” hiện nay đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp. Con người thường tự đánh giá cao về khả năng bản thân.
Nói như một nhà lý luận nào đó : “Con người rất lạc quan, họ nhìn thấy ngay lập tức và rất rõ những ưu thế của mình, nhưng lại chậm trễ và khó nhận ra những nhược điểm của bản thân”. Từ phê bình đến tự phê bình là giai đoạn “tiến hóa” về nhân cách mà mỗi con người đều phải phấn đấu để tự hoàn thiện chính mình.