MỘT SỐ VẤN ĐỀ
về viết bài Nghiên cứu trao đổi, Tư vấn, phản biện
Ngày 25 tháng 3 năm 2019, đ/c Phan Đức Ngữ, Chuyên viên cao cấp, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Sơn La đã có bài trao đổi tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm viết bài nghiên cứu trao đổi, Tư vấn, phản biện do Liên hiệp hội tổ chức.
BBT xin trích giới thiệu.
I.NHẬN DIỆN BÀI BÀI NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI, TƯ VẤN PHẢN BIỆN
1.Bài nghiên cứu trao đổi (NCTĐ)
Bài NCTĐ ở đây không phải bài dạng nghiên cứu đề tài khoa học, bài công bố kết quả nghiên cứuhay bài nghiên cứu sâuvề chuyên ngành (Toán, lý, hóa, sinh, ngôn ngữ...). Cũng không phải bài phản ánh, tường thuật hay phóng sự điều tra...
Bài NCTĐ là bài nghiên cứu độc lập về một vấn đề mới, có giá trị xã hội, được xã hội quan tâm. Bài viết có kiến thức góp phần nâng cao hiểu biết để mọi người tự điều chỉnh nhận thức và hoạt động của bản thân trong xã hội. Hoặc (2) Có kiến thức người ta cần áp dụng để cải thiện công việc, tạo ra sản phẩm cụ thể. Hoặc (3) Có kiến thức được cấp có thẩm quyền áp dụng để điều chỉnh chủ trương, cơ chế, chính sách, kể cả pháp luật…
Bài NCTĐ có dung lượng không lớn (3-4 trang) cũng đòi hỏi phải có phát hiện mới hoặc góc nhìn mới về một vấn đề nào đó, có luận điểm, luận cứ và luận chứng, nhưng ở mức phổ thông, sử dụng kiến thức tổng hợp về chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học và pháp luật gắn với thực tiễn (Trong cả nước và ở chính địa phương mình), chứ không thiên về học thuật.
Bài NCTĐphù hợp với Diễn đàn hơn là Báo và Tạp chí. Bài NCTĐ của chúng ta cũng là đăng Báo, Tạp chí, Bản tin, Trang thông tin điện tử, nhưng phù hợp với Mục Diễn đàn hay Góc nhìn của Báo và Tạp chí.
Bài thường cũng chứa đựng trong đó ý kiến tư vấn, phản biện. Vì thế, cùng với việc đăng Báo, Tạp Chí, Diễn đàn, có thể và nên chọn lọc bài nào chưa nhiều nội dung tư vấn, phản biện để gửi chotổ chức hay cá nhân có thẩm quyền để tham khảo (Gửi qua qua email kèm theo lời giới thiệu).

2. Bài TVPB
Bài TVPB ở đây cũng là bài độc lập của cá nhân, chứ chưa phải là báo cáo TVPB của Liên hiệp hội. Nôm na là ý kiến của cá nhân về một đề án hay một vấn đề trong xã hội liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; Cá nhân trực tiếp gửi cho cấp có thẩm quyền và tự chịu trách nhiệm; Hoặc là bài nguồn để Liên hiệp hội hội thảo, tổng hợp đưa vào báo cáo TVPB của Liên hiệp hội để gửi cấp có thẩm quyền.
Bài TVPB có mấy đặc trưng:
Là ý kiến của tác giả về một hay một số vấn đề; phạm vi, đối tượng tham gia ý kiến cụ thể, định hình hơn là bài NCTĐ. Nhưng dung lượng không được ấn định như bài NCTĐ, nên cơ động hơn, từ 1-5 trang, thậm chí có thể hơn.
Ý kiến tham gia, đề xuất kiến nghị khác với ý kiến tham gia thông thường ở chỗ làcócăn cứ khoa học, thực tế và pháp lý, có lập luận chặt chẽ, có phân tích, đánh giá, có kiến nghị chỉnh sửa... Nhưng cũng như bài NCTĐ, bài TVPB cũng là một góc nhìn để cơ quan có thẩm quyền tham khảo, xem xét, chứ không hoàn toàn phủ định các ý kiến khác.
Cũng như bài NCTĐ, phần lớn bài TVPB thường có giá trị xã hội và thực tiễn là chính. Chúng ta thường sử dụng kiến thức tổng hợp về chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, pháp lý gắn với thực tiễn để giải quyết vấn đề.
Trường hợp bài TVPB về Dự án liên quan đến công nghệ xây dựng hay công nghệ sản xuất, đánh giá tác động môi trường thì đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về khoa học kỹ thuật và kinh tếchuyên ngành, liên ngành.
Bài TVPB có thể phân làm hai loại, Tư vấn và Phản biện.
- Tư vấn ở đây được hiểu theo nghĩa là loại bài do người viết tự phát hiện vấn đề, không phụ thuộc vào Dự thảo đề án.Việc chuyển hóa bài cá nhân thành đề xuất, kiến nghị của Liên hiệp hội để gửi cho cấp có thẩm quyềncó 02 cấp độ.Một cấp độ Tư vấn không có chế độ thù lao, không theo quy trình của quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ. Một cấp độ khác theo quy trình của quyết định 14 (Thành lập hội đồng tư vấn, tổ chức hội thảo, có chế độ thù lao...)
- Loại bài tham gia ý kiến vào Dự thảo đề án, được hiểu là Phản biện,hayTVPB (Đề án ở đây là hiểu chung, bao gồm tất cả các dự thảo văn bản lấy ý kiến).
- Về mặt xã hội và báo chí, thì khi có một góc nhìn khác thì đều được coi là phản biện (Chứ không gọi là Tư vấn hay TVPB). Báo chí và xã hội phản biện đề án và phản biện nhiều vấn đề đang xảy ra trong đời sống xã hội. Về mặt này, Báo chí và xã hội làm rất mạnh, rất nhanh nhạy.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý KHI VIẾT BÀI NCTĐ, TVPB
1.Phải đa mang và có lòng trắc ẩn, quan tâm đến chuyện đúng sai, hay dở. Nói rộng ra là các chuyện đổi mới, tiến bộ hay bảo thủ, bản chất hay ngụy biện, quan hệ giữa chính sách, dự án và nhóm lợi ích, v.v...Tất cả những cái đó làm cho kẻ sĩ băn khoăn, trăn trở, có khi ngủ không yên. Không bày tỏ chính kiến, không chia sẻ thì không chịu được. Chứ không phải vì cái danh hão hay vì nhuận bút, hay thù lao gì cả.
Chúng ta thử liên hệ với nghiệp làm thơ. Chúng ta thấy chiếc lá vàng rơi, cứ thế dẫm lên mà đi. Còn nhà thơ thấy chiếc lá vàng rơi là liên tưởng đến bao nhiêu thứ, đêm về trằn trọc. Nghiệp của chúng ta không đến mức như vậy. Nhưng nếu vô cảm thì khó có thể viết lách hoặc làm TVPB tốt được. Tức là, đã gắn với nghiệp viết lách thì phải vượt lên trên chức trách của người làm công ăn lương thông thường.
2. Phải có kiến thức đủ rộng và sâu
Như trên đã nói, bài NCTĐ hay bài TVPB của ta thường sử dụng kiến thức tổng hợp về chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, khoa học, gắn với thực tiễn. Chỉ khi TVPB về các dự án đầu tư thì cần kiến thức chuyên sâu về công nghệ xây dựng, công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường. Kiến thức rộng có nghĩa là có sự hiểu biết đa ngành, đa lĩnh vực. Sâu thì không cần quá sâu về học thuật, chuyên môn nghiệp vụ, nhưng phải hiểu được các khái niệm phổ thông, bản chất vấn đề và phải hiểu thực tế của vấn đề.
Ví dụ, về kinh tế, phải phân biệt được doanh thu và thu nhập, GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người cũng khác nhau... Về lĩnh vực y tế, phải biết nhiễm lao và bệnh lao là khác nhau. Hay tỷ lệ mắc một số bệnh xã hội (Cao huyết áp, tiểu đường...) theo quy luật chung thì ở khu vực đô thì cao hơn nông thôn, ở các thành phố cao hơn các tỉnh miền núi.
Nếu đề tài hay đề án, dự án có điều tra xã hội học thì chúng ta phải biết phương pháp xác định cỡ mẫu và phương pháp xác định từng nhóm mẫu bảo đảm tính đại diện thì kết quả điều tra mới đáng tin cậy. Nếu đề tài, đề án hay dự án không bảo đảm tính đại diện của mẫu điều tra thì đây là lỗ hổng lớn, chúng ta cần phản biện.
Chúng ta phải cập nhật kiến thức,kể cả kiến thức pháp luật, nhất là luật KHCN, Luật sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học và các luật liên quan khác. Ví dụ, theo Luật quy hoạch hiện nay, các tỉnh chỉ có một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, tất cả các ngành, các vùng đều được tích hợp vào trong đó. Riêng về sản xuất hàng hóa, dịch vụ không được ấn định quy mô diện tích, sản lượng hàng hóa cho từng mặt hàng cây con cụ thể.. 3. Trách nhiệm và bản lĩnh của người viết
a. Luôn luôn có tư duy phản biện, có góc nhìn đa chiều
(1). Không được tự ti,cho rằng cấp soạn thảo đã có đội ngũ chuyên gia, đã qua nhiều tầng nấc chỉnh sửa, mình không không đủ trình độ để tham gia. Mà phải tự tin, văn bản nào, của cấp nào vẫn có cái để tham gia. Mỗi vấn đề cấp có thẩm quyền đưa ra, vẫn có thể chưa phải là trọn vẹn, thấu lý, đạt tình. Vì tất cả đều là người trần, mắt thịt, lại chịu sự chi phối của nhiều mối quan hệ, thậm chí là chịu sự tác động của lợi ích nhóm. Và có thể còn do sự tắc trách của nhiều bên liên quan... (Thực tế Luật của ta cũng như nhiều văn bản quy phạm cả ở cấp trung ương và địa phương thường xuyên phải chỉnh sửa. Đó là do cuộc sống thay đổi, do có sự phát hiện, tư vấn phản biện của các trí thức, của báo chí và cả xã hội).
(2). Phải vượt qua rào cản của thói quen tư duy đúng sai theo thứ bậc.Một thời gian dài, chúng ta sống trong cơ chế tập trung trung quan liêu, bao cấp, tư duy và hành động theo trật tự thứ bậc, trạng thái tâm lý là chấp nhận, thừa hành, ít ý kiến đa chiều, ít tư vấn phản biện. Bây giờ đã đổi mới, nhưng nhiều người chúng ta vẫn bị ảnh hưởng của thói quen này.
(3). Vượt qua trở ngại ý thức hệ tháiquá.Chúng ta phải vượt qua một trở ngại khác, đó là không để cái gì cũng chịu sự chi phối của ý thức hệ ở mức độ thái quá.Đảng ta không buộc phải như vậy. Bác Hồ của chúng ta có kiến thức sâu rộng, uyên bác, có năng lực dự báo tài tình là do Bác vừa có tố chất thông minh, vừa lăn lộn trong thực tế nhiều, trải nghiệm nhiều môi trường sống và làm việc trong nước và thế giới, và Bác quan tâm nghiên cứu, học tập, tiếp thu tính hoa của nhân loại, cả đông tây, cổ kim, của cả Mác, Ăng-ghen,Lê-nin, Chúa Giê-su, Khổng Tử, Tôn Trung Sơn, Nguyễn Trãi... Về mặt này, chúng ta phải học Bác nhiều hơn, phải tự giải phóng mình khỏi những sự trói buộc không cần thiết. Có khi ở tầm vĩ mô, đảng ta đã đổi mới rồi, nhưng ở địa phương, cơ sở vẫn cứ tự trói mình lại. Một kiểu trói rất mơ hồ, vu vơ.
b. Có bản lĩnh, nhưng với ý thức xây dựng và mềm dẻo
Viết bài NCTĐ, TVPB là phải có bản lĩnh, có ý thức xây dựng, có danh dự của kẻ sĩ trí thức. Sự quan tâm và bày tỏ chính kiến, thậm chí cả bằng việc làm phải trên tinh thần xây dựng. Nguyên tắc là chỉ nói đến việc, mà không nói tới người. Nhưng cũng có những trường hợp sau việc có bóng dáng người, nên cần phải cân nhắc cẩn trọng. Nói đến việc cũng phải ôn hòa, cởi mở, thông cảm chia sẻ, có lý, có tình, không cảm tính, võ đoán. Ý kiến của chúng ta cũng chỉ là một góc nhìn, không phủ định góc nhìn khác. Nên đề nghị cân nhắc thêm ý này, ý kia, phương án này, phương án kia, khi thực sự cần thiết mới phủ nhận A để thay bằng B.
c. Không quá cầu toàn về ý kiến TVPBđược tiếp thu như thế nào.Chúng ta thường băn khoăn, chưa tin tưởng về khả năng ý kiến TVPB được tiếp thu. Do đó ảnh hưởng đến sự tâm huyết trong hoạt động TVPB. Nhưng không nên quá nặng nề và cầu toàn về vấn đề này. TVPB 5-7 vấn đề mà được tiếp thu 2-3 vấn đề cũng đã tốt rồi. Ý kiến TVPB của chúng ta cũng chỉ là một góc nhìn khác, chỉ có giá trị tham khảo đối với cấp có thẩm quyền, chứ không phủ định các ý kiến khác. Vì vậy, khi có vấn đề có góc nhìn khác nhau cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều cấp lãnh đạo có phản hồi rõ ràng, những cái gì tiếp thu được, những cái gì không tiếp thu và vì sao. Như vậy chúng ta sẽ rút được kinh nghiệm trong việc lựa chọn vấn đề để TVPB.

4. Phát hiện và giải quyết vấn đề
4.1. Phát hiện vấn đề
Vấn đề thì thường xuyên và liên tục xuất hiện trong đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Với chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp hội, chúng ta quan tâm về các lĩnh vựcKH&CN, Giáo dục Đào tạo, Môi trường, Đội ngũ trí thức và các hội quần chúng nhiều hơn; Rồi đến Kinh tế, Xã hội.Xây dựng đảng thì ít hơn, các lĩnh vực khác (An ninh quốc phòng, đối ngoại...) thì hầu như không có. Về cụ thể thì muôn hình, vạn trạng, có vấn đề tầm quốc gia, có vấn đề tầm địa phương, có vấn đề chuyên ngành, có vấn đề đa ngành…
Có khi, người viết chủ động xác định chủ đề, nhưng cũng có khi là tình cờ, ngẫu nhiên. Để phát hiện được vấn đề thì không có cách gì khác là phải đọc nhiều, nghe nhiều, quan sát, liên hệ thực tế nhiều. Đi nhiều thì càng tốt. Không có điều kiện đi nhiều thì thỉnh thoảng gặp gỡ, nắm bắt thông tin từ nguồn của các sở ban ngành, đi dự hội nghị, hội thảo, tập huấn cũng tốt rồi.
Tri thức thì mênh mông bể sở, phát triển nhanh chóng từng ngày. Bài nghiên cứu trao đổi, tư vấn phản biện trên các diễn đàn, báo chí, mạng xã hội cũng rất đa dạng, mênh mông bể sở, xuất hiện hàng ngày. Tôi thấy choáng ngợp và lúng túng.
Thời gian không có nhiều, phải biết lựa chọn để đọc. Chủ yếu là xem truyền hình, nghe VOV1, đọc Báo,Tạp chí điện tử và mạng xã hội. Truyền hình thì không nên bỏ qua các buổi thảo luận của Quốc hội, các chuyên mục quốc hội với cử tri, 90 phút để hiểu, sự kiện và bình luận, khoa học & công nghệ và đời sống, phóng sự điều tra. Các báo điện tử thì hay đọc các bài phản biện về công việc của các cấp, các ngành, các bài đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện các kỳ đại hội đảng, dự thảo các dự án luật, cơ chế chính sách của đảng và nhà nước. Hay đọc các bài trên Diễn đàn trí thức (Diễn đàn Dân việt.vn (Thuộc Liên hiệp các hội KH&KT VN; Tạp chí Tia sáng.com.vn (Thuộc Bộ KH&CN);Diễn đàn doanh nghiệp (Thuộc VCCI); Diễn đàn Kinh tế... Nhiều tạp chí và báo điện tử khác, kể cả Tạp chí cộng sản, Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí lý luận chính trị của Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, không đủ thời gian thìưu tiên đọc mục Diễn đàn, Góc nhìn, hoặc Tọa đàm bàn tròn, mục phản biện.Khi có thông tin, kiến thức mới, góc nhìn mới thì phải liên hệ với thực tế ở địa phương, vấn đề đó có không, đã đến mức cần nghiên cứu, làm rõ để trao đổi, chia sẻ hay cảnh báo chưa?
Tư duy ngược cũng là một phương pháp rất tốt.“Thời thế tạo ra anh hùng”.Nhưng chúng ta cũng có thể đặt ngược vấn đề:“Anh hùng tạo ra thời thế”.Quả táo trên cây khi rơi, đương nhiên là rơi xuống đất. Newton thắc mắc, tạo sao nó không rơi ngược lên trời? Câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn đó đã đưa nhà bác học đến với thuyết vạn vật hấp dẫn nổi tiếng. Các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi đến bây giờ vẫn“nặng tìm cách giữ cán bộ ở lại”.Chúng ta cũng có thể đặt ngược vấn đề là“tại sao không tìm cách thiết lập quan hệ thân thiện với người ra đi?”. Để giải tỏa ách tắc giao thông thì phải hạn chế phương tiện đi lại của cá nhân. Nhưng chúng ta cúng có thể đặt ngược vấn đề:“Cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông công cộng tiện lợi thì người dân sẽ bỏ bớt, bỏ dần phương tiện cá nhân”.Làmnhưvậy, là chúng ta có thể thấy có vấn đề hay không.
4.2. Giải quyết vấn đề
* Một là:Tra cứu tư liệu
Ngày nay, tra cứu thông tin, tư liệu, số liệu không khó. Thường thì trên mạng Internet có rất nhiều bài viết liên quan đến vấn đề ta định đi sâu. Rất phong phú, đa chiều, tha hồ khai thác, kế thừa, phát triển, có điều là phải biết đánh từ khóa chuẩn trong Google. Khó nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn, số liệu về tiền nong cũng tra cứu được. Nếu trên Internet không thấy thì tra cứu thư viện pháp luật. Thư viện pháp luật không thấy thì tra cứu Công báo. Cácvấn đề về KHCN thì có nhiều trên cổng của Trung tâm thông tin KHCN quốc gia.
Tư liệu, số liệu của địa phương cũng có thể tra cứu được. Nếu không có hoặc không đầy đủ thì phải làm việc trực tiếp với ngành, đơn vị liên quan. Thậm chí có khi phải tự điều tra, khảo sát.
Tham gia ý kiến về đề án của cấp Trung ương(Dự thảo luật, văn bản quy phạm, cơ chế, chính sách) thì trước hếtphải xem qua một vài lần, tập trungvào các điểm mà ta có thông tin, kiến thức và thực tế nhiều nhất. Tiếp đến phải tra cứu các cấp, các ngành, các chuyên gia đã tham gia như thế nào rồi. Từ đó, đọc, đối chiếu với bản thuyết minh, tiếp thu của cấp có thẩm quyền. Ta có thể bày tỏ chính kiến đồng tình với nhóm ý kiến tham gia nào khác với dự thảo và bổ sung ý kiến tham gia mới, những vấn đề ta phát hiện hoặc vấn đề đã được nhiều người tham gia thấy có lý nhưng chưa được tiếp thu. Không nên ham nhiều nội dung. Có khichỉ tập trung vào một vài vấn đề mình am hiểu nhất.Việc lấy ý kiến củanhững đối tượng chiu tác động nhiều nhất cũng hay bộc lộ sơ hở, sai quy trình, cần được chú ý.
Tham gia Đề án của địa phương cũng tương tự.Cầntra cứu xem kỹ văn bản gốc của cấp có thẩm quyền. Tra cứu thiên hạ (Ngành này, ngành kia, tỉnh này, tỉnh kia trong cả nước) đã ban hành văn bản chính thức hay đang dự thảo. Tra cứu xem ngành, địa phương mình tham khảo dự thảo của ngành hay địa phương nào. Dự thảo đó đã được các ý kiến tham gia ra sao, đã phải là chuẩn nhất, phù hợp nhất với ngành hay địa phương chúng ta chưa. Có mấy vấn đề cầnchú ý. Đề án của ta sao chép hay đã được địa phương hóa phù hợp như thế nào, mục tiêu, chỉ tiêu cao hay thấp. Những đối tượng chịu tác động nhiều nhất đã được lấy ý kiến chu đáo chưa. Thể thức văn bản ban hành trực tiếp hay ra quyết định phê chuẩn là phù hợp nhất. Xem dự thảo của ngành, địa phương ta khi sử dụng văn bản gốc của cấp trên có vấn đề gì hiểu nhầm không.
Trường hợp có điều tra khảo sát thì tôi xem phương pháp, số liệu có bảo đảm tin cậy không, có mâu thuẫn với nguồn khác không. Nếu liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ thì tra cứu, đối chiếu,thậm chí hỏi ý kiến chuyên gia.Nếu liên quan đến quy mô, địa điểm, dân cư, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh thì phải đi tim hiểu.
* Hai là:Phải nắm chắc, viết bài NCTĐ hay TVPB để đăng Báo, Tạp chí phải biết cái gì nên nói và được nói, cái gì không.Tức là phải nắm chắc quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm và những điều quy định của Luật báo chí (2018). Không phải chỉ để tránh sa bẫy, mà còn để tự tin sử dụng tối đa quyền của mình.
Để tránh sa vào bẫy thì phải biết:
(1)Không được viết sai sự thật, không tô hồng, không bôi đen. (2)Việc sử dụng các văn kiện của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tài liệu của các tổ chức phải theo đúng những quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
Để phát huy tối đa quyền của mình thì phải biết:
(1)Công dân và nhà báo đượcgửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin;(2)Đượcphát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới;(3)Đượctham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;(4)Được góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.
Nhưng trí thức chúng ta phần lớn là đảng viên, nên việc phát ngôn, viết lách còn phải thực hiện theo quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm. Phải chú ý, không được phát tán tài liệu đến người không có thẩm quyền giải quyết. Tức là gửi cái gì, gửi cho ai là phải hết sức cân nhắc.
* Ba là:Tránh thói quen làm văn bản hành chính công vụ khi viết bài NCTĐ và TVPB
Văn bản hành chính công vụ theo khuôn mẫu, thiên về áp đặt, văn phong báo cáo hoặc quy phạm. Báo chí phổ thông thiên về phản ánh hay tường thuật, phóng sự, sự kiện và nhân vật là trung tâm. Văn học nghệ thuật thiên về hình tượng, tính cách, số phận nhân vật là trung tâm. Báo cáokhoa học hay bài báo khoa học cũng theo khuôn mẫu quy định, dựa vào kết quả nghiên cứu, có điều tra khảo sát hoặc thực nghiệm. Bài NCTĐhay TVPB thiên về nghị luận chứng minh.
Bài NCTĐ như đã nói ở trên, cũng là nghiên cứu nhưng ở mức độ phổ thông hơn, cơ bản cũng trình bày có luận điểm, luận cứ và luận chứng. Giới hạn một chủ đề gồm một hay một số vấn đề nhỏ. Hình thức rất linh hoạt, đa dạng, có thể viết xuyên suốt hoặc đặt thành các mục nhỏ. Ngôn ngữ đan xen báo chí, khoa học và nghị luận, chứng minh, thiên về nghị luận chứng minh. Cách thể hiện hoặc là theo phương pháp quy nạp( đi từ cái cụ thể đến khái quát); Hoặc theo phương pháp diễn dịch (Đi từ khái quát đến cụ thể).
Còn bài TVPB thì tùy theo thực hiệntheo quyết định 14 (Quyết định 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), hay TVPB độc lập. Khi chỉ lựa chọn một hai nội dung có quan hệ chặt chẽ với nhau, thì có thể viếtthành bài; Nếu lựa chọn nhiều nội dung, viết đứt đoạn theo từng phần, từng mục thì khó thành bài. Nhưngtừng ý kiến, từng nội dung tham gia đều cần có lập luận, chứ không phải tham gia thông thường, chủ quan, cảm tính.
Những người từng làm việc nhiều năm trong bộ máy của cơ quan đảng, nhà nước, đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp quen thể loại văn bản hành chính công vụ, theo khuôn mẫu, thứ bậc, mang tính thẩm quyền một chiều, áp đặt, lại kế thừa, sao chép nhiều, ít sáng tạo, không có tính chất bản quyền tác giả. Còn văn bản NCTĐ, TVPB lại khác, không có thứ bậc. Riêng bài NCTĐ phải có tính mới, không được sao chép (nếu sử dụng, trích dẫn tài liệu thì phải chú thích, ghi rõ nguồn. Nếu không là phạm phải đạo văn, tức là phạm phải liêm chính học thuật.
Bài NCTĐ được ấn định dung lượng, còn bài hay báo cáo chuyên đề TVPB không được ấn định. Tuy nhiên không nên dài, nên ngắn gọn, rõ ý, lập luận chắc, hơn là viết dài mà vơ bèo, vạt tép. Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam từng phản biện thành công dự đầu tư khu vui chơi, giải trí trên núi Tam Đảo, báo cáo phản biện chỉ có hơn 3 trang. Cái gì thì tham gia toàn diện, cái gì thì tham gia có trọng điểm, cần được cân nhắc. Một trong những dự án trọng điểm quốc gia mà Liên hiệp hội Việt Nam phản biện thành công, gây được tiếng vang là dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La. Liên hiệp hội chỉ tập trung phản biện cao trình đập và cao trình nước ngập. Cần tránh lối viết “cần phải thế này”, “cần phải thế kia” như trong báo cáo của cơ quan nhà nước hay nghị quyết của cơ quan đảng. TVPB mà viết như vậy là khẳng định “duy nhất”, chứ không phải là một góc nhìn, nên khó tiếp thu. Còn bài NCTĐ, viết như vậy là võ đoán, áp đặt, chứ không phải là trao đổi./.