Võ Hoàng Yến - “Nữ anh hùng của niềm hy vọng”
(NTD) - Vào lúc 15h30, ngày 31/8/2018 tại Manila (thủ đô Philippines) đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Ramon Magsaysay 2018 (được xem là giải Nobel của châu Á) nhân dịp giải thưởng này tròn 60 tuổi. Trong số 6 người được vinh dự trao giải, có một người Việt Nam: Tiến sĩ Võ Hoàng Yến.
Tiến sĩ Võ Hoàng Yến
Vươn lên từ đôi chân khuyết tật
Người viết quen biết với Võ Hoàng Yến cách đây khoảng hơn 10 năm qua các người bạn là những nghệ sĩ khuyết tật: Ca sĩ Thủy Tiên (chuyên hát nhạc Trịnh), nghệ sĩ “Độc thủ đại hiệp” Nguyễn Thế Vinh (chuyên song tấu kèn harmonica với đàn guitar, dù chỉ còn một cánh tay), nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương… Hoàng Yến cũng có số phận nghiệt ngã như các bạn của mình, cô bị sốt bại liệt từ lúc mới 2 tuổi (1968). Từ đó cô phải di chuyển bằng cặp nạng hoặc ngồi trên xe lăn. Tuy nhiên, với một nỗ lực phi thường Hoàng Yến đã không chấp nhận đầu hàng số phận. Đi học, bị bạn bè chế giễu, Hoàng Yến chỉ tự nhủ “Phải học thật giỏi để các bạn không thể coi thường mình”, và suốt 12 năm trung học ở Trường THPT Long Thành (Đồng Nai) Hoàng Yến luôn là học sinh giỏi. Tuy nhiên, cô phải thi đại học (ĐH) đến 3 lần mới đậu… Và trong 15 năm tiếp theo cô đã lấy 2 bằng cử nhân về kinh tế (ĐH Kinh tế TP.HCM) và giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM). Ngày đầu tiên tôi gặp Hoàng Yến là lúc cô mới về nước sau khi lấy bằng Thạc sĩ Phát triển con người (ĐH Kansas, Mỹ). Lúc ấy, cô cũng vừa thành lập Hội quán Đời Rất Đẹp (ở đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM).
Huy chương in hình Tổng thống Remon Magsaysay và chân dung 6 người nhận giải năm 2018.
Hội quán Đời Rất Đẹp hoạt động bởi sự tài trợ của quỹ Ford Việt Nam, đây là nơi duy nhất ở TP.HCM tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho người khuyết tật, thư viện sách, những buổi học qua phim, những buổi sinh hoạt chuyên đề do các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ, những buổi giao lưu với sinh viên đến từ các trường đại học hay với các nghệ sĩ trong và ngoài nước... Mỗi cuối tuần còn có đêm nhạc do các bạn khuyết tật biểu diễn cùng các ca sĩ chuyên nghiệp. Thực ra, cái tên “Đời Rất Đẹp” bắt đầu bởi tên của “Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật” mà tiếng Anh viết tắt là DRD (Disability research and capacity development). Năm 2010, khi mở hội quán sinh hoạt cho người khuyết tật, Hoàng Yến đã giữ cái tên viết tắt DRD và “dịch” 3 chữ này qua tiếng Việt là “Đời Rất Đẹp”. Hội quán Đời Rất Đẹp (DRD) ra đời từ đấy. Đến nay, DRD đã trực tiếp hỗ trợ khoảng 15.000 lượt người khuyết tật. DRD cũng làm việc với chính phủ và các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến người khuyết tật và thúc đẩy việc xây dựng một môi trường thân thiện với người khuyết tật… DRD còn có một chương trình học bổng dành riêng cho sinh viên khuyết tật có tên gọi Người Bạn Đồng Hành.
Chính từ những nỗ lực hoạt động cho cộng đồng người khuyết tật, cái tên Hoàng Yến đã được các tổ chức phi lợi nhuận chú ý và trân trọng trao cho cô những giải thưởng tiêu biểu, như: Giải “The US President’s Call to Service Award” (chính phủ Mỹ, 2010); Giải “Kazuo Itoga Memorial Prize” lần thứ 13 (Nhật, năm 2009, tôn vinh cá nhân có thành tích xuất sắc đối với vấn đề phúc lợi cho người khuyết tật tại châu Á - Thái Bình Dương); Giải “Australia Leadership Award” (Úc, 2014).
Cũng trong năm 2014, Hoàng Yến được học bổng của chính phủ Úc. Sau 4 năm theo học tại Trường ĐH La Trobe, Võ Hoàng Yến đã lấy bằng Tiến sĩ công tác xã hội hạng xuất sắc. Cô hiện là Phó chủ tịch Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD), nhiệm kỳ 2017-2022.
6 nhân vật được vinh dự nhận giải Remon Magsaysay năm 2018.
Giải thưởng Ramon Magsaysay
Ramon del Fierro Magsaysay (1907-1957) là tổng thống thứ 7 của Philippines, tại nhiệm từ năm 1953 đến khi qua đời vào năm 1957 trong một tai nạn máy bay. Một năm sau khi ông tử nạn, giải thưởng Ramon Magsaysay được thành lập (1958) nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức giải quyết những vấn đề phát triển con người ở châu Á với sự can đảm và sáng tạo. Đến nay giải thưởng đã tròn 60 tuổi và 6 người được trao giải của năm 2018 sẽ làm tròn con số 330 vị được vinh dự nhận giải thưởng định kỳ cao quý này trong suốt 60 năm. Trong 330 vị này, Việt Nam vinh dự có 2 người được xướng tên là GS. Võ Tòng Xuân và TS. Võ Hoàng Yến.
Giải thưởng Ramon Magsaysay 2018 có chủ đề “Những anh hùng của niềm hy vọng” được trao cho 6 người đến từ 5 quốc gia: Ấn Độ (2 người), Đông Timor, Campuchia, Việt Nam và Philippines.
Khi bầu chọn Võ Hoàng Yến để trao tặng giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2018, hội đồng xét duyệt đã công nhận ý chí kiên cường và năng lượng phi thường của Yến khi cô vượt lên trên hoàn cảnh của mình; sự sáng tạo và lãnh đạo đầy lôi cuốn của cô trong chiến dịch phá vỡ các rào cản về thể chất và tinh thần, những rào cản này đã khiến những người khuyết tật ở Việt Nam bị thiệt thòi; và vì cô là một nhân vật xuất sắc đã truyền cảm hứng cho giới trẻ ở Việt Nam cùng những nơi khác trên thế giới noi theo.
TS Võ Hoàng Yến và các em khuyết tật ở Trung tâm DRD.
Trong buổi lễ trao giải diễn ra vào chiều 31/8 có sự hiện diện trang trọng của bà Phó Tổng thống Philippines Maria Leonor Robredo, các vị thành viên Hội đồng Quản trị của Quỹ the Ramon Magsaysay Award, các thành viên của gia đình Tổng thống Magsaysay cùng các vị khách quý…
“Đối với tôi, khi vinh dự nhận giải thưởng này là tôi đang thay mặt cho người khuyết tật ở nước tôi và các nước đang phát triển khác bởi vì tôi là một trong số họ, những người được xem là những người nghèo nhất trong những người nghèo và là những người dễ bị tổn thương nhất trong những người dễ bị tổn thương. Chính các kiểu phân biệt đối xử và cuộc đấu tranh của người khuyết tật để có một cuộc sống tốt đẹp hơn đã là động lực để tôi cố gắng làm hết sức mình tạo sự thay đổi…!” - Võ Hoàng Yến bày tỏ.
Nguồn: nguoitieudung.com.vn