HOA XƯƠNG RỒNG TRÊN ĐÁ
“Tuy không được chọn cho mình một cơ thể lành lặn nhưng tôi đã chủ động chọn cho mình cách sống. Cuộc sống dẫu có khắc nghiệt đến mấy cũng không thể ngăn cản mình tìm thấy hạnh phúc. Vẫn còn rất nhiều cách để ta gieo tình yêu cho đời, cho mọi người quanh ta. Quan trọng là ta phải biết mở lòng chấp nhận sự thật và dám đối diện với thử thách để vượt lên chính mình” Những lời tâm sự từ đáy lòng của chàng trai mù Lù Văn Dương - Ủy viên Ban thường vụ Hội Người mù tỉnh Sơn La đã trở thành niềm tin, động lực phấn đấu cho rất nhiều người đồng cảnh. |
Sinh ra và lớn lên giữa tình yêu thương của ba mẹ, anh chị. Một tai nạn năm 6 tuổi đã khiến Dương bị hỏng cả hai mắt. Mất đi đôi mắt là cú sốc quá lớn đối với một cậu bé khi đột ngột bị tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày cùng bè bạn. Nhớ lại quãng thời gian đó anh bộc bạch “Lúc đó gần như mỗi ngày tôi chỉ ngồi một chỗ, không được chơi, không được đi học với bạn bè cũng không được tự mình làm bất cứ việc gì. Cuộc sống là những chuỗi ngày dài cô đơn và ngập trong nước mắt của mẹ, của chính tôi”.
Bước ngoặt cuộc đời đến với Dương lần nữa khi gia đình anh biết đến trường Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội. Đem theo niềm hi vọng được học tập, được hòa nhập năm 2005 Dương rời xa gia đình bắt đầu theo học tại trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Vào học được làm quen với chữ Braille, những ô sáu chấm kỳ diệu ấy đã đưa anh đến với những trang sách đầy ắp kiến thức lý thú và bổ ích. Sở hữu một lối sống lành mạnh, cởi mở thích kết bạn lại không ngần ngại chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, anh nhanh chóng nhận được sự tin yêu và chỉ bảo tận tình của thầy cô, các anh chị đi trước. Chính từ mái trường thân yêu này Dương bắt đầu được tiếp xúc với âm nhạc và tìm thấy được niềm vui, niềm tin vào bản thân và cuộc sống trong thế giới đầy cung bậc cảm xúc này anh bắt đầu học hát, làm bạn với cây đàn tứ. Càng tiếp xúc nhiều với âm nhạc anh càng yêu hơn những âm thanh trầm bổng của các loại nhạc cụ, những ca từ ngập tràn tình yêu và niềm tin vào cuộc sống. Mày mò cùng bè bạn Dương đã biết sử dụng thêm 2 loại nhạc cụ mới là Ghita và sáo trúc rồi được chọn vào đội văn nghệ của nhà trường. Thời gian tham gia đội văn nghệ đã giúp Dương có thêm rất nhiều bạn bè và những kỉ niệm đáng nhớ từ những chuyến đi biểu diễn xa tại Nhật Bản hay nước Pháp… để giới thiệu về văn hóa, vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của đất nước, con người Việt Nam. Những trải nghiệm đó đã giúp anh có một đời sống tinh thần hết sức phong phú và thú vị.
Rời mái trường Nguyễn Đình Chiểu về công tác tại Hội Người mù Sơn La từ cuối năm 2012. Trong cương vị công tác mới Ủy viên Ban Thường vụ - Phụ trách công tác kiểm tra kiêm công tác Tuyên Văn Giáo của tỉnh hội anh đã nỗ lực không ngừng học hỏi trau dồi kiến thức. Nhớ lại quãng thời gian khó nhọc khi thơ bé anh luôn tích cực đi thăm, dạy chữ nổi cho những người đồng cảnh và vận động hội viên đi học chữ Braile (chữ nổi) khi tỉnh hội mở lớp, để các lớp học đạt kết quả tốt anh đã chủ động xin tỉnh hội cử đi học lớp giáo viên chữ nổi tại Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù để trở thành người thầy đưa những con chữ, những kiến thức mới tới cho những người đồng cảnh, đặc biệt là trẻ em mù.
Hưởng ứng cuộc thi ONKYO lần thứ 13 năm 2015 do Hiệp hội người mù khu vực Châu Á Thái Bình Dương (WBUAP) phát động với câu chuyện về chính bản thân mình kể về những nỗ lực vượt khó khi làm quen cho đến khi đọc thành thạo chữ Braille và những khó khăn ban đầu khi tiếp xúc cũng như tình yêu cháy bỏng với âm nhạc được viết lên gây nhiều xúc động cho người đọc, đem đến hy vọng cho những người đồng cảnh đã đạt giải tác phẩm xuất sắc ở nhóm tuổi từ 26 tuổi trở lên với giải thưởng 500 USD và bằng khen khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Cũng trong năm này anh được chọn là đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 3 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Nhận nhiệm vụ trực tiếp phụ trách công tác Tuyên văn giáo của hội Người mù tỉnh Sơn La vẫn mang trong tâm mình niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc lại sở hữu một giọng ca cao, khỏe, truyền cảm, sử dụng thành thạo đàn ghita, sáo trúc, sáo mèo… chả mấy chốc Dương đã trở thành thủ lĩnh của phong trào văn nghệ của tỉnh hội Sơn La không những thế anh còn tiếp tục mang tình yêu âm nhạc truyền lại cho những người em, người bạn đồng tật với mình. Họ đã cùng nhau luyện tập, biểu diễn tại các chương trình của tỉnh hội tổ chức, các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Nghị lực và khổ luyện đã đem đến cho Dương cùng đồng đội nhiều thành tích đáng ghi nhận tại nhiều cuộc thi văn nghệ như huy chương bạc tại Liên hoan “Những trái tim khát vọng” do Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức và gần đây nhất là 2 Huy chương vàng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát từ trái tim” do hội Người mù Việt Nam phối hợp cùng bộ Văn hóa, thể thao, du lịch tổ chức.
Sự kiên trì, nỗ lực đó của Dương cùng với những thành tích mà anh đạt được khiến tôi nghĩ đến những bông hoa xương rồng kiên cường vượt qua khó khăn, khắc nghiệt trên núi đá khô cằn để kiêu hãnh dâng cho đời những bông hoa rực rỡ. Chúc cho anh sẽ luôn vững vàng niềm tin để xứng đáng với sự tin yêu của gia đình, hội viên và lời dạy của bác “Tàn nhưng không phế”.
|
Nguyễn Thúy – Hội Người mù Sơn La |