Nguyễn Văn Linh – Kíến trúc sư chủ chốt của đổi mới, người cộng sản kiên trung, mẫu mực
Nguyễn Văn Linh – Kíến trúc sư chủ chốt của đổi mới, người cộng sản kiên trung, mẫu mực
Kỷ niệm 107 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
(01/7/1915 - 01/7/2022)
Nguyễn Văn Linh – Kiến trúc sư chủ chốt của đổi mới,
người cộng sản kiên trung, mẫu mực
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, (Sinh ngày 01 tháng 7 năm 1915 – mất ngày 27 tháng 4 năm 1998) là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chính là người có công lao to lớn nhất - người đầu tiên khởi xướng công cuộc đổi mới tại Đại hội VI năm 1986. Đồng chí có vai trò quan trọng trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ảnh: thanhuytphcm.vn
Trong Điếu văn của đồng chí Lê Khả Phiêu - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đọc tại lễ truy điệu Đồng chí Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ngày 29/4/1998 khẳng định: “Đồng Chí Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên Cộng sản rất mực kiên cường, trung thành tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của người dân, một người lãnh đạo có úy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế” (1).
Sinh ra trong thời kỳ đất nước bị nô lệ, cả dân tộc khổ cực lầm than, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, năm 14 tuổi đã tham gia hoạt động yêu nước. Năm 15 tuổi đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân và sau đó bị bọn thực dân phong kiến đày ra Côn Đảo. Đến năm 1936, sau khi ra tù lần thứ nhất, đồng chí về hoạt động ở Hải phòng và miền Trung. Đồng chí đã trực tiếp tham gia lập lại xứ ủy Trung kỳ. Năm 1941, Đồng chí bị địch bắt lần thư hai ở Vinh và bị chúng đưa ra nhà tù Côn Đảo. Hai lần bị quân thù bắt và bị tù đày 10 năm nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí không ngừng học tập và đấu tranh, luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, cách mạng và nhân dân.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Trung ương Đảng phân công tham gia chiến đấu ở Nam Bộ và từ đó gắn bó cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với đồng bào miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí lần lượt được Đảng giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1946-1947), Bí thư đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1957-1960). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và sau đó là Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Công ty vận tải Biển Sài Gòn - Ảnh: thanhuytphcm.vn
Năm 1976, Đồng chí là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến tháng 12 năm 1980. Sau đó đồng chí được phân công theo dõi thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở các tỉnh miền Nam.
Tháng 12 năm 1981, Đồng chí được Trung ương Đảng phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3 năm 1982, tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ V của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6 năm 1985, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Với thành tích ba lần giữ cương vị Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh-một thành phố đông dân nhất với những khó khăn, phức tạp nhất trong cả nước, Đồng chí lại tiếp tục có những cống hiến mới, đi sát thực tiễn. Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng đóng góp tích cực, có hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách mới của Đảng, mở ra thời kỳ mới trong xây dựng CNXH ở nước ta.
Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng – Đại hội VI, Đại hội đổi mới của Đảng đã dám “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật” mà trước hết là chỉ ra những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng: “Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế - xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng – tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân” (2). Nhận trọng trách Tổng Bí thư Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, cùng Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra những quyết sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu phát triển; đổi mới khâu phân phối lưu thông, đồng thời tích cực vận động quốc tế, phá thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào con đường hội nhập, phát triển. Thành công trong 5 năm đầu (1986-1991) của thời kỳ đổi mới trước hết phải nói tới thành công về mặt tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng. Thành công bước đầu của công cuộc đổi mới đã đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế -xã hội, cũng cố niềm tin của nhân dân đối vơi sự lãnh đạo của Đảng, với chế độ; là sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng ta vạch ra Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoạch định kế hoạch dài hạn trong xây dựng và bảo vệ đất nước những năm tiếp theo thông qua các Đại hội Đảng.
Là người coi trọng thực tiễn, với tư duy nhạy bén, năng động, Đồng chí nhận thấy nguyên nhân cơ bản cản trở quá trình đổi mới được bắt nguồn từ nhận thức của xã hội giáo điều, xơ cứng, bảo thủ, trì trệ; tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ lãnh đạo, một số cơ quan công quyền vẫn tồn tại. Để củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, với sự nghiệp đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra Những việc cần làm ngay với bút danh N.V.L (Từ ngày 25-5-1987 đến ngày 28-9-1990 có 27 bài báo nhan đề Những việc cần làm ngay, ký tên N.V.L đăng trên báo Nhân dân), tập trung phê phán các hành vi quan liêu, tham nhũng, hống hách, cửa quyền, ức hiếp quần chúng… của một số cán bộ có chức có quyền mà lâu nay vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, không ai dám nói. Những bài báo về Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư được các phương tiện thông tin đại chúng hưởng ứng nên có sức lan tỏa nhanh chóng trong quần chúng nhân dân, thổi bùng thành một phong trào chống tiêu cực rộng lớn trên khắp cả nước, bởi lẽ, ông ý thức một cách sâu sắc rằng: “ Một N.V.L hay vài N.V.L không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước” (3).
Có thể nói, qua 30 đổi mới với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, mỗi kỳ đại hội đánh dấu một bước tiến rõ rệt trong nhận thức lý luận của Đảng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… trên con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu lý luận về chủ nghĩa xã hội, về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được thể hiện tập trung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá đội lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định tám đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; cón nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước trên thế giới”(4). Có được những thành tựu ấy, chúng ta càng tự hào, càng ghi ơn công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, người Tổng Bí thư của Đảng trong những năm đầu của công cuộc đổi mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm nông dân hợp tác xã Phước Tú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tháng 1 năm 1988 - Ảnh: vannghelongan.vn
Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục ở nhiều vùng, nhiều địa phương trên 3 miền đất nước, qua các thời kỳ khác nhau, với bao gian khổ hy sinh và thử thách, dù ở cương vị công tác nào, dù phức tạp đến mấy, đồng chí vẫn luôn giữ niềm tin ở lý tưởng cách mạng, luôn thể hiện rõ là một người cộng sản rất mực kiên cường, nhà tổ chức xuất sắc và một trí tuệ sáng tạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, người học trò xuất sắc của của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước, lời nói đi đôi với việc làm.
Thường xuất hiện ở những điểm khó khăn và cả trong những bước ngoặt của cách mạng để tổ chức và lãnh đạo thực hiện thành công đường lối, nghị quyết của Đảng, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của một người cộng sản chân chính. Dù ở đâu, làm gì, Đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, luôn trau dồi kiến thức, lắng nghe ý kiến đồng bào, đồng chí, quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng, bảo vệ các đường lối của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng nhiều lần khẳng định: “Trình độ trí tuệ dù quan trọng đến mấy cũng chỉ là một nhân tố trong những điều kiện cần có của một cán bộ. Chú ý rằng, phẩm chất cách mạng là yếu tố hết sức cơ bản. Lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân; ý chí cách mạng tiến công, sự chiến đấu không mệt mỏi để xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu quả; sự gắn bó và ý thức phục vụ nhân dân lao động, tôn trọng và xây dựng quyền làm chủ của nhân dân lao động; tính trung thực, ý thức dám đấu tranh và biết tự phê phán cùng với sinh hoạt cá nhân lành mạnh, nêu gương được cho mọi người xung quanh... Tất cả những điều này không có trong cán bộ nào đó, thì dù trí tuệ có cao đến đâu cũng không có ích gì cho cách mạng”(5).
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, người cộng sản kiên trung, đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, những phẩm chất cao đẹp, những quyết sách sáng tạo, nhạy bén trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là về tinh thần đổi mới đã, đang và mãi mãi là nguồn cổ vũ to lớn, là phương châm chiến lược, là phương thức hành động để toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới ngày càng đạt nhiều thắng lợi.
Noi gương Đồng chí Nguyễn Văn Linh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chỉ Minh”. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, đặc quyền, đặc lợi, nói không đi đôi với làm; chủ động nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thách thức đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, học tập phẩm chất cộng sản cao quý “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, luôn nêu cao đạo đức cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; dũng cảm, sáng tạo, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; kiên quyết thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Văn Thanh
Tài liệu tham khảo:
(1)-Điếu văn của BCH trung ương Đảng do đông chí Lê Khả Phiêu đọc tại lễ truy điệu đồng chí ngày 29-4-1998.
(2)-Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật. HN, 1987, tr., 27.
(3)-N.V.L. Những việc cần làm ngay. Báo Nhân Dân, ngày 25-6-1987.
(4)- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr.70.
(5)-Nguyễn Văn Linh - Hành trình cùng Lịch sử, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 456
-Nguyễn Văn Linh - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội - 2007
Ảnh sưu tầm: Thành Công