NÉT SÁNG TRONG SẢN XUẤT THỔ CẨM Ở THUẬN CHÂU
Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Sơn La đã có từ rất lâu đời phục vụ cho sinh hoạt, đời sống và trở thành văn hóa truyền thống độc đáo của người dân tộc Thái. Ngoài ý nghĩa về văn hóa mà còn có giá trị sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách mỗi khi có dịp ghé thăm.
Trước đây, khi kinh tế còn chưa phát triển, sản phẩm thổ cẩm làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng và một phần để trao đổi theo phương thức vật đổi vật. Phương thức sản xuất là thủ công, tại gia. Ngày nay, kinh tế thị trường đã phát triển, sản phẩm thổ cẩm đã trở thành một loại hàng hóa có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Sản xuất thổ cẩm đã được cải tiến phương tiện sản xuất kết hợp dụng cụ thô sơ, truyền thống với cơ giới hóa, sản xuất theo phương thức công nghiệp hơn nhưng nét sáng ở bản Pán sản phẩm do người dân tộc Thái sáng tạo cải tiến máy để sản phẩm làm ra không khác với nghệ nhân lành nghề làm bằng tay.
Trong chương trình đồng hành cùng cơ sở sản xuất của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sơn La chúng tôi đến cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thổ cẩm của gia đình chị Lường Thị Nhung ở Bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu. Chị Nhung là cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thổ cẩm lớn nhất trên địa bàn huyện với doanh số bán hàng hóa trên 2 tỷ đồng/năm chủ yếu là trang phục (váy, áo Cóm), trang sức, vỏ chăn, ga, gối, đệm của đồng bào dân tộc Thái. Sản phẩm do cơ sở sản xuất của Chị có mặt hầu khắp trên thị trường tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và bán cả sang Lào.
Hình ảnh: Chị Nhung đang giới thiệu cho đoàn công tác nguyên liệu sản xuất thổ cẩm
Là người dân tộc Thái, chị Nhung hiểu được giá trị của các mặt hàng thổ cẩm mà mình đang kinh doanh và sản xuất. Chị cho biết nhu cầu hàng thổ cẩm hiện tại là rất lớn. Trên thị trường hiện có các mặt hàng hoa văn như thổ cẩm phần lớn nhập từ dưới xuôi, hoặc Trung Quốc là sản phẩm của sản xuất công nghiệp số lượng lớn, giá rẻ, chất liệu hóa học, mỏng mặc nóng, không thấm mồ hôi vì vậy lượng bán ra đang giảm dần. Với cơ sở sản xuất của Chị, nguyên liệu để sản xuất thổ cầm gồm sợi bông, tơ, kim tuyến, hoặc len nhập lên từ các công ty, nhà máy sợi Việt Nam nên giá nguyên liệu cộng tiền nhân công, chi phí sản xuất tại chỗ rẻ hơn mua vải về bán lại. Tuy nhiên sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng đủ vẫn phải nhập thổ cẩm ở làng nghề Nam Định, Hà Nội để may trang phục đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trăn trở về việc sản xuất hàng thổ cẩm, cộng với sự nhạy bén trong kinh doanh chị Nhung đầu năm 2017, đã đầu tư mua sắm máy dệt vải bán công nghiệp về cải tiến, bổ sung chi tiết để sản xuất ra thổ cẩm có chất lượng không khác với dệt bằng khung cửi truyền thống, nhưng năng suất rất cao. Máy dệt bán công nghiệp chỉ sử dụng 1 thoi cho 1 loại sợi. Máy cải tiến chạy được rất nhiều thoi và dệt nhiều sản phẩm (khăn, dây túi, dây lưng, hoa văn khác nhau trên cùng 1 máy. Về quy mô sản xuất hướng tới thành lập tổ hợp tác sản xuất để tự chủ động sản xuất, đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Bước đầu cơ sở của chị đã có 7 máy dệt bán công nghiệp. Hỏi về cải tiến máy dệt này Chị nói hỏi Cậu Nghi là em trai ruột của Chị là người phụ trách kỹ thuật. Gặp anh Nghi mới thấy rằng xuất thân từ nông nghiệp với trọng trách Chị Gái giao cho, qua lao động, sản xuất cùng với sự sáng tạo Anh Nghi đã có rất nhiều cải tiến từ khâu tách sợi, đánh suốt, cấp sợi, máng thoi (7 thoi trên 1 máy và điều khiển thoi vào máng bằng các lỗ của xích xe máy và thẻ tre), điều khiển thoi nhịp nhàng với nhả lược tạo hoa văn trên vải tất cả đều tự động và bằng các vật liệu tre, gỗ, dây cao su, lò so, xích xe đạp… tất cả đều do Anh tự làm, lắp đặt điều đặc biệt đó là sản phẩm thổ cẩm đề có hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái (hình quả tram, con cò, con bướm…). Đối với dàn suốt thay cho sử dụng 01 trục cuốn sợi anh Nghi đã thiêt kế được một hệ thống “dàn” các lô suốt nằm ngang, các ống suốt nhỏ lắp cạnh nhau, rất dễ dàng thay thế, thêm sợi, nối sợi mà không ảnh hưởng đến lô suốt khác. Anh Nghi còn sáng tạo, lắp ráp được các thiết bị cuốn sợi từ các linh kiện motơ công xuất nhỏ, dễ kiếm để chủ động được phương tiện sản xuất. Tất cả các máy bố cục gọn, chiếm diện tích ít, vận hành rất đơn giản dễ thực hiện, một người có thể điều khiển nhiều máy. Hoặc lắp đặt chuyển giao cho các hộ gia đình khác vừa sản xuất vừa trông trẻ, nội trợ, làm việc khác, hết chỉ máy tự động dừng. Tương lai chị Nhung tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất lên 15 – 20 máy. Trong quá trình mở rộng sản xuất Chị cũng mong nhận được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước để có nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Chị cũng mong nhậ được sự tư vấn trong việc tạo sự khác biệt trong sản xuất, sản phẩm dễ nhận ra đó là do cơ sở Nhung Luyến sản xuất để dần dần tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Hình ảnh: Trong xưởng dệt của chị Nhung
Sự tài hoa của hai chị em người dân tộc Thái ở bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, sự kết hợp hài hòa sản xuất và kinh doanh, cung đáp ứng cầu và không chỉ dừng lại ở việc dệt thổ cẩm với khung cửi truyền thống, mà đã có nhiều sáng tạo, từng bước làm chủ những phương tiện sản xuất công nghiệp đây là nét sáng trong sản xuất. Hy vọng một ngày không xa họ có mặt trong lễ vinh danh sản phẩm sáng tạo, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và nhà kinh doanh giỏi của tỉnh Sơn La./.
Hình ảnh: Hệ thống suốt sợi do anh Nghi cải tiến
Hình ảnh: Một chiếc máy với trục cuốn sợi nguyên bản chưa cải tiến
Bài viết: Tuyên Phong