Chàng trai Mông đi học công nghệ trồng rau ở Israel
Từ một bản làng xa xôi, chàng trai người Mông Giàng A Dạy, ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã vượt khó sang Israel học công nghệ trồng rau và về áp dụng trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Sang xứ người học công nghệ
Giàng A Dạy sinh ra trong một gia đình nghèo, có 4 anh chị em. Bố mẹ em chỉ làm nông nhưng lại có tư duy rất tân tiến. Ở bản Mông bao đời nay, người ta chỉ quen với việc gắn bó với ruộng đồng, con trai, con gái lớn lên lấy chồng, lấy vợ rồi cũng chỉ quẩn quanh ở nhà. Ít ai chú trọng tới việc cho con cái ăn học, nhưng bố mẹ Dạy thì khác, họ luôn khuyến khích các con phải chăm chỉ học hành.
Giàng A Dạy học hết cấp 3, thi đậu vào khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Tây Bắc. Trong thời gian học đại học, nghe tin Trường Đại học có chương trình đưa sinh viên sang học tập và làm việc tại Israel về nông nghiệp. Vốn đi lên từ quê nghèo, cha mẹ lại làm nông, lao động cực nhọc. Bao mùa hè của Dạy cũng là những ngày đổ mồ hôi trên nương. Thấm thía điều đó nên Dạy quyết tâm thi cho đậu. Vốn là bí thư lớp, lại tích cực trong học tập và làm việc nên Dạy được chọn là 1 trong 5 thanh niên được sang Israel học tập và làm việc.
Ước mơ của Giàng A Dạy là tạo ra một hợp tác xã chuyên rau sạch và cây ăn quả
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của những khó khăn sau này, vì sinh viên được chọn phải tự lo vé máy bay, lo học tiếng Anh, chi phí khám sức khỏe. “Tất cả những khoản phí đó lên tới 40 triệu đồng, trong khi trong nhà em lúc đó chẳng có đồng nào. Bố em lại mất sớm, mẹ em làm ra bao nhiêu đều để cho các con ăn học rồi nên không có tiền tiết kiệm. Nhưng em vẫn thuyết phục mẹ và mọi người trong họ vay tiền cho em đi” - Dạy kể.
Cầm theo hành trang là số tiền ít ỏi và những kỳ vọng của mẹ, người thân, Dạy sang Israel học tập và làm việc trong một trang trại cây ươm giống của tập đoàn cây giống lớn thứ 3 Israel. Những tháng ngày làm việc ở đây đã thực sự thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm của Dạy.
Giấc mơ thay đổi bản nhỏ
Tháng 8/2016, Giàng A Dạy về Việt Nam và bắt tay ngay vào việc ứng dụng những gì mình đã học được ở xứ người. Với số tiền lương tích cóp được, Dạy dành trả nợ, đầu tư mua máy bơm, ống dẫn nước và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ hệ thống này, ngay giữa mùa khô khắc nghiệt, Dạy không những trồng được rau mà còn lên xanh tốt. Nhìn thấy ruộng rau xanh mơn mởn, bà con người Mông cũng thấy lạ, tìm đến xem. Nhưng họ cũng chỉ đến nhìn vậy chứ chưa tin thực sự để làm theo vì cách làm còn quá xa lạ.
Dạy phân tích, với những nguồn nước hiện có quanh bản, nếu áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, bà con trong bản có thể trồng được 2 - 3 vụ ngô/năm, chứ không chỉ 1 vụ ngô như hiện nay. Bên cạnh đó, với những quả đồi trọc hiện tại, bà con có thể trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò lấy thịt…
Dạy ước tính, nếu kéo được điện 3 pha, xây bể nilon để chứa nước, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thì vào mùa khô có thể giải quyết nước tưới cho khoảng 10 ha/tổng số gần 30 ha đất trồng của bản. Tiền đầu tư tạm tính khoảng hơn 100 triệu đồng.
Tính toán là vậy, nhưng Giàng A Dạy tư duy khác hẳn với nhiều người khởi nghiệp khác. “Nếu cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của doanh nghiệp sẽ khá lâu và không chủ động. Tôi muốn mình bắt tay vào làm bằng tiền của mình. Mình làm tốt, bà con sẽ làm theo. Với người Mông đã tin là tin rất lâu, chính vì thế để giúp bà con mình phải làm đúng từ đầu”.
Hiện, Giàng A Dạy là Bí thư chi đoàn bản Rừng Thông. Để tận dụng thế mạnh của tuổi trẻ, Dạy đang động viên các đoàn viên có kiến thức, có kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào các vườn rau của gia đình. Dạy tin tưởng, thành công của các đoàn viên sẽ là kênh vận động hiệu quả để bà con trong bản cùng làm theo. Mô hình hợp tác xã chuyên trồng rau và cây ăn quả sạch cũng đang được Dạy và các đoàn viên ấp ủ và dự định sẽ triển khai trong thời gian không xa.
Nguồn: langvietonline.vn