Từ nữ sinh bản Mường đến ngườiđược thế giới vinh danh
Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh là một trong 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu vừa được Varkey Foundation vinh danh.
Vừa qua, ngành giáo dục Việt Nam đã đón nhận tin vui, đó là việc cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh đến từ Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) vừa được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020. Điều này không chỉ là niềm tự hào của ngành giáo dục mà còn được quan tâm bởi nhiều người dân Việt Nam.
Cô giáo top 50 toàn cầu và bảng thành tích dày cộm không thể kể hết
Cô giáo Hà Ánh Phượng từ lâu được biết đến là một giáo viên sáng tạo và luôn chuyển mình để tìm ra các phương pháp dạy học mới mẻ, trong đó có việc mở kết nối từ xa với nhiều lớp học khác trên thế giới để tạo sự tương tác và gây hứng thú với học trò. Trước khi có vinh dự lọt vào Top 50 giáo viên toàn cầu, cô Phượng cũng đã được công nhận bởi loạt thành tích đáng nể. Cô từng Đạt học bổng Hoa Trạng Nguyên cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT trao tặng. Năm 2011, cô là sinh viên châu Á đạt Học Bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện giáo dục quốc tế Hoa Kì IIE trao tặng. Mới đây nhất, cô đã nhận được thêm tin vui khi trở thành giáo viên duy nhất của Việt Nam đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên năm 2020. Ngoài ra còn vô số thành tích đáng nể khác không thể kể hết từ cô giáo đặc biệt này.
Chia sẻ về cảm xúc sau khi biết tin vui, cô nói:"Mình rất bất ngờ và hạnh phúc. Mình không nghĩ được vinh dự này. Giải thưởng không những làm cho giáo dục tỉnh nhà mà của Việt Nam được mọi người biết đến trên trường thế giới."
Cô cho biết mình đã nghe đến giải thưởng này từ lâu và nó trở nên rất được quan tâm bởi những người làm trong ngành giáo dục. Thông qua diễn đàn giáo viên sáng tạo đổi mới của Microsoft, cô đã được gặp nhiều nhà giáo từ khắp các quốc gia trên thế giới từ Ấn Độ, đến các quốc gia châu Mỹ hay châu Âu, và họ chính là những người thôi thúc cô giáo trẻ đến với giải thưởng. Cô chia sẻ: "Mình thấy rất bất ngờ vì các thầy cô có ảnh hưởng trong cộng đồng giáo dục lại đề cử mình, và ai cũng động viên nên mình đã làm hồ sơ nhưng vẫn chưa tự tin. Nhưng sau đó mình mới nghĩ là hằng ngày mình dạy và cổ vũ học trò rèn luyện sự tự tin thì tại sao mình lại không?"
Thế là nữ giáo viên người dân tộc Mường đã nộp hồ sơ với tâm trạng vô tư và chưa nghĩ đến kết quả. Với cô để được chọn ra trong 12 000 giáo viên trên toàn cầu là điều không tưởng. Việt Nam là quốc gia biết đến giải thưởng từ lâu nhưng cũng không phải năm nào cũng có người đem thành tích này về. Nhưng cuối cùng, cái tên Hà Ánh Phương đã được nhắc đến trong TOP 50 và khiến nhiều người vỡ òa.
Nhờ giải thưởng này, mà bạn bè của cô trong các diễn đàn nhà giáo quốc tế đã biết đến Việt Nam. Cô cho biết, trong số 50 thầy cô có vinh dự thì mình may mắn được sự quan tâm của cả nước và xuất hiện nhiều trên báo đài. Điều này khiến bạn bè quốc tế cảm nhận được sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam với các vấn đề liên quan tới giáo dục.
Từ nữ sinh bản Mường đến giáo viên tiếng Anh được bạn bè quốc tế biết đến
Là một giáo viên bước ra từ xóm bản của người dân tộc Mường, hơn ai hết cô cảm nhận được khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải. Những khó khăn ấy giúp cô thay đổi tính cách trở nên mạnh mẽ, độc lập hơn vì điều kiện đi học không đầy đủ. Tuy nhiên, vượt qua trên hết, cô đã tìm đến cái chữ và xuất sắc trở thành sinh viên Đại học ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cô chia sẻ về những ngày đầu khi trở thành tân sinh viên xa nhà:"Khi mới đậu vào ĐH Ngoại Ngữ và lên Hà Nội học, mình thấy kỹ năng ngoại ngữ của mình rất kém, mình chỉ khá được ngữ pháp thôi. Do đó nguyên năm 1 mình đã tập trung sức lực và thời gian để rèn luyện kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết để hoàn thiện".
Với bản lĩnh tự chủ, luôn tìm tòi để khắc phục những vấn đề gặp phải, những điều này ảnh hưởng trực tiếp tới phương pháp giảng dạy của cô Ánh Phượng. Với cô giảng dạy không chỉ là chú trọng để học sinh được học lý thuyết mà còn phải giúp các được rèn luyện các kỹ năng sáng tạo, tham gia các hoạt động để phát triển bản thân.
Cô Phượng cùng kết nối với các lớp học khác trên thế giới ở nhiều châu lục
Những sáng kiến trong giảng dạy được báo cáo tại các hội thảo quốc tế và các trang web về giảng dạy ngoại ngữ của nước ngoài. Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện như dạy học miễn phí cho học sinh trong và ngoài nước, thành lập thư viện hạnh phúc miễn phí cho học sinh,…
Cô cũng cùng các học sinh thực hiện nhiều các dự án quốc tế, qua đó giúp học sinh tương tác với các lớp học trên thế giới. Trong đó có dự án nói không với ống hút nhựa để lan truyền tinh thần chống rác thải nhựa chính là dự án để lại cho cô nhiều dấu ấn. Cô đã tổ chức 40 lớp học trực tuyến kết nối với khắp nơi trên thế giới để lan tỏa thông điệp mà chiến dịch muốn mang đến. Cô nói"Thông qua những dự án ấy, học sinh của cô đã rèn luyện được sự tự tin, kỹ năng làm việc nhóm, và cả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học tập. Các em bây giờ còn giỏi sử dụng công nghệ thông tin hơn cả mình nữa, mình rất vui vì điều đó".
"Việt Nam đang có những bước đi tiến bộ trong dạy trực tuyến"
Là một giáo viên luôn đổi mới phương pháp dạy học, đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, cô Hà Ánh Phượng đang nhìn thấy bước chuyển mình quan trọng của ngành giáo dục giữa đại dịch COVID-19. Cô chia sẻ:Ở thời gian nhạy cảm này, việc học Trực tuyến xuất hiện khắp mọi nơi, được bàn tán ở hầu khắp mọi diễn đàn giáo dục. Điều này cho thấy Việt Nam đang có những bước đi tiến bộ.Mình thấy Việt Nam rất chịu khó đầu tư, thế giới dù các nước có phát triển đến đâu nhưng ít đất nước nào chịu sản xuất các chương trình dạy học trên truyền hình, mà Việt Nam thì lại dám làm điều này. Điều đó cho thấy tầm nhìn của Bộ Giáo Dục, các Ban ngành là rất đáng ghi nhận.
Hiện cô đang giảng dạy bộ môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 12 trên Đài Phát thanh- Truyền hình Phú Thọ
Tuy nhiên, cô cũng cho rằng việc học từ xa qua truyền hình hiện nay có phần khó hơn khi sử dụng các phần mềm trực tuyến trên internet. Bởi với các video tĩnh, được ghi hình trước, thì giáo viên phải lường trước luôn cả những tình huống sẽ xảy ra, những câu hỏi mà học sinh có thể sẽ thắc mắc để giải đáp.Và ngoài phương tiện truyền hình, học sinh hiện nay cũng có nhiều lựa chọn hơn ở các kênh khác để ôn tập trong thời gian này.
Để khắc phục những hạn chế mà các thầy cô gặp phải khi lần đầu tiếp xúc với việc dạy trực tuyến, cô mong các Bộ, Sở thuộc ngành cần có các buổi tập huấn, hỗ trợ các thầy cô vè ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, như làm quen với các lớp học trên mây để giáo viên có thể giao bài tập về nhà và chấm điểm,... Điều này tránh các va vấp cho giáo viên khi tiếp xúc với hình thức dạy học này.
Với cô mục tiêu trước mắt là cùng các em học sinh THPT Hương Cần vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới trong thời điểm khó khăn này. Cùng với đó, trong tương lai cô hy vọng sẽ sớm phát triển được kênh Youtube riêng cho mình để không chỉ học sinh của cô mà cả các bạn ở khắp mọi nơi cũng có thể học miễn phí. Ngoài ra, cô cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình vì cộng đồng theo 17 mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.
PĐ (Theo Tổ quốc, 2020)