Quan hệ giữa thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh Đại học
Quan hệ giữa thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh Đại học
Bộ GDĐT đã công bố dự thảo Thông tư về quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, kỳ thi có một số thay đổi quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm, xen lẫn băn khoăn của học sinh, phụ huynh, các chuyên gia và cả xã hội.
Nhiều năm nay, thí sinh thi 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 tổ hợp tự chọn là Tổ hợp tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Tổ hợp xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân -GDCD). Cơ cấu điểm xét tốt nghiệp giữa điểm thi và điểm học bạ năm lớp 12 là 70/30. Kỳ thi từ năm 2025 thì khác, chỉ 2 môn bắt buộc là Toán và Văn, còn 2 môn tự chọn trong số 9 môn (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Ngoại Ngữ, Tin học, Công nghệ (công nghệ công nghiệp và công nghệ nông nghiệp). Như vậy, số môn dành cho tự chọn tăng từ 8 lên 11 môn, trong đó có 2 môn mới (Tin học, Công nghệ); GDCD được thay bằng Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; Ngoại ngữ chuyển từ bắt buộc sang tự chọn (Một trong 7 ngoại ngữ Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn); hai tổ hợp tự nhiên và xã hội được thay bằng các môn cụ thể. Mỗi thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Văn) và 2 môn tự chọn, giảm 2 môn so với các kỳ thi trước. Cơ cấu điểm xét tốt nghiệp giữa điểm thi và điểm học bạ thay đổi từ 70/30 sang 50/50, trong đó điểm học bạ được thay điểm lớp 12 bằng điểm trung bình của 3 năm lớp 10,11,12.
Đề thi cũng thay đổi, năm 2025 có 2 loại. Các thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự thi theo Đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 mà chưa tốt nghiệp THPT thì thi theo đề thi về Chương trình giáo dục phổ thông 2006, còn thí sinh đã tốt nghiệp thì được chọn một trong hai đề.
Theo phân tích của các chuyên gia thì có một số điểm rất đáng chú ý đối với học sinh.
1. Phương án lựa chọn của từng thí sinh về mã ngành tuyển sinh đại học thu hẹp rất nhiều.
Gần 10 năm vừa qua, cả nước chỉ có 2 tổ hợp thi tốt nghiệp là Toán, Văn và Tổ hợp các môn tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Toán Văn và Tổ hợp các môn xã hội (Sử, Địa, GDCD) . Gọi là tổ hợp, nhưng từng môn có câu hỏi riêng và điểm riêng, nên thực chất mỗi thí sinh thi 6 môn. Tuyển sinh đại học là tổ hợp chỉ có 3 môn. Do đó, thí sinh có nhiều phương án lựa chọn mã số ngành tuyển sinh đại học, cụ thể là tới 20 phương án. Còn tới đây kỳ thi tốt nghiệp THPT có 2 môn bắt buộc và 9 môn tự chọn thì tất cả có 36 tổ hợp thi tốt nghiệp, nhưng mỗi thí sinh lựa chọn 1 tổ hợp gồm 4 môn (2 môn bắt buộc và 2 môn bất kỳ). Tổ hợp tuyển sinh đại học vẫn 3 môn, nên mỗi thí sinh chỉ có 4 phương án lựa chọn mã ngành tuyển sinh (Chỉ bằng 1/5 của các kỳ tuyển sinh trước).
Một điểm đáng chú ý khác là sự thay đổi môn ngoại ngữ từ bắt buộc sang tự chọn. Mấy năm vừa qua, các khối có trên 230 mã ngành tuyển sinh, trong đó có trên 120 mã ngành với tổ hợp có môn ngoại ngữ, chiếm trên 50% số mã ngành. Môn ngọai ngữ là môn nhiều năm nay có điểm thi trung bình thấp nhất trong cả nước và các vùng miền, các địa phương, nhất là các địa phương vùng miền núi, dân tộc. Gần đây nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, khá nhiều địa phương, trong đó có Sơn La, các môn khác đều từ trung bình trở lên, riêng điểm ngoại ngữ vẫn dưới trung bình, thậm chí là chỉ trên 4 điểm. Do đó, kỳ thi tới đây, khả năng nhiều thí sinh sẽ không chọn môn ngoại ngữ, dẫn đến giảm mã ngành của tổ hợp tuyên sinh có môn ngoại ngữ. Theo thông tin bước đầu, một số trường đã tính đến phương án giảm tổ hợp tuyển sinh. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ dùng 4 tổ hợp xét tuyển thay vì 9 tổ hợp như năm 2024. Tình hình này có thể làm cho thí sinh giảm sự chú tâm học ngoại ngữ ngay từ các lớp dưới, càng làm cho năng lực ngoại ngữ kém đi. Trong lúc ngoại ngữ cũng là môn học ở bậc đại học và trên đại học, nó sẽ càng trở thành “cửa ải” đối với nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh. Hơn nữa, khi ra trường, dự tuyển vào khu vực nhà nước và ở một số cơ quan, đơn vị khu vực ngoài nhà nước cũng thi ngoại ngữ. Đó là điều học sinh cần chú ý.
2. Giảm phương thức tuyển sinh đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Với cơ cấu điểm thi và điểm học bạ hiện nay là 70/30, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2024 đã 99,4%, riêng học sinh THPT suýt soát 99,7%, học sinh GDTX suýt soát 97%, sự phân hóa cả nước và các vùng miền không đáng kể. Khi thay đổi 70/30 sang 50/50 thì tỷ lệ tốt nghiệp khả năng sẽ còn cao hơn, vì điểm trung bình học bạ cao hơn đáng kể điểm thi trung bình, phổ biến là trên dưới 1 điểm. Trong khi các trường học đang phải chịu áp lực của bệnh thành tích, xét thi đua, thì việc thay đổi cơ cấu điểm như vậy có khả năng càng làm “lạm phát” điểm học bạ. Nhưng kết quả quá trình học tập sẽ được lấy ở cả lớp 10, 11 và 12, thay vì chỉ lớp 12 như trước nay nên việc “lạm phát” điểm phần nào cũng được kiềm chế bớt. Mặt tích cực là có “cái phao” bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp cao, nên cũng có thể điều chỉnh tăng độ khó của đề thi, phân hóa sâu hơn đề thi để tạo thuận lợi cho tuyển sinh đại học. Nhưng việc này bộ GDĐT chưa có hướng chỉ đạo.
Vì vậy mà các trường đại học đã có động thái chủ động thích ứng. Theo thông tin bước đầu,từ năm 2025, sẽ có thêm các trường tổ chức kỳ thi riêng (Đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Cùng với các trường đã nhiều năm tổ chức (Như Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, các trường thuộc Bộ Công an…), sẽ có thêm các trường quân đội và một số trường khác. Các trường, nhất là các trường tốp đầu dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ giảm từ 18% của năm 2024 xuống còn 15%. ĐH Bách khoa Hà Nội, giảm từ 50% của xuống còn 40%. Trường ĐH Thương mại dự kiến năm 2025, cũng sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Nha Trang dự kiến sẽ không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT...
Nhưng nhiều năm nay, các cơ sở đào tạo đã có nhiều phương thức xét tuyển sinh, trong đó 6 phương thức tuyển sinh phổ biến gồm: (1) Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; (2) Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; (3) Xét học bạ THPT; (4) Xét kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; (5) Xét chứng chỉ quốc tế; (6) Kết hợp nhiều nhiều hình thứ xét tuyển (Kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án riêng của nhà trường; thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển; xét điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp điểm thi năng khiếu; xét học bạ THPT kết hợp điểm thi năng khiếu; xét kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; xét học bạ với chứng chỉ quốc tế kết hợp phỏng vấn; xét điểm thi THPT cùng điểm năng khiếu; xét điểm thi THPT cùng điểm học tập THPT; xét điểm thi THPT cùng chứng chỉ quốc tế đi kèm; phỏng vấn cùng các tiêu chí khác theo đề án tuyển sinh của trường). Mặc dù vậy, chủ yếu vẫn là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (49,45%); xét học bạ (30,24%); các phương thức khác 14,10%, trong đó đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (2,57%); xét tuyển thẳng (2,32%)...
Năm 2025, số trường dự kiến giảm khá sâu tỷ lệ tuyển sinh thông qua điểm thi, điểm học bạ, nhưng chỉ là các trường tốp cao. Do đó, tỷ lệ chung tuyển sinh đại học của các trường trong cả nước bằng điểm thi và điểm học bạ sẽ vẫn là chủ yếu, mức giảm sẽ không quá lớn.
Điều cần chú ý là, sẽ có nhiều trường ưu tiên các phương thức tuyển sinh khác rồi cuối cùng mới xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, điểm trúng tuyển của phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp sẽ bị đẩy lên cao; cơ hội vào được trường đại học tốt của học sinh sẽ khó hơn, nhất là học sinh các vùng miền núi, dân tộc.
***
Hiện nay, các trường và các học sinh đang sốt ruột chờ Bộ GD ĐT chính thức ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để định hướng dạy và học cho sát. Việc chọn tổ hợp thi của học sinh phong phú hơn, nên việc học thêm, dạy thêm sẽ càng sôi động, nhất là khi Bộ GD ĐT nói lỏng việc cấm, dạy thêm, học thêm (Chỉ cấm đối với trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày)
Năng lực học tập và nguyện vọng của bản thân học sinh là quan trọng nhất. Học sinh cần sớm xác định ngành học, trường đại học vừa phù hợp với mong muốn học tập, vừa phù hợp với năng lực, sở trường của mình, sau đó dành thời gian tìm hiểu kỹ về các phương thức xét tuyển áp dụng cùng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành/trường đó. Điều này sẽ giúp học sinh đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với khả năng của bản thân.
Tốt nhất là bình thường hóa, “nước lên, thuyền lên”, không quá lo lắng, cố gắng học thật, học đều các môn; cần chủ động cân nhắc kỹ càng, tránh bị động vội lựa chọn rồi thay đổi các môn ôn luyện, học thêm giống như “đẽo cày giữa đường”. Học đại học cũng không phải là con đường hướng tới lập nghiệp duy nhất. Thành công trong công việc và cuộc sống cũng chỉ phụ thuộc một phần vào bằng cấp, “chí” và “gan” mới là cơ bản. Cũng không phải lúc nào, hoàn cảnh nào khi ra trường cũng làm theo nghề đã học, mà cuộc sống luôn có nhiều cơ hội để lựa chọn./.
Phan Đức Ngữ
(Tổng hợp ý kiến các chuyên gia)