ITP - Bệ phóng khởi nghiệp cho các Startup công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số
ITP - Bệ phóng khởi nghiệp cho các Startup công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số
ITP - BỆ PHÓNG KHỞI NGHIỆP CHO CÁC STARTUPCÔNG NGHỆ VÀ ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Khu Công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ITP) được định hướng phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). ITP là khu công nghệ phần mềm thuộc đại học đầu tiên trong cả nước. Với thế mạnh là đơn vị trực thuộc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), ITP tập trung vào các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp, nghiên cứu phát triển công nghệ, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Giới thiệu chung về ITP
Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM được thành lập năm 2003. Năm 2009, ITP chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên. Đến năm 2013, ITP được định hướng phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhằm góp phần cải thiện đồng thời ba yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của kinh tế Thành phố, bao gồm: (1) Xây dựng và phát triển cụm khởi nghiệp CNTT-TT, (2) Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ khởi nghiệp và ĐMST và (3) Thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực CNTT-TT.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ITP là nền tảng quan trọng để ĐHQG-HCM triển khai các hoạt động nhằm phát hiện và bồi dưỡng một thế hệ doanh nhân mới thông qua phương pháp học tập trải nghiệm.
Sau gần 10 năm phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, đến nay ITP đã hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Trên cơ sở những thành công bước đầu, từ đầu năm 2019, ITP quyết định mở rộng tầm nhìn trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối toàn cầu với mục tiêu tăng cường giao lưu, kết nối, hợp tác giữa cộng đồng startup tại ITP với các doanh nghiệp đến từ các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển hơn trên thế giới. Đây là bước phát triển tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trong giai đoạn đầu, ITP xác định việc phát triển hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc là ưu tiên chiến lược, xuất phát từ nhu cầu thực tế của hai bên.
Tổ chức Tài chính
Mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của ITP tập trung vào phát triển nguồn nhân lực ĐMST, lấy startup làm trung tâm cho hoạt động hỗ trợ. Mô hình này có môi trường thuận lợi để phát triển nhờ sự gắn kết với các cơ quan nghiên cứu thuộc ĐHQG-HCM và Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nhằm nhanh chóng hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hình thành các dự án khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng.
Mô hình hoạt động
ITP hỗ trợ các startup ĐMST ở nhiều giai đoạn khác nhau, cung cấp các gói hỗ trợ về hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, ITP còn phối hợp với đối tác để hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vốn, marketing, pháp lý và phát triển sản phẩm cho các startup.
Mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tại ITP cũng là cầu nối giữa trường đại học với hệ sinh thái khởi nghiệp và được kết nối chặt chẽ với hai nguồn lực này để hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp ĐMST. Thông qua việc triển khai các chương trình khởi nghiệp của Chính phủ và ĐHQG-HCM, cũng như các hoạt động kết nối và hợp tác với các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ITP hướng đến thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, ươm tạo các dự án tiềm năng, đào tạo kiến thức khởi nghiệp và hỗ trợ kết nối hợp tác nghiên cứu để chuyển giao tri thức và công nghệ. ITP đã liên tục triển khai các chương trình đào tạo và cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp.
ITP có Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC) là đơn vị tập trung vào các hoạt động hỗ trợ liên kết đầu tư và đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên, cộng đồng, cũng như tổ chức Cuộc thi Ý t ưở ng kh ở i nghi ệ p CIC.
Mỗi năm, IEC đào tạo hơn 2000 cán bộ quản lý hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho hơn 20 tỉnh thành. Đây cũng là nơi tập trung của 250 doanh nghiệp khởi nghiệp ở các giai đoạn phát triển khác nhau với hơn 700 sinh viên làm việc, thực tập và hơn 600.000 sinh viên tiếp cận.
Ngoài ra, trong khuôn viên ITP còn có các Trung tâm Đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ vậy, ITP có thể dễ dàng kết nối các nguồn lực, hỗ trợ tối đa cho các startup mà trung tâm hỗ trợ, ươm tạo.
Những thành công và thách thức
Sau 10 năm phát triển, ITP đã hình thành cơ bản hệ sinh thái khởi nghiệp và đạt được một số kết quả nổi bật. Thành công đầu tiên của ITP là việc tạo ra được nhiều nhà sáng lập tài năng. Thông qua những chương trình đào tạo nguồn nhân lực kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, ITP đã đào tạo hơn 350 doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng với hơn 200 ý tưởng khởi nghiệp, 10% trong số đó gọi được vốn đầu tư lên đến 4 tỉ đồng.
Tiếp đến, ITP cũng hỗ trợ cho các startup ĐMST gọi các vòng vốn đầu tư thành công. Một trong số đó có công ty Mimosatek - công ty chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Gần đây nhất, Busmap - công ty triển khai các hoạt động về đô thị thông minh, gọi được vốn gần 2 triệu USD. Một công ty liên quan đến lĩnh vực giáo dục là Cohota Shub đã được định giá 4 triệu USD.
Thành công tiếp theo ITP gặt hái được là việc nâng cao kỹ năng, kiến thức, và trải nghiệm cho các bạn sinh viên ở trong các dự án khởi nghiệp và các công ty khởi nghiệp thông qua những chương trình của ITP như Hành trình doanh nhân, Startup Open Đay, câu lạc bộ khởi nghiệp,... Đây không chỉ là cơ hội cho các startup trình diễn và thu hút các thành viên tiềm năng và tài năng mà còn là cơ hội việc làm dành cho các bạn sinh viên phù hợp với tiêu chí của từng startup.
Từ đó, rất nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên đã có những bước tiến đáng kể và gọi được vốn đầu tư: InutFlatfrom, SHub, Funimart là một ví dụ minh hoạ cho thành công này của ITP khi đã gọi được vốn và phát triển mạnh mẽ dẫu đây là dự án của một nhóm sinh viên khởi nghiệp.
Các khoá đào tạo khởi nghiệp hằng năm của ITP lan toả đến hơn 20 tỉnh thành, với sự
tham gia của 1.600 cán bộ địa phương, tư vấn cho hơn 18 chương trình. Cùng với đó là các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cũng được đông đảo sinh viên chào đón, cụ thể: 250 nhóm dự thi hằng năm, tiếp cận đến 600,000 sinh viên và chào đón hơn 700 sinh viên tham gia.
Một thành công nữa của ITP là liên kết với hơn 7 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ như Cisso, Microsoft, FPT software, TAM, Viettel ICT, Luxsoft, CMC v.v...; làm việc với các quỹ, các dự án lớn như First (Bộ Khoa học và Công nghệ), IPP2, Cyber Agent, Villgro v.v. để xây dựng các kết nối nhân lực và nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về đào tạo và đầu tư.
Vào đầu năm 2014, ITP chính thức trở thành thành viên của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung với vai trò “Cung cấp nguồn nhân lực” và “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp” góp phần bảo đảm điều kiện ưu đãi của Khu công nghệ thông tin và tranh thủ các nguồn đầu tư phát triển của TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng được nhu cầu của các startup tại ITP.
Đối với những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, thách thức lớn nhất của ITP là việc đội ngũ phải kết nối chặt chẽ được với các nguồn lực, các đối tác để có thể hỗ trợ tối đa cho các dự án khởi nghiệp. Để vượt qua được khó khăn này, may mắn thay ITP có ĐHQG-HCM là đơn vị chủ quản và ủng hộ các chương trình, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Từ đó, ITP có thể linh động, phối hợp với nhiều đối tác khác nhau trong việc hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trong và ngoài khuôn khổ Đại học Quốc gia.
Những giá trị mà ITP mang lại cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật được Nhà nước đầu tư tại Khu đô thị ĐHQG-HCM, ITP cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng CNTT-TT phục vụ sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại ITP. Quan trọng hơn, thông qua chuỗi các sự kiện kết nối được tổ chức một cách thường xuyên, ITP tạo điều kiện cho các startup tiếp cận đến các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là nguồn vốn con người, thông tin và vốn giúp nâng cao cơ hội khởi nghiệp thành công.
Theo nhận định của Ths. Trần Trí Dũng - Quản lý Chương trình Khởi nghiệp Thuỵ Sỹ (Swiss EP), sự phát triển của ITP là sự trưởng thành của doanh nghiệp khởi. Đây là lí do ITP rất thấu hiểu làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho các startup ươm tạo tại đây. Nhờ vậy, ITP đóng góp vai trò vô cùng lớn cho sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Với ITP, tổ chức này luôn cung cấp các gói hỗ trợ tổng thể cho các startup, cùng với đó là lòng kiên nhẫn, sự đồng hành cùng startup đi từ ý tưởng đến thành công.
Còn theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, ITP là đơn vị tiên phong trong cung cấp các hoạt động hỗ trợ ươm tạo cho các startup ĐMST của ĐHQG-HCM nói riêng và Thành phố, cũng như khu vực phía Nam nói chung. Vì nằm trong khu vực đào tạo-nghiên cứu, ITP có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP. Hồ Chí Minh, là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo sự kết nối và cùng phát triển giữa khu vực đào tạo - nghiên cứu với khu vực doanh nghiệp, các ngành kinh tế, cũng như kết nối thị trường của Thành phố và khu vực phía Nam cũng như cả nước, kể cả mở rộng hợp tác quốc tế.
Một trong số những startup nổi bật nhận được sự hỗ trợ từ ITP có thể kể đến là Gcalls. Đánh giá về ý nghĩa của các gói hỗ trợ tại ITP, anh Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc vận hành Gcalls cho biết: “Với sứ mệnh xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và sáng tạo, ITP đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thiết thực, nhất là đối với các startup. Đến với ITP từ tháng 9/2013, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ về mặt không gian làm việc. Khi bắt đầu khởi sự, nguồn lực tài chính luôn là một thách thức đối với các sáng lập viên.
Gói hỗ trợ không gian làm việc kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm của ITP thực sự có ý nghĩa và hỗ trợ cho các startup được “an cư lập nghiệp”. Thứ hai, ITP giúp chúng tôi kết duyên với mentor - người thầy khởi nghiệp. ITP là một trong các thành viên của chương trình sáng kiến khởi nghiệp kết nối mentor. Đây là một mạng lưới chuyên gia, người có kinh nghiệm trong kinh doanh hoặc lĩnh vực chuyên môn. Đối với các sáng lập viên trẻ tuổi và thiếu nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành, quản trị một doanh nghiệp, việc tìm kiếm một người thầy, người bạn có nhiều kinh nghiệm để tư vấn, chia sẻ cho mình là một điều vô cùng cần thiết để chính bản thân các sáng lập viên có thể tự phát triển và mở rộng năng lực bản thân. ITP đã thực hiện được việc kết nối chuyên gia với các startup thuộc khu.”
Tổng đài Gcalls.
Anh Bằng cho biết thêm: “Có thể nói, ITP là môi trường dành cho những người sáng tạo và cầu tiến. Vì khởi nghiệp là một quá trình và quá trình đó luôn tiềm ẩn rủi ro. ITP tụ hợp những trái tim nhiệt huyết và cầu tiến, khao khát phát triển và nỗ lực cùng nhau. Một trong những nét hay của ITP là tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ, xây dựng môi trường chia sẻ, phát triển cộng đồng. Ở ITP, chúng tôi có thể được giao lưu, chia sẻ từ ước mơ cho tới chuyên môn của các sáng lập viên, hay các bạn trẻ muốn/dám dấn thân. Chính môi trường nhiệt huyết của ITP đã giúp cho tôi lên tinh thần khi vấp phải khó khăn trên con đường khởi nghiệp của mình.”
Cũng là một trong những dự án nổi bật được ươm tạo tại ITP, iNUT, startup trong lĩnh vực IoT, xây dựng hệ sinh thái kết nối nhà phát triển phần cứng và phần mềm và người dùng cuối, tham gia vào ITP trong cuộc thi CiC 2018 và nhận được nhiều gói hỗ trợ của ITP về kiến thức, không gian và cả nguồn nhân sự phù hợp cho việc vận hành iNUT, đặc biệt là dự án khởi nghiệp mảng IoT.
Một startup đáng chú ý khác là Cohota - nền tảng cung cấp các giải pháp dạy học trực tuyến. Theo anh Thái Chương, founder Cohota, trong thời gian 3 năm được ươm tạo tại ITP, Cohota cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ ITP, từ cơ sở hạ tầng cho đến các chương trình lan toả hoạt động chuyển đổi số.
Ngoài ra, ITP cũng hỗ trợ Cohota rất nhiều về chính sách, nơi làm việc, nguồn nhân lực cho đến các đầu mối có thể hỗ trợ Cohota hoạt động marketing kinh doan. Đấy là những lợi ích rất khó có thể tìm được ở trong các đội nhóm nhỏ. Vì vậy, anh Thái Chương cho rằng, việc công ty khởi nghiệp tham gia vườn ươm và ghi nhận sự hỗ trợ của các đơn vị ươm tạo một cách sâu sắc là một trong những điều cần thiết khi khởi nghiệp.
Bài học kinh nghiệm
Sau quá trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các dự án, ITP rút ra được 2 bài học kinh nghiệm tâm đắc dành cho chính ITP và các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp tại Việt Nam. Đầu tiên, ITP luôn cố gắng để các chương trình, các chính sách hỗ trợ cho startup đủ linh động để có thể giúp đỡ và cung cấp đủ nguồn lực cho các dự án phát triển. Bài học thứ hai là về việc lựa chọn các dự án để ươm tạo.
Có 2 tiêu chí quan trọng mà ITP luôn cân nhắc khi lựa chọn các startup để ươm tạo. Tiêu chí thứ nhất là con người. Nhà sáng lập của startup là mấu chốt để ITP cân nhắc hỗ trợ dự án khởi nghiệp. Nhà sáng lập phải cam kết có đủ năng lực để triển khai dự án. Tiêu chí thứ hai chính là tính khả thi của dự án. Những dự án khởi nghiệp được ITP hỗ trợ phải có mô hình khả thi với các sản phẩm tiềm năng. IPT sẽ mở rộng thêm các dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới, ví dụ như AI, fintech, cũng như các lĩnh vực có ứng dụng chuyển đổi số.
Nhờ có 2 bài học xương máu này, ITP mới có thể tự cải tiến liên tục và hoàn thiện mô hình hoạt động của mình; từ đó, hỗ trợ tốt nhất cho các startup kết nối với ITP./.
Theo Bản tin Startup số 29/2022