Sơn La: Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cấp trung học phổ thông một cách bền vững
Sơn La: Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cấp trung học phổ thông một cách bền vững
Trong thời đại ngày nay nguồn gốc của sự giàu có không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật mà yếu tố ngày càng quan trọng và quyết định là nguồn lực con người, là tri thức, là tiềm năng sáng tạo của con người. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới.
Đối với tỉnh Sơn La, một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội địa phương càng trở nên quan trọng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, xác định: “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo các cấp, nhất là bậc Trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp…” là một trong ba khâu đột phá tập trung thực hiện. Và khẳng định nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện khâu đột phá trong nhiệm kỳ: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục và đào tạo; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng trong tỉnh; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và chất lượng đào tạo nghề nghiệp gắn với thị trường lao động…”
Giáo dục nói chung và giáo dục trung học phổ thông (THPT) nói riêng đối với phát triển nguồn nhân lực thực chất là làm gia tăng về chất lượng của nguồn nhân lực và đảm bảo cơ cấu về số lượng lao động một cách hợp lý trong từng ngành, lĩnh vực. Chất lượng giáo dục cấp THPT có vai trò quan trọng đối với phát triển nguồn nhân lực, bởi đối tượng hướng đến của giáo dục cấp THPT là con người đã trưởng thành và mục tiêu của giáo dục cấp THPT là trang bị những phẩm chất, năng lực cần thiết cho con người trưởng thành tham gia vào đời sống xã hội. Giáo dục cấp THPT góp phần nâng cao trình độ học vấn, phẩm chất và năng lực hoạt động thực tiễn của người lao động; ảnh hưởng đến thể lực, trí lực, đức dục của con người.
Để nâng cao chất lượng giáo dục cấp THPT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thực trạng giáo dục THPT Sơn La còn ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, chất lượng giáo dục đại trà THPT không ổn định, kết quả thi tốt nghiệp THPT nhiều năm xếp vị trí cuối cùng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước và được đánh giá chưa thực chất, cụ thể: Về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT: Năm 1998 (năm Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện chủ trương coi, chấm thi nghiêm túc) tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Sơn La đạt 28%, xếp thứ 62/63; năm 2007 (năm thực hiện cuộc vận động 2 không: nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Sơn La chỉ đạt 24,4%, xếp vị trí 63/63 tỉnh thành; Năm 2019 tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Sơn La đạt 72.42%, xếp thứ 62/63 tỉnh trong toàn quốc; đặc biệt với hệ giáo dục thường xuyên tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2019 chỉ đạt 29,21%.
Trước thực trạng trên, ngay từ năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn ngành thống nhất các giải pháp cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững. Với “Quyết tâm, tập trung cao, kiên trì để thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững với lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La”. Đồng thời nghiên cứu tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 613/QĐ-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021 – 2025; tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 12 Nghị quyết về các chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với học sinh.
Sở Giáo dục - Đào tạo Sơn La quyết liệt chỉ đạo các cơ sở giáo dục các cấp học, bậc học đặc biệt là các nhà quản lý giáo dục triển khai thực hiện với quyết tâm: “Tập trung mọi nguồn lực và điều kiện tạo sự chuyển biến về chất lượng giáo dục để giảm sự chênh lệch về chất lượng Giáo dục và Đào tạo các cấp học, bậc học so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc và so với mặt bằng chung toàn quốc”.
Tập trung cao chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu qủa để nâng cao chất lượng giáo dục cấp THPT, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau: (1) Giải pháp về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, xác định trọng tâm là nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên; (2) Giải pháp nâng cao chất lượng hai mặt giáo dục của học sinh, tập trung cao cho nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; (3) Giải pháp phát triển quản lý hoạt động chuyên môn, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng tổ chuyên môn, là cấp trực tiếp triển khai thực hiện đến giáo viên, học sinh các nội dung công việc do nhà trường giao, các hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn thông qua cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động dạy học và các hoạt động chuyên môn; (4) Giải pháp phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường trọng điểm, tập trung vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội, trung tâm thành, thị; (5) Giải pháp thực hiện xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng phát huy vai trò chủ đạo, nòng cốt của các trường THPT trong thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục.
Các giải pháp được triển khai đồng bộ với nội dung, cách thức, quy trình, bước đi cụ thể đến các trường THPT trong toàn tỉnh, do đó sau 04 năm triển khai thực hiện chất lượng giáo dục cấp THPT Sơn La có nhiều bứt phá, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, từng bước khẳng định vị thế và tiềm năng của giáo dục - đào tạo Sơn La, thể hiện qua các con số sau:
Một là, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, năm sau cao hơn so với các năm học trước, thể hiện ở biểu dưới đây:
Năm
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
2023
|
Tỉ lệ (%)
|
72.44
|
95,74
|
98.35
|
99.60
|
99,72
|
Thứ hạng về tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Sơn La so với các tỉnh, thành phố tăng lên và giữ thứ bậc cao so với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc:
Năm
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
2023
|
Thứ hạng
|
62/63
|
41/63
|
24/63
|
5/63
|
7/63
|
Xếp hạng điểm trung bình tốt nghiệp THPT tỉnh Sơn La so với các tỉnh, thành phố tăng lên:
Năm
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
2023
|
Thứ hạng
|
62/63
|
59/63
|
59/63
|
49/63
|
57/63
|
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên của tỉnh có tiến bộ vượt bậc, đạt thứ hạng cao so với các tỉnh thành trong toàn quốc:
Năm
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
2023
|
Tỉ lệ (%)
|
29,21
|
87,57
|
94,39
|
98,76
|
99,90
|
Thứ hạng
|
63/63
|
48/63
|
24/63
|
05/63
|
01/63
|
Ba là, thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh Sơn La có sự tiến bộ vượt bậc. Năm học 2021 – 2022, tỉnh Sơn La đạt 8 giải (đứng 51/63); năm học 2022 – 2023 có 13 thí sinh đoạt giải, trong đó 6 giải ba ở các môn Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử; 7 giải khuyến khích ở các môn Vật lý, Hoá học, Ngữ văn và tiếng Anh. So với năm học 2021-2022, các thí sinh của tỉnh Sơn La mang về nhiều hơn 5 giải (đứng 51/63 tỉnh, thành).
Ngoài ra, hằng năm, tỉnh Sơn La còn tổ chức kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh nhằm phát hiện, bồi dưỡng, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Năm học 2021-2022 có 100% trường có cấp THPT tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và đều có học sinh đạt giải. Năm học 2022 - 2023 có 54 học sinh đạt giải Nhất, 221 học sinh đạt giải Nhì, 327 học sinh đạt giải Ba, 579 học sinh đạt giải khuyến khích.
Bốn là, chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên được nâng lên theo các năm. Theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên THPT công lập thì giáo viên THPT đạt chuẩn tối thiểu phải có bằng cử nhân trở lên, và có chứng chỉ bồi dưỡng tùy theo hạng giáo viên. Tính đến năm học 2022-2023, số cán bộ quản lý là 164; số giáo viên là 1.807, trong đó giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn 100%; trên chuẩn chiếm 21,1 % (tiến sĩ 03 người; thạc sĩ 286 người) tăng 10,8% so với năm 2020; có 771 giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức tốt (chiếm 45,2%); 814 giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức khá (chiếm 47,7%).
Năm là, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học được quan tâm đầu tư đồng bộ từ ngân sách cho giáo dục – đào tạo. Ngoài ra, các trường tích cực triển khai công tác xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho giáo dục. Đến thời điểm hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất các trường học cấp THPT được cải thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, trong đó tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 72,1% phòng học bán kiên cố 24,8%; phòng học tạm 3,1%, thiết bị tối thiểu tính bình quân cấp học THPT, giáo dục thường xuyên đạt 52,3% tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Sáu là, công tác xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia được ngành giáo dục và Đào tạo quan tâm triển khai với giải pháp cụ thể, đến nay có 28/44 trường THPT đạt chuẩn quốc gia (vượt chỉ tiêu của tỉnh), chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng cao.
Bảy là, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và ý tưởng khởi nghiệp được Sở Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm triển khai thực hiện nhằm khuyến khích, động viên, khích lệ phong trào nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh trung học; đồng thời có những biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai cuộc thi. Từ đó giúp cho cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học trở thành ngày hội của cả thầy và trò trong nghiên cứu, học tập và ngày càng được nhiều đơn vị trường học, nhiều học sinh tham gia.
Số học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, đạt giải tại cuộc thi các cấp tăng đều theo các năm học. Kết quả thi Khoa học kỹ thuật quốc gia và Khởi nghiệp đối với học sinh tỉnh Sơn La đã đạt thứ hạng từ 5-7/14 tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đặc biệt năm 2022 tỉnh có 1/10 dự án được vào vòng Chung kết Khởi nghiệp cấp Quốc gia và đạt giải Tư.
Số lượng, chất lượng Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học từ năm 2019 đến 2022 được tăng lên, thể hiện ở biểu dưới đây:
NỘI DUNG
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
Số trường có dự án tham gia thi
|
29
|
35
|
37
|
41
|
Số dự án tham gia thi
|
83
|
123
|
114
|
117
|
Số lĩnh vực tham gia thi
|
4
|
4
|
4
|
4
|
Số học sinh tham gia thi
|
116
|
137
|
145
|
234
|
Số dự án đạt giải tại cuộc thi
|
34
|
48
|
49
|
52
|
Số dự án đạt giải tại cuộc thi cấp quốc gia
|
1
|
2
|
0
|
1
|
Có thể khẳng định, với các giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, việc triển khai thực hiện đồng bộ với quyết tâm cao và sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, sau hơn 04 năm thực hiện, chất lượng giáo dục cấp THPT Sơn La được nâng lên và có nhiều bứt phá. Với kết quả đạt được đã từng bước khẳng định vị thế và tiềm năng của Giáo dục – Đào tạo tỉnh Sơn La với các tỉnh trong vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước, là tiền đề quan trọng để Giáo dục và Đào tạo Sơn La nói chung và giáo dục cấp THPT Sơn La nói riêng phát triển và tiến kịp với sự phát triển của Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La trong thời kỳ mới./.
Lâm Phương
Tài liệu tham khảo:
- Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
- Đề tài Khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng giáo dục cấp trung học phổ thông tỉnh Sơn La”- Chủ nhiệm PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La.
- Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 đến 2023 của Ngành giáo dục và Đào tạo Sơn La.