Việc làm xanh và doanh nghiệp xanh ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi (MENA)
VIỆC LÀM XANH VÀ DOANH NGHIỆP XANH Ở KHU VỰC TRUNG ĐÔNG - BẮC PHI (MENA)
Việc làm xanh - Giải pháp toàn diện và bền vững
Do mức độ quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề việc làm và hành động vì khí hậu nhằm giảm thiểu tình trạng “dễ bị tổn thương” của các quốc gia trước thực trạng biến đổi khí hậu và những hậu quả tiêu cực của nó, việc làm xanh có thể được coi là giải pháp không những thu hút những tư duy đổi mới của giới trẻ vào quá trình phát triển mà còn ngăn chặn tình trạng những hậu quả tiêu cực về kinh tế xã hội của biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi các nền kinh tế quốc gia sang nền kinh tế “tuần hoàn” hoặc kinh tế “xanh” đã khử các-bon dựa trên việc tái sử dụng, sửa chữa hoặc tái chế, cũng như tăng cường sản xuất bền vững kết hợp với tiêu dùng, là một trong những bước quan trọng nhất hướng tới bảo vệ môi trường, tạo việc làm bền vững và thúc đẩy lối sống lành mạnh cho tất cả mọi người.
Câu hỏi tại sao các quốc gia nên thúc đẩy “tinh thần khởi nghiệp xanh” cần được trả lời trước tiên thông qua khuôn khổ “việc làm xanh” theo nghĩa rộng nhất. Người ta có thể tự hỏi liệu có loại công việc nào đó thân thiện với môi trường và mang lại thu nhập khá để giúp mọi người, đặc biệt là giới trẻ, sống tốt hơn hay không? Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cần coi trọng cả hai yếu tố thiên nhiên và con người, đồng thời, tạo ra việc làm tử tế và được trả lương thỏa đáng. Vào tháng 6 năm 2007, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO), ông Juan Somavia, đã đưa ra “Sáng kiến Việc làm Xanh” như một giải pháp then chốt cho một trong những thách thức: mang lại sự phát triển xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người, cùng với việc ứng phó với mối đe dọa lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu, đồng thời, đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững.
Việc làm xanh được Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS) định nghĩa là “hàng hóa hoặc dịch vụ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên hoặc cải thiện môi trường, hoặc các vị trí mà chức năng công việc liên quan đến việc duy trì sự thành lập của công ty thông qua việc cắt giảm việc sử dụng nguồn lực hoặc tăng cường các sáng kiến bảo vệ môi trường”. Việc làm xanh có tác động theo cấp số nhân đối với nền kinh tế so với các phân khúc việc làm truyền thống, vì những lý do sau:
• Tạo thêm nhiều việc làm. Theo một tài liệu nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới phân tích các nghiên cứu toàn cầu từ năm 2009 đến năm 2020 về so sánh việc làm được tạo ra từ đầu tư xanh với những việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch (nhà máy điện than, xây dựng đường sá và dầu khí sản xuất), đầu tư xanh, trung bình, tạo ra nhiều việc làm hơn trên mỗi 1 USD đầu tư so với đầu tư không bền vững. Ví dụ, đầu tư vào vận tải công cộng tạo ra số lượng việc làm gấp 1,4 lần so với lĩnh vực xây dựng đường bộ và quang điện mặt trời tạo ra số lượng việc làm gấp 1,5 lần so với nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, theo một báo cáo mới được công bố bởi Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) phối hợp với Tổ chức ILO, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tạo ra 12,7 triệu việc làm trên toàn thế giới, tăng 700.000 việc làm mới chỉ trong 12 tháng, bất chấp những tác động kéo dài của COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng kể từ tháng 2 năm 2022.
• Mang lại nhiều cơ hội sử dụng lao động hơn, đặc biệt là đối với những công việc đòi hỏi sử dụng nhiều nhân công và thời gian hơn, chẳng hạn như công việc trang bị công nghệ tiết kiệm năng lượng hay lắp đặt các tấm pin mặt trời cho các ngôi nhà cần nhiều nhân công và tốn thời gian hơn so với việc lắp đặt bằng công nghiệp nhiên liệu hóa thạch sản xuất gần đây, đang dần được tự động hóa.
• Tạo cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn. Thanh niên sẽ không cần phải đến các thành phố lớn để làm việc, thay vào đó, họ sử dụng phương pháp đổi mới sáng tạo và nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ để phát triển hoạt động kinh doanh xanh.
• Khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên địa phương và giảm thiểu việc sử dụng máy móc, thay vào đó, sử dụng các công nghệ xây dựng và cơ cấu quản lý thân thiện với môi trường, không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng đô thị dày đặc.
• Giúp phổ biến kiến thức và áp dụng các phương pháp thực hành bền vững, từ đó, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của các ngành khác trong khi vẫn duy trì hoặc thậm chí nâng cao sản lượng kinh tế của các ngành đó.
• Hỗ trợ một ngành công nghiệp hướng tới tương lai nhằm mục đích duy trì tăng trưởng kinh tế trong phạm vi ranh giới môi trường.
Ngày nay, hầu hết các nền kinh tế đang cố gắng điều chỉnh các chính sách mới để đảm bảo công ăn việc làm cho thanh niên. ILO đã gọi việc làm bền vững là “bất kỳ loại việc làm nào tôn trọng và áp dụng bốn trụ cột; thúc đẩy việc làm và thiết lập việc làm là cốt lõi của chính sách kinh tế và xã hội, mở rộng an sinh xã hội cho tất cả người lao động và gia đình họ, thực hiện các tiêu chuẩn lao động cốt lõi và sẵn sàng đối thoại xã hội”.
Theo phân tích của ILO và GIZ, việc làm xanh thực sự có thể được coi là “việc làm bền vững” vì chúng mang lại cho người lao động một số lợi ích, bao gồm:
• Mức lương công bằng. Việc làm xanh trả mức lương công bằng để người lao động có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Điều này có thể đạt được và duy trì bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn lương tối thiểu và mức lương thương lượng, cũng như bằng cách đảm bảo rằng người sử dụng lao động phải trả mức lương đủ sống.
• Điều kiện làm việc an toàn. Việc làm xanh mang lại môi trường, điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh; đào tạo và cung cấp trang thiết bị phù hợp cho người lao động. Tuy nhiên, người lao động vẫn cần được bảo vệ khỏi những mối nguy hiểm như tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại hoặc trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
• Lợi ích. Việc làm xanh mang lại cho người lao động những lợi ích như bảo hiểm y tế, kế hoạch nghỉ hưu và chế độ nghỉ phép có lương. Những lợi ích này có thể giúp đảm bảo an ninh tài chính cho người lao động và cải thiện phúc lợi tổng thể của họ.
• Cơ hội thăng tiến. Việc làm xanh mang lại cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng mới cho người lao động thông qua các chương trình đào tạo và giáo dục, cố vấn và học nghề.
• Bảo đảm công việc ổn định. Vi ệ c làm xanh mang lại cho người lao động công việc ổn định và an toàn. Điều này có được là nhờ thúc đẩy đầu tư dài hạn vào năng lượng tái tạo và các sáng kiến bền vững, đồng thời, đảm bảo rằng người lao động có được các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như thỏa thuận an ninh việc làm và thương lượng tập thể.
Bằng cách đảm bảo rằng việc làm xanh là việc làm bền vững, chúng ta có thể tạo ra một nền kinh tế bền vững và công bằng hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, môi trường và toàn xã hội. Sau đây là một số ví dụ điển hình về việc làm xanh bền vững, gồm:
• Thợ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Những người thợ lắp đặt tấm pin mặt trời thường nhận được mức lương hợp lý, đặc biệt khi ngành này đang phát triển nhanh chóng. Người lao động trong lĩnh vực này thường được đào tạo và nhận các phúc lợi như bảo hiểm y tế và chế độ nghỉ hưu. Môi trường làm việc tương đối an toàn với các thiết bị và quy trình an toàn phù hợp.
• Kỹ thuật viên tua-bin gió. Kỹ thuật viên tua-bin gió thường nhận được mức lương và phúc lợi hợp lý, đồng thời, họ cũng được đào tạo về quy trình an toàn và bảo trì thiết bị. Công việc này mang lại cơ hội thăng tiến nghề nghiệp vì kỹ thuật viên có thể chuyển sang đảm nhiệm vai trò quản lý.
• Kỹ sư môi trường. Công việc của kỹ sư môi trường là thiết kế và thực hiện các giải pháp bền vững cho các vấn đề môi trường. Họ thường nhận được mức lương cạnh tranh, phúc lợi và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Công việc này cũng góp phần tác động tích cực đến môi trường.
• Công nhân nông nghiệp bền vững. Công nhân nông nghiệp bền vững trồng và thu hoạch cây trồng bằng các phương pháp ưu tiên sự bền vững môi trường và an toàn cho người lao động. Họ thường nhận được mức lương và phúc lợi công bằng. Môi trường làm công việc này thường an toàn hơn so với nông nghiệp truyền thống khi họ ít phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại.
• Nhà thầu công trình xanh. Nhà thầu công trình xanh chuyên xây dựng các công trình sử dụng vật liệu bền vững và kỹ thuật tiết kiệm năng lượng. Họ thường nhận được mức lương công bằng và có cơ hội học hỏi các kỹ năng mới cũng như thăng tiến trong sự nghiệp thông qua chương trình giáo dục thường xuyên và cấp chứng chỉ.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng khu vực MENA tiêu thụ từ 22% đến 26% tổng năng lượng mặt trời trên hành tinh, tương đương với năng lượng được tạo ra khi đốt cháy từ 1 đến 2 triệu thùng dầu mỗi năm. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực MENA đang xây dựng các nhà máy điện mặt trời khổng lồ, chẳng hạn như nhà máy Benban ở Aswan, Công viên năng lượng mặt trời Mohammad Bin Rashid al-Maktoum ở Dubai và mở ra cơ hội mang lại nhiều việc làm xanh và thúc đẩy các doanh nhân trẻ phát triển công ty khởi nghiệp của họ lên cấp độ kinh doanh quy mô lớn.
Có thể kể đến một số ví dụ điển hình về sáng kiến kinh doanh xanh trong khu vực như ứng dụng rửa xe theo yêu cầu thân thiện với môi trường có tên gọi “Blink My Car” ở Lebanon, cho phép các lái xe tiết kiệm thời gian cũng như tiết kiệm nguồn nước rửa xe; Các công trình mái vòm sinh thái thân thiện và bền vững với môi trường ở Ma-rốc được tạo ra bằng cách sử dụng hỗn hợp 90% đất và 10% xi măng với chi phí thấp hơn, thậm chí chỉ bằng một nửa so với các giải pháp thay thế bê tông cốt thép; Recyclobekia ở Ai Cập đặt mục tiêu cách mạng hóa việc xử lý rác thải điện tử bằng cách mua hoặc thu gom rác thải điện tử, tân trang lại và bán phần còn lại cho các nhà máy tái chế ở nước ngoài; Saphon Energy ở Tunisia sản xuất tuabin gió không cánh hiệu quả hơn và chi phí rẻ hơn so với các mẫu truyền thống; Zero Mass Water ở Jordan đã phát triển các tấm pin mặt trời có khả năng chiết xuất, ngưng tụ và lọc nước từ không khí loãng.
Zero Mass Water được lắp đặt tại Ecuador.
Nếu những công ty khởi nghiệp nhỏ đầy hứa hẹn có thể phát triển lên ngang tầm với những công ty lớn hơn, tuyển dụng được nhiều nhân viên hơn thì có thể đảm bảo việc làm ổn định cho những người trẻ làm việc ở đó. Do đó, hiện nay, việc khuyến khích thanh niên tìm kiếm việc làm xanh bằng cách trao quyền và đào tạo họ xây dựng các doanh nghiệp xanh có tính đổi mới và có tác động đang trở thành ưu tiên hàng đầu, và điều này có thể được thực hiện thông qua việc trao quyền cho các doanh nhân xanh và các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu trong Khu vực MENA. Khái niệm khởi nghiệp về cơ bản được định nghĩa là “quá trình đổi mới và/hoặc xác định cơ hội để tạo ra những giá trị mới và độc đáo dưới dạng sản phẩm (hàng hóa và/ hoặc dịch vụ) có thể đáp ứng nhu cầu của con người và, do đó, có thể thu được lợi nhuận trong trao đổi”.
Doanh nghiệp xanh như một hành động trao quyền hành động vì khí hậu cho thế hệ trẻ
Tinh thần khởi nghiệp có thể có tác động trực tiếp đến việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, vì các doanh nghiệp tạo ra các dây chuyền sản xuất và hoạt động kinh doanh mang tính đổi mới, đồng thời, xác định hai hình thức quan hệ giữa khởi nghiệp và thất nghiệp: hiệu ứng “người tị nạn”, theo đó, thất nghiệp “đẩy” nhiều người tới quyền sở hữu doanh nghiệp; hiệu ứng “Schumpeter”, theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp (sở hữu doanh nghiệp) ngày càng tăng, dẫn đến mức độ việc làm và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài thì những tác động đó mới trở nên hữu hình và rõ ràng.
Do mức độ quan trọng của hành động vì khí hậu nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của các quốc gia trước vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các hậu quả tiêu cực về kinh tế và xã hội của nó, việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp xanh có thể thu hút cả những người trẻ tham gia vào quá trình phát triển và ngăn chặn những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu trong nền kinh tế và các lĩnh vực xã hội. Có một số thuật ngữ khác có thể được sử dụng thay cho doanh nghiệp xanh, chẳng hạn như doanh nghiệp bền vững, liên quan đến phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu SDG, hay “các nhà kinh doanh sinh thái”, những người có tư tưởng đổi mới sáng tạo trong hành động vì môi trường và cơ hội thị trường, và sau đó, thực hiện thành công những đổi mới này, tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
Ngân hàng Thế giới đã đề cập rõ ràng vào năm 2014 rằng, “vấn đề khởi nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên”, vì thế, vấn đề hỗ trợ doanh nhân trẻ khởi nghiệp xanh trở thành giải pháp cho cả tình trạng thất nghiệp ở thanh niên và suy thoái môi trường. Tuy nhiên, theo dữ liệu Khảo sát Doanh nhân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBGES), tỉ lệ kinh doanh ở hầu hết các nước MENA rất thấp. Báo cáo lưu ý rằng tỉ lệ giữa các khu vực và nhóm thu nhập cho thấy ở các nước thu nhập cao, trung bình có 4 công ty mới với trên 1.000 người trong độ tuổi lao động (15-65 tuổi) đăng ký tham gia thị trường chính thức. Ở các nước MENA, tỉ lệ này chỉ là 0,63, so với mức trung bình là 6 ở Qatar và 3 ở Kuwait, điều này khiến họ trở thành những quốc gia có tỉ lệ cao nhất. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số thách thức trong việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh xanh trong khu vực, bao gồm:
• Khả năng tiếp cận nguồn tài trợ hạn chế. Khả năng tiếp cận nguồn tài trợ được xem là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xanh ở khu vực MENA. Điều này là bởi trên thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra ngần ngại khi đầu tư vào các dự án xanh, họ nhận thấy rủi ro cao và sự không chắc chắn liên quan đến các dự án kinh doanh này, cũng như do lịch sử lâu dài của khu vực phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và các doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ dầu mỏ.
• Thiếu khung chính sách hỗ trợ. Khu vực MENA có khung chính sách và quy định hỗ trợ hạn chế cho doanh nghiệp xanh. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp xanh trong việc điều hướng môi trường pháp lý, đảm bảo giấy phép cũng như tiếp cận các khoản trợ cấp và ưu đãi.
• Nhận thức và giáo dục còn hạn chế. Vấn đề thiếu nhận thức và giáo dục về tinh thần khởi nghiệp nói chung và thực hành xanh ở khu vực MENA nói riêng vẫn còn tồn tại. Điều này hạn chế số lượng doanh nghiệp tiềm năng, khiến họ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các sáng kiến xanh của mình.
• Bất ổn và xung đột chính trị. Bất ổn và xung đột chính trị trong khu vực tạo ra môi trường kinh doanh không ổn định khiến các doanh nghiệp xanh khó phát triển, dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường bị hạn chế, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và môi trường pháp lý không thể đoán trước.
Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào năm 2017 về bối cảnh khởi nghiệp ở Ma-rốc cho thấy, hầu hết các doanh nhân Ma-rốc đều làm việc trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số và nông nghiệp bền vững. Họ chủ yếu là nam giới đang gặp khó khăn trong việc nhận được sự hỗ trợ và nguồn vốn của chính phủ để phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Tương lai nào cho khởi nghiệp xanh?
Những sáng kiến đầy hứa hẹn
Tháng 12 năm 2020, Bộ Kinh tế, Tài chính và Hành chính Ma-rốc đã ra mắt cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp ở vương quốc có tên là “Almoukawala” - công cụhỗ trợ công cho doanh nghiệp. Dự luật tài chính của Ma-rốc được ký vào tháng 11 năm 2021 đã phân bổ 331 triệu USD cho các sáng kiến khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra 250.000 việc làm trong vòng hai năm.
Hơn nữa, vào ngày 7 tháng 4 năm 2022, chính phủ Ma-rốc đã công bố triển khai đơn đăng ký chương trình hỗ trợ “Forsa” dành cho các doanh nhân để tài trợ và đào tạo 10.000 doanh nhân bằng cách hỗ trợ tới 100.000 MAD (10.000 USD) với lãi suất bằng 0. Các doanh nhân được hưởng lợi từ chương trình có thời hạn tối đa 10 năm để trả các khoản vay và chương trình này dành cho người Ma-rốc cư trú tại quốc gia Bắc Phi hoặc nước ngoài trong độ tuổi từ 18 đến 35.
Trong bối cảnh tương tự, các doanh nghiệp xã hội xanh ở Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và toàn khu vực MENA đã và đang phát triển các giải pháp thực tế và mang tính khu vực cho các vấn đề khí hậu trong thế giới thực. Cùng với năng lượng tái tạo, công nghệ tuần hoàn, tái chế và nền tảng thương mại điện tử bền vững, nông nghiệp bền vững và giảm chất thải thực phẩm cũng được coi là một trong những giải pháp. Những doanh nghiệp này cũng nâng cao nhận thức về môi trường bằng cách thúc đẩy các hoạt động bền vững.
Công nghệ khí hậu (Climate-tech) giống như công nghệ sạch, một thuật ngữ dùng để chỉ lĩnh vực kinh doanh bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường từ thu hồi carbon đến máy bay điện và đây là một lĩnh vực phát triển chậm tại khu vực MENA. Mặt khác, công nghệ khí hậu là một điểm sáng ở Mỹ, Châu Âu và hơn thế nữa vào năm 2022. Trong nửa đầu năm 2022, các công ty khởi nghiệp về công nghệ khí hậu đã huy động được mức kỷ lục 26,8 tỷ USD trên toàn cầu, bất chấp sự suy giảm chung trong hoạt động đầu tư mạo hiểm.
Một số công ty khởi nghiệp địa phương chủ yếu tập trung vào đổi mới nông nghiệp gần đây đã nhận được nguồn tài trợ đáng kể và sau Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc giữa các bên (COP27) tại Sharm Al-Shaikh ở Ai Cập vào năm 2022, nhiều công ty khởi nghiệp xanh khác đang trong quá trình đạt được các nguồn vốn mới từ các tổ chức và chính phủ quốc tế như một phần trong cam kết nhằm tăng cường các sáng kiến giảm thiểu biến đổi khí hậu để bắt đầu thực hiện các dự án xanh mang tính đổi mới.
Nói cách khác, mặc dù không gian công nghệ khí hậu MENA vẫn còn ở giai đoạn sơ khai khi so sánh với fintech hoặc thương mại điện tử, nhưng có vẻ như đây là thời điểm thích hợp để các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu MENA phát triển. Theo báo cáo Công nghệ Khí hậu năm 2022 của PwC, 6 tỷ USD đã được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ khí hậu ở Trung Đông kể từ năm 2013 và 1,6 tỷ USD trong số đó được đầu tư chỉ riêng trong nửa đầu năm 2022.
Những thách thức mà doanh nghiệp trong khu vực phải đối mặt
Một báo cáo do các chuyên gia cung cấp cho GEM từ các quốc gia Ả Rập được chọn trong khu vực MENA (cụ thể là Ai Cập, Algeria, Tunisia, Maroc, Jordan, Libya, Qatar, Kuwait, Iran và UAE), với hầu hết dữ liệu được thu thập về khuôn khổ kinh doanh năm 2016, cho thấy những trở ngại chính mà hệ sinh thái khởi nghiệp ở hầu hết các quốc gia trong khu vực phải đối mặt. Dựa trên dữ liệu này, những điều kiện mà hầu hết các quốc gia thậm chí còn chưa đạt đến mức trung bình chủ yếu được coi là rào cản về năng lực về:
• Giáo dục khởi nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ.
• Thiếu chính sách thống nhất.
• Mức độ kết nối giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
• Thiếu kinh phí (chủ yếu ở giai đoạn đầu).
Hướng tới một hệ sinh thái hòa nhập ở khu vực MENA.
Hệ sinh thái khởi nghiệp có thể được xác định là “sự kết hợp của các yếu tố xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa trong một khu vực nhằm hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nhân non trẻ và các chủ thể khác chấp nhận rủi ro khi khởi nghiệp, cấp vốn, và mặt khác là hỗ trợ các dự án mạo hiểm có rủi ro cao. Hơn nữa, thuật ngữ “doanh nghiệp” cũng đề cập đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) thường đang ở giai đoạn ban đầu hoặc mở rộng quy mô.
Các bên liên quan chính của hoạt động khởi nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào bao gồm chính phủ, các công ty tư nhân, các nhà lãnh đạo xã hội, các tổ chức giáo dục và các đơn vị và cá nhân quan trọng khác cùng hợp tác để duy trì một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh nhằm thúc đẩy đổi mới và thu hút sự tham gia của thanh niên trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước mình. Xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ được kết nối tốt chắc chắn là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh xanh trong khu vực./.
Theo Bản tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số 47/2023
Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.