VBEE - DỰ ÁN CHUYỂN CHỮ VIẾT THÀNH GIỌNG ẢO ĐẦY CẢM XÚC
Gần 15 năm khởi nghiệp về công nghệ thông tin, trải qua muôn vàn khó khăn, anh Hồ Minh Đức tự hào với thành quả made in Vietnam về nền tảng lồng tiếng và chuyển văn bản thành giọng nói nhân tạo có cảm xúc, tự nhiên như người thật. Hiện Vbee là công ty hàng đầu về trợ lý ảo nhân tạo, đặc biệt trong lĩnh vực trợ lý ảo cho tổng đài.
- Với 5 nhà sáng lập đều là những người nghiên cứu về công nghệ, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mới đây Vbee đã được Bộ Thông tin - Truyền thông công nhận là giải pháp lõi made in Vietnam, giải pháp này có sự ảnh hưởng trong nhiều ngành nghề và phát triển mở rộng.
- Năm 2018, Vbee đã vinh dự nhận giải nhì của thi Nhân tài đất Việt.
- Chia sẻ về mục tiêu ngắn hạn, Vbee mong muốn trở thành số 1 Việt Nam về cung cấp giải pháp và dịch vụ về trợ lý ảo nhân tạo cho toàn bộ doanh nghiệp, người dùng tại Việt Nam. Còn xa hơn, anh Đức hy vọng sẽ trở thành nền tảng về hội thoại thông minh, giao tiếp.
5 phút để con chữ “biết nói”
Công ty Vbee AI Voice Studio (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) chuyên về sản xuất nội dung tự động, giúp giải quyết vô số bài toán ở rất nhiều khía cạnh phát triển doanh nghiệp bằng việc xây dựng công nghệ mới trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, cho phép người và máy có thể giao tiếp với nhau thông qua việc tạo ra trợ lý ảo, giọng nói nhân tạo hay tổng đài viên... Theo anh Hồ Minh Đức - CEO và sáng lập viên của Vbee, đây là một trong những xu hướng đang phát triển để tự động hóa cũng như robot thực hiện các nhiệm vụ dần thay thế con người, hoặc để thay thế con người làm những việc mang tính chất khó hơn.
Khởi nghiệp từ khi mới ra trường vào năm 2009, và tất cả đều thuộc ngành công nghệ thông tin, anh Đức chia sẻ: "Đam mê khởi nghiệp luôn tồn tại trong con người tôi. Lĩnh vực tôi làm từ trước tới nay đều đi sâu vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trong đó tập trung xử lý tiếng Việt". Công ty đầu tiên của anh tiên phong trong lĩnh vực tìm kiếm tiếng Việt đã từng được Google đề xuất mua lại.
Những năm tháng không quên
Câu chuyện bắt đầu từ 12 năm trước, khi lĩnh vực xử lý, chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Việt vẫn còn là một khái niệm tương đối mơ hồ với hầu hết người dùng, thậm chí cả với những doanh nghiệp lớn, Hồ Minh Đức đã bắt đầu những dự án đầu tay của mình dưới mái trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, nơi đã nuôi dưỡng và hình thành nên một tập thể những con người cùng chung ý chí giải bài toán riêng của người Việt Nam.
Anh Hồ Minh Đức - một trong những người sáng lập Vbee.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, Hồ Minh Đức cùng những người bạn chung ý chí đã đưa bài toán tập trung xử lý ngôn ngữ tiếng Việt thành startup Vbee như hiện nay. Ít ai ngờ rằng một Vbee chuyên về chuyển đổi giọng nói ngôn ngữ thành văn bản như hiện nay lại xuất thân từ một đề tài về xử lý bộ đọc dành cho người khiếm thị.
Nhớ lại những năm tháng mới bắt đầu, CEO Hồ Minh Đức cho hay, thời còn là sinh viên, anh cùng với một vài người bạn học cùng học tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng chung ý tưởng xây dựng giải pháp cho những người khiếm thị ở Việt Nam có được bộ đọc tốt hơn. Những ai từng đi sâu vào lĩnh vực ngôn ngữ học đều công nhận rằng, điểm mấu chốt là cần phải có một công ty “Made in Vietnam” xây dựng giải pháp cho người Việt Nam. Lý do rất đơn giản, đó là tiếng Việt rất phức tạp.
Theo đánh giá của List25, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ khó học, khó phát âm nhất trên thế giới. Bởi lẽ đó, việc xây dựng nên những phần mềm, giải pháp chuyển đổi tiếng Việt vẫn được xem là một thử thách không nhỏ đối với ngay cả những tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, hay Apple khi bước chân vào thị trường Việt Nam.
Trước cơ hội ấy, Hồ Minh Đức và những người bạn của mình tự nhủ “Không phải bây giờ, thì là bao giờ”. Xuất phát từ ý tưởng sẵn có, nền tảng nghiên cứu cũng đã sâu, và thị trường công nghệ chuyển văn bản, xử lý ngôn ngữ vô cùng tiềm năng, Vbee dường như là con đường duy nhất có khả năng trở thành một trong những đề tài đầu tiên sẽ thương mại hoá thành công rực rỡ. Để rồi từ đó, sản phẩm tới tay và phục vụ chính những con người Việt Nam. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là “giấc mơ màu hồng” dành cho những chàng trai trẻ. Trái lại, khó khăn đến từ ngày đầu, và những ai từng trải qua chặng đường startup đều hiểu điều này.
Lửa thử vàng gian nang thử sức
Với Hồ Minh Đức, khó khăn đến ngay từ khi dự án còn đang là một đề tài khoa học. Bởi vì một giải pháp công nghệ xuất thân từ một trường đại học từ trước tới nay vẫn luôn có những rào cản nhất định, khiến cho bất kỳ ai theo đuổi cũng phải chùn bước. Quả thực không sai khi tồn tại định kiến cho rằng một đề tài khoa học sau khi ra trường hầu như rất khó có thể triển khai, và nếu có thì thành công cũng rất hạn chế. Sở dĩ có định kiến này là bởi những sự khác nhau rất căn bản giữa khoa học và thị trường. Dưới góc độ khoa học, giải pháp luôn hướng tới mô hình vĩ mô, nhưng lại thiếu thực tế khi triển khai, khó đáp ứng được bài toán doanh số khi bước chân ra thị trường vốn dĩ khắc nghiệt. Từ đó, có thể thấy việc một đề tài khoa học “sống sót” đã là điều không dễ, mà để “bay cao” lại càng khó khăn hơn.
“Vbee đi lên từ giải pháp khoa học, nên khó khăn đầu tiên của chúng tôi lại chính là luôn nhìn sản phẩm dưới góc độ của các nhà khoa học”, CEO Hồ Minh Đức chia sẻ. “Điều này khiến startup của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, càng khó khăn, các anh em càng muốn thực hiện nó, nhằm mục đích thay đổi định kiến rằng các đề tài khoa học sẽ khó mà triển khai thương mại hoá được”.
Khó khăn tiếp theo đó là về sự tiếp cận. Rõ ràng, khi đã có sản phẩm được hoàn thiện trong tay, bạn sẽ muốn nó đến với càng nhiều người càng tốt. Nhưng làm thế nào để cụ thể hóa điều này lại là cả một vấn đề nan giải. “Với Vbee, khi đã nỗ lực để định hình sản phẩm, chúng tôi phải tiến hành “educate” thị trường - hiểu nôm na là phải “dạy” cho họ biết được sản phẩm của mình có gì, giải pháp mình đưa ra có tác dụng thế nào, dùng ra sao...” Minh Đức cho biết. Mất một thời gian cứ loanh quanh cái vòng lặp đi lặp lại: hoàn thiện sản phẩm, rồi giới thiệu nó, rồi lại tiếp tục hoàn thiện, giới thiệu nó... Trong khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất đặt ra chính là nguồn vốn. Câu hỏi “vốn lấy đâu ra?” cứ đè nặng trĩu mỗi khi lên giường đi ngủ, và khi mở mắt ra thì câu hỏi ấy lại xuất hiện”, CEO Hồ Minh Đức trải lòng.
Biết bao công đoạn cần tới vốn; như làm sao để phục vụ được một số lượng người dùng rất đông, tốn nhiều tài nguyên để duy trì hệ thống, trả lương nhân viên, cũng như nguồn lực để đóng gói sản phẩm, dịch vụ. Thực tế cho thấy, trong bất kỳ ngành nghề nào, cái thứ này luôn là “kẻ thù” giết chết mọi ý tưởng chớm nở, và khiến doanh nghiệp phải chịu thất bại dù sở hữu trong tay nhiều sản phẩm độc đáo. Đối với startup, điều này càng khó khăn hơn, khi hầu như không có một nguồn vốn đầu tư nào trong giai đoạn đầu, trước khi họ chứng tỏ được giá trị của mình cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, do Vbee là startup sử dụng công nghệ lõi, nên đòi hỏi thời gian thị trường hấp thụ lâu hơn so với những sản phẩm mang tính chất thương mại. Các thành viên trong công ty buộc phải tận dụng thế mạnh của nhau, giảm bớt nguồn chi phí để tập trung giải các bài toán trước mắt. “Cơ hội đến với một startup không có nhiều. Nên khi có, phải biết tận dụng, nếu không sẽ khó lòng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Chính tôi là người đã nhận ra điều này sau gần 15 năm làm khởi nghiệp”.
Đội ngũ Vbee là những người trẻ tuổi đầy hoài bão.
Cuộc chơi với các “Ông lớn”
Vào năm 2006, Hồ Minh Đức bắt đầu với dự án khởi nghiệp đầu tiên mang tên Socbay (Sóc bay), hoạt động chủ yếu ở mảng tìm kiếm từ nhạc, phim, ảnh, rao vặt, tin tức đến từ điển. Xa lộ của Tinh Vân lại nhắm tới các hướng tìm kiếm chuyên biệt như tin tức, blog, diễn đàn. Đó là thời kỳ thị trường tìm kiếm Việt vẫn còn ở trong tình thế cạnh tranh giữa Yahoo và Google, và những startup nhỏ như Socbay, Xa lộ, Tìm nhanh... đã nhanh chân tìm được những thị trường ngách để khai phá.
Tuy nhiên, tiềm lực tài chính có hạn dẫn đến vận hành cả một bộ máy và lượng dữ liệu khổng lồ mà chỉ có một vài kỹ sư là điều không thể, dự án Socbay thất bại sau một năm hoạt động, nhưng cũng đạt được thành công lớn đó là được Google đề xuất mua lại. Đây cũng là một câu chuyện cho thấy những thách thức thực sự với các dự án khởi nghiệp của người Việt nếu có ý định cạnh tranh nhằm giành giật thị phần với các ông lớn như Google, Amazon tại Việt Nam, chứ chưa kể đến các tập đoàn lớn trong nước. Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn 2 năm sau, Hồ Minh Đức quay trở lại, nung nấu ý định “cạnh tranh” với Google bằng một dự án mà sau này chính là Vbee - giải pháp chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Việt từ văn bản sang giọng nói. Lần này, Đức chọn cách trở thành những “chú Rùa”, đi chậm hơn, và thực tế đã mất tới 10 năm để xây dựng giải pháp, sao cho nó thật hoàn thiện, và đủ sức đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vbee là một trong số những đội được nhận giải cao nhất
tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2018.
Tới khi “bung” ra, Vbee ngay lập tức tạo được tiếng vang dù rất nhiều công ty, tập đoàn lớn cũng tham gia vào lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tương tự, điển hình như trong nước có FPT, Viettel; còn nói tới những “gã khổng lồ” thì luôn có Google, Amazon luôn chực chờ để thâm nhập thị trường Việt. Theo nhận định của CEO Vbee, đây là một minh chứng cho thấy luôn có những lợi thế dành cho những startup nhỏ; đó là giải quyết các bài toán mà không phải gã khổng lồ nào cũng có thể làm được. “Tôi tin rằng thị trường sẽ luôn có các bài toán sẵn có. Và nếu không có những startup giải quyết những vấn đề đó, thì thị trường sẽ không thể phát triển một cách toàn diện”, anh khẳng định.
“Thị trường công nghệ rất rộng, và mỗi cách đi sẽ cho kết quả khác nhau. Nếu như ngày xưa, tôi cố gắng đưa công cụ tìm kiếm trở thành số 1 thị trường, thì giờ đây, góc nhìn của chúng tôi đã khác. Bằng cách dựa trên nền tảng công nghệ lõi, Vbee sẽ làm sao “đóng gói” được những dịch vụ phù hợp với thị trường ngách ngày càng tốt. Cần phải nói thêm rằng, mặc dù là thị trường ngách, nhưng nó đủ lớn để một startup có thể sống, sau đó là phát triển. Tất nhiên, để có được chiến lược ấy, chúng tôi đã chấp nhận đi chậm mà chắc. Đằng sau Vbee là 10 năm chúng tôi nghiên cứu, xây dựng giải pháp đồng bộ. Điều này giúp chúng tôi có một nền tảng rất sâu về ngôn ngữ. Có thể nói rằng, Vbee đã đi lên từ ngôn ngữ chứ không phải áp dụng IT để giải quyết vấn đề về ngôn ngữ.”
Nói chung, điều khiến những con người đang làm việc tại Vbee cảm thấy tự hào nhất - cũng là thứ đang vì nó mà cố gắng - là một sản phẩm tiên phong về xử lý ngôn ngữ tiếng Việt nói chung và giọng nói nhân tạo tiếng Việt nói riêng. Từ nền móng ấy, một tập hợp gồm những con người trẻ tuổi, chung niềm đam mê, khát vọng, tin tưởng rằng họ sẽ thay đổi được hình thức về công nghệ nền tảng cũ ở Việt Nam, thổi hồn cho những dịch vụ mới như tổng đài AI, MC ảo..., cũng là những nét "chấm phá" hoàn toàn mới cho nền Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang hướng tới.
Vbee - Nâng tầm ngôn ngữ Việt
Tháng 1/2019, Vbee chính thức được thành lập sau một thời gian dài lên ý tưởng và kế hoạch, với mong muốn xây dựng công nghệ lõi về xử lý các bài toán liên quan đến ngôn ngữ tiếng Việt để phục vụ người Việt. Vbee mang đến giải pháp giúp cho việc lồng tiếng và chuyển văn bản thành giọng nói nhân tạo có cảm xúc người thật với nhiều giọng đọc theo giới tính, vùng miền. Đặc biệt có thể sử dụng thương mại, đăng tải trên các nền tảng YouTube, TikTok, E-Learning, Content Marketing...Với cách sử dụng dễ dàng, thuận tiện, người dùng chỉ cần tạo tài khoản, nhập hoặc tải lên một văn bản, chọn giọng nói, ngay lập tức sẽ được chuyển đổi thành audio thuyết minh chất lượng cao. Giá thành cũng nằm ở mức tương đối rẻ.
Vbee Voice Studio được sử dụng rộng rãi với nhiều lĩnh vực, như phát các đoạn thông báo tự động và cập nhật liên tục về lịch trình, thời gian, số xe tại bến xe cho khách hàng; tổng đài tự động; chuyển nội dung sách báo, bài thuyết trình thành âm thanh; lồng tiếng game; thuyết minh tự động video giới thiệu, quảng cáo sản phẩm...
Giúp doanh nghiệp giảm chi phí, làm hài lòng khách hàng
Theo anh Đức, trí tuệ nhân tạo là một điều mới mẻ và rất khó, từ việc làm sao để doanh nghiệp và người dùng của họ hiểu và sử dụng. Anh nhận định khi khởi nghiệp AI, cái khó nhất là làm cho khách hàng hiểu và quyết tâm để ứng dụng công nghệ, hay giải pháp có sử dụng AI để thay đổi cách thức đang hoạt động. Việc tạo ra giọng nói nhân tạo, các trợ lý ảo, startup này giúp cho doanh nghiệp tự động hóa các quy trình của họ, cắt giảm chi phí và làm khách hàng của họ cảm thấy hài lòng hơn. “Ví dụ, trong trường hợp người dùng muốn gọi lên tổng đài của một ngân hàng để khóa thẻ ATM khẩn cấp, nhưng thường tổng đài luôn trong tình trạng bận vì đang quá tải. Khi áp dụng công nghệ tạo ra trợ lý ảo để xác thực khách hàng một cách tự động, khách sẽ luôn được phục vụ 24/7, không cần phải chờ lâu rồi khó chịu nữa”, anh cho hay.
Ngoài cung cấp giải pháp, founder Vbee cũng nhận lại được giá trị do chính khách hàng mang đến. Anh cho hay: “Thứ nhất là thấy được thị trường này rất tiềm năng, tiếp theo là chứng minh mô hình kinh doanh của chúng tôi đúng vì mở rộng và nhân bản lên rất nhanh trong thời gian ngắn. Thứ ba, tạo luồng doanh thu ổn định để có thể tái đầu tư, bởi đầu tư vào công nghệ đã tốn kém, vào lĩnh vực AI còn tốn hơn nữa”.
Minh Đức cho biết, muốn phát triển cần phải có sự đầu tư bài bản ở hai góc độ. Thứ nhất là team nghiên cứu, bởi việc nghiên cứu bằng ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Việt đòi hỏi chiều sâu, cho nên đội ngũ này phải giỏi, đam mê và sinh ra để làm nghiên cứu về nền tảng hội thoại công nghệ lõi về ngôn ngữ này. Thứ hai là nguồn vốn, vì ngành này đòi hỏi vốn rất lớn, buộc đơn vị đầu tư phải nghiêm túc. “Chúng tôi có quỹ đầu tư tham gia cùng. Hai yếu tố đó dẫn đến đối thủ trong lĩnh vực này không quá nhiều, bù lại họ rất mạnh. Nhưng chúng tôi có thể tự tin cạnh tranh khi sở hữu công nghệ lõi, trong đó tập trung lợi thế xử lý tiếng Việt, đóng gói theo yêu cầu khách hàng một cách tròn trịa. Sản phẩm mang tính bản địa, đi sâu vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.”, CEO chia sẻ.
Sau hơn 4 năm ra mắt, đến nay, Vbee đã có hơn 400.000 khách hàng, người sử dụng. Bên cạnh đó, startup này còn cung cấp giải pháp miễn phí cho người khiếm thị tiếp cận thông tin bằng cách chuyển text thành voice, audio để họ có thể nghe được. Ngoài ra, Vbee cũng đã hợp tác với Shopee, tiếp tận quỹ đầu tư của Grab, giải pháp được ứng dụng rộng rãi cho khối ngân hàng, Fintech tại Việt Nam. Mới đây, công ty cũng được quỹ của Vingroup đưa vào như một trong những giải pháp có tầm ảnh hưởng đến ngành công nghệ Việt Nam./.
Theo Bản tin Startup số 29/2023