No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Thế giới ca ngợi và tưởng nhớ Bác Hồ
Lượt xem: 23

Thế giới ca ngợi và tưởng nhớ Bác Hồ

 

Đối với thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cho “hòa bình, hữu nghị và tình bạn”(1) .

 

Năm 1958, trong một cuộc viếng thăm Ấn Ðộ theo lời mời của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các nhà lãnh đạo và đông đảo các tầng lớp nhân dân nước này dành cho sự yêu mến và kính trọng đặc biệt. Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma trong một phát biểu năm 2015 đã nhớ lại: “Sẽ khó tìm thấy người Ấn Độ nào không biết vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của Việt Nam - Hồ Chí Minh... Chúng tôi ở Ấn Độ ngưỡng mộ Người, kính trọng Người và học theo Người”(2) .

anh tin bai

Ảnh 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây ở thành phố Bangalore (bang Karnataka) trong chuyến thăm Ấn Độ của Người vào tháng 2/1958. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Ngay khi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào đầu tháng 9/1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô vào ngày 4/9/1969 đã khẳng định: “Nghị lực lớn lao, ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và kiên cường, đức tính giản dị và nhân đạo của đồng chí Hồ Chí Minh làm cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Liên Xô, những người cộng sản và tiến bộ trên thế giới hết sức yêu mến và kính trọng đồng chí… Nhân dân Liên Xô sẽ mãi mãi ghi nhớ hình ảnh trong sáng của đồng chí, người Mác-xít – Lê-nin-nít kiên cường, người bạn trung thành của Đảng và đất nước chúng tôi”(3) .

Ngày 4/9/1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “cố gắng không mệt mỏi nhằm tăng cường và phát triển tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Trung Quốc - Việt Nam”(4) . Tháng 9/1969, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của thế giới thứ ba, của các dân tộc đói nghèo và khát khao nhân phẩm. Người đã dạy họ trước hết phải dựa vào sức mình là chính để tự giải phóng, và một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu những con em của đất nước họ không chịu sống cuộc đời nô lệ. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho cuộc đời của những người nào biết nắm ngọn cờ giải phóng dân tộc bách chiến bách thắng, vượt qua mọi sóng gió thử thách, đã góp phần hy sinh, đã sống có ý nghĩa và danh dự, đã tự tay tạo ra đất nước mới, xã hội mới của mình”(5) .

anh tin bai

Ảnh 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Indonesia Sukarno trong chuyến thăm của Người đến Indonesia vào tháng 2/1959. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Đảng, Nhà nước, Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Albania vào ngày 4/9/1969 đã khẳng định: “Những người cộng sản Albania và toàn thể nhân dân Albania kính yêu đồng chí Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại kính mến của nhân dân Việt Nam anh em và Đảng Lao động Việt Nam, nhà hoạt động xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người chiến sĩ kiên cường chống ách áp bức bóc lột của bọn tư bản, chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, một người bạn vĩ đại của nhân dân Albania”(6) .

Đảng, Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan vào ngày 4/9/1969 đã khẳng định: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã hiến dâng tất cả đời mình cho cuộc đấu tranh của phong trào cách mạng và cộng sản quốc tế chống ách thực dân và chủ nghĩa đế quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xã hội của Việt Nam và của các dân bị nô dịch khác”(7) .

anh tin bai

Ảnh 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ và các cháu thiếu nhi nhà máy thủy điện ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Armenia (Liên Xô) vào ngày 22/7/1959. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Đảng, Nhà nước, Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Bulgaria vào ngày 4/9/1969 đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một người Mác-xít – Lê-nin-nít kiên cường, một người có tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế nồng nàn, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”(8) .

Đầu tháng 9/1969, Đảng, Nhà nước, Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức cũng khẳng định: “Đồng chí Hồ Chí Minh hiện thân cho sự gắn bó của giai cấp công nhân thế giới với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức”(9) .

Ngày 4/9/1969, Đảng, Nhà nước, Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Hungary khẳng định: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một nhân vật xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một chiến sĩ quốc tế đấu tranh kiên quyết, không mệt mỏi cho sự thống nhất của các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa, cho tình hữu nghị giữa các dân tộc”(10) .

Ngày 4/9/1969, Đảng, Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Romania đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một lãnh tụ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào giải phóng dân tộc”(1) .

Ngày 4/9/1969, Đảng, Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc khẳng định: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã và mãi mãi là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một chiến sĩ quốc tế trung kiên”(12) .

anh tin bai

Ảnh 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi thành phố Kyiv, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Ukraine (Liên Xô) vào tháng 7/1959. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Ngày 4/9/1969, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ Yumjaagiin Tsedenbal bày tỏ: “Nhân dân Mông Cổ coi đồng chí Hồ Chí Minh là chiến sĩ cách mạng hiến dâng cả cuộc đời và sức lực của mình cho sự nghiệp của nhân dân lao động, cho sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội. Đối với chúng tôi, đồng chí Hồ Chí Minh là một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc”(13) .

Ngày 4/9/1969, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành khẳng định: “Do những công lao chói lọi của mình, đồng chí Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam, nhân dân Triều Tiên và nhân dân tiến bộ toàn thế giới rất tin tưởng và kính trọng”(14) .

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến viếng Người tại Đại sứ quán Việt Nam ở Cuba. Gương mặt Chủ tịch Fidel Castro thật đau buồn và xúc động. Chủ tịch Fidel Castro ngồi lại rất lâu để hỏi chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí đã bày tỏ vô cùng nuối tiếc vì chưa được gặp Người. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba và Chính phủ cách mạng Cuba vào ngày 4/9/1969 đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Cuộc đời của đồng chí là một là một tấm gương sáng ngời những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất”(15) .

Tuyên bố của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp vào ngày 4/9/1969 đã viết: “Với sự đau thương và lòng tôn kính, Đảng Cộng sản Pháp nghiêng mình trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo kính mến của nhân dân Việt Nam anh hùng, người bạn rất quý mến của nhân dân Pháp, người đồng chí của chúng ta, tượng trưng cho cuộc đấu tranh thắng lợi của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc”(16) .

file-icon

Ảnh 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Tiệp Khắc vào tháng 7/1957. Ảnh tư liệu lịch sử.

Ngày 5/9/1969, Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng sản Mỹ nhận định: “Tên tuổi của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, sự nghèo khổ và sự phân biệt đối xử… Tấm gương vĩ đại của đồng chí Hồ Chí Minh suốt đời đấu tranh quên mình để phục vụ nhân dân Việt Nam, phục vụ những người lao động trên thế giới và toàn thể loài người bị áp bức sẽ mãi mãi cổ vũ trái tim và dìu dắt tư tưởng của các chiến sĩ hòa bình đấu tranh cho tự do và chủ nghĩa cộng sản”(17) .

Ngày 4/9/1969, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã đánh giá cao những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ thế hệ mai sau”(18) .

Tổng thống nước Cộng hòa Iraq Ahmed Hassan al-Bakr vào ngày 4/9/1969 đã nhận xét Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một nhà hoạt động chính trị xuất sắc và một lãnh tụ vĩ đại, cho đến hơi thở cuối cùng đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp tự do và hòa bình trên thế giới”(19) .

Tổng thống kiêm Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Arab Syria Nureddin al-Atassi vào ngày 5/9/1969 khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ “tiếp tục là ngọn đèn pha soi đường cho tất cả những người cách mạng trên thế giới”(20) .

Tổng thống Pakistan Agha Muhammad Yahya Khan vào ngày 5/9/1969 đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời thì “không những nhân dân Việt Nam mà nhân dân châu Á đã mất đi một lãnh tụ và một nhà chính trị rất được kính trọng”(21) .

Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Lào yêu nước Souphanouvong vào ngày 5/9/1969 đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân Lào nên cách mạng Lào đã giành được những thắng lợi to lớn và vẻ vang. Đồng chí Souphanouvong khẳng định: “Để tỏ lòng thương nhớ và biết ơn của chúng tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi nguyện luôn luôn tích cực tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết chiến đấu bền vững với nhân dân Việt Nam anh em”(22) .

file-icon

Ảnh 6: Nhân dân thủ đô Warszawa nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (1957). Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk vào ngày 4/9/1969 đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và tất cả các dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc”(23) .

Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vào ngày 10/9/1969 đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Lịch sử sẽ ghi tên tuổi của Người như một vị lãnh tụ, một nhà yêu nước kính yêu của nước Ngài, một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập dân tộc”(24) .

Huari Bumédienne, Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Algérie vào ngày 4/9/1969 đã nhận định như sau: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng đầu tiên đã chiến đấu chống những hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và là một trong những người mà bằng lời nói và hành động của mình, đã đập tan sự tàn bạo và góp phần vào sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới… Người mất đi là Thế giới thứ ba mất đi một người đứng đầu. Cuộc đời chiến đấu của Người cũng là cuộc chiến đấu của tất cả các dân tộc bị áp bức, của châu Phi, của Palestine, của Việt Nam, của châu Á và của Thế giới thứ ba, để giành lại phẩm cách và danh dự của mình”(25) .

Tổng thống nước Cộng hòa Congo Marien Ngouabi vào ngày 5/9/1969 đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ của các dân tộc bị áp bức. Ông đánh giá sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một tấm gương cho toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình và tự do trên thế giới”(26) .

Tổng thống nước Cộng hòa Guinea Ahmed Sékou Touré vào ngày 5/9/1969 đã nhận định: “Xuất sắc và dũng cảm, người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống đế quốc, chống thực dân cũ và mới”(27) .

Ngày 5/9/1969, Tổ chức những người bạn Mỹ tuyên bố: “Người là một nhân vật xuất chúng, đã quên mình hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng xã hội. Đức độ liêm khiết và lòng trung thành tận tụy của Người được nhân dân thế giới khâm phục và kính trọng”(28) .

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”. Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, Tiến sĩ Modagat Ahmet, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, đã nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(29) .

file-icon

Ảnh 7: Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow của Nga. Ảnh: https://baochinhphu.vn/

 

Ngày 12/11/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.

Ngày 23/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới thăm nơi ở và làm việc trong những năm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xúc động ghi lại những dòng cảm tưởng: “Tôi luôn khắc sâu vào tim tinh thần yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tính đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...). Có nhiều đường phố, đại lộ (riêng Pháp có 7 đường phố, Italy có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Người ở nước ngoài.

                                                                                                                                                Nguyễn Văn Toàn

 

Chú thích:

(1) Võ Nguyên Giáp, “Một số vấn đề nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr 240

(2) Việt Trung, “Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Ấn Độ”, Báo Sài Gòn giải phóng điện tử, ngày 19/5/2015

(3-28) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 15

(5) Những người bạn quốc tế của Bác Hồ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr 177

(29) UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 37

 

 

Thông tin doanh nghiệp
  • Tại sao chỉ dùng cát sông khi xây dựng mà không sử dụng cát sa mạc và cát biển?
  • Chưa đủ tuổi hưởng lương hưu thì có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?
  • Lý Quang Diệu chống tham nhũng và phát triển đất nước Singapore
  • 5 bảng lương theo vị trí việc làm 2024 khi cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức? ​
  • Vai trò của ong mật đối với cây trồng, giải pháp khuyến khích sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng ở Sơn La
  • Linh thiêng nguồn cội, đất tổ Hùng Vương
  • Ai giàu ba họ….
  • Tổng quan các xu hướng công nghệ năm 2023 (Phần 2)
  • Tổng quan các xu hướng công nghệ năm 2023 (phần 1)
  • Tổng quan các xu hướng công nghệ năm 2023 (phần 1)
  • VBEE - Dự án chuyển chữ viết thành giọng ảo đầy cảm xúc
  • Ga Vĩnh Yên
  • Sơn La: Hội thi “Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023”
  • Thế giới ca ngợi và tưởng nhớ Bác Hồ
  • Những ấn tượng kinh tế của Mộc Châu qua nửa nhiệm kỳ Đại hội và quyết tâm tăng tốc để cán đích mục tiêu kinh tế của Huyện vào năm 2025
  • Sức bật Sông Mã
  • Từ ngày 15/9/2023, CSGT có được hóa trang xử lý vi phạm?
  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam
  • Chỉ số Phát triển con người của tỉnh Sơn La
  • Đại hội Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 12
    • Hôm nay: 319
    • Trong tuần: 14 318
    • Tất cả: 13567676
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này