Phùng Chí Kiên – Nhà chính trị, quân sự song toàn vị tướng đầu tiên của quân đội ta
Phùng Chí Kiên – Nhà chính trị, quân sự song toàn vị tướng đầu tiên của quân đội ta
PHÙNG CHÍ KIÊN – NHÀ CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ SONG TOÀN
VỊ TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI TA
Phùng Chí Kiên là chiến sỹ cách mạng tiền bối của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với sự hình thành và phát triển của cách mạng Việt Nam nói chung và lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam nói riêng. Đồng chí là nhà chính trị, quân sự song toàn, vị tướng đầu tiên của quân đội ta.
1. Phùng Chí Kiên – từ một tấm gương yêu nước trở thành chiến sỹ cộng sản, nhà chính trị lỗi lạc
Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18-5-1901 trong một gia đình nông dân tại làng Mỹ Quan Thượng, nay thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu- mảnh đất giàu truyền thống hiếu học và đấu tranh cách mạng của Nghệ An. Sớm chứng kiến bao nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, ngay từ nhỏ Nguyễn Vĩ đã mang trong mình hoài bão cứu nước cứu dân.
Đầu năm 1925, Nguyễn Vĩ ra làm thuê ở ga Yên Lý – một nhà ga nhỏ thuộc địa phận huyện Diễn Châu, nằm trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Tại đây, anh được giao lưu với nhiều lớp người trong xã hội, trong đó có những người từng tham gia Hội Duy Tân do Phan Bội Châu sáng lập và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thông qua những người này, anh được tiếp xúc với những tân văn, tân thư tiến bộ, về cuộc cách mạng Tháng Mười Nga, đứng giữa hai luồng tư tưởng tiến bộ đương thời, Nguyễn Vĩ quyết định tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.
Được giác ngộ lý tưởng cách mạng, tháng 10-1926 Nguyễn Vĩ cùng một số thanh niên yêu nước Việt Nam lên đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhận mật danh do Người đặt (Phùng Chí Kiên) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp gian khổ nhưng đầy vẻ vang của Phùng Chí Kiên.
Ngay sau khi tốt nghiệp lớp huấn luyện chính trị và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học Trường Quân sự Hoàng Phố, nhằm trở thành sỹ quan quân sự tương lai cho đất nước. Tháng 4-1927, Trường Quân sự Hoàng Phố đóng cửa do Tưởng Giới Thạch phản bội quay lại đàn áp phong trào cách mạng, Phùng Chí Kiên cùng với các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn tham gia cuộc khởi nghĩa do Tỉnh ủy Quảng Đông (Trung Quốc) phát động. Tháng 12-1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và tham gia vào Hồng quân.
Bước sang năm 1930, tình hình cách mạng trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển mạnh mẽ, yêu cầu nguồn cán bộ đối với Đảng ngày càng trở nên bức thiết. Trước tình hình đó, tháng 12-1930, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô theo học Trường Đại học Phương Đông. Từ đây, người thanh niên yêu nước Phùng Chí Kiên chính thức trở thành người chiến sỹ của Đảng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Những năm tháng Phùng Chí Kiên học tập tại Trường Đại học Phương Đông cũng là những năm tháng cách mạng Việt Nam gặp nhiều khó khăn sau cuộc khủng bố trắng do thực dân Pháp tiến hành; nhiều tổ chức, cơ sở đảng của ta bị vỡ, yêu cầu cán bộ về xây dựng cơ sở Đảng ngày càng trở nên bức thiết.
Năm 1934 ngay sau khi tốt nghiệp, theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí học tập tại Trường Đại học Phương Đông được điều về tăng cường cho Ban Chỉ huy ngoài-cơ quan lâm thời, tồn tại song song với Trung ương, có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động cách mạng ở ngoài. Trong điều kiện hoạt động hết sức khó khăn, sự kiểm soát gắt gao của địch, số lượng đảng viên ít, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt đã quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới vai trò lãnh đạo của Đảng và việc khôi phục lại phong trào cách mạng, trong đó có việc tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Đây là một chủ trương và quyết định sáng suốt, nhằm đưa cách mạng nhanh chóng qua thời kỳ thoái trào. Với tinh thần tập trung cao độ, Phùng Chí Kiên và Hà Huy Tập đã chỉ đạo các đồng chí trong Ban Chỉ huy ngoài tiến hành xây dựng đề cương, soạn thảo báo cáo chính trị, các nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, thanh niên vận động, Nghị quyết về Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương; Điều lệ của Đảng và Điều lệ của các tổ chức đoàn thể. Đồng thời hướng dẫn cho các tổ chức đảng trong nước chuẩn bị tiến hành Đại hội. Thành công của Đại hội Đảng đã khôi phục được hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương cả trong và ngoài nước, thống nhất được phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương sau một thời gian dài bị thực dân Pháp khủng bố. Đồng chí được bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tiếp tục cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ngoài hoạt động.
Giữa năm 1937, Phùng Chí Kiên cùng với Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn được Ban Chỉ huy ngoài cử về nước cùng với Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Trong thời gian hoạt động ở trong nước, Phùng Chí Kiên đã tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ tư (mở rộng) nhằm vận dụng sáng tạo đường lối của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh mới ở Việt Nam. Hội nghị quyết định nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương lúc này là chống chế độ thuộc địa phản động, chống phát xít, đòi tự do, cơm áo, hòa bình theo đường lối mới của Quốc tế Cộng sản. Phương pháp đấu tranh là kết hợp giữa công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Sau Hội nghị Trung ương IV, phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, được Đảng ta đánh giá là cuộc diễn tập thứ hai cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Thắng lợi cơ bản của Hội nghị Trung ương IV, có phần đóng góp rất lớn của các đồng chí từ ngoài về, đặc biệt là vai trò chủ đạo, tiếng nói quan trọng của đồng chí Phùng Chí Kiên, đại diện cho Ban Chỉ huy ngoài.
Đến cuối năm 1937, đồng chí Phùng Chí Kiên trở lại Hồng Kông lãnh đạo Ban Chỉ huy ngoài thay cho đồng chí Lê Hồng Phong về chỉ đạo cách mạng trong nước.
Tháng 10-1938, Phùng Chí Kiên bị thực dân Anh bắt giữ. Sau hai tháng giam giữ, không tìm được chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho anh và trục xuất anh khỏi Hồng Kông. Rời Hồng Kông, Phùng Chí Kiên đến Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tiếp tục hoạt động. Trên cở sở Chi bộ Đảng Vân Quý, Phùng Chí Kiên đã xây dựng lại Ban Chỉ huy ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Phùng Chí Kiên, phong trào yêu nước, cách mạng trong cộng đồng người Việt phát triển mạnh mẽ. Thông qua tờ báo Truyền Tin (sau đổi thành Đồng Thanh và Đ.T) Ban Chỉ huy đã kêu gọi nhân dân đoàn kết cùng với nhân dân trong nước đấu tranh chống Pháp, ủng hộ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật. Đồng thời vạch trần những luận điệu tuyên truyền lừa bịp của những kẻ giả danh cách mạng, phản động núp sau lưng Tưởng Giới Thạch âm mưu chống phá cách mạng trong và ngoài nước. Ban Chỉ huy ngoài trở thành nơi liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với quốc tế cộng sản, nơi đón tiếp các đồng chí từ trong nước sang và là nơi đón tiếp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi người rời Liên Xô về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Bước sang năm 1939, trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định rời Liên Xô về bắt liên lạc với Ban Chỉ huy ngoài, chuẩn bị mọi điều kiện về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Đây là một tin vui không chỉ đối với Đảng, với phong trào cách mạng mà còn đối với cá nhân Phùng Chí Kiên, bởi anh sẽ được gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm xa cách. Ngay sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa trở về, thay mặt cho Ban Chỉ huy ngoài, Phùng Chí Kiên đã báo cáo tình hình cách mạng trong nước và tình hình Việt kiều tại Vân Nam (Trung Quốc). Theo sáng kiến của Người, tờ Đồng Thanh được đổi tên thành Đ.T hàm chứa ý nghĩa rộng hơn như Đảng ta, Đấu Tranh, Đánh Tây, Đồng Tâm... Trong thời gian hoạt động ở Côn Minh và Tĩnh Tây, Phùng Chí Kiên luôn ở bên cạnh Người chỉ đạo phong trào cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nước.
Sáng ngày 28-1-1941, đồng chí cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí hoạt động ở ngoài trở về lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Đồng chí được giao nhiệm vụ xây dựng Pác Bó, Cao Bằng thành cơ quan đầu não của Đảng, tổ chức tham gia huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, thành lập các đội dân quân du kích, đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương VIII của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương VIII của Đảng, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được giao phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn – Vũ Nhai.
Như vậy, từ một người có tấm lòng yêu nước Phùng Chí Kiên trở thành người chiến sỹ của Đảng, Đồng chí cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ngoài đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của Cách mạng Việt Nam, tổ chức thành công Đại hội I của Đảng; khôi phục lại tổ chức Đảng trong và ngoài nước. Đồng chí còn góp công rất lớn trong việc xây dựng Pác Pó, Cao Bằng thành cơ quan đầu não của Đảng và chuẩn bị tổ chức thành công Hội nghị Trung ương VIII.
2. Phùng Chí Kiên nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng đầu tiên của quân đội ta
Nói đến tài năng quân sự của đồng chí Phùng Chí Kiên là nói tới tài phát hiện và bồi dưỡng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngay từ những ngày đầu khi tham gia lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, nhận thấy trí thông minh, khả năng quân sự và nhiệt huyết cách mạng của Phùng Chí Kiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi Phùng Chí Kiên vào học Trường Quân sự Hoàng Phố nhằm đào tạo trở thành sỹ quan quân sự tương lai cho đất nước. Tố chất thông minh, nhạy cảm trong học tập, tiếp thu khoa học quân sự của Phùng Chí Kiên đã được các cố vấn quân sự Liên Xô nhận xét: “Qua học tập và rèn luyện, đồng chí Phùng Chí Kiên đã tỏ rõ là người có năng lực chỉ huy quân sự”. “ Đồng chí Phùng Chí Kiên được đánh giá là một thanh niên có đầu óc quân sự và kỹ thuật..., có khả năng lớn về công tác và năng động”. Phùng Chí Kiên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015
Từ kiến thức trong nhà trường và những kinh nghiệm tích lũy được về tổ chức xây dựng đơn vị quân đội, chỉ huy các trận đánh và chiến thuật tác tiến khi tham gia vào Hồng Quân (Trung Quốc), Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng giao nhiệm vụ biên soạn và giảng dạy phần về du kích và khởi nghĩa cho hơn 43 thanh niên yêu nước từ Cao Bằng sang. Khi về nước hoạt động, bên cạnh việc cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh ở các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình (Cao Bằng), đồng chí Phùng chí Kiên còn trực tiếp nghiên cứu và soạn thảo các nguyên tắc về xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho các địa phương ở Cao Bằng. Tài liệu Về cuộc chiến tranh du kích chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và du kích và khởi nghĩa trở thành một tài liệu quý báu đối với cán bộ, chiến sỹ lúc bấy giờ.
Ngày 10-5-1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp và quyết định, chuyến hướng chiến lược cách mạng Việt Nam cho phù hợp với tình hình trong nước và thế giới, chuyển từ hình thức đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị đã giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ Bắc Sơn và phát triển lực lượng du kích, đồng thời cử đồng chí Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương Đảng làm Tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn và Chỉ huy trưởng đội Cứu quốc quân I, đồng chí Lương Văn Tri làm Chính trị viên, đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy phó, có nhiệm vụ đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ Trung ương, bảo vệ cơ sở cách mạng và bảo vệ nhân dân. Đây chính là một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, thực dân Pháp đã huy động lực lượng xây dựng hệ thống đồn bốt chặn đường về xuôi của các đồng chí Trung ương Đảng, đồng thời huy động hơn 4.000 quân cùng với mật thám lính dõng, lực lượng phản động chia làm ba mũi tấn công lên khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai nhằm lùng bắt cán bộ Trung ương và tiêu diệt toàn bộ lực lượng Cứu Quốc quân, dập tắt phong trào cách mạng.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Phùng Chí Kiên đã bắt tay vào việc củng cố, xây dựng cơ sở cách mạng, các tổ chức đảng, đoàn thể và chống lại các cuộc càn quét của địch. Những kiến thức quân sự học được tại Trung Quốc, Liên Xô cũng như những tài liệu kinh nghiệm của lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở đều được đồng chí vận dụng một cách sáng tạo vào công tác lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện Cứu quốc quân.
Giữa tháng 7-1941, thực dân Pháp huy động quân tiến hành các cuộc khủng bố càn quét, trong không khí khủng bố nghẹt thở đi tới đâu chúng đốt phá tới đó, có bản 16 hộ người Dao,nhưng chỉ duy nhất một người chạy thoát, cơ quan chỉ huy của Đội và Trung ương Đảng bị uy hiếp nghiêm trọng. Trên cương vị là Tổng chỉ huy khu căn cứ, đồng chí Phùng Chí Kiên đã họp Ban chỉ huy và quyết định chuyển cơ quan từ Tân Lập về Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, Bắc Sơn để tránh mũi nhọn của kẻ địch, đồng thời chia lực lượng thành hai tổ, một tổ do đồng chí và đồng chí Lương Văn Tri ở lại Bắc Sơn cùng nhân dân đấu tranh bảo vệ khu căn cứ, chống địch khủng bố, bảo vệ các đồng chí Trung ương Đảng. Đồng chí Chu Văn Tấn lãnh đạo một tổ về Võ Nhai xây dựng cơ quan bí mật chuẩn bị đưa các đồng chí Trung ương Đảng về xuôi.
Dưới sự chỉ huy của đồng chí Phùng Chí Kiên, cán bộ, chiến sỹ tổ Cứu Quốc quân vừa chiến đấu ngăn chặn từng bước tiến của địch, bảo vệ dân, bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ các đồng chí Trung ương Đảng, vừa xây dựng cơ sở trong quần chúng, đào tạo cán bộ Việt Minh biến khu Căn cứ Bắc Sơn thành khu căn cứ vững chắc của ta. Những trận chiến đấu chống lại sự khủng bố, càn quét của thực dân Pháp và tay sai trong thời gian này phần nào thấy được tài năng quân sự, bản lĩnh chính trị của đồng chí Phùng Chí Kiên. Với lực lượng còn non trẻ, mới được thành lập chưa có kinh nghiệm chiến đấu, cả Đội chỉ có 37 người (kể cả số cán bộ mà Trung ương Đảng mới bổ sung) với 15 súng trường và súng kíp còn lại là dao găm và mã tấu, phải chống lại hơn 4.000 tên địch, bao gồm lính Pháp, lính dõng, mật thám, chỉ điểm... ở đâu cũng có tai mắt của kẻ địch, vũ khí hiện đại, lại diễn ra trong thời gian hoạt động bí mật, chưa có chính quyền, chưa có quân đội. Bằng lối đánh nghi binh, luồn sâu, chia nhỏ lực lượng, đội cứu Quốc Quân đã bảo vệ Trung ương Đảng về xuôi an toàn, đồng thời đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của địch điển hình như trận Giá Huấn, xã Vũ Lễ, ta gây cho chúng thiệt hại lớn, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của chiến sỹ và nhân dân, làm cho nhân dân tin vào Đảng vào cách mạng.
Sau một tháng chiến đấu, nhận thấy lực lượng của địch đang còn mạnh, đồng chí Phùng Chí Kiên và đồng chí Lương Văn Tri đã quyết định để lại một bộ phận nhỏ lực lượng để hoạt động, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng, chống địch khủng bố, giữ vững cơ sở cách mạng, còn lại rút đại bộ phận lực lượng Cứu quốc quân ra khỏi Bắc Sơn, tiến lên vùng biên giới phía Bắc để bảo toàn lực lượng.
Ngày 22-8-1941, khi Cứu quốc quân đến làng Khau Pàn, xã Bằng Đức, châu Ngân Sơn (Bắc Kạn) thì bất ngờ bị địch phục kích. Đồng chí Phùng Chí Kiên tổ chức anh em trong đội chiến đấu, vừa đánh trả địch, vừa chỉ huy mọi người rút lui vào rừng. Mặc dù bị thương nặng, đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, đồng chí sa vào tay giặc và đã anh dũng hi sinh khi tuổi đời vừa tròn 40 tuổi.
Đồng chí Phùng Chí Kiên anh dũng hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, một cán bộ lãnh đạo của Đảng đang độ sung sức, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng và hứa hẹn một tài năng chính trị, quân sự đầy triển vọng. Đó là một tổn thất lớn của sự nghiệp cách mạng nước ta nói chung và lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng.
Hai năm sau ngày đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh, trong báo Cờ giải phóng, số 2, ra ngày 26/8/1943, đồng chí Trường Chinh, lúc đó là Tổng bí thư của Đảng đã viết bài ghi nhận: “Anh Phùng hay anh Lý vĩnh biệt chúng ta đã hai năm rồi!... Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ… Cái chết của anh là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ. Chúng ta càng nhớ đến anh, càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta”. Phùng Chí Kiên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một cán bộ cấp cao của Đảng được Bác Hồ và Trung ương phụ trách quân sự đầu tiên. Đồng chí là một cán bộ có đức độ và tài năng cả chính trị và quân sự, được đào tạo bài bản, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi, hòa mình với các đồng chí, đồng bào, nghiêm chỉnh chấp nhành chỉ thị của Bác và Trung ương. Đồng chí Phùng Chí Kiên là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối đã có công to lớn đối với Đảng ta, quân đội ta, không chỉ về mặt tổ chức mà cả về mặt đường lối cách mạng”. Phùng Chí Kiên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015
Nghi nhận những công lao và đóng góp to lớn của đồng chí Phùng Chí Kiên cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, ngày 23-9-1947 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký quyết định truy phong hàm cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Đồng chí mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân ta nói chung noi theo.