No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Những người thầy giáo của của Bác Hồ
Lượt xem: 3178

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Những người thầy giáo của của Bác Hồ

Ngày 5/6/1911, với việc làm phụ bếp trên tàu L'Admiral Latouche Trévill, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) khi đó mới 21 tuổi (lúc đó Người lấy tên Văn Ba) đã rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Để có được hoài bão vĩ đại này, vai trò của thầy Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), thầy Vương Thúc Qúy (1862-1907), thầy Lê Văn Miến (1874-1943) đối với Người rất quan trọng.

anh tin bai

Tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Trường Quốc học Huế. Ảnh minh họa.

 

Thầy Nguyễn Sinh Sắc

Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 tại làng Kim Liên, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1883, ông lấy bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) và lần lượt hạ sinh bốn người con: Nguyễn Thị Thanh (1884-1954), Nguyễn Sinh Khiêm (1888-1950), Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (1900-1901).

Năm 1886, Hoàng Xuân Đường (1835-1893) đã giới thiệu con rể Nguyễn Sinh Sắc tới học với thầy Nguyễn Thức Tự (1841-1923). Thầy Tự không chỉ dạy học trò kiến thức mà còn dạy học trò về lòng yêu nước thương dân. Bên cạnh tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng cho đến ngày nghĩa quân bị thực dân Pháp đàn áp, ông đã theo nghề nhà giáo 39 năm cho đến khi mất. Ông có những tác phẩm như “Đông Khê niêm luật phú”, “Đông Khê thư tập”, “Đông Khê thi tập” để khuyên răn con người sống có hiếu, có tâm, có đức tin, vượt qua cay đắng đói nghèo, xây nên sự nghiệp. Ông cũng đã dạy trên 400 học trò, trong đó nổi lên cả một thế hệ nhân tài của đất nước từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nổi bật nhất là Phan Bội Châu (1867-1940), Nguyễn Sinh Sắc, Đặng Thái Thân (1873-1910), Ngô Đức Kế (1878-1929)...  Khi ông mất, Phan Bội Châu đã viết bài điếu gửi về kính viếng thầy, có đoạn trích: “Đạo thông thiên địa/ Học bác cổ kim/ Kinh sử dĩ đắc/ Nhân sự nan tầm” (Dịch nghĩa: “Đạo thông trời đất/ Học rộng xưa, nay/ Thầy dạy chữ, dễ gặp/ Thầy dạy làm người, khó tìm”).

Năm 1894, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân. Năm 1898, ông về làng Dương Nỗ ở Huế mở lớp dạy học. Trong lớp học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ông dạy cho chữ nghĩa, đạo đức, lối sống. Bởi như trong sách “Ấu học ngũ ngôn thi” đã chỉ ra rằng: “Di từ kim mãn doanh hà như giáo nhất kinh” (Dịch nghĩa: “Để cho con hòm vàng đầy, không bằng dạy con một quyển sách”).

Năm 1901, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Tài nghị luận của ông thể hiện trong văn quyển rất xuất sắc, nhưng ông vẫn có ý phê phán triều đình thiếu chăm lo cho dân nên triều đình chỉ cho ông đậu học vị Phó bảng. Ông nhận ra: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Dịch nghĩa: Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn). Với lý do bị bệnh và để tang vợ, ông từ chối làm quan và ở nhà dạy học để có cơ hội giao lưu với các sĩ phu yêu nước. Trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong vào năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[1].

Khi làm tri huyện Bình Khê (Bình Định), Nguyễn Sinh Sắc xử hòa tất cả những vụ kiện nông dân với nhau. Ông nói: “Nước mất không lo, lo giành nhau cái bờ ruộng”. Với các tù chính trị, ông đều cho thả tự do. Khi quan trên thúc thuế còn thiếu, ông trả lời dân quá nghèo không có tiền để nộp. Khi Pháp bắt đi phu, ông trình công văn nói dân đói quá không còn sức mà đi phu. Ông thường bỏ huyện đường đi thăm dân và không xét xử các vụ kiện cáo, tranh chấp của bọn cường hào, ác bá địa phương.

Tháng 5/1909, trong thời gian Nguyễn Sinh Sắc làm quan Tri huyện Bình Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm. Khi thấy con trai đến, ông đã khuyên con nên tìm cách cứu nước cứu dân. Nghe lời cha, trong thời gian ở Bình Định, Người đã học thêm tiếng Pháp và văn hóa tại nhà thầy Phạm Ngọc Thọ (1884-1922) để chuẩn bị xuất dương sang Pháp tìm đường cứu nước.

Khoảng tháng 8/1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bình Định vào Bình Thuận. Người cầm thư giới thiệu của cha và được nhận vào dạy tại trường Dục Thanh. Tại ngôi trường này, Người cũng đã hun đúc tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.

Sau cuộc gặp với con không lâu, Nguyễn Sinh Sắc bị giáng 4 cấp và bị chuyển đi xa vì cụ đã đánh roi tên Tạ Đức Quang - một tên địa chủ tay sai cho Pháp và hai tháng sau thì hắn chết. Nhưng ông quyết từ bỏ quan trường và vào Nam sống bằng nghề bốc thuốc, dạy học và gặp gỡ những người yêu nước. Năm 1926, gặp đồng chí Lê Mạnh Trinh (1896-1983) đang ở Sài Gòn đang chuẩn bị lên đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham dự lớp học của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1925, ông đã nhờ nhắn cho con trai rằng: “Cháu gặp thì nói bác vẫn khỏe, đừng lo, cứ cố gắng làm việc, trung với nước tức là hiếu với bác”.

anh tin bai

Ảnh 2: Tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc ở Thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh minh họa.

 

Thầy Vương Thúc Qúy

Năm 1901, Chủ tịch Hồ Chí Minh được cha là Nguyễn Sinh Sắc cho theo học với thầy Vương Thúc Quý tại quê nội ở làng Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Vương Thúc Quý là con trai của Vương Thúc Mậu (1822-1886), một thủ lĩnh phong trào Cần Vương. Vương Thúc Mậu đã chống Pháp đến hơi thở cuối cùng.

Vương Thúc Quý cũng có quê ở làng Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông từng tham gia Đội sĩ tử Cần Vương. Ông đã cùng với vài chục người khác được sự chỉ huy của Phan Bội Châu, định làm một cuộc bạo động đánh chiếm thành Nghệ An vào ngày 14/7/1901, tức dịp Quốc khánh nước Pháp. Nhưng do có người mật báo với thực dân Pháp nên kế hoạch bị bại lộ. Đào Tấn (1845-1907), Tổng đốc Nghệ An lúc đó đã che chở cho ông thoát nạn.

Với vai trò người thầy, Vương Thúc Quý đã dạy cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Nhà ông cũng là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới, trong đó có các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân… Nhờ đó Người được nghe nhiều chuyện qua các buổi luận bàn thời cuộc của các sĩ phu yêu nước.

Thầy Lê Văn Miến

Năm 1906, để cho các con có thể tiếp cận nền tân học để thể thực hiện con dường cứu nước cứu dân sau này, Nguyễn Sinh Sắc chấp nhận nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ. Theo cha vào Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh được học ở trường Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc học Huế để có thể tìm trong đó những tư tưởng tiến bộ.

Tại Trường Quốc học Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được theo học thầy Lê Văn Miến. Ông quê ở làng Ông La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông từng học Trường thuộc địa ở Paris (1888-1892). Viên Tổng trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại, khi đến thăm trường đã trực tiếp hỏi Lê Văn Miến: “Anh có yêu nước Pháp không?”. Ông đã trả lời: “Với văn hóa Pháp tôi rất thích, còn việc người Pháp đi xâm lược nước khác, tôi không chịu”. Sau đó, ông tiếp tục học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris (1892-1895). Về nước, ông không chịu làm quan cho Pháp mà chỉ thích đi dạy. Từ năm 1907 đến 1913, ông làm giáo viên dạy Pháp văn và mỹ thuật ở Trường Quốc học Huế.

Trong một dịp Lê Văn Miến vào cung vẽ chân dung cho vị vua yêu nước Thành Thái (1879-1954) và do nhà vua yêu cầu, ông đã vẽ cho vua một bản sơ đồ làm súng trường để phục vụ việc làm vũ khí chống Pháp. Vua Thành Thái cũng đang đã bí mật chiêu nạp được 4 đội nữ binh (mỗi đội 50 người) để mưu tính nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi tên Thượng thư Bộ Lại và “Cơ mật viện” báo cho tên Tòa Khâm sứ Pháp. Ngày 12-9-1907, vua Thành Thái bị thực dân Pháp đưa đi quản thúc ở Vũng Tàu. Đến nǎm 1916, vua Thành Thái bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai của mình là vua Duy Tân (1900-1945), cũng là một vị vua yêu nước chống Pháp.

Giáo sư Lê Thước (1891-1975), một học trò của thầy Miến nhớ lại: “Cụ Miến không chỉ dạy chữ, dạy bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ, mà cụ Miến còn là tấm gương cho bao thế hệ học trò trong việc hình thành nhân cách của họ”.

Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Trường Quốc học Huế đi vào Nam tìm đường cứu nước, nhà văn Sơn Tùng (1928-2021) miêu tả trong tác phẩm “Búp sen xanh”, thầy Miến đến chia sẻ tâm sự với người học trò yêu quý: “Con hãy đi theo tiếng gọi của lòng con”.

Tháng 1/1918, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đảo Réunion thăm vua Thành Thái đang bị thực dân Pháp an trí tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, vua Thành Thái đã nói: “Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”[2].

Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Paris của nước Pháp, viên mật thám Paul Arnoux phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”[3].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Marx - Lenin, vừa làm công tác thực tế, dần dần Người đã hiểu được rằng “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[4]. Ngày 3/2/1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và Việt Nam đã trở thành ngọn cờ cổ vũ cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

                                                                                     Nguyễn Văn Toàn

Chú thích: 

[1] Báo Nhân Dân, ngày 18-5-1965

[2] Báo Cứu Quốc ra ngày 6-11-1947

[3] Hồng Hà, “Thời thanh niên của Bác Hồ”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr. 81

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 228

Thông tin doanh nghiệp
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La
  • Hội nghị bàn giao nhiệm vụ về Hội Khoa học Tổng hợp
  • Chuyển đổi số: Top 10 xu hướng của năm 2025
  • Nam và nữ - ai là “phái yếu”
  • Nghệ thuật lãnh đạo trong thời đại AI
  • Thư mời viết bài cộng tác
  • Công bố các quyết định về kết thúc hoạt động; thành lập, hợp nhất các cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La
  • Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La
  • Quái kiệt Lương Văn Phong: Cha đẻ DeepSeek khiến đế chế AI tỷ đô rúng động
  • Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 7, năm 2025
  • Bí ẩn của bệnh tật và sức khỏe
  • Bản tin Trí thức với Khoa học và Công nghệ số 54/2024
  • Rắn ở Việt Nam
  • Họp triển khai Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 7, năm 2025
  • Khám phá Công viên Di sản các Nhà khoa học Việt Nam
  • Danh nhân Việt Nam tuổi Tỵ
  • Quyết định số 01/QĐ-LHH ngày 04 tháng 01 năm 2025 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La - Công bố công khai dự toán ngân sách năm 2025
  • Quyết định số 04/QĐ-LHH Công khai quyết toán ngân sách năm 2024 của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La
  • Đoàn kết, tăng tốc, bứt phá, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Mục tiêu trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam
  • Chủ tịch của NVIDIA và 4 nhà khoa học thắng giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture
  • Công bố chi tiết 5 bộ, 4 Ủy ban dự kiến sáp nhập, kết thúc sau khi tinh gọn bộ máy
1 2 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 30
    • Hôm nay: 2587
    • Trong tuần: 35 600
    • Tất cả: 15243430
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này