Lý Quang Diệu chống tham nhũng và phát triển đất nước Singapore
Năm 2023 này là tròn 100 năm ngày sinh của Lý Quang Diệu (sinh năm 1923- mất năm 2015) - vị Thủ tướng đầu tiên của Singapore (giai đoạn 1959-1990). Đối với Singapore, Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo có rất nhiều cống hiến. Từ một Singapore thuộc “thế giới thứ ba” cho đến khi đất nước này tìm được con đường phát triển và vươn lên tầm cao như ngày hôm nay đều có dấu ấn của Lý Quang Diệu.
Ảnh 1: Lý Quang Diệu nói chuyện với những người dân địa phương trong chuyến thị sát vào năm 1963. Ảnh tư liệu lịch sử.
Ổn định và trong sạch
Bất cứ quốc gia nào trên thế giới nếu muốn phát triển kinh tế thì trước hết phải giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội. Điều kiện này đối với Singapore là một điều kiện rất quan trọng vì rường cột phát triển của quốc gia này nằm ở sự đầu tư từ nước ngoài. Lý Quang Diệu đã nói: “Tham vọng của tôi khi thành lập Singapore là duy trì một hệ thống đưa ra được những câu trả lời mà chúng tôi cần có cho sự sống còn của một xã hội như Singapore. Hệ thống chính trị của Singapore không thể “tự do”,“đối lập”, “cởi mở” và “cạnh tranh chính trị” theo kiểu phương Tây được, dân chủ đối với Singapore là cơ chế điều chỉnh để đáp ứng được những nhu cầu của đất nước”.
Sự ổn định tiền tệ, một ngân sách cân bằng và thu thuế thấp đã khuyến khích sự đầu tư đa dạng ở Singapore. Bằng cách chi tiêu không lãng phí, Singapore đã giữ được lạm phát thấp và không cần vay vốn từ các quỹ nước ngoài. Với những chính sách hợp lý về phúc lợi xã hội, tiền lương và việc làm, Lý Quang Diệu đã làm cho người dân Singapore sống đoàn kết với nhau hơn, các sắc tộc, tôn giáo liên kết chặt chẽ với nhau, cùng đồng tâm dốc sức với Nhà nước vươn lên để tiến tới một Singapore giàu mạnh.
Lý Quang Diệu với những gì nhạy bén của một luật gia, cùng với tâm huyết và tài năng đã khẳng định với thế giới rằng: Chính phủ Singapore là một trong nhưng cơ quan quyền lực thật thà, năng động và làm việc có hiệu quả nhất thế giới. Ông cũng nhấn mạnh một Chính phủ yếu kém là sự cáo chung đối với Singapore.
Đầu tiên Lý Quang Diệu cho rằng những người lãnh đạo quốc gia phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài, am hiểu thời cuộc, quyết đoán và gương mẫu. Sau đó, Lý Quang Diệu suy nghĩ rằng điều kiện tiên quyết đối với một chính quyền lương thiện là những người ứng cử không phải cần đến một số tiền lớn để được đắc cử, nếu không nó sẽ khởi sự một chu trình tham nhũng. Việc làm tiếp theo của Lý Quang Diệu là điều chỉnh lương khu vực Nhà nước ngang bằng khu vực tư nhân và mọi tài sản, thu nhập của bất cứ ai mà không giải thích được nguồn gốc đều bị tịch thu và xung công quỹ. Chẳng hạn, năm 1970, Lý Quang Diệu đã tăng lương cho các Bộ trưởng từ 2.500 SGD lên 4.500 SGD. Cứ vài năm, Lý Quang Diệu lại tăng lương cho các Bộ trưởng. Tiếp đó, Lý Quang Diệu cho rằng luật pháp phải chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh, không thiên vị, không châm chước về tội tham nhũng. Thậm chí, ở Singapore chỉ một vụ tham ô nhỏ thì cán bộ sẽ bị khai trừ khỏi vị trí việc và kéo theo đó sẽ mất một món tiền gửi tiết kiệm khá lớn, tương đương với 40% lương mỗi tháng. Bởi vậy, ở Singapore, cán bộ không cần, không dám, không muốn, không thể tham nhũng.
“Singapore chỉ giữ được sự trong sạch và lương thiện khi nào những con người lương thiện và đầy năng lực sẵn sàng tham gia ứng cử và nắm giữ chức vụ. Họ phải được trả một mức lương tương xứng với những gì mà một người có khả năng và liêm chính có thể được hưởng khi điều hành một công ty lớn hay đang làm những công việc có tính chuyên môn khác” – Lý Quang Diệu nói.
Chung Ju Jung, người sáng lập Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đã ngưỡng mộ sự phát triển của Singapore. Chung Ju Jung nhận định: “Với dân số không quá 2,5 triệu, những năm 1980 Singapore đã xuất khẩu được 225 tỷ USD, nhiều hơn 3,5 tỷ USD so với dân số 37 triệu của Hàn Quốc. Vậy động lực của họ là gì? Singapore là đất nước rất bé nhỏ, tài nguyên thì ngay cả nước uống cũng không có, cái duy nhất mà người dân nước này có chỉ là không khí. Mà trên thế giới này có nước nào lại chẳng có không khí. Thế mà người dân Singapore có thể sống một cách giàu có. Chính vì chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân nước này trong sạch”.
“Do không ai quấy rầy, do không ai thò tay đòi tiền, nên tất cả mọi người chỉ tập trung vào làm việc, chỉ suy nghĩ làm thế nào để theo đúng kế hoạch và làm việc có năng suất mà thôi… Như vậy thì đất nước không thể không phát triển”. Chung Ju Jung nhận định thêm về đất nước Singapore, nơi tập đoàn Hyundai của ông từng hợp tác.
Nuôi dưỡng và thu hút nhân tài
Lý Quang Diệu đã bày tỏ: “Đối với một đất nước nghèo tài nguyên như Singapore, với 2 triệu dân ở thời điểm độc lập 1965 thì nhân tài là yếu tố rất quan trọng… Sau nhiều năm ở trong chính phủ, tôi nhận ra rằng tôi càng có nhiều nhân tài như các vị bộ trưởng, các nhà quản trị và những người có chuyên môn cao thì các chính sách của tôi càng có nhiều ảnh hưởng, và kết quả đạt được càng tốt hơn”.

Ảnh 2: Đất nước Singapore phát triển nhanh chóng mang đậm dấu ấn của Lý Quang Diệu. Ảnh minh họa.
Với quan điểm “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”, theo Lý Quang Diệu là phải bắt đầu từ “cuộc chiến hôn nhân”. Năm 1983, các con số thống kê cho thấy tại thời điểm đó khoảng phân nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học tại Singapore là nữ, gần 2/3 trong số họ không lập gia đình. Bên cạnh đó, chỉ có 38% đàn ông tốt nghiệp đại học cưới vợ cùng trình độ. Một nghiên cứu được thực hiện ở Minesota (một tiểu bang vùng Trung Tây của nước Mỹ) do Chính phủ Lý Quang Diệu thực hiện cho kết quả: 80% bản chất con cái phụ thuộc vào di truyền và 20% còn lại là kết quả của sự nuôi dưỡng. Một phân tích khác lại cho thấy trên 50% số học sinh giành được 100 học bổng giỏi nhất, có ít nhất bố hoặc mẹ là người có chuyên môn hay làm chủ doanh nghiệp. Do đó, người dân Singapore dần bị thuyết phục rằng các bậc cha mẹ học càng cao, thì dường như càng có nhiều con cái đạt được những bằng cấp tương tự.
Sau khi giành được độc lập (1965), mặc dù phần lớn người Singapore và chính bản thân Lý Quang Diệu cũng là một người gốc Hoa, nhưng với tư cách là Thủ tướng Singapore, ông lại đệ trình Chính phủ không chọn tiếng Hoa mà là tiếng Anh để làm ngôn ngữ chính cho đảo quốc này. Quyết định này được Lý Quang Diệu giải thích là sẽ giúp người dân Singapore dễ dàng tiếp xúc với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia và cả thị trường mới nổi là Ấn Độ, Malaysia, những nước có số người sử dụng tiếng Anh rất cao và lại rất gần Singapore. Do đó, Chính phủ Singapore chủ trương mọi người đều phải học và sử dụng tiếng Anh. Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nhắc nhở dân chúng rằng, nếu không học tiếng Anh, Chính phủ sẽ không đảm bảo được việc làm cho mỗi người.
Nhờ sử dụng tiếng Anh, Singapore dễ dàng thu hút được nhân tài là người nước ngoài. Lý Quang Diệu nhấn mạnh: “Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được. Họ chính là những megabytes bổ sung cho chiếc computer Singapore”. Việc tìm kiếm nhân tài trên toàn cầu có hệ thống này Singapore đã thu hút được vài trăm sinh viên tốt nghiệp xuất sắc mỗi năm. Nó bù lại khoản hao mất chừng 5% đến 10% số người có trình độ di dân đến các nước công nghiệp khác hàng năm. Kết quả, vào những năm 90, dòng nhân tài chảy vào thông qua việc tích cực tuyển dụng đạt gấp 3 lần dòng chảy ra.
Về kinh tế, từ những năm 1980, Singapore học tập Nhật Bản, nước cũng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, lấy công nghệ làm cơ sở. Lý Quang Diệu đã thấy được phải cạnh tranh với các nước láng giềng về gia công sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản. Theo Lý Quang Diệu: “tiền đồ của chúng ta là chế tạo sản phẩm bán ra nước ngoài, cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Tiền đồ lớn hơn của chúng ta là ở chổ “phục vụ trí óc”, đặc biệt là ở phần mềm của máy vi tính điện tử”.
Lý Quang Diệu cũng nói rõ: “Những gì mà chúng ta thành công trong ba thập niên qua không có gì bảo đảm để cho chúng ta cũng thành công như vậy trong tương lai. Nhưng chúng ta sẽ không bị thất bại nếu chúng ta tiếp tục hành động theo nguyên tắc cơ bản đã giúp chúng ta thành công: sự gắn kết xã hội trên cơ sở chia sẻ những thành tựu của tiến bộ; cơ may cho tất cả mọi người và tiêu chí toàn tài trong việc lựa chọn những người phù hợp nhất trong từng công việc, đặc biệt những người lãnh đạo trong Chính phủ”.
Khi Lý Quang Diệu rời bỏ chức vụ Thủ tướng Singapore vào năm 1990, đất nước này đã có Chính phủ “sạch” bậc nhất thế giới; tổng giá trị sản phẩm quốc dân đầu người của Singapore đứng thứ ba châu Á (sau Nhật Bản và Hồng Kông); là trung tâm lọc dầu lớn thứ 3 (sau Houston của Mỹ và Rotterdam của Hà Lan); và cũng là cảng lớn thứ 3 trên thế giới (sau Rotterdam của Hà Lan và Hồng Kông); thị trường ngoại hối của Singapore đứng thứ 5 trên thế giới chỉ sau London, New York, Tokyo và Thụy Sỹ; là trung tâm khoa học kỹ thuật cao có tính chất toàn cầu, cũng là nơi sản xuất ổ cứng vi tính lớn nhất, sản lượng chiếm 77% tổng sản lượng của thế giới, chủ yếu bán cho Mỹ...
Nguyễn Văn Toàn