Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng Việt Nam
Đại tướng Chu Huy Mân (bên phải) trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
tại Hội trường Ba Đình vào ngày 12/11/2002. Ảnh tư liệu lịch sử.
Từ buổi ban đầu tham gia cách mạng cho đến khi giữ những cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, đồng chí Chu Huy Mân (1913-2006) luôn hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Gắn bó mật thiết và quan tâm sâu sắc đến đồng bào dân tộc thiểu số
Cuối năm 1946, Đảng và Chính phủ dời lên Việt Bắc để lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong giai đoạn 1947 – 1949, đồng chí Chu Huy Mân được Đảng và Chính phủ tin tưởng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng ban Kiểm tra Đảng; Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc; Trung đoàn trưởng kiêm Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 và Trung đoàn 174. Đồng chí Chu Huy Mân đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 72 tham gia Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947; chỉ huy Trung đoàn 174 tham gia đánh trận then chốt Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới 1950. Sau đó, đồng chí Chu Huy Mân là Phó Chính ủy, Chính ủy Ðại đoàn 316, Bí thư Đảng ủy Ðại đoàn 316 (tháng 5/1951). Đồng chí Chu Huy Mân đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, từ Bắc Giang đến Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ tháng 5/1958 đến tháng 12/1960, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương quyết định làm Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Quân khu Tây Bắc với nhiệm vụ xây dựng Tây Bắc thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng nước ta để phối hợp với căn cứ địa của Lào giáp với Tây Bắc nước ta là hai tỉnh Hủa Phăn và Phongxalỳ. Đồng chí Chu Huy Mân cũng đã góp phần quan trọng xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Quân khu Tây Bắc có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập được thành tích trong kháng chiến chống Pháp nhưng chưa được tổ chức giáo dục để kết nạp Đảng. Trong khi đó, địa bàn Quân khu Tây Bắc rộng lớn, việc đến các thôn, bản rất khó khăn vì đường sá vừa xa, vừa xấu, nhiều nơi không có đảng viên. Trước tình hình đó, đồng chí Chu Huy Mân cùng tập thể lãnh đạo tổ chức kế hoạch giáo dục phát triển đảng viên mới từ nguồn đồng bào từng tham gia kháng chiến, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, vừa bảo đảm nguyên tắc xây dựng Đảng nhưng vừa sáng tạo phù hợp thực tiễn. Sau hơn một năm kiên trì triển khai kế hoạch, hầu hết nông thôn Tây Bắc đã có cơ sở đảng. Mấy năm sau, trong đội ngũ đảng viên người dân tộc thiểu số, có nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt cấp huyện. Qua đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng tại Quân khu Tây Bắc được nâng lên rõ rệt.
Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Quân khu Tây Bắc Chu Huy Mân
(ngoài cùng bên trái) tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm, nói chuyện với cán bộ,
chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc (1959).
Thực hiện nghĩa vụ quốc tế vô sản cao cả và trong sáng
Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả và trong sáng, coi giúp bạn như giúp mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã cử bộ đội ta giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh quân Tưởng Giới Thạch. Tại Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (từ tháng 6 đến tháng 10/1949), bộ đội ta đã phối hợp với lực lượng địa phương của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến công quân của Tưởng Giới Thạch. Trong đó, đồng chí Chu Huy Mân đã chỉ huy Trung đoàn 74 sang giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng Giới Thạch, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn thắng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đánh chiếm hai tỉnh Quảng Đông vả Quảng Tây, góp phần vào việc giành thắng lợi cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa đến sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10/1949.
Từ năm 1954-1960, đồng chí Chu Huy Mân hai lần được Đảng, Nhà nước ta giao nhiêm vụ làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại nước bạn Lào. Đồng chí Chu Huy Mân đã giúp xây dựng Quân giải phóng Lào nhằm bảo vệ và xây dựng nơi tập kết của lực lượng cách mạng Lào ở hai tỉnh Hủa Phăn và Phongxalỳ. Một thành công đặc biệt trong việc giúp cách mạng Lào là đồng chí Chu Huy Mân đã xây dựng và phát triển Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đối với Quân đội Pathét Lào. Tháng 1/1961, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đồng chí Chu Huy Mân đã quyết định rút lực lượng vũ trang cách mạng khỏi Viên Chăn và tiến công quân sự giải phóng toàn bộ Cánh đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng, đưa nơi đây thành thủ đô kháng chiến của nhân dân Lào, tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển.
Những cống hiến to lớn với cách mạng Việt Nam
Tháng 8/1945, đồng chí Chu Huy Mân trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa của nhân dân chiếm thành Quảng Nam, chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang hỗ trợ cho các huyện, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tại tỉnh Quảng Nam giành thắng lợi. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh khởi nghĩa thành công sớm nhất trong cả nước, góp phần thúc đẩy Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc giành thắng lợi hoàn toàn.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Chu Huy Mân lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Tài thao lược của đồng chí Chu Huy Mân gắn liền với nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Quân khu 4 Chu Huy Mân (Ngoài cùng bên trái)
tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh Nghệ An (1961).
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của địch. Khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào chiến trường miền Nam, đồng chí Chu Huy Mân khẳng định: Bộ đội chủ lực không thể xé nhỏ, phân tán, đánh nhỏ, đánh tiêu hao, mà phải tác chiến tập trung ở quy mô thích hợp, đủ sức đánh tiêu diệt từng đơn vị địch; muốn vậy, Quân khu 5 phải khẩn trương phát triển các đơn vị lên quy mô trung đoàn, sư đoàn chủ lực, thực hiện tác chiến linh hoạt trên từng địa bàn, tạo thế cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ. Nhờ đó, năm 1965, từ hai trung đoàn, Quân khu 5 đã phát triển thành hai sư đoàn chủ lực.
Suốt thời gian gắn bó với mảnh đất Khu 5 - Tây Nguyên, tài thao lược của đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, nổi bật như chiến thắng Ba Gia tiêu diệt chiến đoàn quân ngụy, chiến thắng lừng lẫy Plâyme- Ia Đrăng, tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp ngụy và lần đầu tiện tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ, chiến thắng giải phóng Đà Nẵng... góp phần cùng quân, dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất (30/4/1975), đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục giữ chức Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5. Tháng 3/1977 – 12/1986, đồng chí Chu Huy Mân đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Ðảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Ðảng ủy Quân sự Trung ương. Năm 1980, đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao kiêm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt. Đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào tháng 7/1981.
Là người phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tháng 12/1986, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, về với cuộc sống đời thường, đồng chí Chu Huy Mân vẫn có nhiều trăn trở, tiếp tục có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Đảng và Quân đội.
Với những công lao đóng góp to lớn và đặc biệt xuất sắc, đồng chí Chu Huy Mân được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (năm 1958), phong vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng (năm 1974) và phong quân hàm Đại tướng (năm 1980). Ðồng chí Chu Huy Mân được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa II, VI, VII. Đồng chí Chu Huy Mân được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và nước bạn.
Với 93 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, 61 tuổi quân, đồng chí Chu Huy Mân đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân, đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Chu Huy Mân là một tấm gương đạo đức cao đẹp của người cán bộ cách mạng hết lòng vì nước, vì dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Điều đó nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nêu cao ý chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện noi theo.
Nguyễn Văn Toàn