Dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các di tích lịch sử tại tỉnh Sơn La
DẤU ẤN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUA CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI TỈNH SƠN LA
TS. Đặng Thị Hồng Liên - TS. Lường Hoài Thanh
Trường Đại học Tây Bắc
Tóm tắt: Nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong hai ngày 7 – 8/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên thăm và nói chuyện với đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị Thái – Mèo (Thủ phủ: Thuận Châu – Sơn La). Những nơi được Bác Hồ đến thăm đã trở thành những di tích lịch sử không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân các tộc Sơn La. Kỳ đài và Đài tưởng niệm Bác Hồ tại Thuận Châu, Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Yên Châu, Di tích Nơi Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ công nhân nông trường Mộc Châu là những bằng chứng cho tình cảm kính yêu chân thành của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đối với Bác, đồng thời là cầu nối chuyển tải tới chúng ta những tư tưởng đạo đức, tác phong của Người, tiếp thêm sức mạnh để đồng bào các dân tộc vững bước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Người đã lựa chọn.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một Người Cha vĩ đại, Người luôn quan tâm đến cuộc sống của đồng bào các dân tộc, nhất là vùng khó khăn, tuyến lửa trong kháng chiến cách mạng. Xuyên suốt trong tư tưởng của Người về Tây Bắc là làm sao cho đồng bào các dân tộc được cơm no áo mặc, được học hành để có điều kiện tiến kịp với miền xuôi. Người quan tâm từ những việc lớn đến việc nhỏ, lo cho đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, kinh tế được phát triển, đời sống được cải thiện, sao cho chế độ mới phải khác hẳn với thời thực dân, phong kiến áp bức bóc lột đồng bào.
Vì vậy, trong những năm tháng lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, dù bận trăm công nghìn việc, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam đang bước sang giai đoạn mới, Người vẫn luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc những tình cảm trìu mến, dù là nhỏ nhất. Lớn hơn, tình cảm đó đã được thể hiện bằng hành động thiết thực, đó là Người đã có một chuyến đi lên thăm và động viên đồng bào các dân tộc Tây Bắc, trong đó có nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.
Ngày 7/5/2019 đã trở thành mốc son quan trọng đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân Sơn La nói riêng, bởi đó không chỉ là ngày kỉ niệm lần thứ 65 chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn bởi chính ngày này 60 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị Thái – Mèo.
Dù thời gian Bác đến thăm chỉ diễn ra trong hai ngày ngắn ngủi (từ ngày 7 – 8/5/1959) nhưng rất nhiều những kỉ niệm sâu sắc và ấn tượng về Bác không phai nhòa với người dân Sơn La ngày ấy và đến tận bây giờ. Những nơi được Bác Hồ đến thăm đã trở thành những di tích lịch sử không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân các tộc Sơn La nói chung và nhân dân các huyện Thuận Châu, Yên Châu và Mộc Châu nói riêng. Chính những di tích ấy đã nói lên những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm, tình cảm của Bác dành cho nhân dân các dân tộc Sơn La, là nguồn cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong kháng chiến chống đế quốc giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.
2. NỘI DUNG
2.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân các dân tộc Sơn La.
Ngay sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù phải cùng với Chính phủ đối mặt với hàng ngàn khó khăn thử thách nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Tháng 6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới toàn thể đồng bào, các cơ quan, đoàn thể và cán bộ liên tỉnh Sơn – Lai. Bức thư có đoạn: “Sơn – Lai tuy ở xa Chính phủ nhưng lòng Chính phủ vẫn gần Sơn – Lai. Chính phủ biết rằng nhân dân Sơn – Lai đoàn kết và trung thành. Các cơ quan và đoàn thể gần gũi dân chúng. Các cán bộ cố gắng và tận tụy. Nam nữ dân quân du kích hăng hái diệt giặc lập công”. Người nhắc nhở đồng bào Sơn - Lai “đã cố gắng, nay phải cố gắng thêm, thi đua ái quốc, tăng gia sản xuất, cố gắng học tập, ra sức đánh giặc, đẩy mạnh cầm cự chuẩn bị tổng phản công. Tất cả để chiến thắng”. Cuối thư, Người viết “Tôi gửi lời riêng hỏi thăm các cụ phụ lão và hôn các cháu nhi đồng”[1].
Sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc bước vào thời kì xây dựng Xã hội chủ nghĩa, Bác vẫn luôn quan tâm đến đồng bào Tây Bắc. Do đặc thù của các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Khu tự trị Thái – Mèo. Nghị quyết Trung ương Đảng nêu rõ “thành lập khu tự trị ở đây, sẽ phát huy được mọi khả năng của các dân tộc, làm cho các dân tộc phát triển mau chóng về mọi mặt, kinh tế, văn hóa, xã hội, các dân tộc ấy sẽ phấn khởi và tin tưởng vào chính sách của Đảng và Chính phủ, do đó ảnh hưởng đến các dân tộc thiểu số trong toàn quốc. Khu tự trị là một bộ phận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa theo đường lối Chính phủ Trung ương và dưới quyền lãnh đạo thống nhất của Chính phủ Trung ương”[2]. Ngày 7/5/1955, nhân kỉ niệm một năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tại lễ ra mắt Hội đồng nhân dân Khu tự trị Thái - Mèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư mừng và chỉ rõ: “Mục đích lập Khu tự trị Thái – Mèo là làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hóa của mình để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt. Khu tự trị Thái – Mèo được thành lập là bộ phận khăng khít trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng với các dân tộc anh em khác đoàn kết thành một khối như ruột thịt. Nó sẽ luôn được sự giáo dục, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, sự giác ngộ của các dân tộc anh em khác. Khu tự trị Thái – Mèo của chúng ta ngày nay là dân chủ, nó khác hẳn với “xứ Thái tự trị” giả hiệu của địch trước đây, mục đích là để chia rẽ và áp bức các dân tộc. Đồng bào Tây Bắc có cái vinh dự đặc biệt: Là thành lập khu tự trị đầu tiên, vì vậy đồng bào Tây Bắc cũng có nhiệm vụ đặc biệt là phải cố gắng làm gương mẫu cho những khu tự trị khác sẽ dần dần thành lập sau này. Để xứng đáng với vinh dự to lớn ấy và để làm trọn nhiệm vụ cao quý ấy, đồng bào khu tự trị Thái – Mèo cần:
- Phải đoàn kết chặt chẽ giữa tất cả các dân tộc, phải thân ái giúp đỡ lẫn nhau như anh em.
- Phải thi đua tăng gia sản xuất, làm cho mọi người áo ấm, cơm no.
- Phải luôn luôn tỉnh táo và sẵn sàng chống âm mưu chia rẽ và phá hoại của địch.
- Đảng, chính phủ trong toàn thể nhân dân đồng tâm hiệp lực làm cho khu tự trị ngày càng thêm phát triển”.[3]
Trong những năm 1955 – 1960, tình hình trật tự trị an trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn biến rất phức tạp. Lợi dụng cuộc sống khó khăn, trình độ giác ngộ của nhân dân các dân tộc còn hạn chế, các thế lực phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá như: phao tin, đồn nhảm, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động chia rẽ dân tộc. Ở những vùng xung yếu thế lực này tung gián điệp, biệt kích móc nối với bọn phản động bên trong, kích động gây bạo loạn, phá rối trật tự trị an, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới.
Trước tình hình đó, nhân dịp Kỷ niệm 05 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với đồng bào Tây Bắc trong Lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể tại Kỳ đài huyện Thuận Châu, Sơn La (là thủ phủ của Khu tự trị Thái - Mèo). Cùng đi với Người có đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Tố Hữu và đoàn đại biểu Chính phủ. Nhân dân các dân tộc Sơn La có vinh dự được thay mặt nhân dân các dân tộc trong Khu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chuyến thăm Sơn La của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai ngày 7 – 8/5/1959 thể hiện sự quan tâm, mong mỏi và kỳ vọng của Người đối với Tây Bắc mà Người đã gửi gắm trong bức thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái – Mèo 7.5.1955. Ngày này, trở thành một dấu ấn không bao giờ phai trong ký ức của nhân dân Sơn La về Bác Hồ.
Đúng 6h30 phút, ngày 7/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị cùng đi tiến vào lễ đài tại sân vận động huyện Thuận Châu. Hơn một vạn đồng bào đại diện cho hơn 30 dân tộc Khu tự trị Thái - Mèo đến dự mít tinh kỷ niệm 5 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong niềm hân hoan cùng với tiếng hô to vang dội: "Pú Hồ xen pi, Hồ chủ tịch muôn năm". Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ tay vẫy chào thân thiết và ra hiệu cho mọi người im lặng, cả rừng người im lặng phăng phắc, lắng tai nghe. Người khen ngợi bộ đội, cán bộ và nhân dân Tây Bắc đã có cố lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và phong kiến, truy quét Phỉ cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, khôi phục kinh tế. Người đã nói: “Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Khu tự trị và kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ…Tôi có lời thân ái chào mừng đồng bào các dân tộc, toàn thể bộ đội và cán bộ… Trong mấy năm kháng chiến, đồng bào và bộ đội đã đoàn kết chặt chẽ với nhau kháng chiến anh dũng, bảo vệ bản mường, đại thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ, giải phóng đất Tây Bắc, góp phần giành lại tự do độc lập của Tổ quốc chúng ta. Từ khi hòa bình lập lại, đồng bào các dân tộc, bộ đội và cán bộ lại càng đoàn kết chặt chẽ, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải thiện đời sống”[4].
Người dặn dò bộ đội, cán bộ Đảng viên và thanh niên những vấn đề rất cụ thể. Người nói: “Tôi mong rằng đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã thi đua càng ra sức thi đua hơn nữa, để hoàn thành kế hoạch Nhà nước, để làm cho Khu tự trị ngày càng giàu có, để góp phần củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng bào Khu tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay, đồng bào, bộ đội, cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”[5].
Trong không khí ấm áp của đại gia đình các dân tộc, Người thay mặt Đảng và Chính phủ trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất cho toàn thể Quân, Dân, Chính, Đảng Khu tự trị Thái - Mèo về những thành tích trong kháng chiến và những tiến bộ trong hoà bình. Người cũng thay mặt nhân dân Thủ đô Hà Nội trao cho nhân dân các dân tộc Khu tự trị Thái - Mèo bức trướng mang dòng chữ: "Đoàn kết - Thi đua - Thắng lợi" được thêu bằng chữ Việt và chữ Thái, Người ân cần căn dặn: "Đồng bào và bộ đội, cán bộ Tây Bắc cần ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, đưa Tây Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội làm cho đời sống ngày càng ấm no và vui tươi hơn nữa… Tôi chúc tất cả:
Người người mạnh khỏe,
Đoàn kết chặt chẽ,
Hăng hái thi đua,
Thành công vui vẻ". Nói xong Bác hỏi bằng tiếng Thái: "Pi noọng hụ báu (đồng bào có hiểu không?). Một phút im lặng, ngỡ ngàng như chợt hiểu ra lời Bác hỏi, cả rừng người sôi động reo lên:" Hiểu ạ, hiểu ạ!", nhiều cụ già thấm vội những giọt nước mắt vui sướng trước sự quan tâm sâu sắc của Bác dành cho.
Đồng chí Lò Văn Hặc, Chủ tịch Khu tự trị Thái - Mèo thay mặt nhân dân các dân tộc trong Khu đọc diễn văn chào mừng Bác cùng đoàn Đại biểu Chính phủ, nhân dân các dân tộc tặng Người những sản vật địa phương từ những thứ rất bình dị như: rau, quả, gà vịt, ghế mây đến những thứ rất quí như: Vải thổ cẩm, ngà voi... Đây là những sản vật do chính người dân làm ra đem kính tặng Người, điều đó thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng đối với Bác.
Bác Hồ thân mật nói chuyện với đại biểu phụ nữ các dân tộc, với các cháu thiếu nhi, xem đoàn văn công Khu tự trị biểu diễn chào mừng Người. Bác đến đâu nhân dân vây kín đến đó, ai cũng muốn được gần Bác, được nghe giọng nói ấm áp và những lời chỉ bảo sâu sắc của Người.
Sau mít tinh là cuộc tuần hành biểu dương lực lượng. Đi đầu là đoàn đại biểu đại diện cho 30 dân tộc của vùng Tây Bắc, rồi đến đội ngũ anh hùng, chiến sỹ, thi đua, các khối công nhân, nông dân, bộ đội, cán bộ, học sinh, văn nghệ, thể dục thể thao diễu qua lễ đài. Ai cũng hướng về Bác để khắc sâu hơn nữa hình ảnh của Người.
Thời gian thật ngắn ngủi, ai cũng muốn Bác ở lại thêm và mong Bác về thăm từng xóm xa, bản nhỏ, bà con tin rằng sẽ có dịp đón Bác trở lại thăm đồng bào và chứng kiến sự đổi mới vượt bậc của miền Tây Bắc xa xôi. Sau này, tuy không có dịp trở lại nhưng Bác vẫn viết thư thăm hỏi động viên và dõi theo từng bước đi lên của các dân tộc Tây Bắc.
Sáng ngày 8 tháng 5 năm 1959, nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm. Một cuộc mít tinh lớn đón Bác cùng phái đoàn Chính phủ của hơn 2000 cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc quanh huyện lỵ tại sân bản Khoóng (xã Chiềng An). Nghe tin Bác Hồ đến thăm, ai cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất, mang theo cờ hoa, biểu ngữ đi đón Bác. Niềm hạnh phúc thiêng liêng ấy đã đến. Rừng người, rừng cờ sôi động hẳn lên khi Bác xuất hiện trên lễ đài. Những tràng vỗ tay vang lên không ngớt, Bác giơ tay vẫy chào và mời đồng bào ngồi xuống. Cả rừng người lặng im trong tiếng nói ấm áp, ân tình của Người.
Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong huyện. Bác khen:"... Đảng, Chính phủ và Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào Châu nhà trong kháng chiến đã tổ chức du kích đánh Tây rất tốt, đã giúp đỡ bộ đội, cán bộ đánh Tây. Thế là tốt. Đặc biệt đồng bào vùng cao sinh hoạt gian khổ, trong kháng chiến rất anh dũng, Đảng và Chính phủ tỏ lời khen. Từ ngày hoà bình lập lại, đồng bào, cán bộ đoàn kết rất tốt, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, học bình dân như thế là tốt...”[6] Với phong cách giản dị, lời nói ngắn gọn, so sánh dễ hiểu, tình cảm giữa lãnh tụ và nhân dân trở nên thân thiết bao nhiêu trong niềm vui khôn xiết. Ai cũng bùi ngùi cảm động khi nghe Bác thổi khèn bè của nhân dân Yên Châu dâng tặng Bác và hỏi thăm bằng tiếng dân tộc. Bác căn dặn cán bộ, bộ đội và nhân dân Yên Châu trên tất cả các mặt:"... Đẩy mạnh sản xuất, làm thuỷ lợi, bảo vệ rừng, xây dựng tổ đổi công hợp tác xã, xoá mù chữ, giữ vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự, tích cực giúp đỡ đồng bào vùng rẻo cao, đặc biệt là phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này..."; “muốn sung sướng hơn phải làm thế nào? Phải sản xuất cho tốt. Ví dụ: khi trước cấy 1 mẫu được 100 gánh, bây giờ đồng bào phải cố được 150, 200 gánh. Muốn như thế phải làm thế nào? Phải cải tiến kỹ thuật. Phải cải tiến kỹ thuật là đúng. Nhưng có việc phải làm trước hết là phải tổ chức tổ đổi công thật tốt rồi tiến lên hợp tác xã thật tốt. Mỗi một người phải coi tổ đổi công, hợp tác xã như nhà mình”.[7]
Người còn chỉ bảo cho nhân dân phương thức, kĩ thuật canh tác: “Bác được biết ở đây nhiều chỗ ruộng thiếu nước… Làm thế nào cho có nước? Mỗi năm mưa xuống rất nhiều nước. Khi mưa xuống nước nhiều bị ngập, khi nắng lên thì lại bị cạn. Muốn làm cho được hai mùa thì phải giữ nước. Muốn giữ nước phải làm thủy lợi. Đồng bào có nghe thấy đồng bào Điện Biên làm thủy lợi không? Đồng bào Điện Biên làm thủy lợi rất tốt, mà đồng bào tự làm lấy. Đồng bào Điện Biên làm được thì đồng bào Yên Châu cũng làm được…
Đào một cái mương dài 1 cây số, một gia đình không làm được, hai gia đình cũng không đào được. Hai mươi nhà, bốn mươi nhà tổ chức nhau lại mới làm được. Có đúng thế không? Vì vậy, đồng bào phải tổ chức nhau lại làm tổ đổi công, hợp tác xã… làm mương phai tốt để có nhiều nước làm được 2 mùa… Người ta chỉ uống nước thôi mà không ăn cơm có sống được không? Lúa chỉ có nước, không có ăn cũng không tốt. Ngô, lúa, khoai, sắn, mía nó ăn gì? Nó ăn phân. Lúa ăn phân nhiều lúa càng tốt.
Bác đã đi qua thấy phụ nữ lấy cây re chọc đất để giồng lúa nương. Như thế rất tốn công mà không tốt. Muốn cho lúa, ngô, khoai, sắn tốt, phải cày sâu, bừa kĩ”[8].
Người còn nói thêm, dặn dò đồng bào về bảo vệ rừng, xóa nạn mù chữ… mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: “Một điều nữa, Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông… Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả.
…Châu nhà chưa xóa xong nạn mù chữ. Như thế là còn kém, đúng không? Bây giờ phải cố gắng. Hết năm nay nữa, năm sau phải xóa cho xong nạn mù chữ. Đối với công việc này, thanh niên và nhi đồng phải góp nhiều vào đấy.
Ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to…Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ.
Đồng bào phải cảnh giác, chớ nghe tuyên truyền bậy bạ. Thấy kẻ nào nói bậy bạ phải giúp công an, Ủy ban hành chính xã, châu giáo dục…
Một điểm nữa, đồng bào muốn no ấm hơn phải cố gắng sản xuất. Nhưng chỉ sản xuất đã đủ chưa? Chưa đủ. Ví dụ: Nhà Bác ở đây làm được 200 gánh, nhưng lại xa phí, uống rượu một phần, làm cưới một phần, làm ma một phần, còn một ít để ăn Tết nữa. Như thế là hết sạch thì có nên không? Vì vậy, đã tăng gia sản xuất phải thực hành tiết kiệm… ăn mặc một phần, rượu bớt đi, cưới cũng giảm, ma chay cũng giảm bớt đi (cái này các cụ già hơi khó làm), còn thừa đem bán mua thêm trâu bò.
Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc… đều là anh em ruột thịt một nhà… Cũng ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gãy. Bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gãy được không?... Các cháu phải học tập cho tốt, lao động cho tốt, giữ gìn vệ sinh cho tốt, giữ kỷ luật cho tốt”[9]
Sau đó Bác dặn riêng cán bộ: "... Cán bộ từ trên xuống dưới... đều là đầy tớ của nhân dân tức là cán bộ phải chăm lo đời sống của nhân dân, phải giúp đỡ dân tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã, dân quân, cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức ở đó thật vững mới thôi. Chỗ nào nhân dân cần đến mình thì mình phải đến, bất kỳ chỗ nào cũng là Tổ quốc, là đất nước, cũng là đơn vị công tác cán bộ. Vì vậy, cán bộ địa phương cùng cán bộ nơi khác đều phải đoàn kết thương yêu nhau, làm gương cho nhân dân địa phương”[10].
Hình ảnh và những lời dặn dò, sự chỉ bảo ân cần của Bác mãi mãi in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Yên Châu, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vượt qua khó khăn thử thách, vững bước đi lên xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Sau khi dự lễ mít tinh kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, tại Thuận Châu, thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân huyện Yên Châu, Bác Hồ đã tới thăm cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu.
Trong niềm hân hoan, phấn khởi của đồng bào Mộc Châu lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, ai cũng nô nức mang theo cờ hoa, biểu ngữ đi đón Bác. Tại đây, Bác đã dành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Mộc Châu. Bác ân cần thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tại Châu uỷ, sau đó đến thăm cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu. Với giọng nói ấm áp và giàu tình cảm, Bác thăm hỏi sức khoẻ, đời sống cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc, Bác khen ngợi thành tích đã đạt được trong mấy năm qua và sự trưởng thành nhanh chóng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Mộc Châu. Bác thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, chị em gia đình bộ đội lên xây dựng nông trường và ứng khẩu tặng hai câu thơ:
"Công tư vẹn cả đôi bề
Xây dựng xã hội chủ nghĩa gần kề phu quân"
Bác khen: "... các cô, các chú chăn nuôi bò là rất tốt, đã có con bò vắt được 7 lít sữa mỗi ngày, nhưng khi xây dựng chủ nghĩa xã hội khá thì nhất định không phải là 7 lít mà phải là 27 lít hoặc hơn nữa..."[11]
Bác khen đơn vị bước đầu ra quân trên trận tuyến mới đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, lập được nhiều thành tích. Bác đề nghị Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động cho cán bộ, chiến sĩ nông trường Mộc Châu, Bác dặn: "... Con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội còn nhiều khó khăn, gian khổ nên từ cán bộ đến chiến sĩ phải đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, tích cực hơn nữa trong lao động sản xuất. Cán bộ yêu thương chiến sĩ, chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần và quan tâm đến tâm tư, tình cảm của chị em...". Bác ân cần khuyên nhủ: "... Mọi người phải ăn ở sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ, phải chú ý chăm sóc dạy dỗ các cháu, những người chủ tương lai..." [12].
Trước khi chia tay, Bác lưu lại trong sổ vàng truyền thống của nông trường 16 chữ vàng:
"Luôn luôn cố gắng
Khắc phục khó khăn
Tiến lên thật hăng
Làm tròn nhiệm vụ"
Từ sau ngày Bác Hồ lên thăm, cả nông trường bừng lên khí thế thi đua lao động sản xuất, cải tạo thảo nguyên. Những lời dạy ân cần của Bác đã trở thành nghị quyết của Đảng uỷ, thành nhiệm vụ của nông trường, là mục tiêu hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và công nhân Nông trường Mộc Châu.
Sau những năm chiến đấu và xây dựng với những bàn tay và khối óc của cán bộ, chiến sĩ, công nhân Nông trường Mộc Châu, bộ mặt của nông trường đã biến đổi nhanh chóng và lớn mạnh vượt bậc. Từ một nông trường quân đội nhỏ bé đang tập đi những bước ban đầu đầy khó khăn thử thử thách, nay đã trở thành một liên hiệp các xí nghiệp công - nông hiện đại với qui mô sản xuất lớn, biến vùng thảo nguyên hoang vu xưa kia thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, trở thành một thị trấn mới sầm uất, nhộn nhịp, tràn đầy sức sống.
2.2. Dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Sự giản dị, thân mật và đầm ấm như đến với người thân trong gia đình mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Sơn La năm 1959 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân các dân tộc Sơn La. Những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhất như đoàn kết, lao động sản xuất, xóa mù chữ… đều là những vấn đề thiết thực, sát với đời sống của đồng bào và vẫn còn giá trị đến hôm nay. Để thể hiện tấm lòng tha thiết, tình cảm kính yêu chân thành đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỉ niệm nơi Người đến thăm, UBND tỉnh Sơn La đã quyết định xây dựng các công trình tưởng niệm có ý nghĩa.
* Di tích lịch sử Kỳ Đài Thuận Châu là một di tích quan trọng và ý nghĩa đối với nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu nói riêng và Khu Tây Bắc nói chung. Trước năm 1959 Kỳ đài có tên gọi là Kỳ đài quảng trường Thủ phủ Khu tự trị Thái - Mèo, đến năm 1976 Khu tự trị Tây Bắc giải thể Kỳ đài thuộc huyện Thuận Châu quản lý, từ đó có tên là Kỳ đài Thuận Châu.
Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu cách trung tâm huyện lỵ 1km về phía Tây, có tổng diện tích 9000m2 nằm trên khu vực bản Pán. Theo hướng Tây Bắc, kỳ đài được đặt tại sân vận động của huyện và cách quốc lộ 6A 100m. Di tích cách trung tâm thành phố Sơn La 34km về hướng Tây Bắc đi theo quốc lộ 6A, và cách trung tâm huyện lỵ Thuận Châu 1km.
Đến di tích ta có thể đi theo 2 đường: Từ trung tâm thị trấn Thuận Châu đi theo quốc lộ 6A theo hướng Tây Bắc khoảng 1m, ta gặp đường 26/3 về phía tay phải, ta rẽ theo đường 26/3 khoảng 100m là tới di tích; Từ thị trấn ta theo đường đi vào trường Cao đẳng Sư phạm (Nay Trường chuyển về thành phố Sơn La giiao lại khuôn viên cho Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Châu), qua trường ta vòng xuống sân vận động là tới di tích.
Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu được khởi công xây dựng từ tháng 3/1959 đến đầu tháng 5/1959 hoàn thành. Kỳ đài được xây cao 01 mét, chiều rộng 11 mét, chiều dài 30 mét. Đằng sau kỳ đài có tường chắn cao 04 mét chiều dài 11,20 mét. Kỳ đài được xây hình vòng cung, hai bên có bậc lên xuống. Ngày nay đã trở thành di tích lịch sử lưu niệm ghi dấu sự kiện trọng đại ngày 7/5/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với đồng bào, quân, dân các dân tộc Sơn La. Nơi giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ, cũng là nơi thường diễn ra các lễ hội truyền thống nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung và của huyện Thuận Châu nói riêng. Di tích đã được Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia (Quyết định số 1568/QĐ-BT, ngày 20/4/1995). Năm 2000 và 2009 Kỳ đài Thuận Châu đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo với các hạng mục: lễ đài, bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuôn viên xung quanh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và ngân sách nhà nước. Đặc biệt, vào ngày 7/5/2017, Nhà tưởng niệm Bác Hồ đã được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 1/1/2018. Đây là một công trình quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; giáo dục truyền thống để các tầng lớp nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Kỳ Đài Thuận Châu Nhà tưởng niệm Bác Hồ - Thuận Châu
* Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Yên Châu nằm ở phía Nam thị trấn Yên Châu và cách trung tâm huyện lỵ Yên Châu 1km xuôi về phía Hà Nội. Di tích ở phía tay phải quốc lộ 6: phía Đông (trước mặt) giáp quốc lộ 6A; phía Nam giáp đường vào bản Vặt; phía Bắc giáp bệnh viện huyện; phía Tây giáp khu tập thể bệnh viện huyện.
Ngày 13/12/2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La ban hành quyết định số 174/2004/QD-UBND xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân huyện Yên Châu lập quy hoạch, đầu tư , tu bổ, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và ngân sách nhà nước với tổng số vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng. Diện tích quy hoạch của di tích là 1.300m2 gồm các hạng mục: nhà bia, phù điêu, sân vườn, tường rào, điện thắp sáng. Công trình được khởi công ngày 3/2/2013 và khánh thành vào ngày 20/11/2013. Di tích lưu niệm nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đã trở thành một địa danh lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhân dân Yên Châu nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung.
* Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu ngày nay đã trở thành một di tích lịch sử. Di tích được Uỷ ban nhân dân huyện quan tâm quy hoạch với diện tích 3.380 m2 cho công tác bảo tồn và tôn tạo di tích. Ngày 15/9/2008, Di tích lưu niệm nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu, thuộc thị trấn Mộc Châu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La ra quyết định số 2234/QĐ-UBND công nhận là di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Công trình có tên đầy đủ là Di tích Nơi Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ công nhân nông trường Mộc Châu. Di tích nằm tại tiểu khu Xưởng Sữa, cạnh tiểu khu 19/5 và tiểu khu 77, ở một địa thế rất đẹp, trong một thung lũng tương đối bằng phẳng, có dãy núi bao bọc, che chắn phía sau, phía trước là 02 hồ nước rộng gần 2ha, đối diện là đường đi ra QL 43 (QL6 cũ).
Di tích được khởi công ngày 8/5/2009 và khánh thành ngày 12/7/2010 với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà nước và nguồn ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Công trình gồm các hạng mục: sân đỗ xe, đi dạo; sân chuyển tiếp, có bàn ghế để nghỉ tránh nắng; sân hành lễ: Gồm 2 cấp, phía trong có mái che, đặt tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới chân tượng khắc 16 chữ vàng của Bác ghi trong Sổ truyền thống của thị trấn Nông trường:
“Luôn luôn cố gắng,
Khắc phục khó khăn,
Tiến lên thật hăng
Làm tròn nhiệm vụ”
Có thể nói hệ thống các di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sơn La đã và đang được chính quyền cùng nhân dân địa phương quản lý, bảo vệ tốt, bước đầu góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ và trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong các tour du lịch hướng về cội nguồn.
Sự gìn giữ chỉnh trang khai thác các Di tích lưu niệm Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần nhằm tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho công dân, góp phần xây dựng nền văn hóa mới mà còn đáp ứng đòi hỏi tình cảm của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam hiện nay. Toàn bộ di sản Người để lại cho chúng ta là vô giá, vì vậy các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là chứng tích lịch sử về lãnh tụ của dân tộc sẽ là cầu nối chuyển tải tới chúng ta những tư tưởng đạo đức, tác phong của Người qua giá trị lịch sử, văn hóa ẩn chứa tại di tích.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Sơn La năm 1959 đã trở thành một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng, nhân dân Tây Bắc nói chung. 60 năm đã đi qua, Sơn La đã có nhiều thay đổi, phát triển vững vàng, nhưng những lời căn dặn giản dị, mộc mạc mà sâu sắc của Người còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, khẳng định Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đồng bào vùng Tây Bắc. Sơn La cũng như các dân tộc vùng Tây Bắc thực hiện và vận dụng sáng tạo lời Bác dạy, đã và đang xây dựng quê hương giàu đẹp như ý nguyện của Người.
Những di tích lịch sử ghi dấu chân Bác tại Sơn La như Kỳ đài và Đài tưởng niệm Bác Hồ tại Thuận Châu, Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Yên Châu, Di tích Nơi Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ công nhân nông trường Mộc Châu là những bằng chứng cho tình cảm kính yêu chân thành của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đối với Bác, đồng thời là cầu nối chuyển tải tới chúng ta những tư tưởng đạo đức, tác phong của Người, tiếp thêm sức mạnh để đồng bào các dân tộc vững bước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Người đã lựa chọn.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La tập 2 (1954 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (2004), Sơn La - Lịch sử kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
3. Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La (2010), Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Sơn La (1945 - 2010), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002
6. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
7. Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007.
8. http://dsvh.sonla.gov.vn/index.php?module=quangba&act=chitietdisan&id=119
9. http://sonla.gov.vn/Default.aspx?sname=ubnd&sid=4&pageid=468
10. http://yenchau.sonla.gov.vn/Default.aspx?sname=hyenchau&sid=1297&pageid=31377
11. http://mocchau.sonla.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-hdnd-ubnd/484-cong-thong-tin-dien-tu-moc-chau-mot-dia-chi-huu-ich.html
12. http://baotang.dsvh.gov.vn/vi-VN/Detail/Index/83
THE HALLMARK OF PRESIDENT HO CHI MINH THROUGH HISTORICAL SITES OF SON LA PROVINCE
Abstract. On the occasion of the 5th anniversary of Dien Bien Phu victory, on May 7-8, 1959, President Ho Chi Minh visited and talked with fellow citizens, soldiers and officers of the Thai-Meo Autonomous Region (which Capital in Thuan Chau - Son La). Places visited by Uncle Ho have became indispensable historical relics in the spiritual life of the ethnic people in Son La. The monument and the Uncle Ho memorial in Thuan Chau, Uncle Ho's historical monument talked to Yen Chau people, Monuments where Uncle Ho talked with officers and soldiers of Moc Chau farm’s workers were evidence for The sincere love of the people of Son La province for Uncle Ho and at the same time it could be a bridge to convey to us the moral ideas and behavior of President Ho. Add further strength to people of the ethnic groups to firmly follow the path of socialism that he has chosen.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, T4, tr260 – 261.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, T7, tr543 - 544
[3] Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007, tr 55 - 56
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Sơn La, Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Sơn La, Tập II (1954 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.36.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T12, tr205.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T12, tr207 - 208
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr207 - 208
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr209
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr209 – 213.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr213
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr.214.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr.215.